Cùng giữ tiếng Việt: Tìm chiếc cầu kết nối trẻ với tiếng Việt

Nguyễn Quốc Thái

Nguyễn Quốc Thái Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Có những trẻ qua Úc từ nhỏ nhưng đã phát triển năng lực tiếng Việt không khác gì những trẻ sinh ra và lớn lên ở Việt nam. Một trong những yếu tố làm nên sự thành công đó là việc bố mẹ các em đã tìm được những chiếc cầu kết nối các em với tiếng Việt.


Theo các nghiên cứu về duy trì tiếng mẹ đẻ trên thế giới, những đứa trẻ ra nước ngoài từ rất sớm, tức là trước khi đi học, cũng khó giữ tiếng mẹ đẻ như những trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.

Trong số 28 của Cùng giữ tiếng Việt tuần này, mời quý vị gặp gỡ với một vị khách mời rất đặc biệt, anh Nguyễn Quốc Thái, một người được sinh ra ở Việt nam và qua Úc khi mới bắt đầu học tiểu học nhưng nghe anh nói chuyện, người ta có cảm giác như anh đã sống hơn 40 năm ở Việt nam chứ không phải ở Úc. 

Vào những năm đầu thập niên 80, ở Úc chưa có các lớp dạy tiếng Việt cộng đồng, làm thế nào anh giỏi tiếng Việt như vậy?

Lớn lên trong một gia đình nghệ thuật và yêu đọc sách, từ bé anh đã được bà và chú đọc sách cho nghe và dạy đọc và viết từ khi mới 4-5 tuổi. Khi mới qua Úc, nguồn sách tiếng Việt không nhiều nên anh đã đọc hết những cuốn sách bằng tiếng Việt ở thư viện Marrickville ở tất cả các chủ đề từ địa lý, lịch sử đến tướng số. Đọc sách tiếng Việt như một niềm khao khát của anh với những điều thú vị xung quanh mình. Anh thấy đọc sách rất hay ở chỗ là mình đọc một cuốn thì nó làm mình luôn muốn đọc cuốn tiếp theo.  

Nếu người lớn biết khơi dậy tình yêu của trẻ với sách ngay từ bé, trẻ sẽ luôn yêu thích đọc sách và duy trì thói quen đó khi lớn lên. Đọc sách quan trọng với sự phát triển ngôn ngữ và cũng làm giàu đời sống tình cảm và tâm hồn của trẻ.

Là một người học về nhạc cổ điển và hiện đang dạy nhạc cho trẻ em ở Step-by-Step Musical Studio của riêng mình, theo anh tình yêu với âm nhạc có vai trò như thế nào trong việc duy trì và phát triển năng lực tiếng Việt của anh? 

Năm 11-12 tuổi, sau khi đọc các tiểu thuyết thời kháng chiến chống Pháp, anh bắt đầu quan tâm nghe nhạc Việt nam như nhạc Phạm Duy. Dần dần, anh thấy thích nhạc Việt hơn và từ sau năm 20 tuổi thì anh nghe nhạc Việt nhiều hơn nhạc Tây. Ngoài sách truyện, âm nhạc giống như một chiếc cầu nối anh với tiếng Việt. Chính việc nói tiếng Việt tốt đã giúp anh hiểu ca từ của các bài hát Việt hơn và ngược lại, âm nhạc làm cho anh yêu tiếng Việt và văn hóa Việt hơn. Anh thấy nhiều trẻ em nói tiếng Việt có thể chưa giỏi nhưng xem Paris by Night và hát theo rất tốt. Thế nên anh thấy mình có thể giúp trẻ học tiếng Việt qua âm nhạc.

Nếu không biết tiếng Việt cuộc sống của anh có khác không?

Thử tưởng tượng bây giờ anh không biết tiếng Việt thì anh nghĩ cuộc sống của anh sẽ rất khó khăn. Khi bé thì anh sẽ không nói chuyện được với ông bà, cha mẹ, khi lớn lên anh sẽ loay hoay khi cố tìm hiểu về cội nguồn của mình. Việc đọc sách tiếng Việt, nói tiếng Việt làm cho đời sống của anh phong phú hơn nhiều. Nói tiếng Việt giỏi còn giúp anh lấy được vợ Việt nam (cười).
Gia đình anh chị Thái
Là người Việt thế hệ thứ 2 ở Úc, anh Thái tin rằng giúp con giữ tiếng Việt là giúp con có cuộc sống hạnh phúc hơn Source: Supplied
Anh có muốn giữ tiếng Việt cho con không? 

Chắc chắn, anh rất muốn giữ tiếng Việt cho con, mặc dù anh biết điều đó có thể rất khó, đặc biệt khi các con là thế hệ thứ 3 ở nước ngoài. Anh đã cho các con học tiếng Việt trực tuyến với các thầy cô của Yêu tiếng Việt rồi sau này học tại lớp Không chỉ là tiếng Việt của cô Hà Trang tại Sydney. Gần đây, anh thấy con trai anh sau khi học tiếng Việt với cô Trang còn bắt đầu hát các bài hát tiếng Việt bằng tiếng Anh, anh thấy rất vui vì điều đó cho thấy con anh thích thú với việc học tiếng Việt. Và việc này cũng khiến anh ý thức hơn về việc vợ chồng anh phải  Việt với con ở nhà, đặc biệt là nói thuần Việt, không pha trộn tiếng Anh vào tiếng Việt khi nói chuyện với con. Khi nói tiếng Anh thì nói tiếng Anh hoàn toàn, còn khi nói tiếng Việt cũng nói tiếng Việt hoàn toàn, không nên nói vài từ tiếng Việt trong câu tiếng Anh, đấy không phải là cách dạy con tiếng Việt. 

Yếu tố gì là quan trọng trong việc giữ tiếng Việt cho trẻ ở nước ngoài? 

Việc giữ tiếng Việt cho con cần 3 yếu tố:  nhẹ nhàng, kiên nhẫn, và kiên quyết. Với con trẻ, bố mẹ và thầy cô cần nhẹ nhàng và kiên nhẫn để khuyến khích con học tiếng Việt nhưng cũng cần kiên quyết, không bỏ cuộc. Nhiều bố mẹ bỏ cuộc trước cả con vì thấy mệt mỏi, mất thời gian và không theo được việc học tiếng Việt của con. Bố mẹ có vai trò tiên quyết, bố mẹ phải yêu tiếng Việt, không nhất thiết là phải đọc thơ, làm văn nhưng phải quan tâm, cho con biết bố mẹ thích thú khi con nói tiếng Việt. Trẻ con có xu hướng làm cho bố mẹ vui, nên khi  thấy bố mẹ thích tiếng Việt, trẻ con sẽ tự động cố gắng.  

Quan trọng là cho các con biết học tiếng Việt là các con sẽ hạnh phúc hơn vì các con nói chuyện được với những người thân yêu của mình như ông bà, cha mẹ. Cho con học tiếng Việt là để con thấy các con được yêu thương, chứ không phải vì thấy người khác cho con học thì mình làm thế, hay vì sợ là mang tiếng không giữ được tiếng Việt.

Mời quý vị nghe audio của chương trình để cùng thưởng thức những bất ngờ thú vị mà anh Nguyễn Quốc Thái đem đến cho chúng ta. 

Là một người Việt thuộc thế hệ thứ 2 ở Úc nhưng anh Thái nói tiếng Việt lưu loát, dí dỏm, với phát âm chuẩn và cách dùng từ ngữ vô cùng phong phú. Anh Thái qua Úc vào những năm đầu thập niên 80 khi không có trường Việt ngữ, không có lớp dạy tiếng Việt ở trường phổ thông nên thầy cô tiếng Việt của anh chính là bố mẹ, ông bà, những người đã giúp anh nói tiếng Việt hàng ngày, tập đọc, tập viết cho anh và nuôi dưỡng tình yêu với sách truyện, một trong những con đường dẫn đến việc học một ngôn ngữ hiệu quả nhất. Khi lớn lên, anh lại có thêm một cầu nối nữa với văn hóa Việt và tiếng Việt, đó là âm nhạc. Tiếng Việt đã giúp anh hiểu được các bài hát và văn hóa Việt, và ngược lại âm nhạc giúp anh thêm yêu tiếng mẹ đẻ, yêu văn hóa Việt nam. 

Việc giữ tiếng Việt cho con em chúng ta ở nước ngoài có thể là một công việc khó khăn nhưng chúng ta có thể tìm những chiếc cầu để con đến với tiếng Việt dễ dàng hơn. Những cầu nối đó có thể là những sở thích của con như âm nhạc, sách truyện, phim hoạt hình, trò chơi, ….. Cho con nghe và học các bài hát thiếu nhi bằng tiếng Việt, đọc truyện tranh như truyện Doraemon bằng tiếng Việt với con, cho con xem những bộ phim hoạt như Peppa Pig bằng tiếng Việt, đó là những chiếc cầu nối con với tiếng Việt, khiến con thích thú khi học tiếng Việt. Giúp con học tiếng Việt là giúp con học thêm một ngôn ngữ, cho con thêm một cách tư duy và giúp con có một đời sống tinh thần phong phú và hạnh phúc. 

Mời quý vị giải câu đố của chương trình tuần này: Trong tiếng Việt, từ “dồn dập” thuộc loại từ nào? Tính từ, động từ hay trạng từ?

Xin quý vị hãy gửi câu trả lời về chương trình theo địa chỉ: hoặc nhắn tin dưới bài trên trang .

Share