Cùng giữ tiếng Việt: Câu chuyện trong lớp học “liên lục địa”

lớp YTV19.jpg

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Yêu cầu của lớp học ngày hôm nay là viết một bài về đất nước của em.


Thu Thủy xin được mời quý thính giả cùng tham gia lớp học mang mã số YTV19 của trường Yêu Tiếng Việt với ba bạn nhỏ Minh ở Washington (Mỹ), Chloé Drolet ở George Town (Malaysia) và David Marshall (Mildura – Úc) cùng thầy Nguyễn Thế Dương.

Đây là một lớp học khá đặc biệt vì ba bạn ở ba châu lục khác nhau: Châu Á, Châu Mỹ và Châu Úc. Minh ở (Mỹ), Chloé ở (Malaysia) còn David Marshall Úc.

Từ “đất nước của em” gợi cho các bạn những suy nghĩ khác nhau. Đất nước có thể là nơi mà cha mẹ các em sinh ra, đất nước có thể là nơi mà chính bản thân các em được sinh ra và đất nước cũng có thể là nơi mà các em sinh sống từ lúc nhỏ tuổi.

Ở đây, trong suy nghĩ của cả bạn nhỏ thì đất nước chính là những nơi thân thuộc gần gũi nhất với các bạn. David chọn viết về Úc, là đất nước của cha mình và cũng là nơi David đang sinh sống. Minh chọn viết về Mỹ là nơi mà em chuyển đến và sinh sống từ nhỏ. Chloé chọn viết về Canada, quê hương của cha mình thay vì Malaysia là nơi mà em đang sinh sống.

Ở đây, có hai điểm mà Thu Thủy muốn nhấn mạnh với quý vị. Đầu tiên là không áp đặt suy nghĩ hay ý kiến của người lớn lên trẻ em. Trẻ em có cái thế giới riêng của các em và các em nhìn nhận thế giới qua lăng kính riêng. Và nó hẳn nhiên là khác với những gì mà người lớn trải nghiệm. Cho nên, chúng ta cần tôn trọng ý kiến, sở thích hay các quan điểm của trẻ và ủng hộ nó.

Thực tế thì Việt Nam hiện diện trong đời sống hàng ngày của nhiều gia đình Việt. Một bài hát, một câu thơ, một mẩu truyện, những cung cách sinh hoạt hàng ngày, những đồ ăn và cả những vật dụng rất Việt Nam như nón lá, áo dài đều tạo ra những ấn tượng sâu sắc cho các con về nguồn cội. Quý vị hãy nói chuyện với con bằng tiếng Việt, kể cho con nghe những câu chuyện về Việt Nam, như thế chính là quý vị đang cùng con mình giữ tiếng Việt.

Để viết được trơn tru thì việc lập dàn ý là một bước chuẩn bị rất quan trọng, nhất là đối với các bạn nhỏ chưa quen thuộc lắm với viêc viết tiếng Việt. Ở đây, dàn ý được tổ chức dưới dạng những câu hỏi rất đơn giản và giúp các bạn hình thành nên các ý chính để viết bài sau này.

Điều quan trọng nhất là dàn ý này không phải do thầy thiết lập nên mà nó là thành quả chung của cả ba bạn nhỏ dưới sự định hướng và chỉ dẫn của thầy. Tự các con đóng góp một phần của mình vào dàn ý này và như thế nghĩa là bài viết sau này cũng kết quả của sự nỗ lực trong làm việc theo nhóm. Đây là một yêu cầu rất quan trọng trong quá trình học tập và các con sẽ cảm thấy hào hứng và tự tin khi được chủ động được đưa ra những ý tưởng của riêng mình.

Người lớn chúng ta chỉ cần đóng vai trò khơi gợi, định hướng và điều chỉnh, còn không gian suy nghĩ và sáng tạo là của các bạn nhỏ. Khi các con nói ra được các ý tưởng của mình và những điều đó nhận được động viên, chia sẻ và ủng hộ của người lớn thì đó sẽ tạo ra một nguồn động lực rất lớn dành cho con trong quá trình học tiếng Việt.

Trong quá trình lập dàn ý, thầy cũng đã chú ý mở rộng các vấn đề trao đổi. Chẳng hạn như câu chuyện về so sánh diện tích của các nước. Việc này không những giúp các bạn nhỏ được bổ trợ thêm về kiến thức mà quan trọng hơn là nó giúp cho các bạn có thêm các cơ hội để thực hành tiếng Việt. Như đã từng trao đổi với quý vị, bất kì chủ đề gì cũng có thể mở ra các câu chuyện thú vị và làm cho bạn nhỏ hứng thú và có động lực để giao tiếp bằng tiếng Việt.

Bài viết của các bạn nhỏ tuy còn đơn giản và còn những khiếm khuyết nhất định nhưng đó là điều hoàn toàn bình thường trong quá trình học tiếng Việt. Các bạn có thể có những cách diễn đạt chưa mượt mà hoặc có những lỗi sai về cách dùng từ hay chính tả nhưng điều vượt trên tất cả là các bạn đã viết ra được những suy nghĩ của mình bằng tiếng Việt.

Chúng ta cần cổ vũ, khuyến khích các bạn viết ra như vậy, đồng thời cũng chỉ ra các điểm còn thiếu sót cho con trong quá trình viết. Việc này sẽ giúp cho con dần cải thiện và tiến bộ trong các bài viết tới. Đây là một hành trình không phải dễ dàng nhưng nếu chúng ta kiên trì, kiên nhẫn hay như các cụ ta vẫn nói “mưa dầm thấm lâu” và dành tình cảm yêu thương hết mực cho con mình thì tiếng Việt của các con sẽ ngày một vững chắc hơn.

Thu Thủy xin được cảm ơn quý thính giả đã lắng nghe chương trình và xin được hẹn gặp lại quý vị trong các số tới của Cùng giữ tiếng Việt.



Share