Cùng giữ tiếng Việt: Vì sao trẻ em Thụy điển nói được nhiều ngôn ngữ hơn trẻ em Úc?

Dr Anne Reath Warren, Senior Lecturer/Associate Professor at Uppsala University

Dr Anne Reath Warren, Senior Lecturer/Associate Professor at Uppsala University Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Trẻ em ở các nước châu Âu thường nói được 3-4 ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ. Điều gì giúp các em học và phát triển tốt nhiều ngôn ngữ như vậy. Vì sao trẻ em ở Úc thường chỉ giỏi mỗi tiếng Anh và mất tiếng mẹ đẻ khi lớn lên?


Mời quý vị cùng Hồng Vân tìm hiểu những vấn đề này qua cuộc trò chuyện với tiến sĩ Anne Reath Warren, giảng viên chuyên ngành giáo dục trường Đại học Uppsala, Thụy điển. Đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ của chị Anne Warren so sánh chương trình dạy tiếng mẹ đẻ (ngôn ngữ nói ở nhà của các gia đình nhập cư) ở Thụy điển và giáo dục ngôn ngữ cộng đồng ở Úc.

Trẻ em Thụy điển thường có thể nói ít nhất 3 ngôn ngữ: tiếng Thụy điển, tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ. Chị có thể cho biết tại sao các em có thể duy trì và phát triển đa ngữ như vậy?

TS Warren: Một lý do rất quan trọng để mọi người trở nên đa ngôn ngữ là bởi vì tiếng Thụy Điển là một ngôn ngữ rất ít người nói, nếu bạn so với thế giới. Vì vậy, mỗi đứa trẻ đều học tiếng Anh ngay từ khi còn bé và trở thành đa ngữ vào thời điểm chúng học xong trung học. Và tất nhiên, tiếng Anh là một ngôn ngữ thống trị, chị biết đấy, mọi người đều muốn học tiếng Anh. Một khía cạnh khác có lẽ chị tò mò là việc ngoài tiếng Anh và tiếng Thụy điển, những đứa trẻ còn nói một ngôn ngữ khác ở nhà. Ví dụ, một gia đình chuyển đến Thụy Điển từ Somali. Nếu trẻ con nói tiếng Somali ở nhà, gia đình đó có quyền nộp đơn xin cho chúng được học tiếng mẹ đẻ (mother tongue instructions) thông qua hệ thống trường học, thế tức là chúng có thể học tiếng Somali ở trường. Đó là hệ thống tương đương với hệ thống giáo dục ngôn ngữ cộng đồng ở Úc, nhưng nó được thực hiện ở các trường học ở Thụy Điển từ lớp 1 đến lớp 9.

Ở Úc thì các em có thể học tiếng mẹ đẻ ở các trường ngôn ngữ cộng đồng cuối tuần hoặc ở trường chính mạch nếu số lượng học sinh nói ngôn ngữ đó đông. Còn ở Thụy điển, việc học tiếng mẹ đẻ được tổ chức như thế nào?

TS Warren: Từ khi hình thức này được bắt đầu vào năm 1978, có nhiều cách thực hiện nhưng cách phổ biến nhất là học tại trường nhưng ngoài giờ các môn chính khóa, tức là trước hoặc sau khi những đứa trẻ khác đến trường. Và điều này cũng là 1 vấn đề bởi vì ai thực sự muốn ở lại sau giờ học để học? Ngoài ra trẻ em cũng có thể học các môn học khác bằng tiếng mẹ đẻ nhưng việc này có những khó khăn do phải đào tạo giáo viên dạy các môn học bằng tiếng mẹ đẻ.

Như vậy là học sinh ở Thụy điển, nếu muốn học tiếng mẹ đẻ có thể học vào các ngày đi học. Có nhiều học sinh đăng ký học như vậy không?

TS Warren: Ở Thụy điển không có điều tra về việc sử dụng ngôn ngữ trên diện rộng thông qua điều tra dân số như ở Úc nhưng chúng tôi có khảo sát với phụ huynh khi con em họ bắt đầu năm học. Trong số học sinh nói tiếng mẹ đẻ ở nhà, có khoảng 57% theo học các lớp dạy tiếng mẹ đẻ ở trường. Khi các em đã đăng ký vào chương trình này, các em sẽ bắt buộc phải theo từ lớp 1 đến lớp 9.

Theo các số liệu thống kê, trẻ em học tiếng mẹ đẻ ở trường không chỉ có khả năng hiểu tiếng mẹ đẻ tốt hơn mà còn có điểm trung bình học tập tổng thể tốt hơn và có động lực học tập tốt hơn.

Tại sao hơn 40% học sinh nói tiếng mẹ đẻ ở nhà không đăng ký học tiếng mẹ đẻ ở trường?

TS Warren: Thứ nhất là khi nó chỉ là môn tự chọn thì người ta sẽ không thấy cần thiết phải học. Thứ 2 là mọi người chú trọng đến việc học tiếng Thụy Điển khi mới đến đất nước này. Tôi đã nghe những người mới đến Thụy điển trong các cuộc phỏng vấn nói kiểu như: Ồ, nhìn này, chúng tôi thậm chí không nói tiếng Ả Rập ở nhà. Chúng tôi nói tiếng Thụy Điển vì cả gia đình muốn học tiếng Thụy Điển. Đây là một điều đáng tiếc vì thực sự sẽ là tốt hơn rất nhiều nếu cha mẹ tiếp tục nói tiếng mẹ đẻ ở nhà. Ngoài ra, khi các gia đình đã ở đây lâu rồi thì họ lại có lý do là mình đang sống ở Thụy điển, mình chỉ cần tiếng Thụy điển là được rồi. Thêm nữa, cũng có vấn đề với các gia đình mà bố mẹ nói tiếng mẹ đẻ khác nhau nữa, thì họ không biết chọn tiếng mẹ đẻ nào trong chương trình ở trường, thế rồi họ chọn bỏ tiếng mẹ đẻ để con nói 1 ngôn ngữ chung là tiếng Thụy điển.

Những yếu tố quan trọng nhất để một đất nước trở thành đa ngôn ngữ như Thụy điển là gì?

TS Warren: Có 3 yếu tố ở đây: chính sách ngôn ngữ, tư tưởng ngôn ngữ và cơ cấu tổ chức. Ở cấp độ chính sách và tư tưởng ngôn ngữ, 1 ngôn ngữ được coi là quan trọng khi nó có chỗ đứng của nó trong chương trình học. Do đó, việc có một không gian trong chương trình giảng dạy cho tiếng mẹ đẻ, ở một mức độ nào đó làm tăng vị thế của các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Thụy Điển. Ở cấp độ cơ cấu tổ chức, ngôn ngữ đó phải được pháp luật bảo vệ. Tức là về nguyên tắc nếu học sinh nộp đơn xin học tiếng mẹ đẻ và có đủ điều kiện, thành phố của bạn có thể thành lập một nhóm và phải có một giáo viên, thì hiệu trưởng có nghĩa vụ tổ chức lớp dạy tiếng mẹ đẻ.

Điều gì ngăn cản Úc làm giống Thụy Điển?

TS Warren: Như tôi nói ở trên có 3 yếu tố, hay 3 cấp độ. Ở cấp độ tổ chức, Thụy Điển có chương trình giảng dạy quốc gia, tùy thuộc vào các thành phố khác nhau để tổ chức giáo dục tiếng mẹ đẻ, nhưng chủ đề giảng dạy tiếng mẹ đẻ có trong chương trình giáo dục trên khắp Thụy Điển. Ở Úc, cũng có một chương trình giáo dục ngôn ngữ cộng đồng quốc gia. Vì vậy, về lý thuyết, nếu Úc muốn việc dạy tiếng mẹ đẻ là bắt buộc, họ có thể thực hiện. Tuy nhiên, giáo dục ở Úc được quản lý theo bang, mỗi tiểu bang có cách tổ chức giáo dục khác nhau. Vì vậy, ý tôi là, ở một số tiểu bang, nó có thể thực hiện được, nhưng không đồng nhất ở tất cả các bang. Ở Victoria, việc học ngôn ngữ cộng động phổ biến, thậm chí không thông qua chương trình giảng dạy của Úc, ví dụ, Trường Ngôn ngữ Victoria, nơi dạy 40 ngôn ngữ cộng đồng và kết quả học tập có thể được tính vào chứng chỉ hết cấp của bạn. Nhưng đó không phải là thông qua hệ thống trường học, phải không? Trường Ngôn ngữ Victoria cũng là loại hình ngoại khóa. Có một số ngôn ngữ cộng đồng mà bạn có thể học qua trường thông qua hệ thống trường học ở Úc nhưng phải là theo nguyên tắc số đông, tức là bạn phải ở khu vực có rất đông học sinh nói tiếng Việt thì bạn mới có lớp tiếng Việt tại trường. Nếu không, bạn có thể gửi con đến các trường ngôn ngữ cộng đồng, nhưng không phải ai cũng biết về các trường ngôn ngữ cộng đồng, hay cũng sống gần một trường ngôn ngữ cộng đồng.

Ở Úc có một thách thức về mặt tư tưởng là hầu hết mọi người ở Úc có tư duy đơn ngữ, tức là monolingual mindset. Chị nghĩ thế nào về vấn đề này?

TS Warren: Tư duy đơn ngữ tức là bạn nói một ngôn ngữ và coi việc này là chuẩn, là cái mọi người mong đợi. Giáo viên hướng dẫn người Úc khi tôi làm bằng tiến sĩ, bà Elizabeth Ellis tại Đại học New England ở Armidale gọi đơn ngữ là trường hợp “không được đánh dấu” ở Úc, tức là bình thường. Vì vậy nói một ngôn ngữ khác hoặc học bằng một ngôn ngữ khác là bất thường. Và như chúng ta biết, trẻ em không thích trở nên bất thường. Chúng thích hòa hợp. Vì thế chúng từ chối nói tiếng mẹ đẻ để không bị khác biệt. Úc làm rất tốt việc tôn vinh các nền văn hóa khác nhau như tổ chức lễ hội ẩm thực trên đường phố, phổ biến các món ăn, như đồ ăn Việt Nam hay Ấn Độ. Nhưng Úc lại không làm được như thế với ngôn ngữ.

Chị có điều gì muốn nói với thính giả SBS Vietnamese?

TS Warren: Tôi sẽ nói rằng duy trì tiếng mẹ đẻ và nói được nhiều ngôn ngữ là vô cùng quan trọng vì có rất nhiều lợi ích. Ví dụ như lợi ích về tư duy và nhận thức. Như Ellen Bialystok đã viết vào năm 2000, trẻ em đa ngữ thường linh hoạt trong tư duy. Ngoài ra, còn một lí do rất quan trọng nữa là tăng cường kết nối gia đình. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra điều này. Ở Úc, các gia đình nhập cư đến Úc và phải cố gắng để xây dựng lại cuộc sống, họ phải học tiếng Anh, tự khẳng định bản thân. Tuy nhiên, thường thì trẻ con học tiếng Anh nhanh giỏi hơn người lớn. Nếu con em bạn không giỏi tiếng Việt và bạn cũng không giỏi tiếng Anh thì sẽ tạo ra khoảng cách khi giao tiếp trong gia đình. Điều này thực sự là thách thức trong các gia đình nếu cha mẹ và trẻ em không thể giao tiếp với nhau. Tôi đã phỏng vấn các bậc cha mẹ, đó là một vấn đề thực sự buồn vì họ cảm thấy rằng họ khó giao tiếp với con khi chúng đến tuổi thanh thiếu niên. Ngay cả khi cha mẹ và con cái nói cùng 1 ngôn ngữ thì khi con lớn đã có rào cản khi giao tiếp, vấn đề này sẽ càng nghiêm trọng nếu con cái không nói cùng 1 ngôn ngữ với bố mẹ. Vì vậy, hãy vì tất cả những lí do tuyệt vời này mà giữ tiếng Việt.

Cám ơn tiến sĩ Anne Reath Warren rất nhiều về những thông tin rất thú vị về việc dạy và học tiếng mẹ đẻ ở Thụy điển, đối chiếu với giáo dục ngôn ngữ cộng đồng ở Úc.

Do những điều kiện địa lý và xã hội, ở Thụy điển, cũng như nhiều quốc gia Âu châu khác, trẻ em thường thông thạo 3-4 ngôn ngữ khi học xong phổ thông trung học. Ở Úc, có hơn 200 ngôn ngữ được nói ở nhà nhưng trẻ em đi học thường mất dần tiếng mẹ đẻ và chỉ tập trung vào tiếng Anh. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy đơn ngữ, khuyến khích việc học nhiều ngoại ngữ và duy trì tiếng mẹ đẻ để xã hội Úc có thể trở thành xã hội đa ngôn ngữ, đa văn hóa như chúng ta vẫn luôn tự hào nói với thế giới.

Nhân dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần, hi vọng là các gia đình Việt nam ở nước ngoài ăn Tết vui vẻ với các hoạt động truyền thống như gói bánh chưng, đi lễ chùa, cho trẻ con tiền lì xì, và cả nói tiếng Việt giữa các thế hệ trong gia đình, để chúng ta tiếp tục duy trì những nét đẹp của văn hóa Việt khi ở nước ngoài, trong đó có tiếng Việt.

Mời quý vị tham gia giải câu đố của chương trình tuần này:

Từ “táo” trong cụm từ “Tết ông Công ông Táo” có nghĩa là gì? Xin quý vị gửi câu trả lời về chương trình theo địa chỉ: vietnamese.program@sbs.com.au hoặc nhắn tin dưới bài trên trang facebook.com/sbsvietnamese.

Share