Cùng giữ tiếng Việt: Tại sao một số trẻ lại giữ tiếng mẹ đẻ tốt hơn những trẻ khác?

Gia đình chị Hoa

Cha mẹ là yếu tố tiên quyết trong việc giữ tiếng Việt cho con Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tại sao ở một số gia đình các em nhỏ lại nói tiếng Việt tốt hơn các gia đình khác? Tại sao một số em nhỏ vui vẻ nói tiếng Việt trong khi những em khác lại không thoải mái khi nói tiếng Việt? Những yếu tố nào có ảnh hưởng đến việc duy trì tiếng Việt cho thế hệ thứ hai ở nước ngoài?


Trong thời gian qua, Cùng giữ tiếng Việt đã giới thiệu với quý vị những tấm gương các gia đình, các em nhỏ giữ và phát triển tiếng Việt ở Úc cũng như ở nước ngoài.  Qua 24 chương trình vào các tối chủ nhật, Cùng giữ tiếng Việt cũng đã chia sẻ với quý vị những ý kiến của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực duy trì tiếng mẹ đẻ, giáo dục đa ngữ và âm ngữ trị liệu về rất nhiều các chủ đề liên quan đến việc giữ tiếng mẹ đẻ ở nước ngoài như: Tại sao tôi muốn giữ tiếng Việt cho con? Tôi đã giúp con giữ tiếng Việt như thế nào? Bố mẹ có đơn thương độc mã khi giữ tiếng Việt cho con? Có nên lo lắng về tiếng Anh khi muốn giữ tiếng Việt cho con?Năng lực giao tiếp có ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của trẻ? Làm thế nào để phân biệt trẻ chậm nói do bệnh lý với trẻ chậm nói ở giai đoạn đầu phát triển song ngữ? Làm thế nào để để ý đến cảm xúc của con và giúp con vui vẻ học tiếng Việt?..

Cùng giữ tiếng Việt kỳ này là một chương trình tổng kết các yếu tố có ảnh hưởng đến việc giữ tiếng mẹ đẻ đã được nêu ra trong các nghiên cứu về duy trì tiếng mẹ đẻ trên thế giới. 

Có 4 nhóm yếu tố chính có liên quan đến việc giữ tiếng mẹ đẻ: yếu tố trẻ em, yếu tố cha mẹ, yếu tố gia đình và yếu tố cộng đồng. 

1. Yếu tố trẻ em

Theo các nghiên cứu trên thế giới về duy trì tiếng mẹ đẻ, các yếu tố từ phía trẻ em gồm có: tuổi, giới tính, tình trạng nhập cư, việc bắt đầu đi học, việc dùng tiếng Anh, thái độ của trẻ đối với việc duy trì tiếng mẹ đẻ, ý thức về bản sắc cá nhân, …

Trẻ em tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ càng sớm càng tốt, có nghĩa là từ lúc các em mới sinh ra, hay ngay từ khi còn là bào thai, bố mẹ đã nói tiếng mẹ đẻ với các em thì cơ hội trẻ nói giỏi tiếng mẹ đẻ sẽ cao hơn rất nhiều so với những trẻ mà bố mẹ để đến tuổi đi học hay lớn hơn mới bắt đầu dạy tiếng Việt. Điều này đã được  chứng thực qua những chia sẻ của các khách mời của Cùng giữ tiếng Việt, các bố mẹ rất thành công trong việc giữ tiếng Việt cho con. Các gia đình của các em Subi, Mira, Ngọc Kha ở Úc hay Bủm, Hồng Nhung, Mai Linh ở châu Âu, đều đã cho con một môi trường tiếng Việt tối đa từ khi con còn trong bụng mẹ.  

Về giới tính, tuy nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy không có sự khác biệt giữa trẻ em gái hay trẻ em trai trong việc nói tốt tiếng mẹ đẻ, một số nghiên cứu về duy trì tiếng Nhật ở Hawaii lại thấy các em gái có xu hướng giữ tiếng Nhật tốt hơn các em trai. Các cuộc phỏng vấn cho thấy các em trai ngại nói tiếng Nhật vì sợ bị coi là ‘’bám váy” mẹ.

Tình trạng nhập cư cũng là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì tiếng mẹ đẻ. Những người được sinh ra ở nước ngoài hoặc nhập cư từ khi còn rất bé được gọi là thế hệ thứ 2. Những người nhập cư ở độ tuổi thiếu niên, tuổi teen được gọi là thế hệ 1.5. Những người nhập cư khi trên 18 tuổi được gọi là thế hệ thứ nhất. Như các bậc cha mẹ hay ông bà chúng ta sang Úc khi đã trưởng thành thì chúng ta là thế hệ người Việt thứ nhất ở Úc. Các con của chúng ta, nếu được sinh ra ở Úc thì là thế hệ thứ 2. 

Các nghiên cứu trên thế giới và nghiên cứu với cộng đồng người Việt ở Úc cũng đã chỉ ra sự khác biệt rất rõ về năng lực tiếng mẹ đẻ/tiếng Việt giữa các em thuộc thế hệ thứ 2 và các em thuộc thế hệ 1.5. Trẻ được sinh ra ở Việt nam và sang Úc khi bắt đầu đi học tiểu học có khả năng nói tiếng Việt tốt hơn trẻ gốc Việt sinh ra ở Úc nhưng sự khác biệt này còn rõ ràng hơn nếu các em sang Úc ở tuổi teen, tức là khi năng lực tiếng Việt đã tương đối ổn định. 

Bắt đầu đi học tiểu học cũng là một mốc đánh dấu sự thay đổi trong việc nói tiếng mẹ đẻ. Hầu hết trẻ em, khi đi học, sẽ bắt đầu sử dụng tiếng Anh hay tiếng nước sở tại nhiều hơn, các em dễ có thói quen sử dụng tiếng Anh ở nhà và giảm bớt thời lượng nói tiếng mẹ đẻ ở nhà. Các nghiên cứu về giữ tiếng mẹ đẻ trong các cộng đồng nói tiếng Hàn Quốc và Trung quốc ở Mỹ và Canada đã chỉ ra trẻ bắt đầu giảm nói tiếng mẹ đẻ khi bắt đầu đi học và càng lên lớp cao càng dành ít thời gian cho tiếng mẹ đẻ hơn, do có nhiều bài tập ở trường và hoạt động ngoại khóa hơn

Thông điệp quan trọng dành cho các gia đình muốn giữ tiếng Việt cho con là bắt đầu từ sớm, để đến tuổi đi học con đã nói và có thói quen nói tiếng Việt ở nhà.
Các yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến năng lực ngôn ngữ tiếng Việt (khung đỏ) và tiếng Anh (khung xanh) của trẻ gốc Việt ở Úc
Các yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến năng lực ngôn ngữ tiếng Việt (khung đỏ) và tiếng Anh (khung xanh) của trẻ gốc Việt ở Úc Source: VietSpeech
2. Yếu tố cha mẹ

Từ phía cha mẹ, các yếu tố chính ảnh hưởng đến việc giữ tiếng mẹ đẻ bao gồm: việc cha mẹ tương tác và dạy con tiếng mẹ đẻ, thái độ tích cực của cha mẹ đối với bản sắc văn hóa và việc duy trì tiếng mẹ đẻ,địa vị kinh tế xã hội và trình độ học vấn, tình cảm gắn kết của bố mẹ và con cái, việc thường xuyên đi về thăm quê hương, ý định sống ở quê hương trong tương lai, …

Nghiên cứu VietSpeech và các chương trình phỏng vấn các gia đình thành công trong việc giữ tiếng Việt trên SBS Cùng nhau giữ tiếng Việt cũng cho thấy  ở các gia đình bố mẹ dành thời gian nói chuyện, tương tác với con, đọc truyện và giải thích cho con các hiện tượng trong truyện và đồng thời có thái độ tích cực  với bản sắc văn hóa Việt thì con có năng lực tiếng Việt tốt hơn nhiều so với các gia đình không làm như vậy. 

Điều này cũng dễ hiểu, có bột mới gột nên hồ, không có gì tự nhiên có được nếu không đầu tư thời gian và công sức. Với việc học ngôn ngữ cũng vậy, trẻ em phải có một vốn ngôn ngữ đầu vào trước khi chúng có thể nói được ngôn ngữ đó. Đầu vào (language input) trong việc học tiếng mẹ đẻ chính là từ tương tác ngôn ngữ với bố mẹ, ông bà và những người sống trong cộng đồng mà trẻ có tiếp xúc.  

Ngoài ra, các nghiên cứu về giữ tiếng mẹ đẻ trên thế giới cũng cho thấy địa vị kinh tế xã hội và trình độ học vấn của bố mẹ cũng liên quan đến việc giữ tiếng mẹ đẻ của con. Mối liên hệ này có thể có hai xu hướng tùy vào các cộng đồng khác nhau. Ví dụ ở Singapore, trong số các bố mẹ nói tiếng Malay, những người có địa vị xã hội và học vấn cao thì con có vốn từ vựng và giữ tiếng Malay tốt hơn các bố mẹ có địa vị xã hội và học vấn thấp. Trong khi đó, trong số các bố mẹ nói tiếng Trung và tiếng Tamil thì ngược lại, các bố mẹ có địa vị xã hội thấp hay thu nhập thấp mới là những gia đình con nói tiếng Trung quốc và tiếng Tamil tốt.

Ở Úc, trong số các bố mẹ có  gốc Trung đông, Nam Âu, và Đông Nam Âu, những người có học vấn cao sử dụng tiếng Anh ở nhà nhiều hơn, dẫn đến việc con kém tiếng mẹ đẻ hơn. Phát hiện này có vẻ tương tự với phát hiện của dự án VietSpeech nghiên cứu về cộng đồng người Việt ở Úc. Theo kết quả nghiên cứu của VietSpeech, các bố mẹ gốc Việt có thu nhập cao có thái độ kém tích cực với việc duy trì tiếng Việt hơn. Cũng theo VietSpeech, thái độ của bố mẹ với việc giữ tiếng mẹ đẻ có ảnh hưởng lớn đến năng lực tiếng mẹ đẻ của con nên ở các gia đình gốc Việt có bố mẹ có thu nhập cao, việc duy trì tiếng Việt cho con dễ gặp nhiều khó khăn hơn. 
Xây dựng cho trẻ thói quen nói và sử dụng tiếng Việt tốt trước khi đi học giúp trẻ giữ tiếng Việt tốt hơn
Xây dựng cho trẻ thói quen nói và sử dụng tiếng Việt tốt trước khi đi học giúp trẻ giữ tiếng Việt tốt hơn Source: Supplied
3. Yếu tố gia đình

Yếu tố gia đình là những yếu tố có liên quan đến ông bà, anh chị em. Sống cùng ông bà họ hàng, là con thứ mấy trong gia đình và có anh chị em hay không là những điều kiện ảnh hưởng đến năng lực tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Sống cùng ông bà hay họ hàng là một trong những điều kiện thuận lợi để con cái có thể duy trì tiếng mẹ đẻ. Thường thì con trẻ sẽ có xu hướng  dùng tiếng Anh nếu chúng biết bố mẹ giỏi tiếng Anh hoặc sẵn sàng nói tiếng Anh với chúng. Với ông bà, chúng sẽ có nhiều cơ hội để nói tiếng Việt hơn vì ông bà thường có nhiều thời gian ở nhà hơn, và hay nói tiếng Việt với các cháu hơn. Một gia đình khách mời của Cùng giữ tiếng Việt có con 6 tuổi giỏi tiếng Việt và các ngôn ngữ khác đã chia sẻ năng lực tiếng Việt của bé là nhờ rất nhiều vào việc ông bà ở cùng và dành thời gian nói chuyện, giải thích cho cháu, nhờ đó cháu có vốn từ vựng tích lũy làm nền tảng trong thời gian 3-4 năm đầu đời. 

Là con thứ mấy trong gia đình cũng làm nên sự khác biệt về năng lực tiếng mẹ đẻ. Trẻ em là con đầu lòng hoặc con một thường giữ tiếng mẹ đẻ tốt hơn. Điều này cũng dễ hiểu vì trẻ đầu lòng hay con một thường có cơ hội tiếng mẹ đẻ với bố mẹ nhiều hơn. Khi có thêm nhiều con trong gia đình, thời gian tương tác của bố mẹ với con cũng giảm đi, các con cũng hay nói tiếng Anh với nhau nên các em bé hơn thường bị “thiệt thòi” về cơ hội nói tiếng mẹ đẻ.

4. Yếu tố cộng đồng

Sống gần cộng đồng nói tiếng mẹ đẻ, theo học trường ngôn ngữ cộng đồng cuối tuần hay tham gia hình thức giáo dục song ngữ là những yếu tố cộng đồng có ảnh hưởng đến việc duy trì tiếng mẹ đẻ trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu của dự án VietSpeech với hơn 300 gia đình người Việt ở Úc, trẻ em sống gần cộng đồng người Việt nói tiếng Việt nhiều hơn trẻ ở xa cộng đồng người Việt. Trong khi đó, cũng theo nghiên cứu này, việc đi học trường ngôn ngữ cộng đồng không có tác động đáng kể đến năng lực tiếng Việt của các em. Mặc dù nghiên cứu không đại diện cho tất cả trẻ gốc Việt ở Úc, kết quả này có thể cũng khiến chúng ta suy nghĩ về việc gửi con đến các lớp học ngôn ngữ cộng đồng nhưng không hỗ trợ con bằng cách nói tiếng Việt ở nhà, tích cực giúp con nói tiếng Việt trong các sinh hoạt hàng ngày thì có thể hiệu quả của việc đi học trường ngôn ngữ cộng đồng sẽ không được như mong muốn.
Nghiên cứu VietSpeech cho thấy một kết quả đáng chú ý là trẻ em có năng lực viết tiếng Việt tốt cũng là những trẻ có năng lực viết tiếng Anh tốt. Như vậy việc duy trì tiếng Việt không có ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực tiếng Anh của các em, điều mà nhiều bố mẹ nghi ngại khi muốn giúp con giữ tiếng Việt. Điều này đã được chứng minh ở nhiều nghiên cứu trên thế giới và đặc biệt là qua Cùng giữ tiếng Việt, chúng ta đã được biết đến rất nhiều bạn nhỏ gốc Việt giỏi tiếng Việt và cũng học rất giỏi ở trường.
Hi vọng chương trình đã có một số thông tin hữu ích để giúp quý vị trả lời câu hỏi: Tại sao một số trẻ lại giữ tiếng mẹ đẻ tốt hơn những trẻ khác?

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc trẻ em gốc Việt ở nước ngoài giữ tiếng Việt tốt hay không nhưng những yếu tố quan trọng nhất vẫn thuộc về BỐ MẸ. Bố mẹ nói chuyện với con bằng tiếng Việt và luôn có thái độ tích cực với văn hóa Việt và việc duy trì tiếng Việt là những điều kiện hàng đầu giúp con nói tiếng Việt và phát triển song ngữ, đa ngữ khi sống ở nước ngoài.

Mời quý vị tham gia giải câu đố của chương trình tuần này:

Bạn biết bao nhiêu đại từ nhân xưng trong tiếng Việt? Tại sao đại từ nhân xưng trong tiếng Việt lại đa dạng như vậy? 

Xin quý vị hãy gửi câu trả lời về chương trình theo địa chỉ: hoặc nhắn tin dưới bài trên trang 

 


Share