Cùng giữ tiếng Việt: Nuôi dạy con đa ngữ có khó không?

Chị Thái (trái) có con trai là Bủm, 6 tuổi, ở Hà Lan, và chị Nhân có hai con gái là Hồng Nhung, 7 tuổi, và Mai Linh, 5 tuổi, ở Đức.

Chị Thái (trái) có con trai là Bủm, 6 tuổi, ở Hà Lan, và chị Nhân có hai con gái là Hồng Nhung, 7 tuổi, và Mai Linh, 5 tuổi, ở Đức. Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Sinh sống ở nước ngoài là một trong những điều kiện để trẻ gốc Việt có thể phát triển năng lực song ngữ, đa ngữ. Là cha mẹ, quý vị có bao giờ có suy nghĩ về việc sẽ nuôi dạy con đa ngữ hay chỉ cần chú trọng vào năng lực tiếng Anh hoặc tiếng nước sở tại?


Mời quý vị cùng nghe những chia sẻ của 2 gia đình chị Bùi Đại Nhân, đến từ Đức, và chị Lê Hồng Thái, đến từ Hà lan, để tìm hiểu bí quyết giúp con giữ tiếng Việt và phát triển đa ngữ, đặc biệt là ở gia đình có bố không nói tiếng Việt. 

Chị Nhân có 2 con gái là Hồng Nhung, 7 tuổi, và Mai Linh, 5 tuổi, cả hai bé đều sinh ra và lớn lên ở Đức, có bố nói tiếng Đức. Hồng Nhung thích đi tập thể dục, thích thử nước mía và trứng rán ngải cứu khi về Việt nam. Em gái Mai Linh thì thích đi bơi, thích làm mứt dừa, thích gói bánh chưng bằng giấy. Hai chị em thích đọc thơ và các bài vè bằng tiếng Việt. 

Chị Thái có con trai là Bủm, 6 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Hà lan. Ở trường, Bủm học bằng tiếng Anh và tiếng Hà lan, ngoài ra còn được học thêm ngoại ngữ tiếng Pháp. Bủm thích chơi cờ vua với bố mẹ, thích đàn hát và đọc thơ tiếng Việt. 

Mời quý vị nghe các bạn trò chuyện bằng tiếng Việt rất tự nhiên và thú vị trên audio của chương trình.

Hành trình giúp con yêu thích và nói tiếng Việt ở gia đình chị diễn ra như thế nào, đặc biệt là khi các ông bố không nói tiếng Việt? 

Đối với chị Nhân, chị và chồng chị (người Đức) đã xác định nuôi con song ngữ từ khi mang bầu các con. Chồng chị hoàn toàn ủng hộ chị và các con nói tiếng Việt ở nhà. Chị Nhân đã bắt đầu bằng việc tham khảo các tài liệu, tham gia các workshop, diễn đàn online về phát triển song ngữ/đa ngữ để biết cách bắt đầu như thế nào, trên hành trình sẽ có những khó khăn gì và sẽ giải quyết ra sao. Theo chị, 3 yếu tố quan trọng nhất để giúp con giữ tiếng mẹ đẻ là con phải cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi học tiếng Việt hay nói tiếng Việt, tương tác ngôn ngữ trực tiếp của bố mẹ/ông bà, và môi trường nói tiếng Việt. 

Yếu tố quan trọng đầu tiên  trong việc duy trì tiếng Việt là sự tự nhiên vui vẻ, có vui thì mình mới có thể đi đường dài được. Với mình không có sự miễn cưỡng ở đây, mình làm tất cả từ tâm, vì sự hứng thú của cả 3 mẹ con mình.  Quan trọng nhất là mình xây dựng được sự tin tưởng, gắn bó, xây dựng được sợi dây tình cảm tình yêu thương giữa bố mẹ con cái qua công cụ là ngôn ngữ.

Những yếu tố chị Nhân chia sẻ cũng là những gì mà các lý thuyết về học ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ thứ 2 nói riêng đã nhấn mạnh. Người học, đặc biệt là trẻ em nếu có tâm lý thoải mái, vui vẻ khi học thì sẽ tiếp thu tốt hơn, học có hiệu quả hơn. Nếu trẻ thấy căng thẳng, không thoải mái thì việc nói hay học tiếng Việt sẽ sớm thành nỗi sợ hãi và sẽ không thể duy trì lâu dài được.  Ngoài ra, học ngôn ngữ quan trọng là language input (ngôn ngữ đầu vào), người học phải thu nạp được ngữ liệu thông qua các tương tác hàng ngày thì mới có “vốn” để sử dụng ngôn ngữ. Chính vì vậy, với trẻ gốc Việt ở nước ngoài, tương tác với bố mẹ là yếu tố hàng đầu để trẻ hình thành và phát triển vốn tiếng Việt.

Chị Nhân cũng chia sẻ việc phát triển ngôn ngữ cũng như các mặt khác của trẻ trong 6 năm đầu đời là rất quan trọng, đây có thể được gọi là giai đoạn vàng để trẻ hình thành các thói quen trong đó có thói quen ngôn ngữ cũng như định hình các thói quen cảm xúc, tính cách, và học tập. Đây là cũng là lúc tốt nhất để giới thiệu cho trẻ các giá trị văn hóa gắn liền với những ngôn ngữ mà chúng sử dụng. Một nền tảng văn hóa vững chắc sẽ giúp trẻ lớn lên tự tin về bản sắc cá nhân và những giá trị văn hóa mà chúng mang theo mình. 

Với chị Thái thì việc giúp con nói và viết được tiếng Việt thành thạo, lưu loát không hoàn toàn dựa trên các lý thuyết giáo dục nhưng gia đình chị luôn có ý thức tạo cho con một môi trường nói tiếng Việt từ bé, qua các tương tác và đặc biệt là đọc sách truyện bằng tiếng Việt.
Lúc đầu tôi cũng định nói chuyện với Bủm bằng cả tiếng Hà lan và tiếng Việt nhưng sau đấy tôi thấy không ổn vì tiếng Hà lan không phải là tiếng mẹ đẻ của mình, nên mình không diễn tả được tình cảm cũng như không diễn đạt được hết ý bằng tiếng Hà lan nên sau đó mình đó đổi hoàn toàn sang chỉ nói tiếng Việt thôi.
Chị Thái không có nhiều thời gian nhưng mỗi khi nói chuyện với con thì chị hay nói chuyện theo kiểu” dây cà ra dây muống”, nói chuyện này rồi liên hệ đến chuyện khác để 2 mẹ con có dịp nói với nhau nhiều hơn, và cũng tăng vốn từ cho con.

Theo chị Thái, hành trình để bé Bủm có thể nói tiếng Việt lưu loát như 1 em bé sinh ra và lớn lên ở Việt nam, bên cạnh tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Hà lan, có một phần công sức của ông bà ngoại, những người đã đồng hành với gia đình chị trong 3 năm đầu khi Bủm được sinh ra. Cùng với chị, ông bà đã luôn trò chuyện, giải thích cho Bủm, mở rộng các chủ đề nói chuyện từ những điều bé thấy trong cuộc sống xung quanh. Như vậy Bủm vừa có thêm vốn từ vựng và cách diễn đạt tiếng Việt, vừa có thêm kiến thức về những thế giới xung quanh.
Nhiều khi đưa con đi chơi thì ông bà có thể tả các cảnh vật xung quanh, lúc đấy thì con chưa biết nói nhưng nó sẽ thấm dần vào, mình thấy rõ ràng là nó có tác dụng sau này để con có vốn từ tốt hơn.
Đến độ tuổi đi học, các con sẽ quen dùng tiếng Anh, tiếng Hà lan hay tiếng Đức ở trường và về nhà cũng sẽ nói với mẹ bằng những tiếng đó. Mẹ sẽ phản ứng như thế nào?

Cả chị Nhân và chị Thái đều chuẩn bị tinh thần là khi con đi học, con sẽ “mang” tiếng Đức, tiếng Hà lan, tiếng Anh về nói chuyện với mẹ, và các chị coi việc này là hoàn toàn bình thường và dễ hiểu vì vốn từ của các con ở những tiếng này sẽ nhiều hơn tiếng Việt. Các chị luôn giữ thái độ vui vẻ bình thường, nghe “sâu”, nghe hết những gì con nói bằng tiếng Anh, tiếng Đức, tóm tắt lại bằng tiếng Việt. Các chị cũng từ từ giúp con nói lại câu chuyện bằng tiếng Việt, cung cấp thêm cho con từ ngữ, giải thích cho con nếu cần. Như vậy, con không bị rơi vào trạng thái khó chịu vì bị ép chuyển sang tiếng Việt, con cũng thấy luôn có mẹ ở đó giúp con nói tiếng Việt.

Điều kiện tiên quyết để có thể triển khai thành công mô hình dạy con song ngữ trong các gia đình bố và mẹ nói tiếng mẹ đẻ khác nhau là gì? 

Theo chị Nhân đó là “Mỗi bố mẹ chỉ nói một thứ tiếng thôi, chồng tôi nói tiếng Đức và tôi nói tiếng Việt. Chúng tôi thực hiện nguyên tắc này rất nghiêm túc và không có ngoại lệ.”
Lý thuyết đã chỉ ra rằng trong các gia đình bố mẹ nói những tiếng khác nhau mà vợ chồng cứ chuyển ngữ liên tục và nói nhiều thứ tiếng với con thì dẫn đến hiện tượng loạn ngữ. Con không phân biệt được ngôn ngữ, và còn có thể phải đi âm ngữ trị liệu. Vì thế nhà tôi đã triển khai nghiêm túc nguyên tắc này và nhiệm vụ của tôi là hãy nói trong sáng ngôn ngữ tiếng Việt, hãy tìm tòi khám phá những trò chơi những bài hát hay, những câu chuyện thú vị, những trò đùa buồn cười, ... để con tôi cảm thấy vui thích trong việc nói tiếng Việt.
Ăn một bát cơm
Nhớ người cày ruộng
Ăn đĩa rau muống
Nhớ người đào ao
Ăn một quả đào
Nhớ người vun gốc
Ăn một con ốc
Nhớ người đi mò
Sang đò
Nhớ người chèo chống
Nằm võng
Nhớ người mắc dây
Đứng mát gốc cây
Nhớ người vun gốc
Ngắm cuộc đời đẹp
Nhớ mẹ sinh ra

Bài đồng dao Nhớ ơn đã được bạn Bủm đọc với 2 câu cuối tự sáng tác thêm rất cảm động.

Chúng ta vừa được trò chuyện với những vị khách mời rất đặc biệt của SBS đến từ Đức và Hà lan, các nước ở phía trên kia quả địa cầu. Ở đó, các lớp học tiếng Việt cộng đồng không nhiều như ở Úc nhưng với nỗ lực của bố mẹ, các bạn nhỏ gốc Việt của chúng ta vẫn có thể giữ được tiếng Việt, tiếng quê hương 1 cách ngoạn mục. Hai gia đình có 2 cách tiếp cận khác nhau, 1 gia đình được trang bị lý thuyết về giáo dục đa ngữ rất đầy đủ, 1 gia đình không hoàn toàn dựa trên những lý thuyết đó nhưng lại rất quán triệt về việc nói và dạy con tiếng Việt ở mọi lúc mọi nơi. Như vậy là dù tiếp cận theo cách diễn giải hay quy nạp thì cốt lõi của vấn đề vẫn là tạo cho con một môi trường tương tác bằng tiếng Việt qua giao tiếp và đọc truyện, sách tiếng Việt.
Vợ chồng chị Nhân và 2 con gái Hồng Nhung (7 tuổi) và Mai Linh (5 tuổi) ở Đức
Vợ chồng chị Nhân và 2 con gái Hồng Nhung (7 tuổi) và Mai Linh (5 tuổi) ở Đức. Source: Supplied
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể cảm nhận thấy từ những chia sẻ của 2 bà mẹ là kiên nhẫn là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc giúp con nói và phát triển tiếng Việt. Kiên nhẫn giúp con nói lại bằng tiếng Việt mỗi khi con nói tiếng Anh, kiên nhẫn giải thích cho con các hiện tượng con gặp trong sách truyện, kiên nhẫn cùng đôi chân nhỏ của con bước đi từng bước vững chắc trên hành trình phát triển thể chất, tình cảm và trí tuệ, đó là thông điệp mà Hồng Vân và các vị khách mời muốn gửi đến quý vị trong chương trình hôm nay.

Như thường lệ, mời quý vị giải câu đố của chương trình:

Bài Nhớ ơn mà bạn Bủm đọc ở cuối chương trình là bài đồng dao nhắc nhở trẻ em về lòng biết ơn, về tình nghĩa thủy chung. Theo quý vị, tiếng Việt còn có các câu ca dao nào có nội dung tương tự?

Quý vị có câu trả lời đúng và sớm nhất sẽ nhận được một bộ truyện sách của Tiệm Mọt.

Xin quý vị hãy gửi câu trả lời về chương trình theo địa chỉ: hoặc nhắn tin dưới bài trên trang 


Share