Cùng giữ tiếng Việt: Thân thương tiếng mẹ

Ảnh minh họa

Từ gọi mẹ trong tiếng Việt rất phong phú Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Ít có ngôn ngữ nào trên thế giới lại có một số lượng từ gọi mẹ phong phú như tiếng Việt. “Mẹ” là từ phổ biến nhất để chỉ người sinh thành, nuôi dưỡng, yêu thương chúng ta, nhưng trên thực tế, ở nơi này hay nơi khác, vào lúc này hay lúc khác, người Việt chúng ta cũng dùng những từ khác nhau để chỉ mẹ.


Chủ nhật thứ 2 của tháng 5 là một ngày đặc biệt với những ai là mẹ vì đó là Ngày của Mẹ ở rất nhiều nước trên thế giới. Đây là dịp để chúng ta thể hiện sự biết ơn, lòng hiếu thảo với người mẹ thân yêu của chúng ta, người đã sinh ra ta và nuôi dưỡng ta trưởng thành. Mời quý vị nghe audio của chương trình để thưởng thức những lời chúc ngọt ngào của các bạn nhỏ ở Úc với mẹ của mình trong dịp này.

Nhân ngày của Mẹ, chúng ta hãy cùng nhau khám phá một chủ đề vừa liên quan đến mẹ lại vừa liên quan đến tiếng Việt. Đó là các cách gọi mẹ khác nhau trong tiếng Việt. Quý vị biết những từ nào gọi mẹ trong tiếng Việt? 

Theo quý vị thì từ mẹ có nguồn gốc từ đâu? Một số ý kiến cho rằng từ mẹ là biến âm trực tiếp của từ mère trong tiếng Pháp, tức là mới có trong tiếng Việt sau khi người Pháp đến Việt nam vào năm 1858. Tuy nhiên giả thuyết này không thuyết phục vì từ thế kỷ 17, khi các giáo sĩ phương Tây đến Việt nam thì họ đã ghi nhận có từ mẹ trong tiếng Việt lúc đó rồi. Điều thú vị là trong đại đa số các ngôn ngữ trên thế giới, từ mẹ  đều bắt đầu bằng chữ hay âm /m/. Ví dụ như mum/mother (tiếng Anh),  maman/mère (tiếng Pháp), mana (tiếng Hy lạp), majka (tiếng Serbi), mama (tiếng Slovak), madre/mama (tiếng Tây ba nha hay tiếng Ý), mamma (tiếng Thụy sĩ). Có thể giải thích điều này là vì âm /m/ là âm môi, rất dễ cho  trẻ em khi mới tập nói, chỉ cần mở môi ra là phát âm được, cũng có thể vì thế mà hầu hết các từ để gọi những người thân yêu, gần gũi với chúng ta đều bắt đầu bằng phụ âm môi /m/ hay /b/, ví dụ như bà, bố, mẹ.

Theo một số nghiên cứu về tiếng Việt cổ thì người Việt thời xưa dùng từ cái và từ nạ để chỉ mẹ. Vì thế, ta có những câu ca dao hay thành ngữ như  “Con dại cái mang”, “Nàng về nuôi cái cùng con. Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng” hay “Con có nạ như thiên hạ có vua”, hoặc “Quen việc nhà nạ, lạ việc nhà chồng”.

Thời phong kiến, các gia đình hoàng tộc thường dùng từ mẫu thân để chỉ mẹ, còn các gia đình thường dân lại dùng từ bu hay u, cho nên ta hay thấy cụm từ thầy bu, thầy u trong văn học, ca dao. 

Hoa chanh nở giữa vườn chanh,
Thầy u mình với chúng mình chân quê. 
( Chân quê, NB)


Từ u được dùng ở nhiều tỉnh phía Bắc như Hà Nam, Bắc Giang, từ bu được dùng ở một số địa phương như Thái Bình,  trong khi từ bầm lại hay được dùng ở Bắc Ninh. Ngoài ra, có nhiều gia đình ở miền Bắc lại gọi mẹ là đẻ, tức là người sinh ra mình, mặc dù cách gọi này hiện giờ hầu như không còn.

Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm...
Bầm ơi có rét không bầm?
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
( Bầm ơi, TH)


Dưới thời phong kiến, khi còn tồn tại chế độ đa thê, người ta còn gọi mẹ ruột của mình là chị hay u, để phân biệt với vợ cả của cha mình thì gọi là mẹ, hay u già.

Thời Pháp thuộc, nhiều người còn gọi mẹ là me (do chữ mère có nghĩa là mẹ trong tiếng Pháp) hoặc là măng (từ maman dùng để gọi mẹ trong tiếng Pháp). 

Đến trước năm 1975, ở các thành phố lớn ở miền Bắc như Hà Nội hay Hải Phòng, các gia đình thuộc tầng lớp trên vẫn còn dùng từ mợ để gọi mẹ, và gọi cha mẹ là cậu mợ. Về cách gọi này, có một số cách giải thích như sau. Một số người cho rằng đó là cách gọi bắt chước cách gọi lịch sự của người Pháp. Một số ý kiến khác lại giải thích vì các gia đình giàu có thường có vú nuôi để chăm con cái. Những người vú nuôi này thường gọi vợ chồng gia chủ là cậu mợ để thể hiện sự tôn trọng gần gũi như cậu em của gia đình mình. Các con của gia chủ cũng gọi theo nên thành cách gọi bố mẹ là cậu mợ. 

Chiều hôm đó, tan buổi học ở trường ra, tôi chợt thoáng thấy một bóng người ngồi trên xe kéo giống giống mẹ tôi. Tôi liền đuổi theo, gọi bối rối:

– Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!…

Xe chạy chậm chậm… Mẹ tôi cầm nón vẫy tôi, vài giây sau, tôi đuổi kịp. Tôi thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi, và, khi trèo lên xe, tôi ríu cả chân lại. Mẹ tôi vừa kéo tay tôi, xoa đầu tôi hỏi, thì tôi òa lên khóc rồi cứ thế nức nở. Mẹ tôi cũng sụt sùi theo:

– Con nín đi! Mợ đã về với các con rồi mà.

(Trích truyện Trong lòng mẹ - Hồi ký Những ngày thơ ấu - 1938 – Nguyên Hồng)

Hiện nay, phần lớn các vùng miền Bắc dùng từ mẹ, trong khi miền Trung dùng từ mạ, còn miền Nam dùng từ má. Ngoài ra, biến âm của mạ còn có mệ, các cách gọi này thường dùng ở những địa phương ở miền Trung như ở Huế. 

Ơi những ai còn Mạ
Và cũng hãy còn Cha
Hãy ấp ủ thiết tha
Tận hiếu trong trời đất .
Nắng cuối chiều sẽ tắt
Bóng cha mẹ cũng mờ
Mắt buồn, lệ nhạt nhoà
Xa xa tình mẫu tử.
(Mẹ cha,  ĐHP)

Chúng ta vừa cùng nhau điểm qua những từ gọi mẹ trong tiếng Việt nhân một ngày rất đặc biệt, Ngày của Mẹ. Sự phong phú về các từ chỉ mẹ trong tiếng Việt là một nét đẹp trong tiếng Việt nhưng đồng thời cũng là tấm gương phản chiếu những thay đổi trong lịch sử và văn hóa Việt. Dù đó là mẹ, má, mạ, u, bầm, hay bủ, tất cả đều là những từ rất thiêng liêng để gọi người đã sinh thành ra ta, chăm sóc và giúp ta nói những tiếng nói đầu đời. Mẹ là người đầu tiên đưa ta đến với thế giới ngôn ngữ, đến với tiếng mẹ đẻ. Đối với những người mẹ ở Úc hay ở nước ngoài, việc giúp con nói tiếng mẹ đẻ dường như khó khăn hơn ở Việt nam vì môi trường tiếng Anh áp đảo xung quanh, vì thế mẹ Việt ở nước ngoài có thể được ví như những supermum vì ngoài những thiên chức như bao bà mẹ khác, họ còn giúp con duy trì tiếng mẹ đẻ bên cạnh tiếng Anh, nhờ đó con có thể phát triển năng lực song ngữ đáng quý. 

Như thường lệ, mời quý vị giải câu đố của chương trình tuần này: Quý vị biết bao nhiêu từ để gọi cha trong tiếng Việt?

Xin quý vị hãy gửi câu trả lời về chương trình theo địa chỉ: hoặc nhắn tin dưới bài trên trang .

Share