Cùng giữ tiếng Việt: Bắt đầu từ đâu khi dạy tiếng Việt cho con?

Dạy con tiếng Việt từ các sinh hoạt trong gia đình với con

Dạy con tiếng Việt từ các sinh hoạt trong gia đình với con Source: CGTV

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nhiều bố mẹ Việt ở nước ngoài quan tâm đến việc giữ tiếng Việt cho con nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Các bố mẹ cũng có khó khăn trong việc chọn giáo trình để dạy con, tìm hiểu phương pháp dạy, đặt ra thời gian và quyết tâm để dạy con tiếng Việt.


Theo các nghiên cứu về duy trì tiếng mẹ đẻ và những chia sẻ của các khách mời của gần 30 số của Cùng giữ tiếng Việt, việc giữ tiếng Việt và dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài phải bắt đầu từ việc nói chuyện với con hàng ngày, từ khi con mới sinh ra, để con có một vốn từ vựng đầu vào để thoải mái, tự tin sử dụng ở giai đoạn học đọc và học viết. Bố mẹ nói chuyện với con, giải thích với con về các sự vật, hiện tượng trong sinh hoạt hàng ngày, ví dụ như khi cùng xếp bát đũa ra khỏi máy rửa bát, khi tưới cây, chuẩn bị bữa tối, khi cùng phơi quần áo, khi đưa con đến trường, tất cả các tương tác đó là những cơ hội để con HỌC tiếng Việt.

Khi con đến tuổi đi học, bố mẹ có thể đưa con đến các trường Việt ngữ vào cuối tuần để con học đọc, viết tiếng Việt. Nếu không có điều kiện đi học trường Việt ngữ, bố mẹ có thể trực tiếp dạy con tiếng Việt. Một số bố mẹ có thể thấy việc này hơi khó và ngại khi phải sắp xếp thời gian dạy con mỗi tuần. Thực ra, chỉ 1 giờ học tiếng Việt mỗi tuần, có thể vào cuối tuần, và một chút thời gian trong tuần để củng cố bài học là con có thể biết đọc, viết tiếng Việt ở mức cơ sở sau 6 tháng.

Sử dụng giáo trình nào để dạy con

Hiện nay trên thị trường có nhiều sách dạy tiếng Việt nhưng bố mẹ có thể chọn 1 cuốn mình thích và lấy đó là xương sống cho bài dạy của mình. Quan trọng là khi dạy bố mẹ thêm các từ ngữ, chi tiết qua việc hỏi và tương tác với các con để giúp con phát triển vốn từ vựng và ngôn ngữ.

Có một điểm cần để ý là trẻ nhỏ sẽ thích học hơn nếu hoạt động học vui. Chương trình huấn luyện bố mẹ cách giúp con duy trì tiếng Việt và phát triển song ngữ của dự án VietSpeech thực hiện năm 2020 có tên SuperSpeech Superheroes đã sử dụng chương trình ABC vui từng giờ của VTV 7 làm tài liệu chính giúp các con học con bảng chữ cái. Đây là chương trình dành cho trẻ đến tuổi đi học tập làm quen với bảng chữ cái tiếng Việt qua nhân vật Kiến tím và Trứng tròn. Ở mỗi tập video dài 6 phút, các em sẽ cùng Kiến tím nhận diện mặt chữ cái, phát âm, nhận diện chữ cái trong từ và xác định được hướng viết chữ. Mỗi video giới thiệu một chữ cái với cách tiếp cận sinh động, hiện đại và trẻ thơ, giúp các em làm quen với chữ cái một cách nhẹ nhàng, thú vị, và vui vẻ.
Dạy con bảng chữ cái như thế nào

Nếu chọn chương trình ABC vui từng giờ, mỗi tuần bố mẹ dạy con một chữ cái qua việc xem một video, bắt đầu từ chữ a.

Cụ thể, tuần thứ nhất, khi con con xem video chữ a, con tập phát âm chữ a, nói theo các từ có chữ a,  tập viết chữ a và các từ có chữ a nếu con ở độ tuổi tập viết chữ (5-6 tuổi), còn nếu nhỏ hơn, bố mẹ có thể viết các từ đó để con tô chữ a. Nếu con thích vẽ, bố mẹ cho con vẽ về từ đó ngay cạnh từ.

Tuần tiếp theo, sau khi học chữ b, bài tập trong tuần của các con là ghép chữ b và chữ a với các dấu để thành các từ có nghĩa như ba, bà, bá, bạ, bả, bã. Bố mẹ giúp con ghép chữ và đánh vần.

Khi con đã quen với các dấu rồi, và học thêm nhiều chữ cái gồm cả nguyên âm (a, e, ê, i, …) và phụ âm (b, c, d, đ, …) chúng ta có thể lập bảng sau với nhiều chữ cái con đã học và cùng con tập ghép và đánh vần các từ dùng các chữ cái đó.

Sau mỗi tuần, chúng ta lại thay các chữ cái vào bảng để con tập ghép và đánh vần.

Mời quý vị vừa nghe audio của chương trình để tham khảo cách dạy trẻ bảng chữ cái dùng chương trình ABC Vui từng giờ của VTV 7.

Cùng giữ tiếng Việt vừa chia sẻ với quý vị một ví dụ về việc dạy con đọc, viết tiếng Việt bắt đầu với bảng chữ cái bằng dùng tài liệu sẵn có trên internet là chương trình ABC Vui từng giờ của VTV7. Các số tiếp theo của series Dạy con tiếng Việt, sẽ tiếp tục giới thiệu với quý vị các cách dạy con đọc và viết tiếng Việt.

Share