Cùng giữ tiếng Việt: Tiếng Việt xếp hạng thứ 3 ở Úc thì sao?

Census 2021

Theo Census 2021, có khoảng 320.000 người ở Úc nói tiếng Việt tại nhà (1,26% dân số Úc) Source: SBS Punjabi

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Cuối tháng 6 năm nay, Nha Thống kê Úc (ABS) đã đưa ra những số liệu thống kê từ cuộc điều tra dân số được thực hiện 5 năm một lần vào năm 2021. Có một thông tin nổi bật liên quan đến cộng đồng người Việt ở Úc, đó là số người sử dụng tiếng Việt ở nhà ở Úc đã tăng thêm hơn 40.000 người vào năm 2021, so với năm 2016, đưa tiếng Việt lên vị thế ngôn ngữ phổ biến thứ 3 ở Úc, không kể tiếng Anh.


Trong 10 năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 7000 người di dân từ Việt nam vào Úc. Năm 2021, theo số liệu của Nha Thống kê, có khoảng 270.000 người Úc được sinh ra ở Việt nam, tăng khoảng gần 40.000 người so với năm 2016 và tăng hơn 70.000 người so với năm 2011. Và nếu so với trước năm 1975, cộng đồng người Việt chưa đến 2000 người thì có thể thấy 1 sự gia tăng dân số đáng kể của cộng đồng người Việt ở Úc.

Cũng theo điều tra dân số 2021, có khoảng 320.000 người ở Úc (1,26% dân số Úc)  nói tiếng Việt tại nhà, đưa vị thế của tiếng Việt lên thành ngôn ngữ phổ biến thứ ba ở Úc, không kể tiếng Anh, chỉ sau tiếng Quan thoại, và tiếng Ả Rập. Đây là một sự thay đổi đáng chú ý vì năm 2016, tiếng Việt là ngôn ngữ phổ biến thứ tư ở Úc, không kể tiếng Anh, đứng sau tiếng Quan thoại, tiếng Ả Rập, tiếng Quảng Đông. Năm 2021 tiếng Việt vượt tiếng Quảng Đông, lên hạng ba. 

Số người nói tiếng Việt ở Úc tăng có thể do 2 nguyên nhân, 1 là số dân nhập cư từ Việt nam tăng và 2 là có nhiều người sinh sống ở Úc nói tiếng Việt hơn. Trong khoảng thời gian từ 2016 đến 2021, di dân từ VN tăng 38.000 người và số người nói tiếng Việt tăng khoảng 43.000 người. Điều này cho thấy số người sử dụng tiếng Việt tăng là do số người nhập cư từ Việt nam vào Úc tăng. 

Thực tế duy trì tiếng Việt ở Úc 

Tiếng Việt được sử dụng phần lớn ở các gia đình có nguồn gốc từ Việt nam, đặc biệt là ở các khu dân cư có đông người Việt sinh sống như Bankstown, Cabramatta ở Sydney, Richmond, Footscray ở Melbourne, hay Darra và Inala ở Brisbane. Đây là những khu vực mà người Việt đã đến định cư và sinh sống từ làn sóng nhập cư thứ nhất (cuối thập niên 70) và thứ 2 (đầu thập niên 80). Về sau, nhất là những năm gần đây, người Việt nhập cư vào Úc theo diện tay nghề tăng lên và đã mở rộng phạm vi sinh sống ở nhiều nơi trong các thành phố lớn ở Úc chứ không chỉ tập trung ở các khu người Việt truyền thống nữa. Điều này có ảnh hưởng gì đến việc duy trì tiếng Việt?

Theo nghiên cứu của VietSpeech, dự án nghiên cứu về năng lực ngôn ngữ của trẻ em gốc Việt ở Úc và việc duy trì tiếng mẹ đẻ của cộng đồng người Việt ở Úc, sống gần cộng đồng là 1 yếu tố quan trọng cho việc giữ tiếng mẹ đẻ. Một điều kiện tiên quyết để một ngôn ngữ tồn tại là môi trường thực hành ngôn ngữ đó. Sinh sống trong một cộng đồng mà xung quanh có hàng xóm nói tiếng Việt, đi học có bạn bè nói tiếng Việt và đi chợ, đi lễ nhà thờ hay đền chùa gặp người nói tiếng Việt là điều kiện thuận lợi cho các em nhỏ thế hệ thứ 2 có cơ hội nói và phát triển tiếng Việt. Trong khi đó, với các gia đình sinh sống ở các khu không có nhiều người Việt định cư, họ sẽ gặp khó khăn hơn vì môi trường nói tiếng Việt sẽ bị thu hẹp trong phạm vi gia đình. Ở hoàn cảnh này, nếu cha mẹ cũng không tích cực nói tiếng Việt với con thì nguy cơ con mất tiếng Việt là không thể tránh khỏi.

Ngoài ra, một lý do cản trở việc  duy trì tiếng Việt cho thế hệ thứ 2 ở các gia đình nhập cư từ đầu thế kỷ 21 là bố mẹ có năng lực tiếng Anh tốt hơn thế hệ người Việt nhập cư trong các làn sóng nhập cư những năm 70-80 của thế kỷ trước. Điều này là một điểm cộng cho người Việt nhập cư vào Úc để dễ dàng hòa nhập vào môi trường xã hội mới nhưng lại là một yếu tố nguy cơ  với việc giữ tiếng mẹ đẻ.

Theo nghiên cứu VietSpeech, ở các gia đình có bố mẹ có thu nhập cao, nói tiếng Anh tốt, năng lực tiếng Việt của con có xu hướng thấp hơn. Có 2 lý do chính cho việc này, 1 là khi bố mẹ nói tiếng Anh tốt con sẽ “ỉ” lại, không bắt buộc phải nói tiếng Việt, dần chuyển sang nói tiếng Anh hoàn toàn với bố mẹ; và 2 là ý thức với việc duy trì ngôn ngữ và văn hóa Việt ở nhóm bố mẹ này cũng không cao. Trong khi đó theo các nghiên cứu trên thế giới và nghiên cứu VietSpeech thì 2 yếu tố quan trọng hàng đầu với việc duy trì tiếng mẹ đẻ là bố mẹ sử dụng tiếng mẹ đẻ với con và thái độ tích cực với việc duy trì tiếng mẹ đẻ. Ở các gia đình bố mẹ nói tiếng Anh tốt và thu nhập cao thì cả 2 yếu tố này đều không được lưu tâm thích đáng.

Ngoài gia đình có những hỗ trợ gì từ phía chính phủ Úc cho việc duy trì tiếng mẹ đẻ? 

Về mặt chính sách, chính phủ Úc luôn khuyến khích và hỗ trợ việc duy trì các ngôn ngữ của các sắc dân nhập cư qua việc tổ chức dạy và học ngôn ngữ cộng đồng tại các trường ngôn ngữ cộng đồng vào cuối tuần và một số trường ngôn ngữ cộng đồng vận hành trong tuần. Việc các em nhỏ theo học các lớp ngôn ngữ cộng đồng vào thứ 7 trong 2-3 tiếng về cơ bản giúp các em biết đánh vần, đọc và viết ở trình độ cơ sở abc (hay ta có thể nói đùa là “xóa mù”). Để các em có thể nói thành thạo và đọc viết tốt, cần rất nhiều nỗ lực của cha mẹ và cộng đồng. Nhiều phụ huynh đưa con đến trường Việt ngữ học cho yên tâm là con biết đánh vần nhưng về nhà lại nói tiếng Anh với con hoặc không có nỗ lực giúp con học tiếng Việt từ các giao tiếp hàng ngày trong gia đình thì năng lực tiếng Việt của con sẽ chỉ dừng lại ở mức 1 người nước ngoài cố gắng học tiếng Việt trong môi trường tiếng Anh.
Cha mẹ gặp khó khăn gì khi muốn duy trì tiếng Việt cho con? 

Nghiên cứu VietSpeech cho thấy về việc duy trì tiếng Việt, có 3 nhóm cha mẹ: 1 là nhóm cha mẹ rất tâm huyết với việc giữ tiếng Việt cho con và nỗ lực tìm mọi cách để thực hiện điều này; 2 là nhóm cha mẹ rất muốn giữ tiếng Việt cho con nhưng chưa biết cách làm thế nào hoặc lo ngại việc giữ tiếng Việt sẽ ảnh hưởng đến việc học tiếng Anh của con; và 3 là nhóm cha mẹ “lửng lơ con cá vàng”, tức là thế nào cũng được, con nói được tiếng Việt cũng tốt, mà không được thì cũng không sao. 

Với nhóm thứ nhất, chương trình Cùng giữ tiếng Việt đã phỏng vấn các gia đình để các kinh nghiệm quý báu của các gia đình này được chia sẻ với quý thính giả của SBS Tiếng Việt. Hi vọng là quý vị đã có dịp nghe và đọc về các tấm gương các bố mẹ và các em nhỏ duy trì tiếng Việt tốt và tìm hiểu các cách mà các gia đình này đã áp dụng để con em họ có thể sử dụng tiếng Việt thành thạo như các em nhỏ lớn lên ở Việt nam.

Với nhóm thứ 2 là nhóm cha mẹ mong muốn giữ tiếng Việt cho con nhưng loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu và làm thế nào hoặc lo ngại con sẽ kém tiếng Anh nếu duy trì tiếng Việt. Một điều đã được khẳng định bởi các nghiên cứu trên thế giới là việc duy trì tiếng mẹ đẻ không có ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập của các em ở trường mà ngược lại còn hỗ trợ việc học tiếng Anh hoặc tiếng nước bản xứ. Nghiên cứu VietSpeech với gần 300 gia đình ở Úc đã cho thấy các em có năng lực tiếng Việt tốt cũng có năng lực tiếng Anh tốt. 

Để giúp các bố mẹ có thêm thông tin và phương pháp giúp con duy trì tiếng Việt,  VietSpeech đã có một chương trình tập huấn thử nghiệm vào năm 2020 có tên là SuperSpeech. Đây là một chương trình kéo dài trong 8 tuần, mỗi tuần 1 buổi với thời lượng 1 giờ có sự tham gia của cả bố/mẹ và các em nhỏ ở độ tuổi từ 3-8 tuổi. Chương trình cung cấp cho các bố mẹ các thông tin liên quan đển việc duy trì tiếng mẹ đẻ như ích lợi của việc duy trì tiếng mẹ đẻ và nói được nhiều ngôn ngữ, các mốc trưởng thành về mặt ngôn ngữ của trẻ em để bố mẹ biết và theo dõi, phát hiện sớm các vấn đề về ngôn ngữ của con, các cách giúp con học tiếng Việt qua các sinh hoạt hàng ngày, cách nói chuyện và xử lý khi con không thích học/nói tiếng Việt, phân biệt 2 hệ thống âm ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, dạy con tập đánh vần, giúp con phát triển ngôn ngữ qua việc đọc truyện với con hàng ngày, học ngôn ngữ qua các trò chơi. 

Chương trình đã nhận được phản hồi vô cùng tích cực cùng số lượng đông đảo các gia đình mong muốn tham gia vào các chương trình tiếp theo. Chương trình hi vọng sẽ được thực hiện lại khi có nguồn tài trợ trong tương lai. 

Với nhóm thứ 3 là nhóm bố mẹ thả nổi cho con nói tiếng gì cũng được, thế nào cũng được, thì hệ quả có thể đoán trước là con sẽ dùng tiếng Anh và sẽ mất tiếng Việt. Đây là một điều đáng tiếc vì như thế con sẽ mất đi cơ hội nói tiếng của ông bà, cha mẹ mình, cơ hội để thấy một phần bản sắc của mình là bản sắc Việt, thấy gắn kết với văn hóa cội nguồn của mình. Ngoài ra, nói được 2 hay nhiều ngôn ngữ cũng giúp trí não hoạt động linh hoạt và phát triển tốt hơn, làm chậm sự phát triển của chứng mất trí nhớ và hội chứng Alzheimer khi về già. Cuối cùng biết thêm 1 ngôn ngữ là hiểu thêm về một nền văn hóa, một cách tư duy, chẳng phải là một lợi thế khi ta làm việc trong một xã hội toàn cầu hóa như hiện nay sao? 

Nhân sự kiện tiếng Việt trở thành ngôn ngữ phổ biến thứ 3, không kể tiếng Anh, ở Úc, Hồng Vân đã chia sẻ với quý vị một số số liệu thống kê, thực trạng và các kết quả nghiên cứu liên quan đến việc duy trì tiếng Việt ở Úc. Hi vọng là chương trình đã đem đến những thông tin hữu ích cho những ai quan tâm đến việc duy trì tiếng Việt ở nước ngoài. 

Trong mục đố vui tuần này, mời quý vị thử tìm cách giải thích cho con trong tình huống sau: Gia đình quý vị đưa các con về Việt nam chơi, thời tiết Hà nội những ngày tháng 7 nắng nóng oi bức 38-40 độ, các con đi chơi bằng oto đến trạm dừng nghỉ thì mọi người xuống xe, lúc sau mọi người giục nhau lên xe oto khi xe chưa chạy, có 1 cô nói: Lên xe chưa chạy nóng bỏ miẹ (mẹ). Con quý vị hỏi: Nóng bỏ mẹ là nóng như thế nào? Mời quý vị thử giải thích tình huống ngôn ngữ trên cho con, những đứa trẻ thế hệ thứ 2 sinh ra và lớn lên ở Úc.


Share