Cùng giữ tiếng Việt: Học chữ cái tiếng Việt như thế nào cho vui

Ảnh minh họa

Source: CGTV

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Việc học một ngôn ngữ thường bắt đầu với bảng chữ cái. Với tiếng Việt, học bảng chữ cái càng quan trọng vì trong tiếng Việt, việc nhận dạng được các chữ cái là nền tảng để các em đánh vần các từ.


Số 30 của Cùng giữ tiếng Việt, Bắt đầu từ đâu khi dạy tiếng Việt cho con, đã giới thiệu với quý vị Phần 1 của  series chia sẻ các cách dạy tiếng Việt cho con. Trong phần 2 của series này, mời quý vị tiếp tục tham khảo cách dạy con các chữ cái và tập đánh vần.

Mời quý vị nghe phần minh họa việc học chữ b của bé Ivy trong audio của chương trình. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc cho con xem video ABC vui từng giờ chữ b của VTV 7.
ABC Vui từng giờ là chương trình dành cho trẻ đến tuổi đi học tập làm quen với bảng chữ cái tiếng Việt qua nhân vật Kiến tím và Trứng tròn. Ở mỗi tập video dài 6 phút, các em sẽ cùng Kiến tím nhận diện mặt chữ cái, phát âm, nhận diện chữ cái trong từ và xác định được hướng viết chữ. Mỗi video giới thiệu một chữ cái với cách tiếp cận sinh động, hiện đại và trẻ thơ, giúp các em làm quen với chữ cái một cách nhẹ nhàng, thú vị, và vui vẻ.

Khi con xem video, con tập phát âm chữ b và các từ có chữ b. Bố mẹ có thể dừng video lại để hỏi con về những hình ảnh trên video như có mấy chữ b, các thông tin liên quan đến hình ảnh như màu sắc, hình khối, nhân dịp gì, … (Bánh nướng, bánh dẻo mình hay ăn và dịp gì? Tại sao lại gọi là bánh nướng, bánh dẻo? Tết trung thu mình thường làm gì? Quả bí đỏ có màu gì? Mình thấy nhiều bí đỏ vào dịp gì? Halloween thì vào tháng mấy? ….) 

Sau đó, bố mẹ sẽ dừng lại ở từng từ có chữ b để con tập viết các từ đó xuống vở và vẽ tranh về các từ đó ở bên cạnh. Nếu con chưa viết được thì bố mẹ viết và con sẽ tô màu chữ b rồi vẽ tranh.

Một hoạt động con có thể làm sau khi xem video chữ b là đi tìm các đồ vật trong nhà có chữ b. Bố mẹ đặt thời gian 2 phút (có thể dùng website đặt thời gian có nhạc vui nhộn có sẵn trên mạng như:



Nếu không có nhiều đồ vật có chữ cái đó thì con có thể vẽ trên giấy cũng được. Ví dụ như con bò, bông hoa, bố, bà nội, bà ngoại, là các từ có chữ b nhưng nếu không có sẵn con bò hay đồ chơi có hình con bò ở trong nhà thì con có thể vẽ trên giấy cũng được.

Việc học các dấu cũng nên được học ngay từ đầu để con có thể ghép các chữ và dấu để tập đánh vần. Một cách học dấu vui và hiệu quả là in các dấu ra, cho con cắt và dán lên 1 cái đĩa giấy làm thành mặt người. Hoặc con có thể vẽ mặt người dùng các dấu huyền, sắc là mắt, dấu hỏi là mũi, dấu ngã là miệng, và dấu nặng là nốt ruồi trên mặt. Bố mẹ có thể hỏi con về biểu cảm của các nét mặt các con vẽ như vui, buồn, bực mình, …

Sau khi đã học chữ cái a, b, và dấu con có thể tập ghép và đánh vần b + a = ba; b + a + ` = bà; b + a + ’ = bá; b + a + ~ = bã, …

Ba điểm quan trọng khi dạy chữ cái cho con:

1. Nhận dạng chữ cái cùng với việc phát âm và tập viết chữ cái đó 

Điều này giúp con nói đúng âm, biết mặt chữ, và có thể viết được chữ đó.

2. Học chữ cái trong các từ 

Học 1 chữ cái trong các từ có chữ cái đó sẽ giúp trẻ hiểu về cách dùng chữ cái đó và biết thêm nhiều từ.

3. Học và ôn tập chữ cái ở mọi nơi và qua các hoạt động gây hứng thú với con

Học chữ cái không chỉ là học lúc ngồi ở bàn học mà có thể học qua nhiều hoạt động mà con thích thú, ví dụ như đi tìm đồ vật trong nhà có chữ cái đó, vẽ các đồ vật đó, hoặc xem 1 tập phim hoạt hình mà con thích bằng tiếng Việt (như phim Peppa Pig). Khi ra ngoài đường, bố mẹ cũng có thể giúp con nhận dạng chữ cái qua các biển hiệu cửa hàng, quảng cáo, biển số xe, … Có thể hỏi con các câu hỏi như Trên biển hiệu kia có mấy chữ b. Buổi tối, khi đọc truyện tiếng Việt cho con, bố mẹ cũng có thể hỏi con tìm các từ có chữ b trong 1 trang truyện đang đọc. 

Mỗi ngày 1 chút, học 1 ngôn ngữ là như vậy, không ai thức dậy vào buổi sáng và bỗng nhiên có thể nói thành thạo một ngôn ngữ. Với 1 đứa trẻ, việc bố mẹ, ông bà nói chuyện bình thường với nó đã là dạy nó tiếng Việt, nói chuyện có chủ ý dạy tiếng Việt thì càng giúp trẻ học tiếng Việt nhanh hơn, giúp trẻ tăng cường kỹ năng giao tiếp và mở rộng kiến thức về thế giới xung quanh. Chính vì thế bố mẹ, ông bà là những người có vai trò tối quan trọng trong việc giúp trẻ nói và học tiếng Việt, từ đó nâng cao khả năng giao tiếp và học hỏi của trẻ.

Trong các số tiếp theo của series Bắt đầu từ đâu khi dạy tiếng Việt cho con, mời quý vị cùng tham khảo các cách giúp con học tiếng Việt vui vẻ và hiệu quả.

 


Share