Chuyện Queensland: Nhạc sĩ Nam Lộc thăm Brisbane

Nam_Loc_Queensland.jpg

Nhạc sĩ Nam Lộc trong buổi trình chiếu phim "Bóng Quá Khứ" ở Brisbane, tháng Mười 2022. Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tên tuổi của nhạc sĩ Nam Lộc đã gắn liền với lãnh vực âm nhạc và các sinh hoạt văn nghệ ở miền Nam Việt Nam và ở hải ngoại trong suốt nửa thế kỷ qua. Thế nhưng, trong một cuộc mạn đàm với chúng tôi nhân dịp ông thăm viếng Brisbane trong tuần qua, nhạc sĩ vẫn khiêm tốn cho rằng mình “chỉ là một nghệ sĩ tài tử”.


Nhạc sĩ Nam Lộc trong cuộc trò chuyện ở Brisbane đã tâm tình về hoàn cảnh hiện nay của các trung tâm âm nhạc, ước muốn được hỗ trợ các thế hệ trẻ cũng như những nhận xét của ông đối với sự phát triển của cộng đồng người Việt ở nước Úc, và nhiều đề tài khác nữa.

Kính mời quý thính giả theo dõi...

Hưng Việt: Dạ xin kính chào anh Nam Lộc ạ.

Nam Lộc: Dạ vâng, xin chào anh Hưng Việt, chào chị Mỹ Dung và xin gởi lời chào tái ngộ đến quý vị thính giả của SBS.

Mỹ Dung: Dạ, kính chào anh Nam Lộc.

Hưng Việt: Trước hết xin cám ơn anh Nam Lộc đã dành thì giờ bận rộn của anh trong chuyến viếng thăm cùng với phái đoàn phim BQK. Thưa anh, đầu tiên, xin hỏi anh là lý do nào anh tham gia vào cùng phái đoàn này ạ?

Nam Lộc: Dạ vâng, trước hết thì thưa anh, từ lâu tôi vẫn có ý niệm là làm thế nào để khuyến khích các bạn trẻ thực hiện những tác phẩm nghệ thuật trong đó có âm nhạc, điện ảnh, kịch nghệ v.v.. liên quan đến những sinh hoạt của người Việt ở hải ngoại nói chung, đặc biệt là cuộc hành trình đi tìm tự do của người Việt chúng ta. Là bởi vì càng ngày thì những người đi trước càng vắng đi, những giới trẻ lớn lên nếu các em nó thiếu thông tin thì nó có thể nghĩ sai lạc về ý nghĩa của cuộc ra đi tìm Tự do của người Việt tỵ nạn chúng ta.

Cộng vào đó thì kế hoạch của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam là làm thế nào để xóa tan đi cái ý nghĩa của cuộc ra đi tìm tự do của chúng ta. Cho nên tôi lúc nào cũng có một hoài bão là làm thế nào để hỗ trợ các bạn. Ở trong quá khứ, tôi đã hỗ trợ những người làm phim như là phim Ba Mùa, phim Rồng Xanh tức là phim Green Dragon, phim Vượt Sóng. Đây là những cái cuốn phim các em nói về tỵ nạn.

Thế rồi, bẳng đi khoảng cả vài chục năm nay thì âm nhạc tiếng ca vẫn có những ca khúc nói về tỵ nạn, thơ chúng ta cũng có, văn cũng có nhưng mà điện ảnh thì hầu như là không có. Vì thế khi mà cô đạo diễn Thanh Tâm là một trong những người trẻ ở Canada có thực hiện cuốn phim Bóng Quá Khứ thì cô có mời tôi đi xem. Tôi đi xem cái buổi ra mắt của cô ở Nam California. Thì cuốn phim ngắn thôi, có 60 phút thôi. Thực sự khi tôi đi xem, tôi cũng không có mong đợi nhiều ở cuốn phim này. Bởi vì thứ nhất, cô ấy là một đạo diễn trẻ mới bắt đầu vào nghề, đây là cuốn phim ngắn thứ hai của cô, điều kế tiếp là cô cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phim ảnh thì tôi cũng quý em nó thì tôi cũng đi xem. Như tôi nói với anh là tôi muốn khuyến khích các em. Khi đi xem rồi đó thì cô có mời nhiều người lên phát biểu trong đó có tôi thì tôi phát biểu một câu mà tôi nghĩ rằng đây cũng là cái câu trả lời câu hỏi của anh là tại sao tôi lại yểm trợ cuốn phim này. Tôi có nói rằng sau khi xem cuốn phim với 60 phút rồi đó thì tôi không thể ngờ là một người có thể làm một cuốn phim 60 phút mà cô đọng biết bao nhiêu tình tiết vô trong đó. Và một trong những điều hối hận khi tôi đi xem phim này là tôi không rủ thêm hai đứa con gái của tôi đi theo. Nếu tôi mang được các cháu đi xem thì có lẽ tôi sẽ để dành được rất nhiều thì giờ để mà giải thích các cháu lý do tại sao mà ông bà cha mẹ các cháu phải bỏ nước ra đi.

Hưng Việt: Dạ cám ơn anh Nam Lộc đã giải thích. Theo anh nghĩ thì cuốn phim cần có một cái sequel, một cuốn phim tiếp theo để nói về cái cuộc hành trình viễn xứ tức là cái sự việc định cư khó khăn của người Việt chúng ta ở hải ngoại hay không ạ?

Nam Lộc: Thưa anh, thưa chị và thưa quý vị thính giả, thực sự thì sau tháng Tư 1975, theo tôi đó mỗi một người Việt có một tâm sự, mỗi người có một hoàn cảnh và mỗi gia đình có một tấm bi kịch trong đó. Vì thế cho nên nếu mà nói những câu chuyện thì chúng ta có hàng trăm hàng ngàn câu chuyện để phải nói. Chúng ta cứ để cho các em nó nói được câu gì hay cái đó. Hiện giờ các em đang nói về thân phận người phụ nữ nhưng mà một ngày nào đó các em sẽ nói về thân phận của những người lính Việt Nam Cộng hòa, những người phải chịu đựng trong trại tù cải tạo, những người vợ những người mẹ phải đi thăm con, đi thăm chồng, những đứa trẻ lớn lên không có bố bên cạnh, những cái cảnh vùng kinh tế mới, phải về đó sống vất vưởng như thế nào, những người ngày xưa có sự nghiệp, có trí thức, có hoàn cảnh bây giờ trở về chân lấm tay bùn, còn bị họ bóc lột, họ đầy ải như thế nào, thì chúng ta muốn có hàng trăm Thanh Tâm, hàng ngàn Thanh Tâm để nói lên hằng trăm ngàn câu chuyện bi đát đó. Thì tôi nghĩ rằng thôi, chúng ta cứ giúp cho các em được bước nào hay bước đó, phải không anh?

Hưng Việt: Dạ cảm ơn anh Nam Lộc, Thưa bây giờ đổi đề tài chút xíu thôi. Đây không phải là lần thứ nhất anh Nam Lộc qua thăm viếng nước Úc chúng tôi. Thưa trong lần này, anh nhận xét thấy cộng đồng người Việt chúng ta ở nước Úc đã phát triển đến mức độ nào? Có khác với lần cuối anh sang đây cách đây ba năm hay không ạ?

Nam Lộc: Dạ thưa anh chắc chắn là có sự thay đổi rất là nhiều, từ vấn đề đời sống cho đến sinh hoạt cộng đồng, mình thấy rõ ràng sự phát triển của cộng đồng ở bên Úc châu nó lớn như thế nào. Nhiều nước trên thế giới nói chung và California nói riêng, xem Úc châu luôn luôn là một trong mẫu mực tốt đẹp. Chúng tôi chỉ mong là cộng đồng chúng ta hãy giữ cái mẫu mực đó, hạn chế những sự dị biệt để chúng ta giữ cho Úc Châu luôn luôn là những cái cộng đồng gương mẫu cho nhiều người khác theo đuổi.

Thí dụ như là hôm nay tôi đến Brisbane thì tôi nhìn thấy, tôi gặp gỡ các anh, gặp gỡ ban chấp hành cộng đồng, tinh thần đoàn kết, tinh thần thương yêu nhau, sự hiểu biết đối với tôi là vô cùng quan trọng. Chúng ta khác nhau ở chỗ là làm sao chúng ta khắc phục được sự dị biệt chứ còn mỗi người bây giờ chúng ta không có cấp bậc, chúng ta không có vị trí, ai cũng giống ai cả, hơn nhau ở chỗ là mình tự trọng và mình cùng nói cái câu mutual respect, tương kính với nhau. Ngoài hải ngoại thì người nào cũng có hoàn cảnh riêng, vì thế cho nên trở lại câu nói của tôi là tôi chỉ mong Úc châu vẫn mãi mãi sẽ là Úc châu mà tôi được biết từ bao nhiêu năm qua.

Hưng Việt: Vâng cám ơn anh Nam Lộc đã có lời quá tốt đẹp cho cộng đồng chúng tôi ở nước Úc này. Thưa anh đã có nhiều bạn trẻ cũng như những người lớn tuổi hơn chút xíu đã gia nhập vào cái dòng chính trị chính mạch. Ở nước Úc này, chúng ta mới vừa có cô Đài Lê được bầu là nữ dân biểu đầu tiên của người Việt ở Quốc hội liên bang ở Úc. Thưa anh có thấy đó là một cái sự mà chúng ta, những thế hệ gọi là thứ nhất đi trước, cần phải khuyến khích thêm để cho thế hệ trẻ ở đây tiếp tục bước theo hay không ạ?

Nam Lộc: Trả lời câu hỏi của anh, tôi chỉ xin tóm tắt là tôi là người nhờ anh em bên Sydney liên lạc và giới thiệu tôi với cô Đài Lê để tôi được nói những lời ngưỡng mộ của tôi và đồng thời đại diện cho những người có lòng ở bên Mỹ nói rằng họ sẽ hỗ trợ cô trong mọi phương diện. Được cô trao đổi rằng cô sẽ nguyện là một trong những người đại diện cho cộng đồng người Úc gốc Việt trong chính trường Úc và đồng thời cái quan trọng trong cái thông điệp mà cô chia sẻ với tôi là cô luôn quan tâm đến quê hương đất nước Việt Nam của gia đình cô, của cộng đồng cô và cô cũng chia sẻ niềm ưu tư về cái sự đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam. Cô cũng chia sẻ cái điều quan tâm của tôi là hiện nay Trung Cộng đang có những kế hoạch để lấn áp Việt Nam mình không bằng súng đạn mà bằng nhân mãn, họ đem người của họ vào, đủ mọi thành phần, tàn tật cũng có, việc làm cũng có, lao cộng cũng có, vào đó để lấy người phụ nữ Việt Nam, sinh con đẻ cái, đặt tên Tàu dạy tiếng Tàu, ở trong những đặc khu Tàu. Họ hy vọng là một thời gian nào đó, họ sẽ có thể Tàu hóa người Việt chúng ta bởi vì đất nước mà có 1 tỷ 400 triệu người thì họ ngốn cái đất nước 100 triệu người rất là dễ dàng. Và cái kế hoạch Hán hóa Việt Nam chúng ta một cách âm thầm như vậy, thì tôi nghĩ rằng một ngày không xa Việt Nam mình sẽ trở thành một tỉnh của Trung cộng.

Thì tôi nghĩ rằng những cái người có lòng ở bên Mỹ sẽ, không phải chỉ ở bên Mỹ mà ngay cả ở bên Úc nữa, sẽ hỗ trợ cô trong tương lai. Và tôi mong rằng chúng ta không phải chỉ có một Đài Lê mà chúng ta sẽ có nhiều Đài Lê trong tương lai. Và không những chỉ có Đài Lê ở bên Úc mà chúng ta có Đài Lê ở bên Âu châu mà chúng ta mong ở bên Mỹ cũng sẽ có những Đài Lê tương tự như vậy. Đó mới là cái điều quan trọng hiện nay, thưa anh.

Hưng Việt: Cảm ơn anh. Bây giờ cuối cùng thì mình nói chuyện hơi riêng tư chút xíu. Thưa anh có thể cho thính giả chúng tôi được biết là hiện giờ, anh có những sinh hoạt gì trong giới văn nghệ hay trong bất cứ lãnh vực nào hay không ạ?

Nam Lộc: Hiện nay như anh biết tuổi tôi năm nay cũng 78 tuổi rồi, đang sống ở những cái giai đoạn hoàng hôn của cuộc đời. Tôi cố gắng dùng thời gian còn lại, sức khỏe còn lại để truyền đạt những kinh nghiệm của mình cho các bạn trẻ, các bạn thích nghiên cứu về âm nhạc, thích nghiên cứu về văn hóa lịch sử của cộng đồng, những điều tôi có biết được thì tôi muốn chia sẻ với các cháu, các em, các nghệ sĩ cũng vậy. Hiện nay như anh cũng đã biết là trung tâm ASIA không còn hoạt động như trước nữa là bởi vì cái địa bàn hoạt động nó bị hạn chế trong lĩnh vực truyền thông đại chúng. Họ dùng phương tiện liên mạng toàn cầu cho nên những cách sử dụng những cái đĩa nhạc, DVD hay là video, nó không còn tác dụng nữa, mà không sử dụng được thì nó là một cái điều bất lợi cho những người làm chương trình văn nghệ. Như anh cũng biết một chương trình tụi tôi thu hình trước đây nó tốn khoảng 700 ngàn đô la cho đến một triệu đô la Mỹ. Mà nếu bây giờ mà mình làm ra mà không có tiêu thụ được thì dĩ nhiên họ không có đủ vốn để làm. Mà nếu sử dụng qua phương tiện truyền thông internet thì chỉ có YouTube, còn nếu không thì họ sẽ livestream hay là sử dụng những cái đó thì nó mất đi quyền lợi của người làm.

Theo tôi thì đây là một cái bước khó khăn của các trung tâm ca nhạc. Hiện giờ tôi chỉ nói về ASIA thôi nhưng mà tôi tin là những trung tâm khác cũng sẽ gặp những trở ngại tương tự. Thêm vào đó nữa, các lớp khán giả thưởng ngoạn cũng thay đổi, những người lớn tuổi như anh và tôi có thể là sẽ bớt đi nhiều. Và những lớp trẻ nó lớn lên, các em chưa chắc nó đã nghe lại những cái loại nhạc trước đây. Có chăng thì ở trong nước. Trong nước thì giờ họ rất nghe những bài nhạc vàng ở hải ngoại. Nhưng mà khổ một nỗi là những trung tâm này đâu có phát hành được trong nước, nếu không muốn nói là ở trong nước họ chỉ làm băng lậu để bán thôi, bao nhiêu năm nay thì cả Asia cũng như là Thúy Nga ra những cuốn băng nào thì trong nước họ đều làm băng lậu để bán, vì thế cho nên những lợi nhuận là chỉ vào tay những cái tay đầu tư đó thôi.

Dạ thì đây là một vài chia sẻ còn hiện giờ thì tôi vẫn thường đi những chương trình ca nhạc ở khắp nơi, tùy theo cái sức khỏe của mình và tùy theo cái hứng khởi của mình có muốn hay không, nhưng mà nói thật với anh là hiện giờ nó bớt đi những cái chương trình ý nghĩa như là mình mong muốn ngày trước, bởi vì cộng đồng chúng ta không còn hoạt động như ngày trước nhiều, là bởi vì có hai lý do: lý do thứ nhất là nhiều cái sòng bài đó anh, những cái casino nó mọc lên, họ khai thác rồi họ mời những ca sĩ từ trong nước qua chẳng hạn, rồi các khán giả bây giờ thì cũng là đa số những người đi qua định cư sau này, họ cũng như những người trong nước cho nên cái chiều hướng thưởng thức âm nhạc nó cũng có sự thay đổi thưa anh.

Hưng Việt: Thưa với kinh nghiệm trãi dài gần 50 năm từ hồi anh còn ở Việt Nam cho tới lúc qua Mỹ trong những thập niên sau này, anh có khi nào nghĩ đến việc một lúc nào đó anh ngồi xuống, anh viết một cuốn hồi ký, cho chúng tôi được biết, tất cả các sinh hoạt mà anh đã tham gia hay không ạ?

Nam Lộc: Thưa anh, ai vào cái tuổi của mình cũng đều nghĩ tới chuyện đó cả nhưng mà có yếu tố nào để mình viết hay không thì đó mới là điều quan trọng. Tôi thì tôi lại chỉ là một người hoạt động văn nghệ tài tử cho nên sợ rằng ...

Hưng Việt: không dám đâu

Nam Lộc: Không, thực sự là như vậy, thưa anh. Từ sáng tác âm nhạc cho đến những hoạt động về văn nghệ hoàn toàn là tài tử thôi. Tôi là một công chức. Khi còn ở Việt Nam thì ở trong quân đội. Sau khi sang Hoa kỳ thì đi làm trong lĩnh vực di trú và tỵ nạn là chính, thì những cái đó không có gì để mình viết cả. Sinh hoạt với cộng đồng thì tôi có nhưng mà sinh hoạt đó nó có tính cách là bất cứ một người thành viên nào có sinh hoạt cộng đồng, thì tôi sợ không có đủ các yếu tố để mình viết hồi ký, thành ra tôi cũng có nghĩ đến nhưng mà làm được hay không thì tôi chưa dám nghĩ đến.

Hưng Việt: Thưa chúng tôi nghĩ anh rất khiêm tốn khi anh nói như thế. Xin thay mặt cho cô Mỹ Dung cùng thính giả, chúng tôi thành thật cám ơn anh Nam Lộc rất là nhiều đã chia sẻ những cảm nghĩ, những suy tư rất là thẳng thắn, có tinh thần yêu nước đối với những cái việc mà anh làm. Và xin kính chúc anh được nhiều sức khỏe và luôn luôn được bình an cũng như thành công trong tất cả những công việc mà anh sắp sửa làm trong tương lai. Xin cảm ơn anh.

Nam Lộc: Cảm ơn anh đã cho tôi cơ hội để chia sẻ với thính giả của SBS, tôi lâu lắm mới được nói chuyện. Cám ơn cô Mỹ Dung.

Như anh nói, chúng ta chỉ còn một đất nước để yêu, một quê hương để nhớ, chúng ta không sống cho cái đất nước quê hương đó của mình thì sống với ai. Nhưng mà sống như thế nào để cho là một người yêu nước thì nó mới là đáng quý, thưa anh. Cảm ơn anh.

Mỹ Dung: Dạ cám ơn anh Nam Lộc.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung.

Share