Chuyện Queensland: Y tá Uyên Nguyễn

nurse uyen uyen.jpg

Y tá Uyên Nguyễn

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Cô Uyên Nguyễn ở Brisbane bước chân vô ngành y tá vào tuổi trung tuần, với việc chăm sóc cho gia đình cùng tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính, cô đã phải vượt qua nhiều thử thách và khó khăn để có thể đi theo bước đường của Florence Nightingale.


Y tá là một người mở đôi mắt của đứa bé mới chào đời và giúp khép đôi mắt của một người vừa từ trần. Hiếm có nghề nghiệp nào có được thiên chức cao quý chứng kiến sự bắt đầu và sự chấm dứt của một đời người như thế ”.

Kính mời quý thính giả theo dõi cuộc mạn đàm sau đây để được cô Uyên Nguyễn chia sẻ những tâm tình, kinh nghiệm cùng những ước nguyện của cô trong cuộc hành trình này.

Hưng Việt: Dạ trước hết xin chào chị Uyên Nguyễn ạ.

Uyên Nguyễn: Dạ xin chào anh Việt, chào chị Dung, chào thính giả của đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ chào Uyên.

Hưng Việt: Trước hết cám ơn chị Uyên đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn này. Thưa chị, chị bắt đầu theo học ngành y tá này từ hồi năm nào? Và động lực nào thúc đẩy chị theo học ngành đó?

Uyên Nguyễn: Em bắt đầu từ năm 2013. Em thấy rằng là cái nghề này nó cũng có ý nghĩa là mình có thể giúp được người khác và mình có thể làm theo cái giờ mình muốn, nếu như mà mình làm casual thì mình được quyền chọn cái shift của mình. Và cái thứ ba nữa, đó là tại vì em rất là thích du lịch, mình có thể xin việc ở bất cứ chỗ nào mình muốn, ví dụ New Zealand, họ nói rằng họ đang cần y tá mà nếu mà mình chưa tới đó và em muốn đi qua bên đó chơi để mà thăm nước đó luôn thì em có thể nhận cái contract của họ một năm hai năm hoặc là sáu tháng.

Mỹ Dung: Em có đề cập tới việc học Registered Nurse đó thì không biết tiến trình học khó khăn không? Mất bao lâu? Nhứt là đối với người di dân như em.

Uyên Nguyễn: Cái tiến trình học của em thì nó dài lắm. Em hay nói giỡn với ông xã em là người ta học y tá thì người ta học có ba năm còn em học tới bảy năm lận, em học gần bằng bác sĩ lận nhưng mình chỉ mới ra có y tá thôi. Em học từ cái level thấp, assistant-in-nurse thì nó chỉ có sáu tháng thôi. Tại vì tiếng Anh của mình nó có giới hạn cho nên là em muốn học từ ở phía dưới đi lên để em lấy được cái căn bản nhất. Thời gian mà em học đó, thì em có hai thằng con trai cho nên là em muốn học một cái gì đó nó ngắn nhất để mà em có thể đi ra kiếm tiền tiếp tục lo cho cuộc sống của em và hai đứa nhỏ. Và một cái nữa mà em chọn đó là họ sẽ cho mình lên học Enrolled nurse mà không cần phải đòi hỏi những giấy tờ.

Khi em đi học Enrolled Nurse thì em đi làm cái assistant. Trong thời gian đi học cái cao thì em làm cái thấp. Rồi em đi học cái Bachelor.

Dĩ nhiên là khi mình học thì nó có những cái môn mà thấy nó khó quá, mình không qua nổi thì mình phải học lại, giống như học về cơ thể con người Anatomy, nó có nhiều cái cho mình nhớ quá cho nên nhiều khi em không nhớ nổi, cái môn đó là cái môn mà em phải học lại khi mà em học Diploma.

Và hồi lúc mà em học Diploma, em nhớ rất là khó là tại vì nó hoàn toàn mới với mình, có nghĩa rằng là mình chưa bao giờ biết cái nghề đó là như thế nào hết. Nó khác với lại khi học Bachelor. Bởi vì em cảm thấy em học Bachelor dễ hơn em học Diploma là tại vì em đã học cái basic ở dưới rồi thì bây giờ đi học thêm lên thôi. Còn hồi xưa lúc mà em học Diploma lại không biết cái gì hết, cho nên em nói là nhét chữ vô đầu rất là khó. Cái thứ nhất là mình cũng đã lớn tuổi rồi. Cái thứ hai nữa là ngôn ngữ của mình nữa, rồi mình không biết cách học nữa cho nên hầu như là em đi học mà em cứ khóc hoài tại vì đôi khi nó khó quá mà không biết mình có vượt qua được hay không. Nhưng mà mình cứ ráng ráng rồi cuối cùng thì cũng được.

Mỹ Dung: Rồi làm sao để em vượt qua những cái khó khăn đó?

Uyên Nguyễn: Nếu mà nói khó khăn trong học vấn, mình chịu khó bỏ nhiều giờ ra một chút là cái thứ nhất. Cái thứ hai nữa đó là trường có những dịch vụ để giúp cho những người học sinh di dân đó, ví dụ như mình làm bài xong thì mình có thể đưa cho họ coi lại, thì nếu như có chỗ nào sai hay này kìa đó thì họ sẽ chỉ cho mình cách sửa lại. Em nghĩ rằng nếu như mà mình muốn đạt được các mục đích đó thì mình phải cố gắng thôi.

Hưng Việt: Thưa chị, việc học y tá thì lý thuyết chỉ là một phần thôi. Thực hành đóng một vai trò rất quan trọng. Thì khi làm thực tập, mình làm chung với những sinh viên của nước đó, thì họ quen với lối giáo dục ở đây hơn, ngay từ thời trung học rồi. Trong giờ thực tập thì thường là mình ít kinh nghiệm hơn. Chị có cảm thấy là chị dựa vào họ nhiều hơn và chờ họ chỉ dẫn cho mình nhiều hơn là cùng nhau hợp tác làm thí nghiệm không?

Uyên Nguyễn: Khi đi học y tá, theo sự nhìn thấy của em thì chuyện đầu tiên là nếu mà cô giáo để cho mình tự chọn group thì họ sẽ không chọn mình nhưng nếu như mà cô giáo chọn thì bắt buộc là mình phải vô chung với họ. Khi mà thực tập thì thường thường cô giáo cho một cái đề án là bệnh nhân đó bị một cái bệnh gì đó, thì tất cả những học sinh này cần phải làm những gì thì cô giáo đứng đó nhìn. Nếu như mình biết cái khả năng của mình yếu hơn người khác thì mình phải coi bài trước. Khi mà mình đi học chung với mấy bạn giỏi hơn mình hoặc là trẻ hơn mình thì nó sẽ thấy mình chậm chạp thì đôi khi họ đứng đó để coi thử mình có làm được không. Nhưng mà nói như vậy không có nghĩa là không có người tốt, còn có những người bạn tốt thì khi mà họ thấy mình làm sai, họ chỉ mình bằng cái cách là họ chạy vô họ làm với mình.

Mỹ Dung: Rồi khi hành nghề, em có gặp những khó khăn trở ngại rồi em vượt qua như thế nào?

Uyên Nguyễn: Khi mà hành nghề, em không có bị khó khăn lắm là vì khi mà mình làm chung đó thì nếu như mình không biết thì mình sẽ hỏi người có kinh nghiệm hơn mình. Và đó là cái cách mà tụi em được train ở trong trường rằng mình không biết thì mình hỏi, thì nhiệm vụ của cái người biết, người có cái chức lớn hơn mình, họ sẽ chỉ lại cho mình. Mình cảm thấy tự tin hơn. Ví dụ mình là nurse mới thì họ sẽ cho mình làm những cái công việc dễ hơn hoặc là mình chăm sóc những bệnh nhân dễ hơn để mình không có làm cho bệnh nhân đó bị nguy hiểm và từ từ mình học từ những cái đó và mình không thấy sợ khi mình làm.

Hưng Việt: Thưa cô, tôi có được một vài bác sĩ cho biết là mỗi năm họ phải đi dự một cái khóa học nào đó thì họ mới được tiếp tục gia hạn cái bằng hành nghề. Trong ngành y tá có như vậy hay không?

Uyên Nguyễn: Bác sĩ thì em không biết nhưng mà y tá, một năm tụi em phải làm một workshop ôn lại hết từ đầu tới cuối vậy đó. Họ sẽ đưa cho mình một xấp giấy rất là dày và mình sẽ học lại cái đó, rồi họ sẽ đưa cho mình một xấp câu hỏi và mình phải trả lời lại những cái đó. Cái đó là bắt buộc.

Tụi em cứ phải train hoài và những cái chuyện giống như về thuốc, về chích, về cái cách manual handling, học những cái chung về workplace của mình thì cái đó thì tụi em phải làm hoài, ba tháng làm một lần.

Hưng Việt: Khi học xong ngành y tá và ra hành nghề thì y tá có nhiều lĩnh vực khác nhau, như là về nhi đồng, về hộ sản v.v… Cô có thể chia sẻ với quý thính giả của chúng tôi là mình được quyền chọn hay là họ phái mình đi đâu thì mình phải đi đó?

Uyên Nguyễn: Thường thường, một người y tá nếu như học bình thường thì là general có nghĩa là bất cứ một thứ basic gì mình cũng phải học để biết, về em bé thì mình cũng phải học chút đỉnh để biết chứ không chuyên môn. Nhưng nếu mà mình muốn chuyên môn về một cái loại nào đó, thí dụ học về phụ sản thì cái người nurse sẽ phải đi học thêm một hay hai năm gì đó. Còn nếu không phải chuyên ngành như vậy, khi mà mình apply một cái job nào đó, ví dụ như khoa đó là về tim thì người bình thường y tá giống như em vẫn có thể vô làm ở đó được nhưng mà em phải train một cái chương trình của họ để mà biết được những cái chuyên môn về khoa đó để mình biết được thuốc, hoặc về những cái máy trợ hoặc những cái gì đó mà mình cần phải được train.

Hưng Việt: Nói về y khoa thì đôi khi xảy ra những tai nạn thì không phải là cố ý nhưng mà bởi vì một sự vô tình thôi mà bệnh nhân đó chẳng may trở thành nặng hơn hoặc là qua đời. Thì vấn đề hành nghề, vị bác sĩ hay y tá có cần phải đóng bảo hiểm riêng không, cho cá nhân mình? Hay là nếu chuyện đó xảy ra thì bệnh viện đó liable?

Uyên Nguyễn: Mỗi người y tá, ngoài mỗi năm ngoài đóng tiền cái bằng của mình thì mình còn phải đóng một cái tiền giống như là bảo hiểm vậy đó. Cái tiền nó cao thấp thì tùy theo cái giờ làm việc của mình nhiều hay ít trong một năm. Khi có những cái chuyện mà xảy ra mà ảnh hưởng tới công việc của mình thì họ sẽ cover.

Mỹ Dung: Em có những kinh nghiệm vui buồn nào trong nghề y tá không?

Uyên Nguyễn: Thường thường, một y tá sẽ coi bốn hay năm bệnh nhân. Nếu như năm người đó, tình trạng của họ không có được khỏe lắm thì mình sẽ cực hơn. Đôi khi mình không thể nào làm hết được những gì mà họ muốn. Em nhớ bệnh nhân của em họ cứ đòi đi vệ sinh hoài à, mà mỗi lần đi vệ sinh mình phải cần hai người, tự họ không đi được rồi mình phải dùng cái equipment để giúp họ từ cái giường đi vô trong toilet. Mỗi một lần mà họ đi tiểu như vậy đó là mất cả 15, 20 phút của mình, mà cứ khoảng chừng nửa tiếng hay một tiếng đòi đi một lần là không thể nào mình dẫn đi được hết. Có nhiều khi cũng tại vì cái behaviour của họ nữa. Đôi khi mình không có làm được hết rồi về nhà, mình nghĩ là không biết cái người đó họ thật sự có nhu cầu hay là họ muốn làm như vậy. Nhưng mà lỡ họ thật sự có nhu cầu có nghĩa rằng các cơ thể của họ không bình thường, họ sẽ bị đau hoặc, họ sẽ rất là khó chịu. Nhưng mà trong một ngày thì mình phải làm hết những cái việc mà mình cần làm cho năm người khác.

Cho nên về nhà em ngồi nói chuyện với ông xã em xong rồi cái em khóc, em nói là “thấy tội quá, không biết là mình không có đưa ổng đi tiểu được, mình không có cho ổng đi toilet được và thấy thương người ta tại vì vô trong bệnh viện người bệnh nhân trông cậy vô người nurse. Cho nên nếu như mà mình không có làm được hết cho họ đó, mình cảm thấy mình thiếu sót, em cảm giác thấy rất là tội nghiệp.

Khi mà em đi làm thì nhiều khi cũng có bữa mệt, bữa không mệt thì em tự nói với em là em sẽ cố gắng hết sức để mà em có thể gần gũi với người bệnh nhân, có thể hiểu được họ, để mình thấy có nhu cầu của họ để mà mình giúp họ. Nếu mà mình là người khỏe và mình đã là người đã được train thì mình phải hiểu được những cái chuyện giống như vậy để mình giúp họ.

Hoặc là nhiều khi tối ngủ, đôi khi cũng nằm mơ, nằm mơ không biết là mình làm đúng chưa hoặc làm được đủ chưa. Sau này thì đã đỡ hơn.

Mỹ Dung: Còn cái chuyện vui...

Uyên Nguyễn: Chuyện vui của em hả...Em nhớ cái lần đầu tiên mà lúc đó em còn làm Assistant-in-Nurse đó. Em với lại một cái cô bạn y tá cũng là A-i-N luôn. Thì cái người bệnh nhân ổng chết rồi. Không biết cổ sợ ma hay cái gì thì em không biết, nhưng mà người mất thì thường thường khi mà họ đi lúc nào thì cái vị thế của họ như thế nào thì nó sẽ là như thế đó. Cho nên là lúc đó con mắt có mở ra, thì tụi em mới được train là mình phải làm cho mắt nó xuống, rồi cái miệng thì họ hả ra là tại vì họ phải thở trong cái lúc mà họ gần đi đó. Lúc đó thì mình phải lấy khăn, để dưới cái cổ của họ để nó khép cái miệng lại. Nhưng mà tại vì tụi em chưa có kinh nghiệm cho nên tụi em làm những cái đó xong thì tụi em mới bắt đầu thay tã cho cái người đó sạch sẽ trước khi người bên funeral tới lấy xác đi. Tụi em làm cái đó xong rồi, tụi em quay ông đó thì những cái gì mà tụi em làm, nó trở ngược lại như cũ nữa. Cô đó cổ sợ quá. Kêu người y tá có kinh nghiệm vô, nói không biết sao mà nó lại như vậy. Bà đó bả cũng buồn cười, nhưng mà dĩ nhiên mình không phải cười cho cái người mất đó, nhưng mà bây giờ nghĩ lại thì mình thấy lúc đó mình rất là ngu ngơ tại vì mình không có biết cái gì hết, cái gì cũng sợ hết .

Rồi họ nói mình thay tã mình phải làm sạch sẽ hết rồi mình mới làm mấy động tác đó nó không có bị dời chuyển. Nói chung là không có kinh nghiệm cho nên là em cứ nhớ hoài cái chuyện đó.

Hưng Việt: Thưa cô, trong ba năm vừa qua, chúng ta đều biết có nạn đại dịch COVID, thì trong thời gian đó, những bác sĩ, y tá, những người nói chung trong ngành y khoa rất là cực nhọc và có nhiều người phải làm việc nặng nề hơn lúc trước. Thì cô cảm thấy cái thời gian đó, cái trách nhiệm có quá nặng nề nhiều lắm hay không?

Uyên Nguyễn: Tại vì hiện tại em đang làm trong cái khu cho mấy cái người bị tai biến hoặc là những người bị mổ, bị té để hồi phục cho nên là khi mà bị Covid, tụi em cũng bị ảnh hưởng nhưng mà không bị ảnh hưởng nhiều giống như những các bệnh viện khác. Vì covid cho nên là có những ca mổ nếu mà chưa có nặng lắm thì họ sẽ không mổ. Nhưng mà nói như vậy không có nghĩa rằng tụi em không bận là tại vì tụi em vẫn phải cover cho mấy người bị Covid họ phải ở nhà. Thí dụ như bình thường bây giờ em làm ba shifts một tuần thì em sẽ làm năm, sáu. Thấy bệnh nhân không có y tá chăm sóc thì cũng không được. Và Queensland mình thỉnh thoảng mình bị bão, bị lụt. Cái lúc nước lụt tụi em còn bận hơn COVID nửa là tại vì không có y tá đi tới được bệnh viện cho nên tụi em là những người ở gần cứ phải làm double.

Mỹ Dung: Cuối cùng thì Uyên còn có điều chi muốn chia sẻ với thính giả không?

Uyên Nguyễn: Em nghĩ rằng mục đích hôm nay em nhận lời để mà nói chuyện là em muốn chia sẻ về cái khó khăn khi mà một người đến Úc và cái ngôn ngữ của mình không phải là ngôn ngữ chính. Nếu như mà mình cố gắng thì em nghĩ rằng là rất là nhiều người làm được. Nghề dạy nghề. Cho nên nếu những người thính giả có cái suy nghĩ rằng là mình cũng thích làm y tá thì đừng ngại là tại vì mình sẽ làm được. Em học, lúc đó em 40 tuổi lận, nhưng mà rồi cuối cùng em cũng làm được. Cho nên là đừng có sợ, cứ cố gắng học thì không có khó đâu.

Mỹ Dung: Chẳng những làm được mà làm tốt nữa.

Hưng Việt: Thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả, chúng tôi thành thật cảm ơn cô Uyên Nguyễn rất là nhiều đã dành thì giờ ra để mạn đàm cùng chúng tôi về cái vấn đề hành nghề y tá mà tôi nghĩ nó rất là quan trọng trong cuộc sống, cho vấn đề sức khỏe của con người. Chúc cô được nhiều sức khỏe và mọi điều may mắn trong công việc của cô.

Uyên Nguyễn: Dạ xin cám ơn anh Việt, chị Dung. Những cái gì mà nảy giờ Uyên nói chỉ là kinh nghiệm cá nhân của Uyên thôi. Và mỗi người thì có một cái kinh nghiệm khác nhau. Hy vọng rằng là không có quá lời và cũng cảm ơn thính giả của đài SBS đã lắng nghe chương trình

Mỹ Dung: Cám ơn Uyên.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung



Share