Tạp chí Khoa học (06) Sức mạnh của người hướng nội

The power of introverts by Susan Cain

The power of introverts by Susan Cain Source: Ted.com

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nhà tâm lý học Carl Jung cho rằng, những người hướng ngoại thường nạp năng lượng từ các tương tác xã hội, trong khi những người hướng nội cần thời gian một mình, chẳng hạn đọc một cuốn sách ở nơi yên tĩnh, nhằm nạp lại năng lượng cho bản thân.


Trong một nền văn hoá tôn vinh tính cách hoà đồng và hướng ngoại hơn hết thảy, thật khó khăn và thậm chí đáng xấu hổ khi bạn là một người hướng nội. Thế nhưng, qua một bài nói chuyện đầy tâm huyết trên TED Talks, nhà văn Susan Cain đã cho thấy tính cách hướng nội đem đến những giá trị vượt trội và xứng đáng được hoan nghênh. Sau đây, mời các bạn lắng nghe một phần của bài nói chuyện trên.
Năm lên 9 tuổi, lần đầu tiên tôi tham dự trại hè. Vác theo một ba lô đầy sách, tôi tưởng tượng trại hè cũng giống như những buổi tối tôi cùng gia đình quây quần bên nhau, mỗi người một quyển sách và tự do rong ruổi trong thế giới riêng của mình. Vâng, có lẽ ở trại hè, tôi sẽ cùng 10 cô gái khác, mặc đồ ngủ, ngồi trong một cabin ấm cúng và đọc sách cùng nhau. Vui phải biết!

Nhưng tôi đã nhầm. Ngày đầu tiên ở trại, đội trưởng tập họp chúng tôi lại và dạy thuộc nằm lòng câu băng reo: “X-U-N-G-L-Ê-N. Nào chúng ta cùng xung lên, xung lên!” Tôi thật không thể hiểu nổi vì sao mình phải “xung lên”, nhưng mỗi ngày chúng tôi đều lặp lại câu băng reo ấy. Còn tôi thì chỉ mong đến giờ nghỉ để quay lại với những quyển sách thân yêu. Thế nhưng ngay khi tôi vừa giở sách ra, một cô nàng năng động trong nhóm đã bước đến hỏi, “Sao trông bạn lại ỉu xìu như thế?”. Dĩ nhiên, lúc đó tôi không có vẻ gì là đang “xung lên” cả!

Lần tiếp theo còn tệ hơn. Đích thân đội trưởng đến gặp tôi với vẻ lo lắng và nhắc đi nhắc lại rằng, mọi trại viên đều nên cố gắng cởi mở và hoà đồng với mọi người. Đó là lúc tôi quyết định cho những quyển sách ngủ yên dưới gầm giường cho tới cuối mùa hè, khi tôi trở về với gia đình.

Đây chỉ là 1 trong 50 câu chuyện đời tôi với đoạn kết giống hệt nhau. Lần nào cũng như lần nấy, dường như tính cách trầm tĩnh và hướng nội của tôi không được mọi người hoan nghênh. Từ đó, những người hướng ngoại trở thành một hình mẫu lý tưởng để tôi noi theo. Và mặc dù trong thâm tâm, tôi vẫn tin rằng người hướng nội cũng có những giá trị riêng, tôi lớn lên và trở thành một luật sư ở Wall Street – chứ không phải một nhà văn như tôi hằng mơ ước. Có lẽ tôi muốn chứng minh rằng: Mình cũng có thể táo bạo và quyết đoán như ai. Và tôi luôn chọn đến những quán rượu đông nghẹt người, dù thật tình, một bữa ăn tối nhẹ nhàng cùng bạn bè mới là điều tôi ưa thích. Như một phản xạ tự nhiên, tôi đưa ra những quyết định tự-phủ-nhận-bản-thân ấy mà chính mình cũng không hề hay biết.

Rất nhiều những người hướng nội cũng mắc sai lầm tương tự như tôi. Và đó quả thực là cả một sự thiệt thòi, không chỉ cho bản thân họ mà cho toàn xã hội. Đó là vì óc sáng tạo và tài lãnh đạo là năng khiếu thiên bẩm của người hướng nội. Một phần ba đến một nửa thế giới là người hướng nội. Điều đó có nghĩa là cứ trong hai hoặc ba người trên thế giới này, sẽ có một người mang tính cách hướng nội. Vì thế, ngay cả khi bạn là một người hướng ngoại, có thể đồng nghiệp, bạn đời, con cái, hay chính những người đang ngồi cạnh bạn lúc này, là những người hướng nội. Và họ đều phải hứng chịu sự thiên vị sâu sắc từ xã hội của chúng ta.
Để hiểu rõ hơn về sự thiên vị này, đầu tiên chúng ta cần làm rõ: Hướng nội là gì? Hướng nội rất khác với rụt rè. Rụt rè là sự e sợ khi bị xã hội đánh giá. Trong khi đó, hướng nội và hướng ngoại lại nói về xu hướng phản ứng của một người trước những kích thích, nhất là các kích thích mang tính xã hội. Những người hướng ngoại thích đón nhận một lượng kích thích lớn, còn những người hướng nội thì cảm thấy thoải mái nhất trong môi trường yên tĩnh và ít sôi động hơn.

Bà Linda Blair, một nhà tâm lý học lâm sàng, nói với Business Insider rằng mức độ hướng nội hay hướng ngoại của một người thật sự là nằm trong DNA của người đó. Nói cách khác, chúng ta không thể thay đổi điều đó được. Bà nói: "Nó liên quan tới cái gọi là nhu cầu được khơi gợi. Đây không phải là sự khơi gợi về mặt tình dục, mà là nhu cầu được kích thích trước khi bạn hành động - trước khi bạn có thể làm những gì mà mình muốn."

Những người hướng nội có nhiều chất hóa học làm cho họ cảm thấy được kích thích. Người hướng ngoại không có nhiều như thế. Đó là lý do vì sao người hướng nội có khuynh hướng tránh những nơi đông đúc hoặc deadline - những điều mà có thể tạo thêm áp lực lên cho họ - vì họ đã có áp lực từ bên trong bản thân. Những người hướng ngoại không có đủ chất hóa học mang tính khơi gợi này. Vì thế để hoàn tất mọi chuyện hoặc để có được thời gian vui vẻ, họ cần cảm thấy như thể mình đã sẵn sàng hành động, và tìm kiếm những nơi có áp lực.

"Nó không liên quan gì tới sự tự tin, mà là liên quan tới áp lực và sự khơi gợi. Bạn hướng ngoại hay hướng nội như thế nào là một điều gì đó bạn cần phải chấp nhận. Bạn cần phải làm việc với nó, sống với nó, và sử dụng nó như là lợi thế của mình", bà Blair nói thêm.
"Những người hướng ngoại thích đón nhận một lượng kích thích lớn, còn những người hướng nội thì cảm thấy thoải mái nhất trong môi trường yên tĩnh và ít sôi động hơn." - Susan Cain
Đáng tiếc thay, hầu hết những địa điểm công cộng như cơ quan, trường học đều có sự thiên vị trong thiết kế dành cho người hướng ngoại, tức là chúng đem lại nhiều “kích thích” hơn. Chẳng hạn, trong các lớp học vào thời của tôi, học sinh được xếp ngồi theo dãy và làm mọi việc một cách độc lập. Ngày nay, một lớp học điển hình là có những chiếc bàn xoay mặt vào nhau và 4-6 học sinh làm việc theo nhóm. Ngay cả với những môn như Toán hay Văn, vốn dĩ phù hợp với hình thức làm việc cá nhân, các em cũng được khuyến khích làm việc với vai trò một thành viên của nhóm. Những đứa trẻ thích làm việc độc lập sẽ bị xem là “khác người”, hay tệ hơn, “có vấn đề”. Bên cạnh đó, hầu hết các giáo viên đều cho rằng một học sinh lý tưởng nên có tính cách hướng ngoại, mặc dù theo một số nghiên cứu, những học sinh hướng nội không chỉ có điểm số cao hơn mà còn thực sự thông minh hơn nữa.

Tình hình trong các sở làm cũng chẳng sáng sủa hơn. Hầu hết chúng ta đều làm việc trong những văn phòng mở, liên tục phải tiếp xúc với tiếng ồn và những ánh mắt soi mói của đồng nghiệp. Đến đợt xét thăng chức, những người hướng nội cũng thường bị cho qua, dù họ có xu hướng cẩn trọng và ít đưa ra những quyết định mạo hiểm – những tố chất hoàn toàn phù hợp cho vị trí lãnh đạo. Một nghiên cứu thú vị của Adam Grant ở trường Wharton cũng cho thấy những nhà lãnh đạo hướng nội đem lại những kết quả xuất sắc hơn. Đó là vì họ thường cho phép nhân viên được chủ động đề xuất và thực hiện ý tưởng, trong khi các vị lãnh đạo hướng ngoại thường quá phấn khích với những ý tưởng của mình, đến mức áp đặt lên cả ý tưởng của những người khác.

Thực tế cho thấy, một số nhà lãnh đạo xuất chúng trong lịch sử là những người hướng nội. Eleanor Roosevelt, Rosa Parks và Gandhi được mô tả là ưa sự yên tĩnh và mềm mỏng trong lời ăn tiếng nói, hay thậm chí rụt rè. Thế nhưng họ vẫn nắm lấy vị trí lãnh đạo, dù từng tế bào trong cơ thể họ đều kêu gào họ đừng làm thế. Điều này hoá ra lại hay, bởi mọi người có thể thấy rõ họ lãnh đạo không phải vì họ thích chỉ đạo người khác; họ lãnh đạo vì đó là việc cần làm.

Đến đây, tôi cần nhấn mạnh rằng bản thân tôi rất thích những người hướng ngoại. Một số những người bạn thân nhất của tôi là người hướng ngoại, bao gồm cả người bạn đời yêu quý của tôi. Và tất cả chúng ta đều nằm đâu đó giữa hai thái cực hướng nội và hướng ngoại. Kể cả Carl Jung, nhà tâm lý học đã phổ biến hai khái niệm này, cũng khẳng định rằng không có một ai thuần hướng nội hay hướng ngoại cả. Một số người có nhân cách chiết trung, tức rơi vào ngay điểm giữa của hai thái cực này, và tôi thường nghĩ họ được thừa hưởng những điều hay ho nhất của cả hai tính cách. Nhưng hầu hết chúng ta là một trong hai loại.

Điều tôi muốn nói ở đây là, chúng ta cần một sự cân bằng văn hoá tốt hơn, giống như âm và dương vậy. Đây là điều đặc biệt quan trọng trong khía cạnh sáng tạo và năng suất làm việc, bởi khi những nhà tâm lý học nghiên cứu về cuộc đời của những người sáng tạo nhất, những người này không chỉ giỏi trao đổi và phát triển ý tưởng, mà còn sở hữu những nét tính cách hướng nội rõ rệt.
Reading a book
Khoảng thời gian tĩnh tâm là nhân tố thiết yếu cho sự sáng tạo. Source: Pixabay
Đó là bởi khoảng thời gian tĩnh tâm là nhân tố thiết yếu cho sự sáng tạo. Darwin thường từ chối những lời mời dự tiệc để dành thời gian tản bộ một mình trong rừng. Theodor Geisel, hay Dr. Seuss, thường suy tưởng về những tác phẩm tuyệt vời của ông trong một tháp chuông biệt lập sau nhà ở La Jolla, California. Và ông rất ngại gặp mặt những độc giả nhỏ tuổi vì sợ chúng sẽ mường tượng ông trong hình tượng một ông già Noel vui nhộn, và sẽ thất vọng khi đối diện với tính cách ẩn dật của ông. Steve Wozniak một mình sáng tạo ra chiếc máy tính Apple đầu tiên trong văn phòng của ông tại Hewlett-Packard. Và ông cho rằng nếu không nhờ tính cách hướng nội cố hữu đến mức ngại ra đường, hẳn ông đã không thể trở thành một chuyên gia như thế.

Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa rằng chúng ta nên ngừng hợp tác – hãy nhớ về sự hợp tác huyền thoại giữa Steve Wozniak và Steve Jobs để khai sinh ra Apple Computer – nhưng nó có nghĩa rằng khoảng thời gian tĩnh tâm là vô cùng quan trọng, thậm chí với một số người, nó quan trọng như không khí vậy. Và thực tế, chúng ta đã biết về sức mạnh ưu việt của nó qua hàng thế kỷ. Mãi cho đến gần đây, sức mạnh ấy mới bị lãng quên một cách lạ kỳ. Khi nhìn lại những tôn giáo hùng mạnh nhất thế giới, bạn sẽ thấy rằng những nhà sáng lập như Moses, Jesus, Đức Phật và Muhammad, đều dành một thời gian dài ẩn dật ở nơi hoang vắng, cho đến khi họ tìm thấy sự khai sáng và đem về phổ biến lại cho cộng đồng.

Điều này không có gì là lạ. Dưới lăng kính của tâm lý học hiện đại, khi chúng ta ở trong một tập thể, chúng ta có xu hướng mô phỏng và bắt chước suy nghĩ của tập thể ấy. Ngay cả trong những vấn đề riêng tư và cá nhân, ví dụ như mẫu người bạn yêu thích, bạn cũng rập khuôn theo những tiêu chí của tập thể mà không hề nhận ra.

Mà tập thể thì thường tuân theo ý kiến của những cá nhân quyền lực hay cuốn hút nhất, dù rằng chẳng có mối quan hệ nào giữa tài ăn nói và việc có được ý tưởng hay nhất. Vậy bạn có thực sự muốn đánh cuộc như thế không? Tốt hơn hết là mỗi người nên tự tách ra và khơi dậy ý tưởng của riêng mình, tránh xa tác động của tập thể, sau đó cùng quay lại thảo luận trong một môi trường mang tính xây dựng.

Nếu tất cả những điều trên là đúng, vậy chúng ta đã đi sai hướng từ khi nào? Vì sao chúng ta lại tổ chức trường học và công sở như hiện tại? Vì sao chúng ta lại khiến những người hướng nội cảm thấy quá tội lỗi về tính cách của họ? Câu trả lời nằm trong lịch sử. Xã hội Âu Mỹ vốn luôn đề cao “con người của hành động” hơn là “con người của suy tưởng”.

Thế nhưng, vào những ngày đầu trên đất Mỹ mà các sử gia vẫn gọi là “nền văn hoá của nhân cách”, xã hội đánh giá con người theo nhân cách và phẩm giá bên trong. Những quyển sách dạy kỹ năng sống thường mang những tựa đề như “Nhân Cách Là Thứ Quan Trọng Nhất Trên Thế Giới”. Hình mẫu để mọi người noi theo là những người như khiêm nhường và không tự phụ như Abraham Lincoln.

Rồi chúng ta bước vào thế kỷ 20, thời mà các sử gia gọi là nền văn hoá của tính cách. Kinh tế chuyển từ nông nghiệp sang thương nghiệp, con người di dân từ miền quê lên thành thị. Và bỗng nhiên, thay vì làm việc với những người họ đã biết cả cuộc đời, giờ đây họ phải chứng tỏ bản thân giữa một biển người xa lạ. Như một lẽ hiển nhiên, sự cuốn hút và nổi bật trong tính cách trở nên vô cùng quan trọng. Những quyển sách dạy kỹ năng sống cũng đổi cách đặt tựa đề mới, kiểu như “Làm Thế Nào Để Kết Giao Bạn Bè Và Tạo Ảnh Hưởng”. Những người bán hàng giỏi giang trở thành hình mẫu lý tưởng cho mọi người. Đó chính là thế giới chúng ta đang sống hiện nay.

Xin lưu ý rằng tôi không phủ nhận tầm quan trọng của kỹ năng xã hội hay phương thức làm việc nhóm. Chính những tôn giáo xuất thế cũng dạy cho chúng ta về tình yêu và sự tin tưởng lẫn nhau. Và những vấn đề chúng ta đang phải đối mặt hiện nay trong khoa học, kinh tế… quá đỗi to lớn và phức tạp, đến nỗi chúng cần sự hiệp lực của hàng triệu người để chung tay giải quyết. Điều tôi muốn nói là, chúng ta càng tạo cơ hội cho những người hướng nội được là chính họ, họ sẽ càng dễ khám phá ra những giải pháp đột phá để giải quyết vấn đề.

Tôi hy vọng rằng xã hội chúng ta sẽ cởi mở hơn với tính cách hướng nội, và biết trân trọng những khoảng lặng của mỗi cá nhân. Nếu bạn cũng thực sự tin vào điều ấy, tôi có 3 lời khuyên cho bạn.

Thứ nhất: Hãy dừng ngay thói quen làm việc nhóm mọi lúc mọi nơi. Tôi vẫn tin rằng môi trường công sở nên giống như một quán cà phê, nơi mọi người có thể tự nhiên và thoải mái chia sẻ ý tưởng cùng nhau. Điều đó thật tuyệt vời, cho cả người hướng nội lẫn người hướng ngoại. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng cần sự riêng tư và độc lập trong công việc. Cũng tương tự với trường học. Chúng ta vẫn nên dạy cho bọn trẻ cách làm việc cùng nhau, cũng như cách làm việc độc lập. Điều này đặc biệt quan trọng cho cả những đứa trẻ hướng ngoại. Chúng phải học cách làm việc một mình, bởi đó là lúc chúng có thể suy nghĩ sâu sắc về công việc.

Thứ hai: Hãy dành thời gian ở một mình. Hãy bắt chước Đức Phật, tự tìm chân lý cho bản thân. Ý tôi không phải là bạn phải vào rừng, xây một túp lều nhỏ và xa cách loài người. Nhưng đôi lúc, bạn có thể dẹp các thiết bị điện tử đi để tĩnh tâm một chút.

Thứ ba: Hãy nhìn lại những thứ trong túi của bạn và tự hỏi vì sao bạn lại mang chúng theo. Đó có thể là sách, là chai rượu hay bộ dụng cụ nhảy dù. Bất cứ thứ gì. Trong một vài dịp nào đó, hãy thử bày chúng ra và chia sẻ cùng mọi người về sở thích của bạn. Dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, tính cách của bạn và những thứ bạn mang theo cũng đều có giá trị riêng, và chúng sẽ giúp thế giới phong phú hơn rất nhiều!

Thêm thông tin và cập nhật Like  

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share