Mái ấm gia đình: 'Con nghiện game online, áp lực tài chánh, tôi thấy mình là người mẹ thất bại'

Mother scolding her daughter in living room

Bạn có đang kiệt sức khi làm cha mẹ?

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

"Hai đứa con trai ương bướng và nghiện game online, đi học về là lao vào máy tính chơi game, việc học ở trường rất bỏ bê. Mình làm mãi mà vẫn chật vật, gia đình ở Việt Nam lúc nào cũng xin tiền. Mình cảm thấy stress hết sức vì công việc và nuôi dạy con cái. Cảm giác như mình là một người mẹ thất bại, nhiều buổi sáng mình không muốn thức dậy…”


Tâm sự của thính giả

“Mình cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống hiện tại. Hai vợ chồng của mình luôn trong trạng thái căng như dây đàn khi nói đến chuyện dạy con và công việc.

Cả hai vợ chồng mình đều đi làm toàn thời gian, thậm chí còn over-time vì đặc thù công việc hay làm ca kíp và cuối tuần. Dù làm nhiều như vậy nhưng mình vẫn cảm thấy chỉ vừa đủ chi trả hóa đơn, tiền học con cái và tiền nhà. Bản thân mình còn phải phụ giúp gia đình chồng ở Việt Nam.

Hai đứa con trai thì rất ương bướng và nghiện game online. Tụi nó đi học về là lao vào máy tính chơi game, việc học ở trường rất bỏ bê. Mình thường xuyên nghe cô giáo than phiền vì lén dùng điện thoại để chơi game trong lớp. Mình đã nói chuyện với con rất nhiều nhưng nó không bao giờ nghe, lúc nào cũng đóng cửa ở trong phòng.

Mình đã đưa con đi tham vấn với 'consultant' trong trường học nhưng đâu vẫn vào đó. Con không hợp tác và chứng nào tật đó.

Mình cảm thấy stress hết sức vì công việc và nuôi dạy con cái. Cảm giác như mình là một người mẹ thất bại, nhiều khi buổi sáng mình không muốn thức dậy luôn, nghĩ đến cả ngày dài làm việc, rồi lại thấy con mặt nặng mày nhẹ, không nói với cha mẹ lời nào.

Mình kiệt sức và chỉ muốn bỏ quách đi đâu đó, nhưng cuộc sống còn quá nhiều thứ phải lo toan, đủ thứ hóa đơn rớt lên đầu, con cái gia đình thì cứ ngửa tay xin tiền…”

Chia sẻ của chuyên gia

Chuyên gia tham vấn từ Melbourne, tác giả sách 'Time out for time in' chia sẻ.
hinh jerry (1).jpg
Chuyên gia tham vấn, tác giả Jerry Lê. Credit: Jerry Le

Kiệt sức khi làm cha mẹ (parental burnout)

Việc đầu tiên là quay lại chăm sóc lại bản thân mình trước. Khi bạn chăm sóc lại bản thân để cơ thể, tinh thần khỏe mạnh, thư giãn hơn thì mọi người xung quanh mình, nhất là con cái sẽ muốn kể chuyện, kết nối, thấy được thông cảm hơn. Từ đó, không phụ thuộc nhiều vào màn hình. Rồi khi mọi chuyện trong gia đình mình ổn, mình có tâm trí để nhìn vào công việc, các lựa chọn khác để nâng cao thu nhập, thấy hứng thú với việc. Lúc đó mình mới dư giả giúp bố mẹ, và nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.

Chị em phụ nữ rất dễ bị cuốn đi bởi công việc, việc nhà, con cái, như là trong gen, mình muốn làm mọi thứ cho tất cả mọi người và để nhu cầu bản thân ở dưới cùng, hoặc không quan trọng.

Thế nào là kiệt sức? Khi bạn mệt mỏi với mọi thứ trong cuộc sống, muốn, tránh xa các mối quan hệ, và có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân cũng như là vai trò là mẹ, thấy thất bại.
Trước tiên, mong bạn hiểu rằng những suy nghĩ tiêu cực đó là do mình đang kiệt sức, chứ không phải vậy. Mình cần có những thay đổi để cứu mình trước, vì nếu để lâu dẫn để stress mãn tính, rối loạn lo âu, trầm cảm.
Khi cha mẹ căng thẳng, sự căng thẳng sẽ đó sẽ lây lan đến trẻ. Thực tế, trẻ em biết được khi nào cha mẹ chúng căng thẳng và quá tải. Nghiên cứu cho thấy, nguồn gốc đa số căng thẳng của trẻ em và thanh thiếu niên không phải bắt nguồn từ việc học ở trường; hay các hoạt động ngoại khóa mà bắt nguồn từ cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ tốt phải tìm cách để quản lý sự căng thẳng của mình.

+ Đầu tiên là giành thời gian cho bản thân để vận động, và làm những việc mình từng thích. Mình hi vọng, đợt nghỉ này bạn cũng được có chút thời gian để lấy lại năng lượng. Đơn giản là ngủ đến lúc nào muốn dậy thì dậy. Các con cũng lớn, có thể tự lo ăn uống, cá nhân. Tùy vào sở thích của bạn, có thể đi bộ, chạy, nhảy. Rồi làm gì nhẹ nhàng, thích nấu ăn, nghe nhạc, đọc sách, chạy xe ra biển, lên núi. Tức là mình làm gì đó cho bản thân để cân bằng lại cả quãng thời gian mình làm cho người khác, cho gia đình.

+ Nói chuyện với ai đấy hiểu mình. Có thể lúc này khó tìm được sự thông cảm của chồng con, mà chắc bận làm nên cũng khó kết nối với những mẹ khác. Nhưng nếu có người bạn thân, đi cà phê trò chuyện, để thông cảm với nhau hơn thì sẽ giúp ích cho bạn.
Therapist counsels teenage girl in support group
Tâm sự với ai đó hiểu mình và tìm kiếm sự giúp đỡ về sức khỏe tâm thần. Source: Getty / Getty Images
+ Còn nếu mình không đủ năng lượng để tự làm những việc đó thì mình có thể đi ra bác sĩ gia đình GP và xin cái giấy để nói chuyện với các chuyên gia tham vấn, bác sĩ tâm lý, có bulk-bill 10 buổi 1 năm, hoặc các dịch vụ miễn phí của cộng đồng.
Làm sao giúp con giảm việc nghiện game, điện thoại

Đây là cũng là vấn đề rất nhiều bố mẹ thường xuyên than thở, nhất là sau lock-down, chính bản thân bố mẹ bận làm, và lạm dụng màn hình để con yên cho mình làm việc. Bản thân mình cũng thế. Phải mất một thời gian chỉnh lại các điều lệ trong nhà để giảm bớt nghiện game, nghiện màn hình.

Một chuyện vui là, một bà mẹ than phiền là muốn tổ chức một dịp đi holiday để mọi người trong nhà kết nối với nhau, mà không đủ tiền vì đắt quá, nhưng rất bứt rứt vì trong nhà chẳng ai nói chuyện với ai, ai cũng vội vàng, stress, cáu gắt nhau. Thế tâm sự với cô bạn, cô mới nói là mua một cái rổ mấy đô để trước nhà, giao hẹn một giờ nào đấy, ví dụ từ 5h đến 9h tối là mọi người bỏ hết các thiệt bị điện tử, phone, ipad, game vào trong cái rổ. Một thời gian thấy không khí nhà vui trở lại, và chỉ mất có mấy đô chứ không phải chi tiền nghìn cho chuyến holiday.

Dấu hiện của nghiện game là gì?

+ Nói về vấn đề nghiện game, thì cũng như mọi thứ nghiện khác, dấu hiệu là lúc nào mình cũng nghĩ về nó, lúc nào cũng muốn chơi, mất kiểm soát khi muốn dừng, không chơi là bứt rứt, lúc nào cũng khó chịu, khi buồn là nghĩ đến game để làm xoa dịu, và chơi game làm ảnh hưởng đến học hành, nhịp sống hàng ngày.

+ Bản chất nghiện game, cũng như nghiện thuốc, hay người lớn mình nghiện điện thoại, tức là khi chơi não bộ tiết ra dopamine, làm mình thích và muốn chơi tiếp. Cũng như điện thoại, mỗi lần mình thấy tin nhắn, hay facebook, thấy comment, feed mới mình thấy thích, và nếu không kiểm soát được thì gây ra nghiện.

Rất tiếc là xã hội hiện đại, mình dư thừa về vật chất mà thiếu đi sự kết nối giữa con người, phụ thuộc vào màn hình, xã hội ảo. Mình cảm thấy cô độc, thiếu yêu thương. Trẻ con không được nô đùa, xuống sân chơi đá bóng, nhảy dây với hàng xóm, ngắt hoa...như thời mình.
Khi cảm giác cô độc ngày càng lớn, mình không chia sẻ với ai, mình không có cách giải quyết nó, thì sẽ nghiện những cái khác để che giấu những cảm xúc tiêu cực như vậy.
Vậy bố mẹ nên làm gì?

+ Lấy lại điện thoại, 10 đến 12 tuổi chưa cần, cho con điện thoại chỉ gọi và gửi tin nhắn được, không để máy tính trong phòng ngủ, đặt hẹn giờ chơi.

+ Bố mẹ xem lại mình có sử dụng điện thoại quá nhiều? Bắt đầu hạn chế từ mình trước để làm gương cho các con.

+ Nói về những khó khăn con gặp phải? Ví dụ con khó chiu, mặt nặng mày nhẹ, tại sao, buồn bực về cái gì? Vấn đề học hành ở trường khó khăn thế nào, có cần tìm người hỗ trợ lấp kiến thức hổng để tìm lại niềm vui trong học hành? Các mối quan hệ với các bạn sao?

+ Lúc có thời gian, cha mẹ có dành thời gian chơi thể thao với các con, thực hiện các hoạt động chung gia đình, để các con thấy rằng những hoạt động vậy thực sự thú vị hơn ngồi chơi game.

+ Để bảo dừng game với người nghiện thì khó lắm. Quan trọng mình phải làm và để các con có trải nghiệm để thấy có nhiều cái thú vị và đáng học hơn là thời gian chơi game. Việc này cần thời gian và cần cha mẹ hoàn toàn tỉnh thức để giúp con.
The disorder is characterised by a "pattern of persistent or recurrent gaming behaviour".
Hãy giúp con tham gia vào các hoạt động thú vị hơn trong thế giới thực, thay vì tìm niềm vui ở thế giới ảo.
Công việc và thu nhập

Hãy nhìn lại công việc của mình xem có lựa chọn nào tốt hơn để mình có tăng thu nhập và có nhiều thời gian cho bản thân và con cái hơn.

Mình không đi sâu về vấn đề này vì không đủ thời gian. Và sự chuyển đổi này cũng mất 6 tháng, 1 năm, và còn phụ thuộc nhiều vào tuyển dụng, may mắn, nên đây là kế hoạch lâu dài. Mình chỉ có thể chia sẻ để nâng cao thu nhập, có thêm thời gian cho con cái:

+ Làm thật tốt công việc hiện tại, để xin tăng lương.

+ Xin việc ở công ty khác có khả năng đãi ngộ nhân viên tốt hơn về lương bổng và thời gian linh hoạt.

+ Nâng cao kĩ năng của mình, đào sâu chuyên môn, làm tốt hơn những người cùng làm công việc của mình.

+ Chuyển hoàn toàn sang ngành mới mà mình dùng được kinh nghiệm hiện tại và những sở thích, đam mê sẵn có. Cái này sẽ mất thời gian lúc đầu nhưng sau một thời gian ổn định sẽ thấy hài lòng với chính cuộc sống hơn rất nhiều.

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe trò chuyện với chuyên gia.
Tiết mục Mái ấm gia đình phát thanh lúc 8.30pm mỗi tối thứ Ba trên SBS Radio, gửi câu chuyện của quý vị cho SBS về địa chỉ vietnamese.program@sbs.com.au

Share