Chuyện Queensland: Trường Việt ngữ Lạc Hồng

Như Huỳnh và Christiana Ngô

Như Huỳnh và Christiana Ngô Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Hôm nay, Hưng Việt và Mỹ Dung xin mời quý thính giả tiếp tục “Chuyện Queensland” với chuyến thăm ngôi trường Việt ngữ ra đời đầu tiên tại Queensland và cũng là trường có quy mô lớn nhất, tọa lạc tại hai cơ sở: Tiểu học Inala và Trung học Glenala.


Từ thuở ban đầu ra đời vào cuối năm 1978, trường Lạc Hồng chỉ có 17 học sinh và hai giáo viên do thầy Nguyễn Văn Khánh điều hành. Từ năm 1984 -2005, người kế nhiệm là giáo sư Lê Đức Phụng. Cho đến nay thì trường đã phát triển với hơn 400 học sinh trong 18 lớp và 24 giáo viên nhân viên, với sự dìu dắt của thầy hiệu trưởng Vũ Hoàng Nguyên cùng hai trưởng trung tâm là thầy Bùi Văn Đoàn và cô Vũ Lệ Trang.

Và để hiểu vì sao mà trường có thể trở nên vững mạnh như hiện nay, chúng ta hãy cùng lắng nghe một số chia sẻ của cô Vũ Lệ Trang, trưởng trung tâm Inala qua cuộc mạn đàm với anh Hưng Việt.

Hưng Việt: Thưa cô như thế trong thời gian dịch Covid mà trường phải đóng cửa, không có sự giáo huấn trực tiếp, thì trường có tổ chức những buổi học online hay không?

Cô Lệ Trang: Thưa nhà trường có tổ chức những buổi học online tùy theo cấp lớp. Lớp 1, lớp 2, lớp 3 thì mỗi lớp đều có cô giáo phụ trách thì các cô giáo sẽ soạn bài chuẩn bị một chương trình để dạy, thâu video, nhà trường sẽ bỏ lên Youtube và sẽ gửi email cho phụ huynh để download xuống để dạy cho các con. Đó là lớp 1 cho đến lớp 8. Lớp 9, 10, 11, Lớp 12 cũng học qua zoom. Đôi khi cũng mượn bên Cộng đồng để dạy.

Hưng Việt: Theo xu hướng xã hội hiện nay, chúng tôi nhận thấy có những phụ huynh trẻ gốc Việt sử dụng tiếng Việt không rành thì nhà trường có gặp khó khăn gì trong việc giảng dạy Tiếng Việt hay không ạ, và nếu có thì khắc phục bằng cách nào?

Cô Lệ Trang: Nhàtrường cũng gặp rất nhiều khó khăn do cha mẹ trẻ không sử dụng tiếng Việt rành để giúp các em học ở nhà. Một số phụ huynh không đọc được tiếng Việt, thì nhà trường có thể giúp phụ huynh bằng nhiều cách. Cách thứ nhất là thầy cô sẽ để ý các em đó nhiều hơn. Thứ hai là nói phụ huynh nhờ ông bà giúp vào cuối tuần. Thứ ba là nếu phụ huynh cần sự giúp đỡ của nhà trường thì nhà trường sẽ thâu bài học vô video, giống như mình học trên youtube hồi Covid để dạy các em đọc bằng tiếng Việt và giảng nghĩa bằng tiếng Anh và tiếng Việt, cũng như có những hình vẽ minh họa, rồi gửi link youtube đó cho phụ huynh và phụ huynh có thể dạy con em mình dễ dàng hơn. Hiện giờ những email thông tin về nhà trường thì luôn luôn phải có hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Hưng Việt: Như vậy thì tôi có hai nhận xét về chuyện đó. Thứ nhất là nhà trường bỏ ra rất nhiều nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn mà chính phụ huynh cũng gặp trở ngại về tiếng Việt. Nhận xét thứ hai của tôi đó là, chứng tỏ rằng chính phụ huynh dầu không nói được tiếng Việt nhưng vẫn tha thiết với ngôn ngữ của mình nên mới cho con em đi học tiếng Việt, đúng không ạ?

Cô Lệ Trang: Dạ thưa đúng vậy.

Hưng Việt: Theo cô thì nhà trường có phương pháp giảng dạy nào cô thấy hiệu quả nhất và tâm đắc nhất trong việc giúp trẻ về nhà tự giác và duy trì hứng thú học tiếng Việt ạ?

Cô Lệ Trang: Theo Trang thì, tùy theo cấp lớp, các em lớp nhỏ dùng bảng nhỏ để viết chữ, nghĩa là các em từ lớp 1 đến lớp 3 thì khi tập chính tả thì nhà trường có bán cái bảng nhỏ và cây viết và các em viết lên bảng đưa cho cô giáo coi. Thứ Hai thì lớp bé thì chơi trò chơi đánh vần, thì có một cô giáo viết tất cả các chữ đánh vần lên trên bảng và cô giáo có một ý kiến rất là hay là cô dùng đồ đập ruồi, phát cho các em mỗi người một cái. Thí dụ cô nói chữ A, thì các em lấy đồ đập ruồi đập lên chữ A. Như vậy các em hứng thú hơn.

Phần nữa là tìm chữ trong ô. Nhà trường cũng làm ô chữ khoảng 15, 20 chữ, trong đó có những chữ tiếng Việt các em đã học. Bài nào chúng ta làm bài đó để các em tìm chữ các em nhớ.

Còn các em lớp lớn thì thầy cô có cách dạy riêng, tức là làm sao cho lớp học linh động, các em sẽ thích học. Một cô giáo chia sẻ với Trang là học trò của cô đi học rất đầy đủ và thích học, vì cô luôn kể những câu chuyện ngoài đời có liên quan tới bài học.

Và một điều quan trọng giúp các em học ngôn ngữ Việt là tham gia các sinh hoạt văn hóa như là văn nghệ Trung Thu, hội chợ Tết, lễ Giỗ tổ Hùng Vương và chương trình phát thanh học đường. Những cái đó giúp các em học được nhiều văn hóa Việt Nam, hiểu nhiều về ngôn ngữ, văn hóa.

Hưng Việt: Cô lúc nãy có đề cập đến việc dạy các em đánh vần. Thưa cô phương pháp dạy đánh vần ở trường Lạc Hồng là phương pháp nào? Thí dụ chữ “CHUẨN”

Cô Lệ Trang: Thí dụ chữ CHUẨN, cách đây hai ba năm thì nhà trường có cho các em đánh vần là (U Â NỜ UÂN – CHỜ UÂN CHUÂN HỎI CHUẨN). Nhưng bây giờ theo Trang, các em phải nhớ (U Â N UÂN) hơi lâu. Các em lên lớp 3 thì có 3 từ ghép lại U- Â- N. Các thầy cô giáo là không dạy U – Â – N nữa, mà dạy là UÂN thôi. Cũng như tiếng Úc mình học là Go Home. Họ không đánh vần mà sẽ bắt chước là UÂN và CHỜ CHUÂN HỎI CHUẨN thôi.

Hưng Việt: Tức là vô là UÂN liền?

Cô Lệ Trang: Để cho các em nhớ.

Mỹ Dung: Như vậy làm sao mà mới nhìn vô biết được là UÂN được hả chị?

Cô Lệ Trang: Dạ cái đó là các em học thuộc lòng thôi. Trang cho cách đó thì các cô giáo nói cách dạy đó nó có tiến bộ, các em nhớ mặt chữ rất là nhanh. Cũng như tiếng Anh đâu có đánh vần đâu, các con chỉ đọc và nhớ thôi, thì Trang nghĩ phương pháp này cũng tốt, Trang đã thay đổi phương pháp này thử hai năm nay, thì các cô giáo có ý kiến là rất tốt vì các em nhớ lẹ lắm. Nhưng lớp 1, lớp 2 thì các em vẫn còn đánh vần, vì là lớp bé.
Cô Vũ Lệ Trang, em Như Huỳnh, em Christiana Ngô và phụ huynh
Cô Vũ Lệ Trang, em Như Huỳnh, em Christiana Ngô và phụ huynh Source: Supplied
(Bài hát Nhà Việt Nam…

Nhà Việt Nam, Nam Bắc Trung sáng trưng Á Đông
Bốn ngàn năm đó văn hóa xây đắp bao kỳ công
Người Việt Nam cân quắc bao anh hùng,
Từng phen nức danh dưới trời Á Đông)

Các em học sinh hát tiếng Việt hay và rõ quá phải không quý vị? Sau đây, chúng ta hãy làm quen với em Christiana Ngô qua cuộc chuyện trò của em cùng cô MD nhé.

Christiana: Dạ con kính chào thầy Việt, cô Mỹ Dung và quý vị thính giả đài SBS. Em tên là Christiana Ngô hiện em đang là học sinh lớp 7 tại trường Việt ngữ Lạc Hồng.

Mỹ Dung: Giờ trước tiên cô hỏi con là tại sao con lại thích học tiếng Việt?

Christiana: Dạ khi đến trường em thích gặp gỡ bạn bè, học hỏi thêm tiếng Việt vì em muốn học hỏi về ngôn ngữ chính của em. Ở trường Úc của em không có môn dạy tiếng Việt.

Em rất thích môn viết văn vì theo cách viết văn của em, em có thể kể ra ý tưởng của em và tập viết giỏi hơn. Trung bình trong một tuần thì em bỏ ra cỡ ba ngày để ôn và làm bài tiếng Việt và mỗi ngày khoảng 20 đến 30 phút.

Mỹ Dung: Mình học mỗi ngày đều đặn thường xuyên như vậy thì nó tốt hơn.

Christiana: Dạ. Theo em thì môn khó nhất là chính tả tại vì em cần phải ghép từ và viết cho cái chữ nó đúng.

Mỹ Dung: Vậy em nghĩ là những gì em có thể làm để cho kỹ năng viết văn, viết chính tả của em tiến bộ hơn.

Christiana: Dạ nếu em có đọc báo, em có thể thấy mặt chữ thì mình rành hơn và tìm được những từ để ghép lại thành văn.

Mỹ Dung: Theo cô thì có rất nhiều cách để nâng cao khả năng viết chính tả của mình. Một trong những cách đó như con thấy là con đọc báo, thì đọc chuyện cũng vậy, hay nhiều khi con hát karaoke con cũng phải nhìn mặt chữ mà nó còn chậm hơn vì nó theo nhịp điệu của nhạc đó, thì có bao giờ con làm như vậy chưa?

Christiana: Dạ thì lâu lâu mẹ cũng kêu em hát những bài hát để tập nhưng em thường hát tiếng Anh không. Dạ cô Trang lâu lâu cũng đưa bài hát cho em hát theo.

Mỹ Dung: Em có nói tiếng Việt ở nhà không? Thí dụ nói chuyện với ông bà, cha mẹ hay anh chị…

Christiana: Dạ ở nhà em nói chuyện với ông bà và cha mẹ bằng tiếng Việt, nhưng khi nói chuyện với anh chị thường nói tiếng Anh.

Mỹ Dung: tại sao vậy?

Christiana: Dạ tại vì em thấy mấy anh chị em cũng bằng tuổi nên em nói tiếng Việt thấy hơi kỳ, thường  em chỉ nói tiếng Anh cho nó dễ hơn.

Mỹ Dung: Theo cô thì mai mốt mấy anh chị em khuyến khích nhau nói tiếng Việt nhiều hơn nha.

Christiana: Dạ

Mỹ Dung: Sau này em có định sử dụng vốn liếng tiếng Việt của mình như thế nào trong cuộc sống không?

Christiana: Dạ sau này em muốn dùng tiếng Việt của mình để giúp thông dịch cho các cô chú không rành tiếng Anh và để nói chuyện với gia đình. Còn thêm đó thì tiếng Việt cũng có thể giúp em có lợi khi tìm việc.

Mỹ Dung: Giỏi,giả sử em là một cô giáo tiếng Việt, em thích tiếng Việt được dạy như thế nào? Theo một cái cách ra làm sao?

Christiana: theo em thì rất thích tiếng Việt học bằng cách nghe đài tiếng Việt và đọc chuyện hoặc đọc bài.

Mỹ Dung: Cảm ơn em. Cô chúc em lúc nào cũng siêng năng, chăm chỉ, và ngày càng học tiếng Việt giỏi hơn nữa để sau này làm cô giáo ở trường tiếng Việt nha.
Và tiếp theo sau đây, hẳn là quý vị sẽ hết sức ngạc nhiên thú vị khi nghe bài cảm tác của em Christiana Ngô trước vấn nạn Covid.

Christiana: Hôm nay em làm bài văn này để nói về đại dịch Covid-19 theo cảm nghĩ của em.

Kể từ đầu năm 2020 kéo dài cho đến ngày hôm nay, cuộc sống của chúng ta đã bị ảnh hưởng rất nhiều do đại dịch Covid 19. Những lúc cách ly đã mang lại cho mọi người nhiều thời gian để làm những việc mà họ chưa làm được và có nhiều thời gian hơn để kết nối lại với bạn bè và gia đình mà họ có thể đã mất liên lạc.

Trong thời gian này, việc cắt giảm lương có thể xảy ra tại nơi làm việc, khiến nhiều người phải vật lộn để cung cấp thực phẩm cho gia đình và người thân. Điều này cũng xảy ra cho mẹ em. Cũng vì Covid 19 đã làm không biết bao nhiêu gia đình mất đi người thân, cũng không ít gia đình rơi vào trường hợp bế tắc trong cuộc sống và rất nhiều hoàn cảnh khó khăn và ngày đêm mòn mỏi chờ đợi được đoàn tụ với gia đình.

Hiện nay đã có vắc xin nên sự lo lắng của người dân cũng được nhẹ nhàng hơn, biên giới các tiểu bang đang dần mở lại, quy định đeo khẩu trang ở trường đã được dỡ bỏ. Hy vọng rằng thời gian gần nhất trong tương lai, tất cả mọi việc đều trở lại sinh hoạt bình thường. Em nhớ lại trong thời gian 2020 đại dịch Covid xảy ra, các trường học đóng cửa, học sinh không tới trường và học online. Tất cả học sinh của trường Lạc Hồng cũng học online trên mạng, em học tiếng Việt qua Youtube, em thấy cũng vui và cố gắng học chăm chỉ, nhưng em thấy không bằng đi đến trường học. Sau nhiều tháng học trên mạng như vậy, em cảm thấy mệt mỏi và em rất muốn đi học lại để gặp gỡ tất cả bạn bè và tiếp xúc với mọi người. Mặc dù trong thời gian Covid 19 mọi sinh hoạt rất khó khăn và hạn chế, trường Lạc Hồng đã phát quà và huy chương cho tất cả chúng em học sinh tham gia học tiếng Việt trên online. Các thầy cô cũng cố gắng tổ chức một buổi trao giải thưởng cho chúng em. Điều đó đã nói lên đầy tình yêu thương của các thầy cô đối với học sinh. Đó là niềm vui và mang đến động lực giúp chúng em học tập tốt hơn. Em cảm ơn thầy Hiệu trưởng và các thầy cô giáo của trường Việt ngữ Lạc Hồng đã tạo điều kiện dễ dàng học tập cho chúng em trong những tháng vừa qua để chúng em có thể theo kịp việc học tiếng Việt của mình.

Như em Christiana vừa tâm sự rằng em mệt mỏi sau những tháng ngày học online, có lẽ cũng chính vì vậy, mà chúng tôi được thầy hiệu trưởng Vũ Hoàng Nguyên cho biết về tình hình ghi danh đi học cho niên học mới 2022, “Bây giờ thì hai tuần rồi rất khả quan. Hôm nay tuần này cũng rất là tốt. Tôi hy vọng rằng trường có thể sẽ hồi phục lại giống như mọi năm. Tôi rất là vui mừng. Phụ huynh có thể chịu khó theo dõi chút xíu trên website của trường. Trường cũng có quảng bá trên tuần báo SS. Tôi hy vọng phụ huynh học sinh cố gắng cho con đi học lại. Mình cũng biết dịch Covid hầu như trở lại bình thường rồi. Thì nếu phụ huynh hay học sinh nào chích ngừa rồi thì rất tốt. Nên phụ huynh nhớ cố gắng chứng minh việc chích ngừa cho thật là rõ ràng. Có thể đó là ý kiến của Bộ Giáo dục, phụ huynh mình phải đáp theo lời kêu gọi của người ta. Cảm ơn.”

Cuối cùng, xin được gửi đến quý thính giả lời nhắn gửi của trường Lạc Hồng như sau, “Mong rằng những thế hệ nối tiếp sẽ thấy tầm quan trọng trong công việc tiếp tục gìn giữ, phát triển thêm trong công tác dạy Việt ngữ, góp phần bảo tồn văn hóa Việt trên xứ Úc.”

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung


Share