Queensland có gì lạ? Hội Bonsai Người Việt Queensland

Trao đổi kinh nghiệm trong nhóm

Trao đổi kinh nghiệm trong nhóm Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Có một bộ môn nghệ thuật, mà tác phẩm của nó dường như chưa bao giờ hoàn tất hay dừng lại mà sẽ còn sống mãi, sinh trưởng, hoàn thiện không ngừng, và luôn mang lại cảm hứng cho người tạo tác lẫn người thưởng thức – đó chính là bộ môn nghệ thuật Bonsai.


Bộ môn nghệ thuật Bonsai xuất phát từ Trung Quốc, sau đó phổ biến mạnh mẽ sang Nhật. Bonsai là từ tiếng Nhật, có nguồn gốc từ tiếng Hán là Bồn Tài, nói nôm na nghĩa là cây trồng trong khay, chậu.

Nhân ngày 30/10 vừa qua có cuộc thi hàng năm của Hội Bonsai Người Việt Queensland, tổ chức tại Darra, chúng tôi đã có dịp chuyện trò với các nghệ nhân trong hội gồm có, bà Hội trưởng, Trần Thị Lin, ông hội phó Nguyễn Ngọc Thái, ông Lê Quốc Dũng trưởng khối kỹ thuật cùng các thành viên trong hội gồm ông Bùi Ngọc Nhẫn, ông Nguyễn Văn Phương, ông Phạm Thành Tân, bà Trần Ái Huê, bà Trần Cẩm Châu, bà Nguyễn Thị Đinh, và bà Trần Thu Nguyệt.
Giải nhứt đồng hạng
Giải nhứt đồng hạng Source: Supplied
Trước tiên, bà hội trưởng Lin giải thích đôi điều cơ bản về Bonsai: “Bonsai là một bộ môn nghệ thuật, với những cây được thu nhỏ về chiều cao cũng như tán lá, và trồng trong chậu cạn. Tuy nhiên không có nghĩa là cây nào cắt thấp và tỉa gọn cũng được gọi là Bonsai, mà phải cắt theo quy luật và tiêu chuẩn, và kèm theo bộ rễ phải hài hòa.

Thiết lập cây bonsai đẹp là một mỹ thuật, và cây bonsai được thu nhỏ và thon dần từ gốc rễ cho tới ngọn, được đưa vào trồng trong chậu cạn, cây sống khỏe, có bông, trái, là một nghệ thuật. Ngoài nghệ thuật và mỹ thuật bonsai còn có ý nghĩa sâu sắc là giúp chúng ta sống mạnh mẽ như cây bonsai.”

Ông Lê Quốc Dũng trưởng khối kỹ thuật bổ túc thêm: “Bonsai và cây kiểng đều là cây cảnh, cây kiểng tự phát sinh theo ý nó, nhưng bonsai thì có sự can thiệp của con người, của kỹ thuật, của mỹ thuật. Cây Bonsai tuy giống như ngoài thiên nhiên nhưng trong chậu cạn.
Giải nhứt
Giải nhứt Source: Supplied
Thoạt đầu các hội viên đều chỉ là những cá thể riêng lẻ, yêu thích trồng cây tại gia. Sau tình cờ gặp nhau, tụ họp lại, giới thiệu rồi thăm vườn nhà nhau và hẹn cùng gặp nhau một buổi để hàn huyên, nhưng không ngờ buổi họp mặt trò chuyện đó đã hình thành nên hội Bonsai Người Việt Queensland vào ngày 3/10/2001, và đến nay vừa tròn 20 năm.

Với buổi đầu hội chỉ có 5 hay 7 thành viên, nhưng hiện giờ đã lớn mạnh hơn 30 người. Từ người chỉ có vài cây bonsai, đến người có cả trăm cây, nhưng tất cả đều yêu quý, giúp đỡ nhau như một gia đình. Để có thể phát triển vững chắc, Hội đã đề ra những luật lệ bài bản phổ biến cho tất cả hội viên. 

Khi được hỏi về mục đích, tôn chỉ, ông Nguyễn Ngọc Thái hội phó cho biết: “Đa phần là những người nghỉ hưu có nhiều thì giờ rỗi rảnh. Chúng tôi đồng cảm Bonsai là một thú vui thanh tú, vừa giải trí, vừa trang trí vườn nhà thêm thanh, sắc và nghệ thuật. Mục đích của chúng tôi là san sẻ buồn vui của cuộc đời, trao đổi nghệ thuật về Bonsai với các bạn cùng sở thích. Thêm bạn, sống vui và giải trí…”

Nhì đồng hạng
Nhì đồng hạng Source: Supplied


Điều kiện gia nhập thì không phân biệt tuổi tác giới tính miễn là được một hội viên trong hội tiến cử, giới thiệu chứng tỏ là họ thật sự yêu thích.

Ông Thái kể về cách thức sinh hoạt của hội là, “Hai tháng một lần luân phiên các hội viên tổ chức họp mặt. Hàng năm tổ chức kỳ thi Bonsai cho hội. Cũng tùy theo hoàn cảnh xả hội mà gia giảm.”

Ông Dũng trưởng ban kỹ thuật của hội đã giải thích khi được hỏi về kỹ năng chơi Bonsai: “Một người có kỹ năng bonsai là người biết vận dụng những quy tắc nghiêm ngặt của trường phái Bonsai để áp dụng vào khi chúng ta tạo dáng bonsai một cách đúng nghĩa. Cắt làm sao để ra dáng, kiểu mà chúng tao đã chọn cho nó. Và nếu cành nhánh của nó không theo ý chúng ta hoặc không theo quy luật, thì chúng ta phải áp dụng các biện pháp như quấn dây đồng, kẽm…”

Ông còn cho biết thêm về các kiểu dáng, thế và các trường phái của Bonsai và phân tích về vẻ đẹp của cây Bonsai, (như kiểu thác đổ, bán thác đổ, kiểu nghiêng, hơi nghiêng, kiểu gió đùa, siêu phong,…, ngoài ra ông còn giải thích thêm vị trí các thế của Bonsai, thí dụ như thế thẳng 90 độ, thế hơi nghiêng, nghiêng, bán thác đổ, thác đổ…. Có hai trường phái chính trong nghệ thuật Bonsai là trường phái Nhật và Trung quốc.)


 
Giải nhì
Giải nhì Source: Supplied


Mỗi thành viên trong hội đều có những cơ duyên khác nhau khi  đến với nghệ thuật Bonsai, tuy nhiên tất cả đều tìm thấy những điều chung nhất đó là, sự đam mê Bonsai ngày càng lớn dần theo thời gian, sự bình an trong tâm hồn, cũng như niềm hạnh phúc trong gia đình và sự đồng điệu cùng người phối ngẫu. 

Rất tiếc là thời gian có hạn, nên chúng tôi xin tạm dừng tại đây. Nếu những ai muốn gia nhập hội, hay có điều chi thắc mắc hoặc muốn được chia sẻ về nghệ thuật Bonsai, xin liên lạc ông Lê Quốc Dũng: 0422 518 931, hoặc bà Trần Thị Lin: 0433 031 045.

Mời bấm audio trên hình để nghe toàn bộ nội dung


Share