Queensland có gì lạ: Chuyện tình vượt thời gian

Đại gia đình đến 60 người mừng sinh nhật 90 của bác trai

Đại gia đình đến 60 người mừng sinh nhật 90 của bác trai Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Đây là câu chuyện về cuộc hôn nhân vượt thời gian của hai bác Nguyễn Văn Định và Nguyễn Thị Phiến nhân dịp kỷ niệm 70 năm đám cưới của hai bác. Họ là một người những người Việt đầu tiên định cư ở Queensland.


Khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân, hẳn ai cũng mong ước sao được cùng nắm tay nhau đi hết đoạn đường trần. Tuy nhiên, khi cuộc sống ngày càng trở nên hiện đại, vội vã, khi con người ngày càng trở nên độc lập, và những quan niệm về hôn nhân, hạnh phúc đã ít nhiều thay đổi, thì những đám cưới vàng 50 năm, đám cưới kim cương 60 năm dường như ngày càng trở nên hiếm hoi và quý giá. Và lại càng hãn hữu hơn với một đám cưới Bạch Kim 70 năm.

Chính vì thế mà hôm nay những người Việt ở Queensland chúng tôi thật tự hào biết bao khi được kể cho quý thính giả SBS gần xa về một cuộc hôn nhân vượt thời gian của hai bác Nguyễn Văn Định và Nguyễn Thị Phiến nhân dịp kỷ niệm 70 năm đám cưới của hai bác đã diễn ra vào ngày 21/10 vừa qua.

Đây quả là một sự kiện đặc biệt đáng ngưỡng mộ và chung vui và đã được chính Thủ tướng Scott Morrison, ông dân biểu liên bang Milton Dick, ông bà Toàn quyền Paul de Jersey của tiểu bang Queensland, cũng đều gửi thiệp hoặc hoa đến chúc mừng hai bác và gia đình.
Thiệp chúc mừng của Thủ tướng Scott Morrison
Thiệp chúc mừng của Thủ tướng Scott Morrison Source: Supplied
Và bây giờ, để bắt đầu, chúng ta hãy cùng nhau ngược dòng thời gian trở lại hơn 70 năm về trước, ngày bác gái 20 và bác trai 22 với không gian là vùng cao nguyên Ban Mê Thuột…

Bác trai vốn quê ở Hà Nam di cư vào Nam năm 10 tuổi cùng với người bác và học làm nghề dệt ở Saigon, lớn lên bác đến Ban Mê Thuột và gặp bác gái tại đây.

Trong khi đó bác gái - một tiểu thư xinh đẹp, con gái chủ đồn điền với hơn 250 mẫu cà phê ở Ban Mê Thuột đã có rất nhiều người muốn dạm hỏi nhưng bác gái đều không ưng. Thế nên khi bác trai ngỏ lời cầu hôn và được bác gái đồng ý, để thử thách bác trai, ông ngoại (tức ba của bác gái) đã đưa ra điều kiện là, “tao không đòi hỏi gì hết, tao chỉ đòi hỏi một buồng cau trăm trái và 300 ngọn trầu, thì tao sẽ gả con gái tao cho mày…”

Và rồi bác trai đã vất vả tìm mãi khắp mọi nơi mà không sao tìm được buồng cau trăm quả, nhưng may sao cuối cùng có một người bạn gốc Hoa ở Ban Mê Thuột, trước nhà có một buồng cau trăm trái đã tặng cho bác làm sính lễ. Và đây hẳn cũng chính là ý của đấng thiêng liêng như bác gái chia sẻ, “cái số phận Chúa định đâu thì chịu đó thôi. Hồi đó tui 20 ổng 22, làm lễ cưới tại nhà thờ Ban Mê Thuột.”

Bác trai nhớ lại khoảng thời gian sau kết hôn, “Ông ngoại thời đó cho tui đi học làm thợ máy, về sửa máy cày đồn điền cà phê, sau khi sanh đứa con trai lớn, tôi bị động viên đi lính. Tôi đi lính 13 năm. Tôi ở ban Quân vận ngay Ban Mê Thuột.”

Sau khi giải ngũ, bác làm việc cho gia đình, mua nhà ở Nha Trang và đi đi về về giữa Nha Trang và Ban Mê Thuột.

Cùng vận nước nổi trôi, bác gái bồi hồi nhớ lại biến cố năm 1975:“Đêm mùng 9 rạng mùng 10 tháng Ba, thì nó vô, đến ngày hai mươi mấy thì chiếm căn nhà mình trước tiên, thú thật là nhà ông ngoại lớn lắm. Họ mượn nhà họ ở làm văn phòng, họ nói mượn nhà chứ không phải họ chiếm (cười). Nó đuổi ra đồn điền. Ở đồn điền mấy tuần nó kêu vô trả nhà thì tiêu điều khói lửa hết rồi. Nói xin lỗi, có 5 con chó berger nuôi trong nhà nó làm thịt ăn hết. Rồi sau ông ngoại mua ghe đi, ông ngoại mua ghe tập trung con cháu, cho con cháu đi hết.”

Thời điểm đó hai bác đã có 8 người con. Người lớn nhất khoảng 22 và nhỏ nhất khoảng 6, 7 tuổi.

Đến khoảng tháng 5, tháng 6 năm 75, thì gia đình bác quyết định đi ra nước ngoài. Trong chuyến đi bão tố hai đêm một ngày, để được bình yên cập bến Thái Lan, người thì tát nước, kẻ thì tụng kinh. Ngày hôm sau từ Thái Lan, tàu của gia đình bác được tàu hải quân Mã Lai dẫn đường đưa qua đảo Trengganu ở Mã Lai nơi có nhiều người Việt tỵ nạn. Đến trại khoảng ngày 22 hay 23/6 năm đó và đến Úc ngày 9/8/1975. Gia đình bác là một trong những người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Brisbane này.
Lúc mới đến Wacol, Brisbane, tháng 8 năm 1975
Lúc mới đến Wacol, Brisbane, tháng 8 năm 1975 Source: Supplied
Nhớ về những ngày đầu khó khăn khi vừa đặt chân đến Úc, bác trai kể lại là đã được nhận vào làm nhân công cho một sở thú ở Brisbane, “Ở Sở thú họ bảo lãnh một gia đình vô trong đó làm việc. Sớm mơi cho thú ăn. Đến 7, 8 giờ đi trồng cây, ươm cây, bỏ phân, cắt cỏ một năm trời. Rồi sau, ông Cha Sách bảo lên Cairns trồng đậu phụng. Cả gia đình lên đó trồng đậu phụng một năm. Tôi ở hai năm, thất bại rồi trở lại, đi làm hãng Macleay nhuộm nhôm mấy năm trời với con trai.”

Bác gái thì “thời gian đầu làm hãng thơm, sau lên Cairns phụ làm đất, làm máy cày, rồi lại trở về làm cho hãng may lông cừu tới năm 70 tuổi bị đau lưng làm không nổi nữa”.

Bác gái vui vẻ nhớ lại kỷ niệm những ngày còn làm hãng thơm ở Northgate, sáng 5 giờ ra xe bus, rồi lên xe lửa tới hãng làm. Làm một ca thì đến khoảng 6 giờ là tới nhà. Có một lần, bác và con dâu làm hai ca liên tiếp, tới nửa đêm mới đến nhà và cuối tuần lãnh lương được 240đô.

Tuy thời gian đầu khá vất vả, nhưng hai bác là những tín hữu rất nhiệt thành của cộng đoàn Công giáo nên vẫn luôn tìm thấy niềm vui, như bác gái chia sẻ, “sự thật sinh hoạt cộng đồng cộng đoàn ở đây hết sức vui vẻ, hạnh phúc. Mình qua đây thấy người Việt mình sống chung với nhau đoàn kết là thấy hãnh diện lắm rồi.”

Cũng như bao bậc cha mẹ Việt Nam khác, hai bác cũng một lòng hy sinh hết cho con, không hề quản ngại khó khăn, với chỉ một ước mơ duy nhất là mong sao cho con cái nên người, “Qua bên này, lần đầu tiên là hai bàn tay trắng, không đem theo được một chút gì hết, không có gì hết. Mình đi làm mới kiếm tiền nuôi con nuôi cái là hạnh phúc lắm rồi. Chỉ cầu xin cho con mình học hành tới nơi tới chốn, ăn uống đầy đủ, khỏe mạnh, chỉ cần nhiêu đó thôi. Tiền bạc không thành vấn đề. Nếu mình đã lo cho con cái mình, mình lấy làm sung sướng hạnh phúc. Cảm ơn nước Úc.”

Và điều gì đã khiến cho cuộc hôn nhân của hai bác luôn bền vững và hạnh phúc suốt 70 mươi năm qua? Theo hai bác thì, không có gì bằng sự nhịn nhục. Nếu vợ chồng sống với nhau và yêu thương con vì tương lai con cháu thì mình nhịn nhục. Đó là trên hết. Nếu hai vợ chồng cãi lộn, con cái nghe được sẽ rất buồn, mình cũng có sung sướng gì. Thôi thì nhịn cho con mình nó vui vẻ.

Chưa bao giờ hai bác giận hờn nhau lâu. Nếu có giận thì bác trai đều làm lành trước. Hai bác cũng muốn giữ hòa khí để làm gương cho con cái. Và điều đó cũng được chứng minh qua sự hạnh phúc và hòa thuận của gia đình con cái bác. Mỗi tháng con cháu tề tựu đông đủ.

Trước một sự kiện đáng nhớ của cha mẹ mình, chúng ta hãy lắng nghe những lời chia sẻ của hai anh chị con lớn của bác là anh Nguyễn Văn Đoàn và chị Nguyễn Thị Loan.
Ngày cưới của hai bác 21-10-1951
Ngày cưới của hai bác Nguyễn Văn Định và Nguyễn Thị Phiến 21-10-1951 Source: Supplied
Khi được hỏi về những kỷ niệm về sự hy sinh của cha mẹ mình cho con, anh Đoàn cho biết, thật khó nói sao cho hết được những hy sinh của cha mẹ. Vả lại, con cái thường nhớ những gì mà cha mẹ rầy la hơn là những điều cha mẹ làm vì yêu thương mình. Anh cũng cho biết khi mình sống với cha mẹ thì mình hấp thụ được những điều tốt xấu từ cha mẹ. Sự hấp thụ đó lần lần vô con người mình mà mình không biết từ lúc nào. Và anh em chị em anh luôn cố gắng đoàn kết và yêu thương nhau để cha mẹ được vui. Khi anh còn trẻ, được nhìn thấy cha mẹ sinh hoạt trong xã hội, từ cộng đồng người Việt cho tới cộng đoàn công giáo do đó hầu hết anh chị em của anh cũng đều học hỏi theo cha mẹ.

Đối với chị Loan thì chị cũng học được từ cha mẹ trong đời sống hôn nhân về sự trung kiên, yêu thương và nhẫn nhục với nhau. Chị cũng cảm thấy thật hãnh diện về cha mẹ mình khi trong gia đình thì êm ấm, đối với ngoài xã hội và giáo hội thì phục vụ tận tình.

Và cuối cùng điều bác muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ cũng như đồng hương chúng ta ở đây là, người Việt mình nên sống đùm bọc, lo lắng cho nhau để tạo thành một cộng đồng vững mạnh. Và sống sao cho gia đình ấm cúng để con cái được hạnh phúc.

Chúng ta hãy cùng nhau nâng ly chúc mừng ngày kỷ niệm Bạch Kim (Platinum) 70 năm thành hôn của hai bác Nguyễn Văn Định và Nguyễn Thị Phiến.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Share