Hội nghị FECCA 2022: 'Các cộng đồng sắc tộc nên làm việc cùng nhau để giải quyết những vấn đề chung'

Vivienne Nguyen – Victorian Multicultural Commission Chairperson.

Vivienne Nguyen – Victorian Multicultural Commission Chairperson. Source: SBS

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nhân hội nghị FECCA 2022 với chủ đề Advancing Multicultural Australia (tạm dịch: Thúc đẩy nước Úc đa văn hoá), SBS Vietnamese đã có dịp trò chuyện với Chủ tịch Hội đồng Đa văn hoá Sự vụ Victoria (VMC) Nguyễn Phượng Vỹ. Bà Phượng Vỹ kêu gọi chính phủ liên bang có một đạo luật đa văn hoá cho toàn quốc, đồng thời thúc giục các cộng đồng sắc tộc làm việc cùng nhau để “cùng phát huy, cùng chia sẻ văn hoá, truyền thống của mình” và “tạo được sự cảm thông, hiểu biết”.


SBS VIETNAMESE: Thưa bà Nguyễn Phượng Vỹ, được biết hội nghị FECCA năm nay có chủ đề là Advancing Multicultural Australia và bà có một buổi nói chuyện về chủ đề này vào chiều thứ Sáu 17/6. Vậy nội dung buổi nói chuyện đó là gì?

NGUYỄN PHƯỢNG VỸ: Năm nay đại hội FECCA toàn quốc xảy ra ở Melbourne và một đề tài trong nhiều đề tài mà Phượng Vỹ được tham gia và đóng góp là đề tài Advancing Multicultural Australia. Quý vị cũng biết năm 2023 đánh dấu 50 năm nước Úc có một chính sách đa văn hoá, và chúng ta có thể nhìn lại trong 50 năm qua nước Úc đã đạt được những gì cho chính sách đa văn hoá này, và cộng đồng đa văn hoá cũng như cộng đồng đa tôn giáo, chúng ta có thể thấy được những thành quả cũng như những điều chúng ta thấy có thể làm được tốt hơn, và đó là một trong những điều mà Phượng Vỹ sẽ trình bày.

Đối với Vỹ thì có nhiều góc cạnh để mình có thể làm thăng tiến một đất nước đa văn hoá như nước Úc. Tuy nhiên Vỹ nhìn ở ba khía cạnh. 

Thứ nhất là về vấn đề luật pháp. Chúng ta cần phải có một đạo luật đa văn hoá cho toàn quốc – hiện thời chúng ta chưa có. Tất cả các tiểu bang đều có những đạo luật đa văn hoá tương tự để cộng đồng đa văn hoá có những phương tiện về luật pháp, chúng ta có thể trình bày quan điểm cũng như đóng góp và đưa lên những khó khăn hoặc những thành quả của cộng đồng. 

Thứ hai là về vấn đề đại diện. So với những quốc gia đa văn hoá khác như Canada hoặc Anh quốc thì vấn đề đại diện ở các chỗ có tầm ảnh hưởng như quốc hội hoặc chính sách công (public policy) thì sự đóng góp và sự đại diện vẫn còn thiếu thốn rất nhiều. Phượng Vỹ rất mong là trong thời gian sắp tới hoặc trong tương lai, cộng đồng đa văn hoá sẽ được đại diện, đóng góp và giữ những vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, văn hoá, kinh tế, cũng như tất cả những khía cạnh khác của xã hội – một xã hội đa văn hoá và một xã hội dân chủ.

Phần thứ ba là vấn đề tài sản (resource), làm sao những tài sản của chính phủ, của toàn quốc nói chung có thể đưa đến những nơi, những cơ quan, những hội đoàn, cộng đồng… hiểu về những nhu cầu và cách giải quyết những nhu cầu đó của cộng đồng, để họ có khả năng đáp ứng những nhu cầu của đồng bào của họ và đóng góp nhiều hơn cho xã hội đa văn hoá cũng như xã hội dân chủ ở Úc.
SBS VIETNAMESE: Trong thời gian qua Hội đồng Đa văn hoá Sự vụ Victoria đã có những hoạt động cũng như những đóng góp gì cho cộng đồng đa văn hoá của tiểu bang?

NGUYỄN PHƯỢNG VỸ: Phượng Vỹ lên giữ chức vụ này trong thời gian đại dịch, thì một trong những khó khăn lớn nhất của cộng đồng chúng ta là, đại dịch này ảnh hưởng đến cộng đồng  đa văn hoá nhiều nhất, bởi vì chúng ta gặp nhau thường xuyên, gia đình chúng ta lớn hơn, gia đình không chỉ đơn giản là bố mẹ và các con, mà là một đại gia đình nói chung. Khi chúng ta đến gặp nhau thường xuyên thì COVID-19 không muốn chúng ta gặp nhau.

Bên cạnh đó thì chúng ta cũng có những lễ hội, chúng ta thường hay đến với nhau, cho nên nó ảnh hưởng đến cộng đồng đa văn hoá rất nhiều. Và một trong những công việc mà Phượng Vỹ nghĩ Hội đồng Đa văn hoá đã làm là hỗ trợ tất cả các cộng đồng sắc tộc có cơ hội, có tiếng nói của mình trực tiếp đến chính phủ, đến những cơ quan để họ có thể hỗ trợ những cộng đồng trong tiểu bang chúng ta một cách hữu hiệu và một cách trực tiếp hơn.

Phần thứ hai là làm việc với chính phủ đằng sau hậu trường để có thể hỗ trợ những chính sách phù hợp với cộng đồng của chúng ta nhiều hơn.

SBS VIETNAMESE: Sắp tới Hội đồng sẽ có những dự định hoặc chương trình nào nhắm tới các cộng đồng đa văn hoá không?

NGUYỄN PHƯỢNG VỸ: Trong thời gian sắp tới thì bên Hội đồng Đa văn hoá có chương trình khoá lãnh đạo cộng đồng cho tất cả các cộng đồng sắc tộc và chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ những chương trình đó để những người giữ vai trò lãnh đạo trong các hội đoàn, đoàn thể của các cộng đồng có thể hiểu hơn về cách làm việc ở đây, cũng như biết được những đường lối và những cơ sở có thể hỗ trợ về vấn đề tài chính hoặc về những sự hỗ trợ khác để giúp chúng ta có thể tham gia đóng góp, cũng như nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề quan trọng hoặc liên quan đến cộng đồng của mình.
SBS VIETNAMESE: Quay trở lại chủ đề của hội nghị FECCA năm nay là Advancing Multicultural Australia, hồi nãy chúng ta đã nói về phía chính phủ cần phải có những đạo luật và chính sách để hỗ trợ cho các cộng đồng đa văn hoá. Vậy về phía từng cá nhân thì mỗi người nên làm gì để nước Úc ngày càng trở thành một xã hội đa văn hoá thành công hơn?

NGUYỄN PHƯỢNG VỸ: Một trong những việc mà Phượng Vỹ thấy tất cả các cộng đồng hoặc mỗi cá nhân có tiếng nói khác ngoài tiếng Anh là chúng ta có thể, thứ nhất, phát huy và bảo tồn văn hoá của mình, những truyền thống tốt đẹp, đặc biệt là đối với giới trẻ để các bạn trẻ có thể hiểu được và biết được cái nào mình giữ, cái nào mình không nên giữ trong một xã hội đa văn hoá và dân chủ như thế này. 

Thứ hai nữa là các cộng đồng của chúng ta nên làm việc chung với nhau để có thể phát huy và bảo tồn văn hoá của chúng ta đến những cộng đồng sắc tộc khác. Bởi vì chúng ta hiểu nhau thì chúng ta dễ cảm thông và chúng ta sẽ có thể sống hoà hợp với nhau nhiều hơn. Nếu chúng ta không hiểu, cũng giống như có rất nhiều việc mà cộng đồng sắc tộc của chúng ta không hiểu hoặc là cộng đồng chính mạch không hiểu về một cộng đồng nào đó thì nó tạo ra những sự nghi ngờ, nó tạo ra sự thiếu tin tưởng, vì thế khi chúng ta làm việc chung với nhau, chúng ta cùng phát huy, cùng chia sẻ văn hoá, truyền thống của mình thì chúng ta tạo được sự cảm thông, hiểu biết và dễ dàng cho chúng ta ngồi xuống làm việc chung với nhau trong những vấn đề ảnh hưởng đến tất cả mọi người. 

Ví dụ như nạn thất nghiệp, hay là vấn đề bạo hành gia đình, hay là vấn đề sức khoẻ tâm thần thì không chỉ riêng cộng đồng này hoặc cộng đồng nọ mà ảnh hưởng đến tất cả mọi người, thì nếu chúng ta có sự cảm thông, hiểu biết và liên hệ thì chúng ta dễ làm việc với nhau hơn, và đó là điều Phượng Vỹ rất mong muốn cộng đồng đa văn hoá của chúng ta có nhiều cơ hội làm như vậy để chúng ta tự phát triển truyền thống, văn hoá của mình và có thể chia sẻ được truyền thống, văn hoá của mình đến những cộng đồng sắc tộc khác và đến cộng đồng chính mạch nói chung, như thế thì tất cả mọi người được hiểu hơn và vì thế, sự hiểu biết và sự khôn ngoan chung của đất nước chúng ta sẽ cao hơn.

SBS VIETNAMESE: Xin cảm ơn bà Nguyễn Phượng Vỹ rất nhiều.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share