Dịch vụ dưỡng lão của chúng ta có đáp ứng nhu cầu đa văn hóa?

Is our Aged Care system fit for purpose

Is our Aged Care system fit for purpose Source: Getty

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Vấn đề quan tâm nhất hiện nay của ngành chăm sóc người cao niên là tác động của COVID-19 lên lĩnh vực mà vốn đã thiếu nguồn lực. Cấu trúc tổng thể của hệ thống, cách xã hội nhìn về người cao niên và nhu cầu về dịch vụ chăm sóc người cao niên phù hợp văn hóa ở những cư dân sắc tộc cũng là điều đang được nói đến.


Trong thời gian làm việc cho Ủy ban Hoàng gia về Chất lượng và An toàn Chăm sóc Người cao niên, Đặc ủy viên Lynelle Briggs đã đưa ra tầm nhìn cho lĩnh vực này.

"Đặc điểm chính trong nhiệm vụ của chúng tôi là tập trung vào tương lai và hệ thống chăm sóc người cao tuổi ở Úc nên là gì: một hệ thống chăm sóc đẳng cấp thế giới, đem lại sự hài lòng và an tâm cho cả người được chăm sóc và người thân của họ."

Tầm nhìn đó đã bị lu mờ bởi đại dịch với liên tục các bài viết về tác động của COVID-19 đối với khách hàng và nhân viên chăm sóc người cao tuổi.

Nhưng đối với nhiều người, COVID-19 chỉ đơn giản là làm cho các vấn đề hiện tại trở nên tồi tệ hơn.

Nhà báo Rick Morton đồng tác giả của một báo cáo về chăm sóc người cao tuổi với Trish Prentice từ Viện nghiên cứu Quỹ Scanlon.

Ông nói rằng Ủy ban Hoàng gia đã làm nổi bật các vấn đề lâu dài, mang tính hệ thống về chăm sóc người cao niên, nhưng họ đã bỏ qua một điều quan trọng - đó là khoảng cách văn hóa của dịch vụ này.

“Đó là một trong những điều được nói đi nói lại, lặp đi lặp lại. Nhưng họ xua tay và trong các khuyến nghị họ nói rằng, nếu chúng ta có thể để cho mỗi cá nhân khách hàng có sự lựa chọn và kiểm soát dịch vụ chăm sóc người cao tuổi mà họ nhận, thì khoảng cách văn hóa sẽ tự động giải quyết. Trong khi điều đó nên theo chiều ngược lại."

Đây không phải là mối quan tâm nhỏ hoặc hay cục bộ.

Theo Trung tâm Đa dạng Văn hóa ở Người cao tuổi, cứ ba người sử dụng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi thì có một người sinh ra ở nước ngoài và con số này dự kiến ​​sẽ còn tăng lên.

Rick Morton nói rằng những kỳ vọng văn hóa về gia đình và tuổi già ảnh hưởng đến những gì xảy ra cho người cao niên trong các cộng đồng di cư.

Ông nói rằng Úc, cùng với các quốc gia phương Tây khác, phần lớn đã mất khả năng chăm sóc những người cao tuổi của chúng ta.

“Trong khi ngược ở các cộng đồng di cư, nơi tinh thần cộng đồng rất mạnh, đôi khi có nhiều thế hệ trong một ngôi nhà và tất cả họ đều làm việc cùng nhau và điều này ngày càng phổ biến hơn nhiều. Bạn cũng biết câu thành ngữ, cần một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ và một ngôi làng để chăm sóc người già. "

Những kiểu sinh hoạt hay trật tự này không phải lúc nào cũng có thể duy trì ở Úc.

Patricia Laranjeira, Điều phối viên Dự án Cấp cao của Hội đồng Cộng đồng Đa văn hóa của Illawarra, trên bờ biển phía nam của New South Wales, có sự ưu tiên đối với các dịch vụ có thể được thực hiện tại nhà riêng của khách hàng, thay vì các cơ sở chăm sóc lâu năm. Các dịch vụ này tập trung cho những gia đình được coi là cần thiết vì trẻ nhỏ không thể chăm sóc người thân lớn tuổi của mình.

Nhưng bà cũng nói rằng không phải ai cũng muốn có nhân viên tới nhà mình.

“Cái việc có ai đó vào nhà họ để cung cấp dịch vụ cũng khó được chấp nhận. Nó giống như, những người đang đến là ai? Điều gì sẽ xảy ra khi họ đến nhà tôi? Liệu cuối cùng họ có lấy nhà và đưa tôi ra khỏi đây không?"

Elizabeth Drozd, cựu ủy viên đa văn hóa và hiện là Giám đốc điều hành của Dịch vụ Cộng đồng Đa văn hóa Úc, nói rằng yếu tố tâm lý góp phần vào sự chậm trễ trong việc tìm kiếm dịch vụ chăm sóc aged care .

“Những gì chúng tôi nhận thấy là có xu hướng trong số những người cao niên - nhất là ở những người cao niên sắc tộc thường chỉ chịu vào nhà dưỡng lạo hay yêu cầu sự giúp đỡ khi họ không còn ráng được nữa. Đó là thực tế, thông thường hầu hết người cao tuổi thích độc lập và không yêu cầu sự giúp đỡ, và không tạo gánh nặng cho chính phủ nếu họ thấy là họ vẫn xoay xở được. "

Elizabeth cho biết tâm lý này ảnh hưởng rất nhiều đến những người vốn bị hạn chế với việc tiếp cận thông tin có sẵn trên mạng.

"Thách thức số một xảy ra khi nói đến người cao niên sắc tộc mà chúng tôi biết từ dữ liệu Điều tra dân số là trong một số cộng đồng có tới 60% người cao niên không sử dụng Internet."

Khi đưa ra quyết định tiếp cận dịch vụ chăm sóc, có một loạt chính sách phức tạp và đầy thách thức đối với những người cao niên di dân.

Một trong những thách thức đó là nằm trong danh sách chờ đợi, bởi vì nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc tại nhà vượt xa nguồn cung.

Ủy ban Hoàng gia nhận thấy rằng tính đến tháng 6 năm 2020, gần 103.000 người cao niên trong danh sách chờ các gói dịch vụ chăm sóc tại nhà, và con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên.

Nhưng trong lần cập nhật ngân sách cuối cùng của chính phủ, Tổng trưởng Ngân khố Josh Frydenberg đã thông báo ngân quỹ tài trợ sẽ không đủ bù đắp cho số khách hàng đang chờ dịch vụ.

"Chúng tôi sẽ tài trợ thêm 80.000 gói dịch vụ chăm sóc tại nhà, nâng tổng số lên 275.000 gói dịch vụ chăm sóc tại nhà để đưa vào dịch vụ .... Chúng tôi cam kết khôi phục niềm tin vào hệ thống và cho phép người Úc đi vào tuổi già an nhàn và thư thái."

Nhưng theo Elizabeth Drozd, dẫu có cung cấp tài trợ cho các gói dịch vụ nhưng nếu không có đủ nhân viên với kỹ năng ngôn ngữ để sẵn sàng chăm sóc người lớn tuổi thì vấn đề vẫn ở đó.

“Chúng tôi không có đủ người muốn làm việc trong lĩnh vực này. Vì nếu có người thì ngay trong ngày mai mà chúng tôi sẽ ký hợp đồng tuyển lúc 50 nhân viên những người có thể nói được tiếng Hy Lạp và tiếng Ý để làm việc cho dịch vụ aged care của chúng tôi. Và đây là hai trong những cộng đồng có số lượng người cao niên lớn nhất. "

Việc người già tiếp cận dịch vụ chăm sóc dưỡng lão kịp thời giúp giảm thiểu phí tổn cho hệ thống và tránh những điều tồi tệ có thể xảy ra cho họ.

Giáo sư Irene Blackberry là người đứng đầu John Richards - Trung tâm Nghiên cứu Chăm sóc Người cao tuổi của Đại học La Trobe, nói rằng sự chậm trễ như vậy sẽ tạo thêm áp lực lên các lĩnh vực khác của hệ thống y tế và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của một người.

“Nếu khi họ có chuyện thì họ phải đến bệnh viện hoặc tiếp cận hệ thống chăm sóc cấp tính. Bởi vì không có lựa chọn nào khác cho họ ở các cộng đồng nông thôn và vùng sâu vùng xa, và chuyện có thể diễn ra bất ngờ và diễn tiến rất nhanh, do đó phòng ngừa vẫn tốt hơn."

Báo cáo của Viện Scanlon cho thấy cần thiết kế lại toàn bộ hệ thống chăm sóc người cao tuổi để giải quyết những vấn đề này

Đối với đồng tác giả Rick Morton, không phải kỳ vọng văn hóa của các cộng đồng di cư cần phải thay đổi để thích ứng với hệ thống hiện có, mà là quan điểm sâu sắc của chính người Úc về vấn đề dân số già.

“Điều đầu tiên mà chúng ta cần sửa chữa ... là chúng ta không coi trọng những người lớn tuổi. Chúng ta nghĩ rằng họ là một gánh nặng, bạn biết đấy. Chúng ta nói về ý tưởng làm thế nào để giải quyết vấn đề lão hóa ở Úc, nhưng điều chúng ta không nói đến là giá trị mà con người có. "

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Tải để nghe SBS Tiếng Việt bất cứ lúc nào


Share