Cùng nhau giữ tiếng Việt: Tạo cảm hứng và động lực cho trẻ

Lớp học tiếng Việt

Lớp học tiếng Việt Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Động lực là một yếu tố quan trọng trong hầu hết công việc chúng ta làm. Động lực để gia đình quý vị giữ tiếng Việt là gì? Có phải lúc nào con trẻ cũng có cùng động lực duy trì tiếng Việt giống bố mẹ không?


Mời quý vị cùng nghe những chia sẻ của Tiến sĩ Giáo dục Ngữ văn Ngô Thị Bích Thu, giảng viên trường Australian Catholic University, về cách chị đã khai thác các sở thích của con để tạo cho con cảm hứng và động lực duy trì và phát triển tiếng Việt. 

Nghe cháu Bi nói chuyện với mẹ trong video minh họa cách đọc, Hồng Vân nhiều lúc không phân biệt được lúc nào là cháu nói, lúc nào là chị nói vì 2 mẹ con có chất giọng rất giống nhau, và quan trọng là cháu có thể sử dụng các từ ngữ khó, so với trình độ tiếng Việt của một bạn trẻ thế hệ thứ 2 ở Úc. Làm thế nào để con có thể phát triển năng lực tiếng Việt trên mức “Việt kiều” như vậy? Hồng Vân cũng được biết gia đình chị sống ở nơi không có trường Việt ngữ và cộng đồng người Việt. Chị có thể giới thiệu qua một chút về gia đình chị, đặc biệt là cháu Bi không? 

TS Thu: Gia đình tôi qua Úc cách đây 15 năm, khi cháu Bi mới 5 tuổi, năm nay cháu 19 tuổi, đang học năm thứ 2 đại học, ngành Actuary. Chúng tôi sống phần lớn thời gian ở Armidale nơi cộng đồng người Việt rất nhỏ, lúc chúng tôi đến chỉ có 2 gia đình người Việt. Ở trường cháu không có bạn nào người Việt nên có thể nói là môi trường giao tiếp tiếng Việt rất hạn chế. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ với các phụ huynh 2 nội dung chính: cách giúp con yêu thích và thêm động lực để  duy trì và phát triển tiếng Việt và cách đọc cùng con để phát triển ngôn ngữ tiếng Việt nói và viết.

Theo chị, yếu tố quan trọng nhất để duy trì và phát triển tiếng Việt cho Bi là gì?

TS Thu:  Là tạo cho con niềm yêu thích và động lực học tiếng Việt. Nếu nó thích và có động lực thì nó sẽ học và sẽ tự học cả đời. Chỉ cần làm cho con thích là đã thắng 90% rồi. Nếu nó mà đã không thích thì nó sẽ không học và không tiếp tục học thì tiếng Việt sẽ mai một ngay. Vậy thì làm thế nào để làm cho con thích học tiếng Việt? 

Bố mẹ nói tiếng Việt với nhau hoàn toàn và nói tiếng Việt với con. Việc này rất quan trọng vì nó giúp tăng thời lượng và cơ hội tiếp xúc tiếng Việt trong ngữ cảnh và tình huống cụ thể và tự nhiên với con. Nó cũng có nghĩa là tăng ‘ngôn ngữ đầu vào’ (language input) của con mà không cần phải đến lớp học, nơi cần phải tạo ra các tình huống giao tiếp giả định. 

Khi nói chuyện ở nhà, tôi hay lồng ghép thành ngữ, tục ngữ trong giao tiếp để cho Bi thấy mình chỉ cần sử dụng rất ít lời nói nhưng lại truyền tải được rất nhiều hình ảnh và ý nghĩa. Ví dụ có hôm tôi bảo Bi “dọn dẹp bếp và phòng ăn trước khi ăn cơm. Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Hay có lúc tôi bảo Bi giấu đồ ăn vặt của tôi đi là “gậy ông đập lưng ông” đó.
Ngoài ra tôi cũng hay dùng lời bài hát để thay đánh giá của tôi về sự việc nào đó. Điều đó làm cho Bi thấy rất hài hước và thú vị.
Ví dụ, ở nhà tôi hiện nay có 2 chú ở trọ mới từ Việt nam qua. Vợ con các chú thì chưa sang nên 2 chú đi đâu làm gì cũng có nhau. Hôm tôi và Bi nhìn thấy hai chú lại vai kề vai rủ nhau đi chợ, tôi mới trêu bằng lời bài hát “Trái tim mùa đông” (ca sĩ Don Hồ). “ Ta găp nhau trong muộn màng, ta gặp nhau trong lỡ làng. Qua ánh mắt qua nụ cười, sưởi ấm trái tim anh đã lạnh khô. Một trái tim khô, một trái tim mùa đông. Trái tim đã nhiều lần chạy trốn tình yêu”. 

Thế là Bi thấy buồn cười quá. Hôm sau nó thấy ông hàng xóm sống một mình, nó áp dụng lời bài hát đó và nó bảo “Ông Sam đang mang một trái tim khô”.

Ngoài mấy bài nhạc sến buồn cười ra tôi cũng hát hoặc mở những bài hát mà lời hát giàu tính thơ ca ở nhà. Việc lựa chọn bài hát có lời giàu chất thơ cho con nghe rất là tiện vì con học được ngôn ngữ văn học mà không cần phải ngồi xuống đọc truyện hay đọc thơ. Bi nghe những bài như ‘Đêm thành phố đầy sao’ hay ‘Thành phố tình yêu và nỗi nhớ’ hay là ‘Hà Nội và tôi’, “Hà Nôi mùa thu’  vừa giúp cho nó học được cách diễn đạt nhiều hình ảnh vừa tạo cho nó tình yêu đối với quê hương. 

Lời bài hát đối với thế hệ chúng ta mang đầy đủ nét đẹp và ý nghĩa của mỗi từ, mỗi chữ. Với các em thế hệ thứ 2 như Bi thì khi nghe ca từ như vậy Bi có hiểu hết không? Chị có giải thích hay có hoạt động gì với con không? 

TS Thu: Việc cùng nghe những bài hát như thế với con tạo cơ hội để cho tôi và con nói chuyện về ca từ trong bài hát. Tôi giải thích nghĩa và hình ảnh trong bài thể hiện qua lời bài hát. Bài thì về Hà nội, bài thì về Sài gòn nên năm nào được nghỉ nó cũng thích đi Việt nam nhất. Nó thích đi thăm ngõ nhỏ phố nhỏ và dòng sông Sài gòn đầy sao. Qua đó tôi làm cho Bi thấy tiếng Việt rất hay, rất đẹp và rất thú vị. Nhân tiện tôi cũng muốn chia sẻ với các phụ huynh là mình nghe nhạc gì thì mình cũng nên để ý chọn những bài hát ca từ có ý nghĩa, có tính tích cực và giàu chất thơ để con còn học được. Nội dung bài hát mình nghe sẽ nuôi dưỡng tâm hồn con chứ không phải chỉ có tính giải trí hay nuôi tâm hồn mình.

Chị đã tạo động lực cho con học tiếng Việt từ nhỏ như thế nào?

TS Thu: Bí quyết tạo động lực cho con là làm cho nó nhận thấy việc sử dụng tiếng Việt sẽ giúp nó giải quyết được các thiết thực vấn đề thiết thực của nó. Chứ như hồi nó 5-6 tuổi mà bảo ngôn ngữ là chìa khóa mở ra kho tàng kiến thức của một nền văn hóa thì thực sự là nó không thể cảm được điều đó. Nên là hồi Bi còn bé tầm 5-8 tuổi lúc đó nó bắt đầu học tiếng Anh và riêng tiếng Anh đã đủ để giải quyết được tất cả nhu cầu giao tiếp và học tập của nó nên để thuyết phục nó học để duy trì và phát triển tiếng Việt phải có nghệ thuật. 

Bi nó bảo tôi hồi nó bé nó chỉ cảm thấy một giờ phải ngồi học, kể cả là học tiếng Việt có nghĩa là nó bị mất một giờ để chơi. Vậy cho nên tôi đã chơi với Bi bằng tiếng Việt. Tôi cho nó ăn mấy món Việt Nam thật là ngon mà không bao giờ có công thức bằng tiếng Anh như bánh bông lan trứng muối. Sau đó tôi rủ nó cùng làm bánh vì đi Sydney mới mua được. Thế là tôi và nó đọc công thức trên trang Savoury Days toàn món ngon nhưng phải đọc được tiếng Việt thì mới hiểu và làm được. Cho học đọc tiếng Việt qua thể loại văn bản Công Thức (Procedure-recipe) là thể loại văn bản dễ nhất để đọc vì ngôn ngữ của nó là gần nhất với ngôn ngữ nói. Ở lớp học tiếng Anh trẻ con mẫu giáo với lớp 1 cũng học văn bản Procedure đầu tiên. 
Chị Thu và Bi khi mới đến thành phố Armidale, Australia 15 năm trước
Chị Thu và Bi khi mới đến thành phố Armidale, Australia 15 năm trước Source: Supplied
Đó là động lực cho nó bắt đầu học đọc tiếng Việt. Trước đó thì tôi có dạy qua những chữ cái,  âm, vần cơ bản. Sau đó nó luyện tập nhiều bằng cách đọc công thức nấu ăn thì nó tự suy ra được cái vần khác. Ví dụ, nó biết vần ‘ôn’ thì nó sẽ biết ‘ôm’ và ‘ôt’ thì nó sẽ biết ‘ôp’. Tôi chưa bao giờ phải dùng một quyển sách giáo khoa nào dạy nó. Tôi dạy nó dựa trên chữ có trong công thức nấu ăn. Sau đó là tôi tạo ra tình huống nó phải viết. Nhà tôi toàn viết shopping list bằng tiếng Việt và bảo nó muốn bố mẹ đi chợ mua gì thì viết ra tờ giấy hoặc nhắn tin cho mình. Không viết được thì khỏi mua đồ luôn. Nó đã đọc công thức nấu ăn được rồi thì nó sẽ copy được cách viết các nguyên liệu thôi. Sau khi lớn lên chút thì phải học cách nhắn tin và phải biết cách dùng mã telex để nhắn tiếng Việt có dấu. Tôi dạy nó một chút là nó biết nhưng mà cái dầu huyền là F thì mãi nó không nhớ. Tôi mới bảo nó nếu muốn viết dầu huyền mà mãi không nhớ thì bực quá chửi là gì “FFFFFF’. Thế là từ đó nó nhớ lắm. Bây giờ nó nhắn tin có dấu hẳn hoi, chat qua Facebook với bà và cô cậu chú bác ở Việt nam được hết rồi. Mọi người trong nhà cũng hay nhắn tin cho nó và nó buộc phải đọc và viết được tiếng Việt để trả lời. 

Như vậy là chị đã dạy tiếng Việt cho Bi mà nó không hề nghĩ là đang phải ngồi học tiếng Việt và mất đi một giờ chơi của nó. Thế nếu hỏi Bi là Bi học tiếng Việt để làm gì thì Bi sẽ bảo sao?

TS Thu: Nếu hỏi nó có phải động cơ học đọc viết tiếng Việt là để giao tiếp với ông bà và họ hàng ở Việt nam không thì nó bảo không. Đó chỉ là hưởng sái thôi. Động cơ đầu tiên của nó là việc đọc viết tiếng Việt giúp nó có thể hưởng thụ một cách dễ dàng. Ở Úc thì nó tự đọc công thức nấu ăn được để nó nấu nướng, làm bánh. Về Việt nam thì nó đọc được biển hiệu nhãn hàng để nó đi mua sắm, đọc được menu để chọn được món ăn nó thích, đọc hoá đơn khi đi ăn hàng để không bị ‘vặt’. Tiếng Việt nói thì phải nói trôi chảy, tự nhiên và hiệu quả để phục vụ việc nó đi cắt tóc gội đầu, nó có thể tán chuyện với nhân viên để họ làm cho nó thật đẹp và không biết nó là Việt kiều để khỏi ‘chém’ nó. Rồi nó học được tiếng Việt qua việc nó phải xem Youtube người ta review sản phẩm dưỡng da vì nó là người Việt nên nó muốn nghe những người Việt review sản phẩm dưỡng da phù hợp với người Việt. 

Có thế thấy là bây giờ tiếng Việt của Bi khá ổn rồi thì chị tiếp tục phát triển ngôn ngữ cho con bằng cách nào?

TS Thu: Đến giai đoạn này khi mà con đã trưởng thành và tất cả tình yêu và động cơ động lực của nó đã ổn định thì tôi không còn phải nghĩ ra chiêu trò gì để dụ nó nữa. Như tôi nói từ nhỏ tôi đã nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất Việt cho nó nên bây giờ nó rất quan tâm đến nhưng gì xảy ra trên đất nước Việt Nam, do đó mà nó tự đánh dấu trang tin trực tuyến như 24h.com.vn, VTV, VTC, Vnexpress để nó có thể đọc thêm tin tức về VN. 

Ngoài những tin con quan tâm thì mình cũng nên chia sẻ với con những bản tin thuộc các lĩnh vực khác nhau để vừa mở rộng kiến thức, vừa mở rộng vốn từ tiếng Việt trong đa dạng các lĩnh vực cho con phát triển ngôn ngữ toàn diện, không chỉ là ngôn ngữ giao tiếp thông thường hay ngôn ngữ văn chương. Trên VNExpress, tôi hay chọn các bản tin thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau để gửi cho Bi cùng đọc và cùng thảo luận. Mấy hôm gần đây tôi cho Bi đọc lĩnh vực Cổ Sinh Vật học và Vật lý. Với những văn bản phức tạp như vậy thì đọc cùng con sẽ giúp con cảm thấy không bị choáng ngợp vì sẽ có mình ở bên để hỗ trợ.

Từ ngữ trên báo chí đã là khó hơn ngôn ngữ nói đời thường, từ ngữ trong các lĩnh vực khoa học như khảo cổ, sinh học hay vật lý còn khó hơn nữa. Chị có thể cho biết chi tiết chị cùng con đọc như thế nào để con thấy dễ hiểu không? 

TS Thu: Cách đọc cùng con bao gồm các bước sau:

1. Thảo luận tiêu đề và thảo luận nội dung bài báo bằng cách cùng xem tranh và thảo luận hình ảnh. Giải thích trước các từ khoá con sẽ gặp trong văn bản.  

2. Con đọc to văn bản. Nhắc con vừa đọc vừa tự tư duy kiểm tra lại trong đầu xem những gì mình vừa đọc lên có nghĩa không bằng cách tự dịch một vài từ khoá trong câu ra tiếng Việt để tự mình kiểm chứng hoặc tự đặt câu hỏi về một số chi tiết mới đọc được. 

3. Hỗ trợ đọc đúng từ và giải nghĩa khi gặp từ khó. Khi thấy con bắt đầu chật vật trong việc nhận diện từ hoặc phát âm sai thì gợi ý và nhắc con đọc lại cho đúng. Không để con tự đánh vật quá lâu sẽ gây ra mệt mỏi làm giảm hứng thú với việc đọc.

4. Đọc lại và cùng thảo luận về các chi tiết thú vị trong văn bản thông qua các câu hỏi.

5. Con kể tóm tắt lại bản tin bằng một câu rồi phát triển ý thêm. Tiếp tục tóm tắt bằng 2 câu, 3 câu, …. Cho con cụm từ để bắt đầu phần tóm tắt “Bản tin này nói về…”

6. Con viết lại tóm tắt và gửi cho mình.

Mời quý vị tham khảo video minh họa cách đọc cùng con của chị Thu và Bi ở link sau:

https://www.youtube.com/watch?app=desktop&v=iD947JdnDtU&fbclid=IwAR2YAoj1TlrwoHiRoR35K0wU0JdDSqJtsLQFR9PYp-XnUYnQTjYLa2S8FfE&ab_channel=ThuNgoThiBich

Cám ơn tiến sĩ Thu rất nhiều về những chia sẻ vô cùng hữu ích trong việc dạy và duy trì tiếng Việt cho con để con luôn yêu thích và có động lực nâng cao năng lực tiếng Việt. 

Nói tiếng Việt với con hàng ngày để tạo môi trường ngôn ngữ quen thuộc và xây dựng vốn ngôn ngữ đầu vào cho con, dạy con học mà như chơi, qua các hoạt động con yêu thích như nấu ăn, chơi trò chơi để tăng hứng thú với tiếng Việt, và đọc cùng con là những bí quyết cơ bản để giúp con yêu thích và có động lực học tiếng Việt. Nếu chúng ta không có điều kiện để đưa con đến trường Việt ngữ, chúng ta hãy cố gắng làm thầy cô tiếng Việt của các con hàng ngày. Nói chuyện với con, đọc sách với con từ khi còn nhỏ để xây dựng thói quen sử dụng tiếng Việt là điều vô cùng quan trọng. Ngoài ra, khai thác các sở thích của con, giúp con tự thấy động lực để học tiếng Việt cũng giúp việc duy trì tiếng Việt. Mong rằng năm mới 2022 sẽ có nhiều gia đình nói tiếng Việt và thành công trong việc duy trì tiếng Việt khi ở nước ngoài.

Như thường lệ, mời quý vị tham gia giải câu đố của chương trình: Quý vị sẽ giải thích bằng tiếng Việt thế nào nếu con gái 7 tuổi của quý vị hỏi: Sao mình cần có hai tai hả mẹ? 

Xin quý vị hãy gửi câu trả lời về chương trình theo địa chỉ: hoặc nhắn tin dưới bài trên trang .







Share