Cùng giữ tiếng Việt: Em đã học tiếng Việt như thế nào

Học sinh viết bảng

Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Trong chương trình Cùng nhau giữ tiếng Việt tuần này mời quý vị cùng trò chuyện với Subi (7 tuổi) và hai bạn Mira (11 tuổi) và Ngọc Kha (16 tuổi), đến từ Sydney, để tìm hiểu các em đã học tiếng Việt như thế nào.


Bác Vân được biết là cả ba bạn đều sinh ra và lớn lên ở Úc, không đi học ở các trường có chương trình dạy tiếng Việt, làm thế nào mà các con nói tiếng Việt giỏi vậy?

Subi: Mẹ con dạy con học nói, đọc và viết tiếng Việt, con biết nói tiếng Việt từ lúc bé, ở nhà con chỉ được nói tiếng Việt.

Mira: Mẹ con cũng dạy con từ khi con còn bé, lớn lên con mới đọc truyện được, con cũng chỉ được nói tiếng Việt ở nhà với bố mẹ con. Thường thì con phải đọc mấy quyển truyện tiếng Việt với mẹ.

Ngọc Kha: Bố mẹ cháu cũng dạy cháu tiếng Việt từ khi cháu còn bé tí ti. Nhưng khi lên cấp 3 thì cháu phải dành thời gian cho học ở trường và chuẩn bị thi HSC nhiều hơn nên cháu không học tiếng Việt được như trước. Nhưng lúc trước cháu có đi học tiếng Việt ở trường Việt ngữ, có các bạn cùng tuổi rất thân, các bạn nói chuyện rất vui, chúng cháu cười đến đau bụng.
Khi các em lớn lên, sẽ có nhiều hoạt động, nhiều ưu tiên hơn, việc học tiếng Việt dễ bị sao nhãng. Vì vậy, dạy cho các em biết đọc, viết tiếng Việt từ khi còn bé là rất quan trọng.
Thứ nhì từ trái: Ngọc Kha (SRC President)
Thứ nhì từ trái: Ngọc Kha (SRC President) cùng các bạn trong SRC Executive team Source: Supplied
Có lúc nào mà các con không thích học tiếng Việt hay nói tiếng Việt không? Những lúc đấy bố mẹ hay ông bà đã nói gì, làm gì để con tiếp tục nói tiếng Việt?

Kha: Có những lúc cháu nói chuyện với em cháu bằng tiếng Anh, bố mẹ nhắc cháu nói tiếng Việt, cháu cũng có cảm giác “mình ước mình không phải nói tiếng Việt”. Những lúc đấy bố mẹ cháu nhắc cháu để cháu lại nói tiếng Việt.

Subi: Con chưa bao giờ không thích học tiếng Việt. Những lúc con nói tiếng Anh thì bố mẹ nhắc con thì con lại quay về nói tiếng Việt.

Việc nói tiếng Việt có gây khó khăn gì cho việc học tập ở trường của các con không?

Ngọc Kha: Chưa bao giờ mà việc cháu biết nói tiếng Việt lại gây khó khăn cho việc học ở trường, có thể nó còn giúp cháu, như những môn Geography, History, mình còn dạy được các bạn khác khi nói về ngôn ngữ hay những thứ khác. Có thể nó còn làm dễ hơn cho cháu học ở trường ạ.

Mira: Con chưa bao giờ thấy khó khăn khi học ở trường. Ở trường con học về nước Việt nam, con biết nhiều hơn, tốt hơn cho con.

Subi: Con chưa bao giờ thấy khó khăn khi học ở trường. Nó giúp con học tốt hơn một tí. Con đã làm một dự án về Việt nam và được thầy cô chia sẻ cho các bạn ở trường. Các bạn biết và hiểu thêm về Việt nam.
Subi giành giải nhất khu vực cuộc thi Public Speaking năm 2019
Subi giành giải nhất khu vực cuộc thi Public Speaking năm 2019 Source: Supplied
Học tiếng Việt khó nhất ở điểm gì?

Mira: Con thấy học tiếng Việt khó nhất là chính tả. Con hay nhầm chữ d, gi, và r. Ngoài ta, khi con nói tiếng Việt mà có từ khó, con dùng tiếng Anh, thì bố mẹ nhắc con và con tiếp tục nói tiếng Việt.

Subi: Con thấy vần khó vì tiếng Việt có rất nhiều vần, mẹ giúp con ôn lại vần.

Con có kỷ niệm nào đáng nhớ về việc học hay việc nói tiếng Việt?

Mira: Gia đình con ở Hà nội, nói tiếng Bắc, có lần ra sân bay, ở Huế, con hỏi một chú nhân viên Cái túi ở đâu ạ? Mà chú không biết con nói gì. Mẹ cho con xem phim Cây táo nở hoa, có các tiếng Bắc, Trung, Nam nên con biết thêm các từ ở các miền được dùng như thế nào ạ.

Các con có muốn nói gì với các bạn nhỏ gốc Việt ở Úc không?

Mira: Mình vẫn nên học tiếng Việt vì mình sinh ra ở Úc, văn hóa mình là Việt nam, học tiếng Việt giúp mình nói chuyện với ông bà, cô chú, họ hàng của mình ở Việt nam.

Subi: Học tiếng Việt là học thêm một ngôn ngữ, thì nó tốt cho mình ạ.

Ngọc Kha: Cháu muốn mọi người yêu tiếng Việt, học tiếng Việt để mang tiếng Việt đến các thế hệ sau ạ.
Mira và em đi chùa vào dịp Tết
Mira và em đi chùa vào dịp Tết Source: Supplied
Câu chuyện của các bạn nhỏ giỏi tiếng Việt cho thấy:

  • Bố mẹ và gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ tiếng Việt cho con. Bố mẹ dạy con tiếng Việt từ khi con còn bé và luôn nhắc nhở con nói tiếng Việt.
  • Việc các con giỏi tiếng Việt không có ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tiếng Anh hay việc học tập nói chung ở trường mà ngược lại còn giúp các con học tốt hơn.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới và đặc biệt là dự án VietSpeech do trường Đại học Charles Sturt thực hiện với các gia đình Việt nam ở Úc gần đây đã chỉ ra là các em nhỏ giỏi viết tiếng Việt cũng là các em giỏi viết tiếng Anh.
Việc học tiếng Việt không ảnh hưởng đến học tiếng Anh hay văn hóa ở trường. Hơn nữa các bạn còn có thành tích rất tốt. Mira xuất bản thơ, truyện ngắn bằng tiếng Anh và được giải nhất giải viết truyện bằng tiếng Anh dành cho các em thiếu nhi ở Sydney. Subi có bài trình bày được thầy cô gửi cho các bạn làm bài mẫu. Kha là SRC President của trường Fort Street High School.
Vậy thì làm thế nào để giúp con giữ tiếng Việt, duy trì sự thích thú của con với tiếng Việt? Mời quý vị đón đọc số tiếp theo của Cùng nhau giữ tiếng Việt: Tôi đã giúp con giữ tiếng Việt như thế nào.

Mời quý vị tham gia giải câu đố của bạn Mira: Tại sao trong tiếng Việt, chị Hai lại gọi là chị Hai? Chị Hai có nghĩa là gì? Sao không gọi là chị Một? Quý vị có câu trả lời đúng và nhanh nhất sẽ nhận được một món quà nhỏ của SBS Vietnamese.

Xin quý vị hãy gửi câu trả lời về chương trình theo địa chỉ: vietnamese.program@sbs.com.au hoặc nhắn tin trên facebook.com/sbsvietnamese.

*Chương trình Cùng giữ tiếng Việt của SBS do tiến sỹ ngôn ngữ Trần Hồng Vân thực hiện. Chị Hồng Vân hiện là giảng viên chuyên ngành Biên Phiên dịch tại trường Đại học Western Sydney, đồng thời là nghiên cứu viên của dự án  của trường Đại học Charles Sturt, một dự án nghiên cứu về duy trì tiếng Việt và phát triển ngôn ngữ của trẻ em Việt Nam ở Úc.


Share