Cùng giữ tiếng Việt: Năng lực giao tiếp có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như thế nào?

Học sinh lớp 1 ở Úc

Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Với trẻ gốc Việt sinh sống ở nước ngoài, khả năng giao tiếp của các em chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có việc duy trì tiếng mẹ đẻ. Năng lực giao tiếp của trẻ nói hai hay nhiều thứ tiếng cần được quan tâm và nuôi dưỡng thế nào cho đúng?


Giao tiếp là một trong những quyền cơ bản của con người. Ai cũng có quyền nói lên những gì mình muốn nói bằng ngôn ngữ của mình, đặc biệt là bằng tiếng mẹ đẻ (Điều khoản 5, Tuyên bố Toàn cầu về Đa dạng Văn hóa, UNESCO, 2001)

Với con trẻ cũng vậy, các em có quyền giao tiếp, nói chuyện, bày tỏ cảm xúc và nhiệm vụ của người lớn chúng ta là tạo điều kiện và cơ hội tốt nhất để các em có thể phát huy quyền lợi này của các em một cách tối đa.

Năng lực giao tiếp có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển trí tuệ, tình cảm, và tinh thần của trẻ em? Mời quý vị cùng Hồng Vân trò chuyện với Giáo sư Sharynne McLeod đến từ trường Đại học Charles Sturt để tìm hiểu thêm về chủ đề này.

Giáo sư McLeod được báo The Australian bình chọn là giáo sư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực âm ngữ trị liệu (Discipline Leader in Speech and Language Pathology)  trong ba năm liên tiếp 2018, 2019, 2020 theo các tiêu chí chất lượng, số lượng và ảnh hưởng. Năm 2021, bà là người nước ngoài đầu tiên được nhận giải thưởng Danh dự của Hiệp hội Âm ngữ và Thính giác Mỹ (ASHA) kể từ khi giải thưởng này ra đời năm 1944. 

Chào Giáo sư McLeod, cám ơn bà đã nhận lời mời phỏng vấn của  chương trình Cùng nhau giữ tiếng Việt của SBS Vietnamese.

GS McLeod: Chúc mừng năm mới. Xin chào các bạn!  Tôi rất hân hạnh được nói chuyện về chủ đề năng lực giao tiếp của trẻ em. 

Với kinh nghiệm và thành tựu trong nghiên cứu về lời nói và ngôn ngữ của trẻ em trên hơn 60 ngôn ngữ trên thế giới, bà có thể cho biết khả năng giao tiếp có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của trẻ?

GS McLeod: Cám ơn SBS đã cho tôi cơ hội để nói chuyện về chủ đề này hôm nay. Nhiều người cho rằng học nói là một trong những bước phát triển kỳ diệu nhất của con người. Khả năng giao tiếp có ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh như bản ngã, các mối quan hệ, giáo dục, công việc, tham gia giao tiếp xã hội, đời sống sức khỏe và tinh thần. Nên tôi rất mong muốn được nói chuyện với các bạn về những ảnh hưởng của khả năng giao tiếp đển đời sống của trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở Úc. 

Bà có thể giải thích một chút về khái niệm “giao tiếp”? Theo bà thì giao tiếp bao gồm những thành tố gì?
Giáo sư Sharynne McLeod trong buổi phỏng vấn trên  Zoom với SBS Vietnamese
Giáo sư Sharynne McLeod trong buổi phỏng vấn trên Zoom với SBS Vietnamese Source: Supplied
McLeod: Giao tiếp là một quá trình tương tác 2 chiều. Khi nói đến giao tiếp, người ta nói đến 3 thành tố chính: Ngôn ngữ, lời nói, và thính giác. Ngôn ngữ có liên quan đến khả năng hiểu và diễn đạt ngôn ngữ nói, viết và ký hiệu (sign language). Lời nói, thành tố thứ 2, lĩnh vực mà tôi đặc biệt quan tâm nghiên cứu, có liên quan đến việc phát âm, khả năng nói ra các âm sao cho người khác hiểu mình. Đối với trẻ em song ngữ như trẻ gốc Việt ở Úc, chúng ta thấy hiện tượng thú vị là các em hay phát âm các âm tiếng Việt có ảnh hưởng của âm tiếng Anh hay ngược lại. Lời nói cũng có liên quan đến các vấn đề như giọng nói, như giọng khàn và tật nói lắp. Thành tố thứ 3 của giao tiếp là Thính lực, là khả năng nghe, tiếp nhận âm thanh. 

Giáo sư có thể cho biết tại sao một số trẻ lại có vấn đề về ngôn ngữ và giao tiếp không? 

GS McLeod: Đó là một câu hỏi khó bởi vì với hầu hết các trường hợp (70%-80%) trẻ đến với các phòng khám trị liệu âm ngữ, chúng tôi không biết nguyên nhân sâu xa vì sao trẻ bị rối loạn phát âm (Speech Sound Disorder), không biết vì sao trẻ bị chứng rối loạn ngôn ngữ phát triển DLD (Developmental Language Disorder). Chúng tôi chỉ biết nguyên nhân của 1 số ít trong số trẻ có vấn đề về ngôn ngữ và giao tiếp.  Đó là những trường hợp trẻ có vấn đề về thính lực hay có khuyết tật trí tuệ bẩm sinh hoặc bị các bệnh về não. Tuy nhiên chúng tôi biết cách giúp trẻ khắc phục những khó khăn về giao tiếp, nâng cao năng lực phát âm và ngôn ngữ. Vì vậy nếu bạn lo lắng về phát âm và ngôn ngữ của con em mình, hãy liên hệ với trung tâm y tế ở địa phương để được giới thiệu tới các dịch vụ âm ngữ trị liệu miễn phí (nếu có Medicare) và cả các dịch vụ tư. Ở một số bang, dịch vụ này còn có mặt ở các trường mẫu giáo và trường học. 

Giáo sư và các đồng nghiệp đã có một nghiên cứu rất nổi tiếng về mối quan hệ giữa khả năng giao tiếp với năng lực học tập và đời sống tinh thần của trẻ em ở Úc. Giáo sư có thể cho biết một số kết quả chính của nghiên cứu này được không?

GS McLeod: Đây là nghiên cứu trong một thời gian dài từ năm 2003, còn có tên là Lớn lên ở Úc (Growing up in Australia). Chúng tôi đã lấy số liệu từ 10.000 trẻ em, trong đó có 5.000 em bé 1-3 tuổi và 5.000 trẻ 4-5 tuổi. Chúng tôi đã theo dõi các em ở 9 nhóm số liệu suốt từ năm 2003 đến nay và đã tìm thấy rất nhiều kết quả quan trọng. Một trong những kết quả đó là mối quan hệ giữa khả năng giao tiếp của trẻ và năng lực học tập cũng như đời sống tình cảm, tinh thần của trẻ. Khi trẻ ở độ tuổi 4-5 tuổi, có 25% bố mẹ và 22% giáo viên có lo lắng về phát âm và ngôn ngữ của trẻ, tôi muốn nhấn mạnh đây là ngôn ngữ chính trẻ sử dụng trong gia đình chứ không phải ngôn ngữ thứ 2 hay thứ 3. Như vậy là có không ít người lo lắng về khả năng ngôn ngữ của trẻ ở độ tuổi 4-5 tuổi. Chúng tôi đã theo dõi và so sánh báo cáo của bố mẹ và thầy cô,  kết quả kỳ thi quốc gia NAPLAN của trẻ trong nhóm 25% bố mẹ lo lắng với trẻ trong nhóm 75% bố mẹ không lo lắng và thấy khi các em lên 8-9 tuổi, bố mẹ của trẻ trong nhóm 25% sẽ lo lắng nhiều hơn về khả năng đọc viết của con so với bố mẹ ở nhóm 75%. Khi các em lên 12-13 tuổi và 14-15 tuổi, các em vẫn tiếp tục có vấn đề về học tập nhiều hơn so với trẻ ở nhóm 75%. Khi lớn lên thì các em có tiến bộ hơn nhưng ở mức độ chậm hơn so với các em nhóm kia. Kết quả kỳ thi NAPLAN ở tất cả các môn đọc, viết, ngữ pháp, số học của các em đều thấp hơn trẻ ở nhóm kia.
Một lớp học tiếng Việt ở Úc
Một lớp học tiếng Việt ở Úc Source: Supplied
Như vậy là khi trẻ ở độ tuổi chuẩn bị đi học, nếu bố mẹ có quan ngại về ngôn ngữ hay phát âm của trẻ thì có nhiều khả năng là trẻ sẽ có vấn đề về học tập khi đi học, dễ bị tụt hậu trong suốt những năm phổ thông, so với những trẻ mà bố mẹ không có lo lắng. Trong suốt thời gian từ 4-5 tuổi đến 14-15 tuổi, các em mà bố mẹ có lo lắng về khả năng giao tiếp, có được hỗ trợ hay can thiệp gì không? 

GS McLeod: Đó là một câu hỏi rất hay. Một phần lớn trong số các em này không được can thiệp hay hỗ trợ từ sớm. Việc phát hiện ra các em có vấn đề với kỹ năng ngôn ngữ và phát âm không phải dễ với các thầy cô vì đa số các em nhóm này thường ít nói và nếu gia đình và nhà trường không để ý, không ai làm gì cả, và các em cứ lớn lên với những khó khăn đó, dẫn đến việc các em học tập không tốt ở trường. 

Như vậy là có mối quan hệ giữa khả năng giao tiếp và năng lực học tập của trẻ. Thế còn đời sống tinh thần, tình cảm của các em thì sao? Năng lực giao tiếp hạn chế có ảnh hưởng gì đến đời sống tinh thần của các em?

GS McLeod: Đó là một câu hỏi rất hay. Ở nhóm trẻ 8-9 tuổi, chúng tôi đã hỏi về trải nghiệm ở trường học của các em và thấy với nhóm trẻ mà 25% bố mẹ lo lắng khi các em 4-5 tuổi thì khi 8-9 tuổi, các em cho biết là các em bị bắt nạt nhiều hơn, có ít bạn hơn, và không thích đi học bằng trẻ ở nhóm bố mẹ không lo lắng. Tóm lại là nếu bạn có lo lắng về khả năng giao tiếp của con trước độ tuổi đi học thì các bạn nên tìm kiếm giúp đỡ càng sớm càng tốt. Nếu các bạn chưa làm điều đó thì không bao giờ là quá muộn để làm. Các chuyên gia âm ngữ trị liệu được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp ở Úc sẽ giúp phát hiện vấn đề của con em bạn là gì và việc trị liệu đúng lúc sẽ có tác động tích cực đến khả năng học tập, giao tiếp xã hội, mức độ thích thú với việc đi học, và khả năng giao tiếp với những đứa trẻ khác. 

Với trẻ nói 2 hay nhiều thứ tiếng như trẻ gốc Việt ở nước ngoài thì khả năng giao tiếp của các em nên được đánh giá thế nào cho đúng?

GS McLeod: Đây là câu hỏi quan trọng nhất trong buổi nói chuyện hôm nay. Một số nghiên cứu có đề cập đến khái niệm “bội khuyết tật’’ (double disability) tức là nếu 1 đứa trẻ có vấn đề về ngôn ngữ và phát âm mà lại còn nói ngôn ngữ khác ở nhà thì coi như là vấn đề khuyết tật ngôn ngữ của nó trở nên nghiêm trọng hơn và vì thế nhiều người khuyên nên bỏ tiếng mẹ đẻ.  Đây là một sai lầm vì các nghiên cứu của chúng tôi với hàng ngàn trẻ em đã cho thấy khả năng nói được 2 hay nhiều ngôn ngữ là một siêu năng lực. Không có sự khác biệt về năng lực đọc, viết, kỹ năng toán học, khả năng giao tiếp xã hội giữa trẻ nói một thứ tiếng và trẻ nói nhiều thứ tiếng. Chúng tôi đã so sánh kết quả kỳ thi NAPLAN của trẻ nói một thứ tiếng và trẻ nói ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh ở nhà thì thì thấy lên lớp 3, các em ở 2 nhóm này có thành tích ngang nhau ở tất cả các hạng mục đọc, viết, số học, và ngữ pháp. 

Vậy thì làm thế nào để phân biệt trẻ có vấn đề về ngôn ngữ nói chung với trẻ chậm một ngôn ngữ do tiếp xúc với hai hay nhiều ngôn ngữ?  

GS Mcleod: Nếu bạn lo lắng vì con bạn không nói tốt tiếng Anh trong khi rất giỏi tiếng Việt, thì đấy không phải là vấn đề về ngôn ngữ và lời nói, và đừng đi gặp chuyên gia âm ngữ trị liệu. Chỉ đi gặp chuyên gia âm ngữ trị liệu nếu bạn thấy con không nói tốt tiếng Việt mặc dù đó là ngôn ngữ ở nhà của gia đình bạn, hoặc cả tiếng Việt và tiếng Anh đều không tốt. Tức là nếu con nói lắp, nói không ai hiểu, phát âm các phụ âm không có trong cả tiếng Việt và tiếng Anh, con nói mà những người thân trong gia đình như ông bà, cô bác, những người thường xuyên nghe con cũng không hiểu thì đó là lúc cần can thiệp.
Thông điệp cuối cùng mà tôi muốn gửi đến các bạn là phát triển ngôn ngữ và giao tiếp có ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của trẻ em, vì vậy hãy cho con bạn cơ hội tốt nhất để phát triển toàn diện bằng cách quan tâm và nuôi dưỡng khả năng giao tiếp của các em. Cơ hội tốt nhất để phát triển khả năng ngôn ngữ là song ngữ. Các bạn vốn đã là các gia đình song ngữ, đó là một điều rất tuyệt vời, hãy giữ gìn và duy trì khả năng này, hãy nói càng nhiều thứ tiếng càng tốt.
Xin cảm ơn giáo sư Sharynne McLeod về buổi nói chuyện có rất nhiều thông tin tuyệt vời và vô cùng hữu ích, đặc biệt là với các gia đình có con em ở độ tuổi phát triển ngôn ngữ.

Xã hội hiện đại ở nhiều quốc gia đã trải qua các thời kỳ phát triển, từ những lúc chúng ta phải lo cơm no, áo ấm, đến lúc chúng ta có điều kiện để ăn ngon, mặc đẹp, và giờ đây chúng ta có điều kiện để chăm sóc cho con em mình tốt hơn, để ý đến nhu cầu khác của các em ngoài ăn ngon mặc đẹp, và một trong những nhu cầu đó là nhu cầu giao tiếp. Giúp con phát triển năng lực ngôn ngữ đúng mức và được trợ giúp nếu có vấn đề về ngôn ngữ và lời nói là điều tuyệt vời nhất các bậc ông bà, cha mẹ chúng ta có thể làm cho trẻ, bởi vì năng lực giao tiếp có ảnh hưởng đến mọi khía cạnh đời sống của con em chúng ta. Chúc cho các gia đình người Việt ở Úc cũng như ở các nước khác trên thế giới luôn giữ được năng lực song ngữ, nói được cả tiếng Anh và tiếng Việt, điều mà giáo sư McLeod gọi là siêu năng lực, superpower. Chúc quý vị một năm mới 2022 sức khỏe và an lành. 

Mời quý vị tham gia giải câu đố của chương trình tuần này: Câu thành ngữ “Đa ngôn, đa quá” có nghĩa là gì?

Xin quý vị hãy gửi câu trả lời về chương trình theo địa chỉ: hoặc nhắn tin dưới bài trên trang .

Share