Cùng giữ tiếng Việt: Có nên lo lắng về tiếng Anh khi muốn giữ tiếng Việt cho con?

Gia đình cùng gói bánh chưng chưng trong dịp Tết để gìn giữ văn hóa Việt

Gia đình cùng gói bánh chưng trong dịp Tết để gìn giữ văn hóa Việt Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nói giỏi tiếng Việt có ảnh hưởng đến năng lực tiếng Anh và việc học tập ở trường nói chung không? Nói được tiếng Việt sẽ mở ra những cơ hội việc làm gì? Hãy nghe những chia sẻ của hai vị khách mời thế hệ thứ hai người Việt sinh ra và lớn lên ở Úc, Lily Tô và Sheila Ngọc Phạm.


Sinh ra và lớn lên ở Úc, Sheila là nhà văn, nhà sản xuất chương trình phát thanh trên đài. Sheila đang làm một chương trình mới cho SBS gọi là My bilingual family (Gia đình song ngữ của tôi) và đang học bằng Tiến sĩ về Sức khỏe phụ nữ. Lily tốt nghiệp hạng ưu trường Đại học Sydney. Công việc của Lily là đánh giá và trị liệu ngôn ngữ và phát âm của trẻ em. Là thế hệ thứ hai được sinh ra và lớn lên ở Úc, làm thế nào các bạn có thể nói tiếng Việt giỏi như vậy? 

Lily: Lúc nhỏ, em có đi học tiếng Việt ở trường Việt ngữ từ mẫu giáo đến  lớp 6. Sau đó em chỉ tập nói tiếng Việt với ba mẹ ở nhà. Ba mẹ em cũng không biết tiếng Anh tốt lắm, nên em bắt buộc phải nói tiếng Việt để nói chuyện được với ba mẹ.

Sheila: Em chỉ nói chuyện tiếng Việt thôi, mà em không có đi học tiếng Việt ở đâu cả. Em nói chuyện với ba má và bà con trong nhà. Mười năm trước em cũng bắt đầu đi qua thăm Việt Nam nữa thì cũng có dịp nói chuyện ở bên đó nhiều hơn. Năm năm trước em đi học thêm tiếng Việt để biết đọc và viết tốt hơn. Vì em nghĩ nhà văn gì mà chỉ biết tiếng Anh, tiếng Việt thì chập chờn.

Là một nhà phê bình văn học đã nhận nhiều giải thưởng và là giám khảo các cuộc thi văn học của Thống đốc bang NSW, gần đây Sheila được vào chung kết giải Western Sydney Women Award. Sheila cũng sản xuất các chương trình phát thanh phát triển đa ngữ và như Tongue Tied and Fluent cho đài ABC. Sheila có thể cho biết từ đâu Sheila có cảm hứng làm những công việc như vậy?

Sheila: Em nói tiếng Việt từ nhỏ. Em thích ngôn ngữ, thích học các thứ tiếng khác nhau. Tiếng Việt cũng như tiếng Ý, tiếng Pháp cũng khó mà em thích lắm. Sau lớn thì em học chuyên ngành Linguistics (Ngôn ngữ học). Ngoài ra em nghĩ nước Úc là nước có nhiều cộng đồng dân nhập cư, nói nhiều ngôn ngữ, mà sao các ngôn ngữ di dân không có giá trị, cái gì cũng nói tiếng Anh không à. Nên em kết hợp với một người bạn là người Nhật làm chương trình Tongue Tied and Fluent cho đài ABC, là một chương trình phim tài liệu. 
Sheila và gia đình vào dịp Tết
Sheila và gia đình vào dịp Tết Source: Supplied
Nước Úc tự hào là một đất nước đa ngôn ngữ và văn hóa, nhưng nước Úc có là đa ngôn ngữ, đa văn hóa nữa không khi tất cả mọi người đều nói tiếng Anh và các cộng đồng dân nhập cư không nói tiếng mẹ đẻ của mình nữa!
Hơn 20% người dân Úc nói một tiếng khác tiếng Anh ở nhà. Cộng đồng người Việt có khoảng 300.000 người. Theo nghiên cứu gần đây của dự án VietSpeech với hơn 300 gia đình người Việt sinh sống ở Úc, 1/3 trong số đó chỉ thành thạo tiếng Việt. Việc nói thêm được một ngôn ngữ khác như tiếng Việt có lợi thế như thế nào cho Lily trong công việc?

Lily: Nó cũng quan trọng khi em làm việc với các gia đình biết hai ngôn ngữ. Ví dụ như trong số các gia đình em hiện đang làm việc, có hai gia đình biết cả tiếng Anh và tiếng Việt. Có một cháu chậm phát triển lời nói, khi mới bắt đầu với em, cháu chỉ biết tiếng Việt nên em đã dùng ngôn ngữ tiếng Việt để giúp cháu phát triển ngôn ngữ tiếng Anh. Nếu cháu chậm phát triển thì cháu sẽ chậm phát triển ở cả tiếng Anh và tiếng Việt. Em dùng ngôn ngữ mạnh hơn để giúp ngôn ngữ kia.

Ở Úc có khoảng 12 ngàn chuyên gia âm ngữ trị liệu nhưng chỉ có 5% trong số đó có thể nói được hai hay nhiều ngôn ngữ. Việc nói thêm được một ngôn ngữ ngoài tiếng Anh giúp các chuyên gia âm ngữ trị liệu có thể đánh giá và trị liệu hiệu quả hơn khi làm việc với các gia đình nói tiếng khác tiếng Anh ở nhà.
Em cũng muốn nói thêm là việc em nói được tiếng Việt, ngoài giúp em trong công việc, còn giúp em nói chuyện với ba mẹ, nói chuyện với ông ngoại, bà ngoại ở Việt Nam. Nếu em không giữ hai ngôn ngữ thì em không có thể gắn kết với ông bà được. Ông ngoại, bà ngoại bây giờ già rồi.
Việc giữ tiếng Việt có ảnh hưởng gì đến việc học tập ở trường của các bạn không?

Lily: Không, vì em biết là ở nhà em sẽ dùng tiếng Việt, ở trường ít khi em nói tiếng Việt, chỉ nói tiếng Anh. Nên em không bị confused (lẫn lộn) khi em học hai ngôn ngữ.  

Tại các nước có đông cộng đồng dân nhập cư, các ngôn ngữ khác nhau được sử dụng cho các môi trường và cách hoàn cảnh khác nhau, hay còn gọi là có chức năng khác nhau. Ví dụ ở Úc, tiếng Anh được sử dụng ở trường học, chỗ làm việc hay ngoài xã hội, tức là có chức năng xã hội, học tập hay làm việc. Tiếng Việt được sử dụng ở nhà hay trong cộng đồng, có chức năng gia đình, gắn kết các thành viên gia đình và cộng đồng và duy trì bản sắc văn hóa. Vì thế các ngôn ngữ cộng đồng còn được gọi là home language (ngôn ngữ gia đình).
Lily tốt nghiệp Đại học Sydney chuyên ngành Âm ngữ trị liệu
Lily tốt nghiệp Đại học Sydney chuyên ngành Âm ngữ trị liệu Source: Supplied
Nhiều phụ huynh có suy nghĩ nếu khuyến khích con nói tiếng Việt ở nhà thì tiếng Anh của con sẽ kém đi nên phải hi sinh tiếng Việt để giúp con nói tiếng Anh tốt hơn. Các bạn thấy điều này có nên không?  

Sheila: Em có bạn người Việt mới qua đây, có con nói tiếng Anh dở, cũng lo lắm mà em nói là đừng có lo, giống như em hồi đi học tiểu học  4-5 tuổi cũng không biết tiếng Anh, từ từ học rồi cũng sẽ giỏi tiếng Anh, cũng thành nhà văn. Mấy đứa nhỏ học tiếng Anh lẹ lắm, 6 tháng là hiểu hết, tiếng Việt mới là khó giữ. Có một cái pattern (mẫu) là thế hệ thứ nhất di dân thì tiếng mẹ đẻ mạnh, tiếng Anh dở, thế hệ thứ hai thì tiếng mẹ đẻ dở, tiếng Anh giỏi, đến thế hệ thứ ba giữ tiếng Việt mới là khó, cái đó là quan trọng. Nhiều người mới qua thì không suy nghĩ xa vậy, họ lo cho hiện tại là con không học được ở trường, sẽ bị disadvantaged (thiệt thòi) vì không nói được tiếng Anh. 
Con trẻ hay phàn nàn là bố mẹ không nói tiếng Anh với con ở nhà mà chỉ nói tiếng Việt thế này thì con không biết nhiều từ tiếng Anh, vốn từ vựng của tiếng Anh của con không bằng các bạn ở lớp. Là một nhà văn, Sheila có thể chia sẻ làm thế nào để tăng vốn từ vựng tiếng Anh, để học tiếng Anh giỏi?

Sheila: Em bắt đầu đọc sách từ nhỏ, 8-9 tuổi mỗi ngày em đi thư viện mượn nhiều sách về đọc. Ngọc mê sách. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng thích đọc sách, cũng thành nhà văn. Nên mình phải tìm cách khác nữa. Đọc sách cũng quan trọng. Lý do tiếng Việt của em dở là vì em ít đọc sách tiếng Việt. Ngọc mới mua cuốn Harry Porter tiếng Việt theo gợi ý của một người bạn, họ bảo muốn tiếng Việt tốt thì đọc Harry Porter (cười).

Yếu tố nào là quan trọng nhất trong việc giữ tiếng mẹ đẻ khi sinh sống ở nước ngoài?

Lily: Em nghĩ vì em bắt buộc phải sử dụng tiếng Việt với ba mẹ, cái đó giúp em nhiều nhất. Em so sánh em với mấy đứa trẻ tham gia trong chương trình VietSpeech, ở nhiều gia đình, trẻ em biết ba mẹ nói được tiếng Anh nên chúng sử dụng tiếng Anh để nói chuyện với ba mẹ. Còn em, nếu em sử dụng tiếng Anh, ba mẹ đâu có hiểu, như em muốn kẹo, muốn nước, nếu xài tiếng Anh ba mẹ đâu có cho, nên bắt buộc em phải xài tiếng Việt để lấy những thứ em muốn.

Sheila: Quan trọng là phải đi qua Việt nam ở một thời gian chứ ở đây, cho con đi học thêm hay là ở những khu như Bankstown, có nhiều người nói tiếng Việt, mà cũng thường thôi. Lý do để giỏi một ngôn ngữ là mình phải thấy nó cần, nếu mình không xài, không cần xài thì khó giỏi lắm. Ở Úc có nhiều người nghĩ là mình không cần tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh là quan trọng nhất, Ngọc không đồng ý. Như Ngọc và Lily sanh ở Úc, là người Úc, gốc Việt, nếu mình không biết tiếng mẹ đẻ của mình thì giống như mình mất cái gốc của mình. Con của Ngọc nửa Việt nửa Úc, nói có gốc Việt, nên Ngọc không đặt tên tiếng Anh cho nó. Thế hệ ba quan trọng là phải có tên Việt, để khi người Việt thấy tên nó là biết nó là người Việt.

Cám ơn Sheila Ngọc và Lily đã dành thời gian chia sẻ với thính giả của SBS Vietnamese những suy nghĩ và cảm nhận rất thú vị về việc giữ tiếng Việt.
Chưa có nghiên cứu nào trên thế giới chỉ ra việc giữ tiếng mẹ đẻ có tác động tiêu cực tới việc học tiếng Anh. Ngược lại nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc nói tiếng mẹ đẻ đem đến nhiều lợi ích cho gia đình và cá nhân các em nhỏ. Chính phủ Úc luôn khuyến nghị các bố mẹ nói với con mình bằng thứ tiếng họ giỏi nhất. Việc này rất quan trọng vì cha mẹ là khuôn mẫu ngôn ngữ cho con. Nếu bố mẹ không giỏi tiếng Anh thì việc bố mẹ sử dụng tiếng Anh với con chính là đang dạy con nói sai.
Như thường lệ, câu đố của tuần này là: Trong tiếng Việt, ta hay nói độc giả hay đọc giả? Tại sao?  Quý vị có câu trả lời đúng sẽ nhận được một món quàcủa SBS Vietnamese. Xin quý vị hãy gửi câu trả lời về chương trình theo địa chỉ: hoặc nhắn tin trên .

Share