Chuyện Queensland: Trường Việt ngữ Trưng Vương

Học sinh trường Việt ngữ Trưng Vương Darra Brisbane

Học sinh trường Việt ngữ Trưng Vương, Darra, Brisbane Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Cách đây 30 năm, Darra là một vùng đất được các thuyền nhân người Việt chọn làm nơi an cư lạc nghiệp. Các phụ huynh học sinh rất mong muốn cho con em mình tham gia một hoạt động gì đó để góp phần giữ gìn văn hóa và ngôn ngữ Việt. Thế là ngôi trường Việt ngữ thứ ba ở Brisbane được thành lập vào tháng 7 năm 1991 tại Trường Tiểu học Darra, lấy tên là Trưng Vương.


Ngày 4/12 vừa qua là ngày lễ kỷ niệm 30 năm thành lập của trường Việt ngữ Trưng Vương. Lâu ngày mới có dịp quay về trường cũ, thầy cựu hiệu trưởng Hưng Việt cho biết, “Tuy thời gian tôi phục vụ ở trường Trưng Vương rất là ngắn ngủi so với các thầy cô Hiệu trưởng và giáo chức khác nhưng đó là một phần kỷ niệm rất đẹp trong cuộc sống của tôi ở Brisbane này.

Cho nên, mỗi lần có dịp trở lại trường, nhìn các em trong những chiếc áo đồng phục màu vàng chạy nhảy tung tăng, hay ngồi trong lớp ê a đánh vần thì lòng tôi lại rộn ràng, nao nao.”

Nhắc tới việc thành lập trường, thì như thầy hiệu trưởng Dương Quang Thiện cho biết về lý do ra đời của trường, Cách đây 30 năm, Darra là một vùng đất được các thuyền nhân người Việt chọn làm nơi an cư lạc nghiệp.  Con cái của họ chủ yếu học tập tại trường tiểu học công lập Darra.  Vào các thứ Bảy, phụ huynh học sinh rất mong muốn cho con em mình tham gia một hoạt động gì đó để góp phần giữ gìn văn hóa và ngôn ngữ Việt.

Nên tháng 7/1991, hiệu trưởng trường tiểu học Darra gửi thư nhờ trường Lạc Hồng giúp đỡ thành lập trường Trưng Vương. Đó là bước đầu thành lập ngôi trường với thầy Lưu Nhơn Nghĩa, Thầy Lê Quan Diêm, Cô Trần Túy Vân, Cô Nguyễn Thị Kim Thùy, cô Vũ Thị Hậu… Ngoài ra còn phải kể đến các vị góp công sức buổi ban đầu như bác Ba Luông, bác Ba Mẹo, bác Ba Hóa, bác Tư Tứ,…

Tuy là trường Việt ngữ trẻ nhất so với hai trường kia, nhưng mà nhờ vậy mà trường Trưng Vương cũng có những lợi thế rất đặc biệt. Cũng có thể vì trường không phải là trường đạo như Hòa Bình, cũng không quá bề thế như Lạc Hồng, nên những phụ huynh là thành phần lao động trẻ mới nhập cư và các cha mẹ Úc – Việt, thường chọn trường Trưng Vương là nơi gửi gắm con mình, thậm chí người ngoại quốc muốn học tiếng Việt cũng đến xin hỏi để học nữa đó anh Việt. Mỹ Dung nhớ hồi xưa lúc còn dạy ở trường, nhiều cha hay bà nội người Úc, dắt trẻ nhỏ đi học, thì họ vào cùng với trẻ để giữ trẻ và cũng học tiếng Việt luôn.

Cũng chính vì hiểu được sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Úc Việt và những điều kiện xã hội hiện nay, nên việc tuyển chọn giáo chức của nhà trường cũng được nhà trường cân nhắc cẩn thận cho phù hợp như thầy Thiện chia sẻ, Tiêu chuẩn đầu tiên mà chúng tôi nhắm đến là đạo đức, tư cách. Tiêu chuẩn thứ hai là lòng yêu trẻ và sự tự nguyện cống hiến cho cộng đồng. Cuối cùng là kiến thức vững vàng về ngôn ngữ Việt cũng như văn hóa lịch sử của dân tộc mình. Trong những năm gần đây tiêu chuẩn tiếng Anh và biết sử dụng vi tính cũng rất cần thiết trong việc giảng dạy.”

Tới thời điểm này các phụ huynh có con độ tuổi đi học thì đa số cũng là thế hệ sinh trưởng ở đây, nên tiếng Việt cũng không còn vững như ngày xưa nữa.

Cho nên nhà trường cũng phải có những biện pháp cho phù hợp, như cô thư ký Vũ Thị Kim Dung, người đã gắn bó với trường hơn 16 năm chia sẻ, “chúng tôi muốn gây hứng thú để các em tự nguyện học tiếng việt. Về điều này, chúng tôi có tham gia các buổi hội thảo do Hiệp hội các Trường Sắc tộc tổ chức, trong đó họ hướng dẫn học theo lối mới, tức là vừa học vừa chơi, và phải có các dụng cụ học tập chuyên biệt, ví dụ những cái có màu sắc, tranh ảnh, thẻ, hoặc thẻ số thẻ từ vựng …

Chúng tôi cũng khuyến khích thầy cô cho các em đọc sách song ngữ, các câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Việt nam. Rồi cho các em diễn kịch, hoạt cảnh, múa quạt, múa nón, những điệu  múa dân gian…

Chưa kể là để khuyến khích việc bảo tồn tiếng Việt, mà mấy năm liền trường đều miễn phí học sinh lớp mẫu giáo.

Ngoài ra, để dạy cho các em hiểu về văn hóa, nguồn gốc và lịch sử Việt, nhà trường tổ chức các ngày lễ với những câu đố vui có thưởng, để cho các em vừa vui vừa học mở mang thêm kiến thức.

“Chúng tôi rất tự hào dạy tiếng Việt các em với 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, các em được học về văn hóa, nguồn gốc là lịch sử Việt thí dụ: đầu năm nhà trường tổ chức sinh hoạt Tết Nguyên Đán: múa lân, lì xì, những điều trong dịp Tết. Tháng 3 thì chúng tôi tổ chức Lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng vì trường tên là trường Trưng Vương. Tháng 4 thì các em tham dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở Cộng Đồng và tham gia thi Đố vui để học hoặc múa. Chúng tôi cũng tổ chức lễ Nhớ Ơn Cha, Nhớ Ơn Mẹ, Tết Trung Thu…Hội thi thể thao: nhảy bao bố, kéo co…

Đặc biệt tháng 4 hàng năm chúng tôi có buổi sinh hoạt dưới cờ: Ngày Quốc Hận 30/4 để dạy cho các em hiểu tại sao ông bà cha mẹ các em có mặt ở đây.

Thêm điều đặc biệt nữa là mỗi năm nhà trường đều phát hành đặc san Trưng Vương để các em có dịp đóng góp bài vở và hình ảnh những sinh hoạt trong năm.

Đặc biệt năm nay nhà trường tổ chức Lễ Kỷ Niệm 30 Năm Trưng Vương (1991-2021).  Các thầy cô giáo và các em học sinh sẽ cùng nhau thực hiện đặc san đặc biệt kỷ niệm 30 năm với chủ đề ‘Tri Ân’.”

Thầy Dương Quang Thiện (Hiệu trưởng) và cô Vũ Thị Kim Dung (Thư ký)
Thầy Dương Quang Thiện (Hiệu trưởng) và cô Vũ Thị Kim Dung (Thư ký) Source: Supplied


Nhắc tới đặc san thì Hưng Việt lại nhớ thời gian Mỹ Dung dạy ở trường chuyên phụ trách cái vụ này.

Mỹ Dung cho biết, “mỗi lần làm yearbook cho trường em thấy hết sức thú vị với sự ngây thơ trong sáng của các em nhưng nhiều lúc không kém phần sâu sắc, thể hiện qua từng lời văn hay nét vẽ. Thí dụ có lần một em lớp 5 nói về cha, thì nói là “ba của em rất là ngoan”, hoặc một em lớp 3 nói về mẹ là, “mẹ em nấu ăn rất ngon, nhất là món thịt kho trứng, em nghĩ em có thể ăn món này suốt đời.” Nghe nó dễ thương gì đâu.

Cho nên em cũng hoàn toàn có cảm nghĩ y như thầy Thiện chia sẻ, “Lúc đó chúng tôi làm một cuốn đặc san cho nhà trường. Cô Khánh Tiên và tôi ngồi soạn những cái bài của các học sinh, những hình ảnh. Khi đó tôi cảm thấy rất xúc động, rất là vui khi mà đọc những bài viết của các em rất là ngô nghê nhưng rất là dễ thương, cũng như là bài viết của các em lớp lớn rất là sâu sắc. Nên chúng tôi cảm thấy cũng nên bỏ chút thời gian, công sức để mà giúp cho cái việc này được trường tồn càng lâu càng tốt.

Việc làm yearbook tức đặc san hàng năm của nhà trường là một việc làm rất hay, ý nghĩa và đặc biệt của trường Trưng Vương. Nhờ đó mà các em luyện viết, chia sẻ tâm tư của mình để phụ huynh có dịp biết thêm, và chưa kể là ta còn thấy sự trưởng thành của trẻ qua từng năm nữa, rồi biết bao nhiêu hình ảnh, sự kiện, kỷ niệm của nhà trường được ghi nhớ, lưu giữ lại. Và đó là sáng kiến của ai?

Hưng Việt cho biết, “Nếu tôi nhớ không lầm thì quyển đặc san đầu tiên ra đời vào năm mà tôi đang cộng tác với trường do sự đúc kết ý kiến từ các Thầy Cô trong trường và với sự chủ biên của thầy Lưu Nhơn Nghĩa, vốn là người rất yêu thích viết văn và được biết đến với bút hiệu Phong Lưu.”

Sẵn đang nói đến chuyện suy nghĩ của các em trong yearbook, giờ mời quý vị thính giả lắng nghe vài cảm nghĩ của các em ở ngoài đời để tìm hiểu xem vì sao các em đến trường Việt ngữ, khó khăn nhất đối với các em khi học tiếng việt, và các em thích tiếng Việt được dạy và học theo cách ra sao. (Cảm nghĩ của các em: Võ Ivy, Hồng Bảo, Lê Hoàng Thanh Liêm, Wong Thanh Tú Sophia, Nguyễn Vanessa, Vũ Huy Hoàng, Phạm Băng Tâm Tiffany, Nguyễn Trúc Quỳnh, Kelly Evie Gia Thy, Huỳnh Kim Ngân)

Như chúng tôi có trình bày ở trên là trường Trưng Vương có khá nhiều em học sinh có ba hoặc mẹ không phải là người Việt. Bây giờ chúng ta hãy làm quen với em Anna Morton con gái của cô Kim – một giáo viên trường Trưng Vương qua cuộc chuyện trò của em với thầy Hưng Việt.

Em Anna học lớp 6 ở trường Úc và lớp 4 ở trường Việt.

Hưng Việt: Con học tiếng Việt trường Trưng Vương về rồi con học bài, làm bài thêm mỗi ngày mầy tiếng cho môn tiếng Việt?

Anna: Dạ thứ Sáu em học tiếng Việt nửa tiếng rồi trong thứ Bảy em đi học.

Hưng Việt: khi đến trường tiếng Việt con thích nhứt là môn gì?

Anna: Dạ em thích nhất là học môn đọc và nói.

Hưng Việt: còn viết và chính tả thì sao?

Anna: Em không có thích viết chính tả?

Hưng Việt: Tại sao vậy?

Anna: Em không có biết đọc cái dấu mấy.

Hưng Việt: Con có định học tiếng Việt cho hết lớp 12 không?

Anna: Chắc có

Hưng Việt: tại sao?

Anna: Tại em muốn học tiếng Việt để em nói được, em đọc được, em hiểu được. Mai mốt về Việt Nam mà có ai nói chuyện thì em hiểu và nói được.

Hưng Việt: con có học được gì từ lịch sử và văn hóa từ trường Trưng Vương chưa?

Anna: Dạ có

Hưng Việt: Thí dụ bây giờ trường tên là trường Trưng Vương, con biết lịch sử của hai bà Trưng Nữ Vương không?

Anna: Dạ có

Hưng Việt: Hai Bà đó sao?

Anna: Dạ, hai Bà Trưng Vương là đi đánh người xấu rồi làm cho Việt Nam tốt hơn.

Hưng Việt: Vậy là giỏi quá rồi, thầy cảm ơn con há. Chúc cho con học hành mau tiến bộ, ngày càng giỏi giang hơn. Ráng cố gắng tiếp tục học tiếng Việt nhé.

Anna: Dạ con cảm ơn thầy.
Anna Morton, con gái của ông Clinton và cô Kim
Anna Morton, con gái của ông Clinton và cô Kim Source: Supplied
Hưng Việt: Chúng tôi cũng hân hạnh gặp ông Clinton Morton, ba của bé Anna tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm của trường và được ông bày tỏ, Anna được kế thừa cả hai dòng máu Úc - Việt, nên cháu cần phải hiểu cả hai ngôn ngữ. Cháu chuyện trò với ông bà bên Việt Nam và em trai của mình đang kẹt lại bên Việt Nam do Covid. Khi nào bé quay về Úc, thì tôi sẽ cho bé đi học trường Việt ngữ. Ở nhà mẹ bé nói tiếng Việt với bé. Theo tôi thì không hề có bất kỳ trở ngại hay mâu thuẫn gì trong việc bé sử dụng cả hai ngôn ngữ Úc – Việt. Tôi thì giúp bé làm bài tập tiếng Anh ở nhà, còn mẹ thì giúp bé làm bài tập tiếng Việt.

Sự hổ trợ của phụ huynh đóng một vai trò không nhỏ trong việc việc duy trì và bảo tồn văn hóa Việt.

Một trong những phụ huynh của trường Trưng Vương, gắn bó với trường rất lâu năm mà có lẽ khi nhắc tới không ai mà không biết, chẳng may là bác đã qua đời, đó là bác Ba Lang, “thầy nhắc tới bác Ba Lang, làm chúng tôi bồi hồi xúc động, chúng tôi không thể nào quên được hình ảnh bác Ba Lang, lúc bác đã lớn tuổi, bác đi rất là khó khăn, nhưng khi chúng tôi đến trường mỗi buổi sáng thứ Bảy lúc 8 giờ là đã thấy bác rồi, bác sinh hoạt với trường trong thời gian rất là lâu và bác rất là thương yêu thế hệ trẻ. Một cái nữa là, tuy bác không có nhiều tiền nhưng mà những đợt đóng góp cho trường, bác luôn là người đi đầu, không bao giờ thiếu tên bác trong những đợt quyên góp. Chúng tôi rất lấy làm thương cảm khi hay tin bác qua đời.”

Nhưng nếu chỉ có phụ huynh hoặc chính sự nổ lực của chính các em, thì việc duy trì tiếng Việt cũng khó thành tựu được, mà đây phải là công trình của cả một xã hội, một cộng đồng,

“Chúng tôi muốn là cha mẹ phụ huynh mang con em mình tới để cùng nhau gìn giữ tiếng Việt. Điều thứ hai là, những hội đoàn hay đoàn thể khác nhau, chúng ta cũng cùng chung sức, để mà quảng bá tiếng Việt, cũng như là quảng bá những hình ảnh hoạt động của người Việt tại Úc Châu để chúng ta cùng nhau có được tiếng nói chung cùng nhau có được một lợi thế trong một đất nước chúng ta sinh sống.”

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

 


Share