Chuyện Queensland: SS tuần báo Việt ngữ duy nhất ở Brisbane

Phạm Thiên Phú - Chủ nhiệm kiêm Chủ bút SS Tuần Báo

Phạm Thiên Phú - Chủ nhiệm kiêm Chủ bút SS Tuần Báo Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Cứ mỗi sáng thứ Sáu đồng hương Brisbane thường có thói quen chờ đợi SS Tuần báo phát hành để nhận một hay vài tờ về chia sẻ với người thân.


Mỗi khi cần tìm địa chỉ một dịch vụ gì thì mọi người lại chỉ nhau tra tìm hoặc nghĩ ngay đến SS Business Directory tức SS Thương nghiệp Niên giám.

Mỗi độ Xuân về thì bà con lại có dịp thưởng thức Báo Xuân SS với những bài vở chọn lọc, trang trí đẹp mắt.

Có thể nói SS Tuần báo đã đi vào đời sống đồng hương người Việt ở Brisbane một cách hết sức tự nhiên, gần gũi và phổ biến đến nổi nó gần như là một cái gì hết sức đặc trưng của cộng đồng người Việt ở Brisbane.

Nhân ngày 3 tháng 5 sắp tới đây là ngày Tự Do Báo Chí Thế giới (World Press Freedom Day), chúng tôi đã hân hạnh có dịp chuyện trò với ông Phạm Thiên Phú - chủ nhiệm kiêm chủ bút SS Tuần Báo.

Hưng Việt: Dạ trước hết xin chào anh Phạm Thiên Phú.

Phú Phạm: Xin chào anh Hưng Việt và thính giả đài SBS.

Hưng Việt: Dạ trước hết xin anh cho biết một chút về anh, chẳng hạn như anh sang Úc từ năm nào? Anh tốt nghiệp ngành gì và từng làm những công việc gì? Ở đâu?

Phú Phạm: Dạ thưa anh Hưng Việt, tôi tỵ nạn sang Úc tháng 10 năm 89 từ trại Bidong, Mã Lai. Tôi sinh sống ở Melbourne 10 năm. Tốt nghiệp ngành kinh tế của trường La Trobe. Sau khi tốt nghiệp, tôi về Queensland sống và có công việc ở đây. Tôi làm nhân viên xã hội cộng đồng được vài năm thì vào làm cho bên cảnh sát Queensland phần nghiên cứu, analyst với research. Sau đó tôi đổi qua bên Bộ Ngân khố, làm thêm vài năm nữa. Tới năm 2006 thấy nhu cầu làm báo chí của cộng đồng thành ra tui nghỉ làm bên chánh phủ tôi qua đây tôi làm.

Hưng Việt: Anh vừa đề cập là anh thấy có nhu cầu về báo chí ở Brisbane này cho nên anh mới chọn nghề làm báo, nhưng mà trước đó anh có kinh nghiệm gì về ngành báo chí hay là không thưa anh?

Phú Phạm: Thưa anh Việt hồi ở Melbourne thì tôi có cộng tác với một tờ báo, không viết bài nhưng làm về admin văn phòng khoảng hai năm. Nhưng mà tui có sở thích đọc tin tức, đọc báo chí rất là nhiều. Sau khi về Queensland, tui thấy Queensland mình có một tờ báo Người Việt mặc dù làm rất là lâu nhưng theo cách truyền thống nghĩa là bán báo mỗi tuần. Với thời điểm đó thì nó cũng hơi theo cái cách cũ rồi, thành ra tôi thấy có nhu cầu. Mà phải tính một hai năm trời mới bắt đầu tờ báo này.

Hưng Việt: Tức là cân nhắc cẩn thận có nên ra một tờ báo phát miễn phí hay không.Xin anh giải thích về cái tên của tờ báo SS. Tuần báo SS có nghĩa là gì ạ?

Phú Phạm: Dĩ nhiên là cái tên là một trong những cái mình phải nghĩ kỹ. Tôi định thành lập một tờ báo vừa gần gũi Việt Nam nhưng mà thích hợp với xã hội Úc nữa. Chữ SS đó là viết tắt của chữ Southern Sky, có nghĩa là Bầu trời Phương Nam, Đất Phương Nam, tui thấy nó hợp với người Việt và người Úc tại vì đất phương Nam miền Nam là cái gì rất là gần gũi cho tất cả những người tỵ nạn ở đây. Úc thì cũng nằm ở Nam bán cầu rồi cờ của họ cũng có Southern Cross. Nhưng nếu nói là Tuần báo Phương Nam thì khó đọc quá tui mới nghĩ ra là thôi mình làm tiếng Anh đi. Tiếng Anh là Southern Sky mà Southern Sky thì cũng dài quá khó cho người Việt. Thì thôi mình viết chữ SS đi. Rồi thí dụ độc giả thắc mắc thì cứ hỏi. Nhưng mà riết rồi mười mấy năm rồi người ta cũng quen.

Hưng Việt: Đó là một sự lựa chọn rất là ý nhị và đầy đủ ý nghĩa, rất là hay đó thưa anh. Nhưng mà chưa chắc bây giờ độc giả có ai quan tâm đến chuyện SS có nghĩa là gì đâu, họ chỉ nói là thứ Sáu ra lấy tờ báo SS về đọc.

Phú Phạm: Họ quan tâm nhiều cái nội dung hơn là cái tên. Nhưng mà tiện cho khách hàng người Úc.

Hưng Việt: Hồi nãy anh có đề cập tới vấn đề khi mà anh chuẩn bị ra tờ báo đó thì anh muốn không đi theo đường lối truyền thống cũ nữa, thành ra anh quyết định là tờ báo sẽ miễn phí. Tại sao anh lại có cái quyết định vậy?

Phú Phạm: Dạ thưa anh tôi nghĩ thị trường quảng cáo kinh doanh rất là lớn đối với người Việt và người Úc ở đây. Khi mà mình tập trung vô vấn đề bán quảng cáo thì cái mảng kinh doanh của mình nó rộng hơn. Thí dụ như bây giờ tôi làm một tờ báo tôi bán $1/tờ báo. Tui phải bán tới 250 tờ báo tui được $250. Mà nếu tôi lấy nửa trang quảng cáo tui được $250. Thì như vậy được lợi cho người khách hàng quảng cáo nữa, mà cái công bán tờ báo thì nó lại nhiều hơn để bán quảng cáo. Những cái TV truyền thống hồi xưa giờ toàn là free không. Mình coi TV thì sau này Foxtel này nọ thì trả tiền chứ hồi xưa thì họ cũng phải lấy quảng cáo, họ cũng phải lấy tài trợ. Rồi những đài Radio cũng free, muốn nghe, thật ra thì họ run cũng nhờ quảng cáo. Thành ra tôi thấy mô hình đó rất là hay. Những tờ báo địa phương hồi xưa thì họ sống rất là mạnh cũng nhờ cái quảng cáo. Trước khi có internet hoặc là social media mà ra thì quảng cáo rất là sống mạnh. Thành ra tôi dựa vô cái mô hình đó.

Hưng Việt: Đó là một đầu óc kinh doanh rất là hay bởi vì thay vì dồn nỗ lực để mà đi bán ra những số báo đó thì mình chỉ cần nổ lực đi kiếm quảng cáo…

Phú Phạm: Nó dễ hơn bởi cái người quảng cáo đó họ muốn khuếch trương cái thương nghiệp của họ thành ra họ sẵn sàng họ bỏ 250 ra. Chớ còn nếu mà mình đi kiếm 250 người mua báo thì khó hơn nhiều. Một cái điều nữa là số lượng tờ báo nó quan trọng. Khi mà mình làm báo free, báo biếu thì số lượng càng nhiều thì người quảng cáo họ happy lắm, tại vì người ta sẽ đọc càng nhiều sẽ thấy quảng cáo của họ.

Hưng Việt: Nhưng mà nhìn từ một khía cạnh khác thì người ta có thể nghĩ rằng một tờ báo phát miễn phí thì có thể nó không có giá trị bằng một tờ báo có giá bán…

Phú Phạm: Tui hiểu ý anh rồi. Vậy đài Truyền hình free thì không có giá trị hay sao?

Hưng Việt: Tôi không biết, cái đó là…

Phú Phạm: Tôi nghĩ cái đó là cái quan niệm hồi xưa. Tôi cũng có những người cộng tác viết bài vở và mình phải trả tiền cho họ để mình lôi cuốn nhiều độc giả. Chớ hổng phải là mình free là mình cứ lấy bài vở ở đâu đó mình cứ vất lên. Trong thời gian ngắn hạn thì có thể là người ta tò mò người ta đọc chớ còn nếu mà dài hạn, một khi mà người ta nghĩ tờ báo mình không có gì để đọc thì họ sẽ không đọc nữa. Mà một khi không đọc nữa thì quảng cáo không hiệu quả, thì mình xuống thôi.

Hưng Việt: Nhưng mà nghĩ ngược lại một lần nữa thì ở trên đời này không có cái gì free hết. Đúng không ạ?

Phú Phạm: Dạ thưa đúng ạ.

Hưng Việt: Nó bù qua sớt lại. Nhưng mà tờ báo của anh như vậy sống nhờ quảng cáo thì thưa anh cái thị trường kinh doanh của cộng đồng người Việt mình ở đây nói riêng, giống như anh mở rộng ra cho cái thị trường kinh doanh của người Úc để mà anh tìm quảng cáo đó có khó khăn để mà cho anh tiếp xúc và đi xin quảng cáo hay không?

Phú Phạm: Ngay từ lúc đầu thì tui nghĩđến cái chuyện là mình đem doanh nghiệp của người Việt mình đi quảng cáo cho người Úc, tức là mình ra tờ báo nhưng mà sau khi lần hồi tụi tôi làm thì tôi mới thấy là người Úc muốn lấy doanh nghiệp của họ quảng cáo cho người Việt mình nhiều hơn. Thành ra cuối cùng nhìn lên tờ báo thì mình mới thấy là hơn phân nửa là doanh nghiệp của người Úc. Mà người Việt mình sau này họ mới quảng cáo nhiều.
Một ấn bản của SS
Một ấn bản của SS Source: Supplied
Hưng Việt: Theo anh nghĩ thì tại sao?

Phú Phạm: Tôi nghĩ là phần lớn là tờ báo của tôi nó thay đổi quan điểm của một số người Việt kinh doanh. Thí dụ như hồi xưa mà một tờ báo bán họ không thấy gì quan trọng ở chỗ đó. Họ khai trương, họ bán sản phẩm này rẻ, sản phẩm kia rẻ tự họ kiếm cách họ quảng cáo. Thời gian đó là chưa có Facebook, Instagram… Nhưng mà khi mà tờ báo tui ra thì họ khai trương hay là họ có bản sản phẩm rẻ là tự động họ nghĩ tới quảng cáo trên tờ báo. Thì cái đó là Người Việt quảng cáo cho người Việt. Nhưng mà sao này tụi tôi làm lâu rồi thì những người Úc tự tìm tới mình, những công ty lớn như Harvey Norman, JB Hifi,… những công ty đó có những chiến dịch quảng cáo ưu đãi gì đó,  họ quảng cáo trên báo để giới thiệu cho đồng hương.

Hưng Việt: Chúng tôi nhận thấy tờ báo cũng có những cái thông báo, những cái quảng cáo về các dịch vụ cũng như những tin tức cần biết của các cấp chính quyền như Hội đồng Thành phố, tiểu bang, liên bang. Tức là cái đó cũng cần phải có sự liên hệ với lại những cơ quan hữu trách.

Phú Phạm: Thưa anh đúng như vậy nhưng mà thật ra quảng cáo mà các cấp chính quyền, họ liên lạc trực tiếp với chúng tôi không có nhiều. Họ có một agency độc lập ở Melbourne, Sydney gì đó. Công ty đó nắm trong tay hầu hết những thông tin cho tất cả những tờ báo, những truyền thông của Úc. Thì một khi mà chính phủ họ muốn một chiến dịch thì họ sẽ nhờ công ty đó phân phát cho những cơ quan truyền thông một cách hợp lý. Thì phần lớn chúng tôi qua cái nguồn đó. Nhưng mà thỉnh thoảng thì Hội đồng thành phố hay chính quyền tiểu bang hay là những dân biểu vì biết chúng tôi thì họ cũng có email tới, họ nhờ quảng cáo campaign này nọ.  

Hưng Việt: Thưa anh nói về phương diện quảng cáo thì ngoài những doanh nghiệp ra với những quảng cáo lớn nửa trang, một trang v.v… thì tờ báo còn có mục rao vặt của độc giả cho độc giả thì tôi nghĩ đó là một phần rất quan trọng bởi vì độc giả mà có tin tưởng vào cái sự phổ biến của tờ báo thì họ mới đăng lên mục rao vặt thì anh có nhận thấy đó là một khích lệ cho tờ báo hay không ạ?

Phú Phạm: Dạ thưa anh tôi cũng đồng ý với anh Việt. Thiệt ra cái rao vặt đối với một tờ báo Úc là một mảng, một công việc tương đối lớn trong vấn đề thu nhập thành ra họ có một đội ngũ riêng nhưng mà tại vì tờ báo mình thuộc loại cộng đồng, địa phương thành ra mình rao vặt thì không có coi lớn vấn đề đó. Nhưng mà hầu hết những cái rao vặt của cộng đồng mình ở Brisbane đây đều xuất hiện trên tờ báo SS của chúng tôi. Một khi mà người ta bỏ lên tờ báo những cái rao vặt như vậy thì nhiều người sẽ đọc, nhiều người sẽ tìm kiếm. Thành ra đó là hai cái liên hệ hỗ tương với nhau. Đặc biệt là những cái rao vặt cần việc làm, share phòng, thuê phòng, tiệm nail… là những cái rao vặt mà cộng đồng ở đây họ quảng cáo nhiều nhất.

Hưng Việt: Thưa anh hồi nãy anh có đề cập vấn đề là anh nhờ những cây viết viết bài cho tờ báo chứ không phải chỉ lấy trên internet xuống rồi anh trả tiền cho họ. Tờ báo quy tụ được những cây viết mà chuyên về một lãnh vực nào đó, thí dụ như tài chánh, thuế vụ, địa ốc, v.v… Thiển nghĩ đó là SS Tuần báo phải có một uy tín thì anh mới quy tụ được những cây viết như vậy. Và ngược lại thì khi mà anh quy tụ được những cây viết như vậy thì tờ báo của anh có uy tín. Thì anh có đồng ý đó là một cái cuộc hành trình hai chiều hay không ạ?

Phú Phạm: Dạ thưa anh tôi đồng ý chuyện đó là tại vì tôi biết là có những người đang viết bài cho tờ báo SS đó thì họ có lời mời của những tờ báo khác mà họ không có nhận lời là tại vì họ biết là độc giả đã quen đọc ở đây rồi. Họ thích làm việc cho tờ báo ở đây hơn, giống như hồi nãy anh Việt nói những lãnh vực chuyên môn giống như là địa ốc, về thuế khóa, về luật, có hai người viết địa ốc, có một người đang viết về những cái chương trình thời sự. Chỉ có một lãnh vực chúng tôi muốn thấy trên tờ báo mà tui nghĩ là chắc là ít người họ có thời gian, đó là lãnh vực y tế. Lãnh vực y tế tờ báo thiếu bấy lâu nay thì có một số người lâu lâu họ viết không có tính cách thường xuyên nhưng mà nếu được cái đó thì rất là tốt, tại vì vấn đề y tế là liên quan trực tiếp tới cộng đồng của mình ở đây. Thí dụ như cảm cúm thì là mùa xuất hiện ở đây, thuốc gì, chỗ nào bán hay là cái quy định gì… Thì tôi hy vọng trong tương lai qua cái lần phỏng vấn hôm nay thì có một số người chuyên môn về y tế có thời gian để viết cho độc giả, phục vụ độc giả.   

Hưng Việt: Chúng tôi nhận thấy có những lần mà tờ báo xuất hiện những bài vềviêm gan đó thưa anh Phú, cái đó là từ ECCQ phải không ạ?  

Phú Phạm: Dạ cái đó là của cơ quan được tài trợ của chính phủ chuyên lo vấn đề sức khỏe về viêm gan hoặc về sức khỏe tình dục. Họ viết bài đó nhưng mà họ trả tiền cho tờ báo. Cái lý do là họ được tài trợ của chính phủ trong vấn đề quảng bá thông tin và giáo dục cộng đồng.

Hưng Việt: Một lãnh vực khác nữa mà chúng ta chưa đề cập tới là về quan điểm chính trị của tờ SS Tuần báo. Anh là một người tỵ nạn sang Úc này thì anh chủ trương một tờ báo có một quan điểm hay lập trường chính trị hay không ạ?

Phú Phạm: Dạ khi mà tôi ra làm báo, bản thân tôi ngay từ đầu nói tôi là một người Việt Nam tỵ nạn vì không muốn sống dưới chế độ cộng sản thành ra phải rời khỏi Việt Nam đi đến Úc. Tôi nghĩ chắc nhiều thính giả đồng ý với tôi vấn đề đó. Đa số người mình ở đây mình thiếu món ăn tinh thần, những thông tin về Việt Nam thì tờ báo của chúng tôi cung cấp những thông tin đó. Chúng tôi có những bài vở phân tích cho người ta biết những sự thật ở Việt Nam là như vậy, thì dĩ nhiên bên cạnh đó chúng tôi mang đến những thông tin, những tin tức về đời sống ở Úc và địa phương.

Hưng Việt: Trong hai năm qua toàn thế giới bị ảnh hưởng của nạn đại dịch Covid 19, thì thưa anh SS Tuần báo có gặp những trở ngại khó khăn gì do nạn dịch Covid 19 gây ra hay không ạ?

Phú Phạm: Dạ thưa anh, nạn dịch thì ảnh hưởng gần như là toàn bộ mọi người thành ra tờ báo của tôi bị ảnh hưởng cũng rất là nhiều. Đặc biệt trên vấn đề khách hàng quảng cáo. Có những doanh nghiệp chính phủ bắt phải đóng cửa, mà đóng cửa thì họ đâu quảng cáo, mà họ không quảng cáo thì chúng tôi mất doanh thu. Chúng tôi cũng tìm cách duy trì tờ báo.

Hưng Việt: Nhưng mà đến nay thì tờ báo vẫn còn hiện hữu và vẫn tiếp tục phục vụ độc giả chứng tỏ một nỗ lực không ngừng và rất là đáng ca ngợi của cá nhân anh cũng như là của Ban biên tập và nhân viên tòa soạn, thì cũng xin được ngỏ lời để chúc mừng và chia vui cùng với lại anh và các thành viên trong tòa soạn. Cuối cùng thì thưa anh Phạm Thiên Phú còn có điều chi anh muốn chia sẻ với quý thính giả của chúng tôi hay không ạ?

Phú Phạm: Bản thân tôi thì trong thời gian làm báo cũng nghe đài SBS thường xuyên. Tôi cũng nhân cơ hội này gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến thính giả trong thời gian này, mọi người giữ gìn sức khỏe để chúng ta cùng nhau vượt qua được đại dịch và cộng đồng của chúng ta càng ngày càng được vững mạnh. Cám ơn anh Hưng Việt.

Hưng Việt: Dạ cám ơn anh Phú rất là nhiều.

Cuối cùng, nhân ngày Tự Do Báo Chí, chúng tôi xin mượn lời của đại văn hào nguời Pháp Albert Camus để thay lời kết:

“Báo chí tự do, dĩ nhiên, có thể tốt cũng có thể xấu, nhưng nếu không có tự do, hầu như chắc chắn báo chí chỉ có thể là xấu.”

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Share