Chuyện Queensland: Lời hứa với Chúa

Mục sư Trịnh Mỹ Hoa

Mục sư Trịnh Mỹ Hoa Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nhân mùa Lễ Phục Sinh, Hưng Việt và Mỹ Dung kính mời quý thính giả đến với Hội Thánh Tin Lành Ân Điển Brisbane ở Oxley qua cuộc chuyện trò với Mục Sư Trịnh Mỹ Hoa.


Nhà truyền giáo Baptist nổi tiếng Hoa Kỳ Billy Graham từng nói:

God has given us two hands, one to receive with and the other to give with."

Nghĩa là, “Chúa đã ban cho ta đôi tay, một để đón nhận và một để ban tặng.”

Lời giảng này thật đúng đối với Mục sư quản nhiệm Trịnh Mỹ Hoa cùng các thành viên trong Hội Thánh Tin Lành Ân Điển Brisbane khi một tay, họ đón nhận thật nhiều ân sủng từ Thiên Chúa và tay kia, họ đã đóng góp và cống hiến rất nhiều cho cộng đồng.

Nhân mùa Lễ Phục Sinh, Hưng Việt và Mỹ Dung kính mời quý thính giả đến với Hội Thánh Tin Lành Ân Điển Brisbane ở Oxley qua cuộc chuyện trò với Mục Sư Trịnh Mỹ Hoa, để hiểu rõ hơn về những hoạt động của Hội Thánh, những đóng góp tích cực của Hội đối với cộng đồng và về Visa 403, cũng như câu chuyện về một lời hứa đã đưa Mục Sư đến với Đấng Thánh Linh

Kính mời quý thính giả theo dõi.

Hưng Việt: Dạ xin kính chào Mục sư Trịnh Mỹ Hoa .

MS Trịnh Mỹ Hoa: Dạ xin kính chào anh Hưng Việt, và cô Mỹ Dung cùng với tất cả thính giả đài SBS

Mỹ Dung: Dạ em xin kính chào Mục sư Trịnh Mỹ Hoa.

Hưng Việt: Trước hết, xin Mục sư giải thích về ý nghĩa của ngày lễ Phục sinh đối với tín hữu đạo Tin Lành.

MS Trịnh Mỹ Hoa: Trước nhất là xin cảm ơn anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung. Tôi thì đứng trên niềm tin của người Cơ đốc. Ngày lễ Phục Sinh là một đại lễ rất lớn của người Cơ Đốc giáo nói chung và bên người tín hữu Tin Lành nói riêng. Và đây là một lễ để nói lên cái quyền phép đắc thắng của Chúa Giê Su đã chịu chết thay cho tội lỗi của con người và được sống lại. Đây là một quyền năng phục sinh, nói lên sự phước hạnh, sự sống đời đời mà Chúa đã thực thi cho những người theo Ngài.

Lễ Giáng Sinh là ngày lễ mà Chúa được nhập thể và đến trần gian đem phúc âm đến cho nhân loại, cứu rỗi con người, nhưng Lễ Phục Sinh đi đến lễ thương khó là lễ mà Chúa phải chịu chết uống chén đau thương trên thập tự giá để gánh tội lỗi cho cả nhân loại và sau ba ngày như lời Chúa phán, Chúa được sống lại, và sự Phục Sinh của Ngài nói lên một quyền năng đắc thắng trước sự chết và sự chết đối với con người là cả một sự bế tắc. Chúa Giê Su hiện thân của Đức Chúa Trời, Ngài đã chiến thắng sự chết và đem đến cho con người một con đường đi đến sự sống đời đời như lời của Ngài đã hứa.

Hưng Việt: Thưa Mục sư có thể cho thính giả của chúng tôi được biết là hội Thánh ở đây được thành lập từ năm nào? Và hiện nay có bao nhiêu tín hữu? Và những sinh hoạt thường lệ gồm có những gì?

MS Trịnh Mỹ Hoa: Trước năm 1986 thì Hội Thánh được nhóm chung với người Úc tại Moore Park. Nhưng từ tháng 8 năm 1986 thì Hội Thánh chính thức được Hội Thánh Moore Park lập nên Hội Thánh Tin Lành Baptist Việt Nam và từ đó được sinh hoạt tự trị cho đến ngay bây giờ. Hội thánh bây giờ thì có tổng dân số từ người già đến người trẻ nam nữ thì có trên dưới gần 200 thành viên, nói chung thành viên là chưa phải hội viên chính thức thì Hội Thánh có được những chi nhánh ở tại Rockhampton, Woodridge và bây giờ thì đang muốn lập một nhóm ở tại Cairns nữa.

Hưng Việt: Thưa chúng tôi nhận thấy là trong những sinh hoạt của cộng đồng thì HTTLÂĐ ở Brisbane tham gia một cách hết sức là tích cực. Theo chỗ chúng tôi được biết thì Hội Thánh còn có những sinh hoạt giúp cho Hội Thánh có thể gây quỹ để mà sinh hoạt và đồng thời cũng giúp cho các tín hữu có thể đóng góp vào trong những cái sinh hoạt của Hội Thánh phải không ạ?

MS Trịnh Mỹ Hoa: Hội Thánh sinh hoạt với cộng đồng là kết hợp với cộng đồng để đóng góp cho cộng đồng trong những việc mà Hội Thánh có thể trong những công tác của xã hội và đặc biệt tham gia Hội chợ cũng là một sinh hoạt huân khoá của Cộng đồng, Hội Thánh luôn tham gia từ đó giờ cũng hơn 20 năm rồi. Và Hội Thánh cũng có những phần gây quỹ để làm những công tác từ thiện bởi vì trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn mỗi người tín hữu luôn bị giới hạn về khả năng kinh tế của mình, cho nên Hội Thánh tận dụng những ân tứ Chúa ban cho con cái của Chúa những khả năng để có thể làm lợi và gây được một số ngân quỹ để giúp cho công tác từ thiện, đặc biệt để chăm sóc trở lại cho những người tín hữu và những cư dân nghèo ở Việt Nam như Hội Thánh đã làm. Lúc trước thì có một nhà hàng Ân Điển tại Inala nhưng nay đã sang lại cho một người con cái Chúa trong Hội Thánh. Hội Thánh hiện nay có một lò bánh mì tại Cairns, cũng lấy những công quỹ lời đó để mà làm từ thiện. Hội Thánh cũng xây được ba cái cầu, hơn 15 căn nhà tình thương, đào hơn 20 cái giếng nước ngọt cho Việt Nam. Hội Thánh giúp đỡ cho những người phun cùi ở tại núi Sạn Việt Nam, giúp đỡ cho những người mù và xây một toà nhà cho 40 người mù ở tại Bình Thủy, Cần thơ. Rồi Hội Thánh cũng làm rất nhiều những công việc giúp cho những người mục sư trí sự nghèo mà khi đến tuổi già hưu họ cần sự giúp đỡ, và chăm sóc những góa phụ nghèo ở miền cao nguyên.

 

Hưng Việt: Thú thật hôm nay được mục sư trình bày chúng tôi mới được biết những hoạt động từ thiện mà Hội Thánh đã đóng góp cho xã hội ở Úc cũng như là ở Việt Nam thì cám ơn Mục sư. Và có lẽ cũng qua những cái công tác đó mà Hội Thánh đã được dòng chính mạch của Úc biết đến, thể hiện qua cái sự thăm viếng hôm tháng Ba vừa rồi của ông Thượng nghị sĩ Liên bang là ông Paul Scarr và ông Tổng trưởng Di Trú là ông Alex Hawke. Chúng tôi được biết là trong dịp đó thì Mục sư cũng đã nhận được một cái bằng tuyên dương từ hai vị này thì xin Mục sư giải thích rõ thêm về mục đích của cuộc viếng thăm của hai ông cũng như về bằng tưởng lệ mà mục sư đã được trao tặng ạ.

MS Trịnh Mỹ Hoa: Thực ra thì đầu tiên chúng tôi được một người đầy tớ của Chúa - ông mục sư Emil Rahinov - giới thiệu chúng tôi đến ông thượng nghị sĩ Paul Scarr để trình bày những nhu cầu và hoạt động của Hội Thánh. Qua thượng nghị sĩ Paul Scarr thì chúng tôi được giới thiệu đến ông Bộ trưởng Di trú Alex Hawke.

Trước đây Visa 403 chú trọng đến Indonesia và Nam Thái Bình Dương mà đối với Việt Nam thì nó chưa có rõ ràng. Cho nên khi ông bộ trưởng Di trú Alex Hawke đến đây và tôi đã đệ trình một thơ kiến nghị cho ông tại sao cần có visa 403 cho người Việt Nam.

Chúng tôi cũng đã đi đến một số farm tại Bundaberg, Laidley gần Cooktown, liên hệ với những chủ farm trên đó để tìm kiếm công ăn việc làm cho đồng bào nghèo Việt Nam của mình có cơ hội qua Úc lao động theo Visa 403 để giúp đỡ cho họ có một cơ hội để cải thiện về kinh tế và đời sống của gia đình.

Tôi cũng bất ngờ là khi thượng nghị sĩ Paul Scarr và tổng trưởng Di trú Alex Hawke trao cho quốc kỳ của nước Úc và cũng như một bằng giống như chứng chỉ…Tôi thấy rất là bất ngờ bởi vì đối với tôi khi nhận được điều đó nó không phải là vinh dự của một cá nhân, mà đó là một vinh dự của cộng đồng nói chung, và đặc biệt của Hội Thánh nói riêng, tôi chỉ là một phần tử ở trong đó mà thôi.  Chúng ta là người tỵ nạn mà khi chúng ta đến sống ở đất nước Úc này, mà họ đã tiếp nhận mình, họ công nhận mình, họ sẽ không thất vọng bởi vì chúng ta cũng sẽ cố gắng để làm một công dân tốt, cố gắng để đóng góp cho một đất nước mà họ cưu mang mình và tiếp tục phát triển cho điều đó, để nói lên một cái danh dự cho cộng đồng người Việt Nam, để mở ra cánh cửa cho nhiều người khác và những thế hệ khác để nhìn thấy điều đó mà họ có thể có một cái cư xử tốt hơn.
Hội Thánh làm bánh Trung Thu bán gây quỹ
Hội Thánh làm bánh Trung Thu bán gây quỹ Source: Supplied
Hưng Việt: Chúng tôi nhận thấy Mục sư chẳng những xứng đáng để mà được lãnh những cái tuyên dương đó vì những đóng góp của Mục sư mà còn vì sự khiêm nhượng rất là hiếm có nữa. Thì chúng tôi rất là ngưỡng mộ về vấn đề đó.

Bây giờ trở về một chút riêng tư về Mục sư, thì thưa Mục Sư chúng tôi có được nghe một bài giảng của Mục sư trong đó Mục sư có kể lại chuyện hồi đi vượt biên, Mục sư cũng đã cầu khẩn với thượng đế để nếu qua được cơn nạn đó thì Mục sư sẽ trở thành một người con của Chúa, thưa có phải không ạ?

MS Trịnh Mỹ Hoa: Thật sự ra truyền thống gia đình tôi rất nặng về Phật giáo và ba tôi rất nặng về Nho giáo. Trong gia đình tôi thì chẳng có ai hiểu về đạo Tin Lành cả, chỉ có hồi lúc nhỏ thì tôi có một người bạn chia sẻ tôi về đạo Tin Lành và duyên cơ có một lần để được đi nghe một bài giảng thôi, và sau đó tôi bị mẹ tôi la rầy và tôi không có tiếp tục đi nữa. Nhưng mà khi chúng tôi vượt biển trên một chiếc ghe rất nhỏ, có 14 người hết thảy thì không may chiếc ghe đã gặp bão tố và chúng tôi đã phải 11 ngày đêm lăn lộn giữa sống và chết. Thì trong những khoảnh khắc đó tôi cũng cầu khẩn rất là nhiều những niềm tin mà mình có, nhưng mà cuối cùng sự tuyệt vọng nó vẫn là tuyệt vọng. Và cho đến khi thấy ghe bắt đầu vô nước thì lúc đó chúng tôi thấy là mình đối diện với cái chết mà mình còn trẻ tuổi cho nên tôi ở cái khoang ghe và lấy một cái gàu để cố gắng tát nước ra đó thì tôi ngước mắt lên, tôi nghĩ là “có Thượng đế không? Sao mình ăn hiền ở lành mà mình lại phải chết như vầy.” Thì lúc đó trong đầu tôi thấy sự tuyệt vọng như vậy đấy chợt nhớ lại một đấng mà tôi chưa cầu xin, đó là Chúa Giê Su mà có một lần tôi chỉ nghe một bài giảng thôi, thì tôi mới nói, “Nếu Ngài thật là Thượng Đế giống như Kinh thánh mà nói Ngài vậy đó, thì Ngài làm cho biển yên lặng, thì con sẽ dâng đời con cho Chúa.” Thì trong phút chốc đó lại là biển yên lặng. Rồi kế đến thì chiếc ghe cũng đã hết lương thực, mà nước cú rỉ vô thì mới xin Chúa một lần thứ hai,  “nếu có thật Chúa như vậy đó, con có xúc phạm thì xin Chúa tha lỗi cho con nhưng cho một chiếc ghe đến cứu con đi, thì con xin dâng đời con cho Chúa.” Quả thật có một chiếc ghe. Hai chiếc ghe vượt biên gặp nhau hiếm có lắm. Chiếc ghe đó là người ở Phú Quý. Hai chiếc ghe một bên thì máy hư, một bên thì không có dầu, chúng tôi hợp tác rồi đi. Rồi sau đó chúng tôi tới đảo Pulau Bidong. Khi ở đảo Pulau Bidong thì chúng tôi có những bà con ở bên Canada cho nên chúng tôi được xin để đi Canada. Nhưng sau đó thì cô giáo Lucy ai ở Bidong cũng đều biết cô ấy là dạy tiếng Anh, cô người Italy. Thì tôi đang ngồi ở trên một bờ biển nhớ nhà thôi, nghĩ tới cha mẹ xa xôi quá thì tự nhiên cũng nghĩ đến không biết mình có một lời hứa như vậy mà làm sao mình trả, cho nên đang nghĩ thì cô ấy vỗ vai tôi, tôi hết hồn, cô hỏi tôi đi đâu, tôi nói tôi đi Canada. Cô nói, “không, không, Canada lạnh lắm, you đừng có đi, you đi Úc đi.” Tôi nói Úc tôi không có ai. Cô đưa địa chỉ nhà của cô và cô thuyết phục tôi đi Úc. Cho đến khi mà tôi thấy cái thánh giá trên cọng dây chuyền cô đeo thì tôi hỏi cô có phải là Christian không. Cô nói phải, cô là người Công giáo Ki tô giáo. Chính như vậy tôi nói, có lẽ đây là đây là một sứ điệp mà Chúa muốn dùng một người của Chúa để nhắc nhở tôi thì tôi mới nói nếu mà tôi đi phỏng vấn phái đoàn Úc nhận tôi, mà lúc đó Úc độc thân khó nhận lắm, nếu Úc nhận tôi thì tôi sẽ đi và tôi trả cái lời hứa. Và đó là lý do mà tôi đi Úc.
Tổng trưởng Di trú Úc Alex Hawke, Mục sư Trịnh Mỹ Hoa, TNS Liên bang Paul Scarr – tháng 3/2022
Tổng trưởng Di trú Úc Alex Hawke (trái), Mục sư Trịnh Mỹ Hoa, TNS Liên bang Paul Scarr – tháng 3/2022 Source: Supplied
Mỹ Dung: Mà mục sư, từ lời hứa khi mà đi vượt biển cho tới lúc mà mục sư trở thành mục sư, nó là con đường có khó khăn lắm không hả mục sư?

MS Trịnh Mỹ Hoa: Khó khăn, chinh chiến dữ dội lắm! Bởi vì một trong cái điều chinh chiến trong lòng tôi bởi vì tôi là người nữ, thì rất khó để cho mình được trở nên một người ở trong hàng giáo phẩm. Nhất là tôi sống với cái văn hóa rất là truyền thống của gia đình luôn là trọng nam khinh nữ. Cho nên cái định kiến đó làm cho mình phải chinh chiến rất là nhiều, mặc dầu vẫn có những vị mục sư khích lệ tôi nhưng mà để vượt qua cái đó thì tôi nghĩ là tới lúc Chúa bắt phục tôi thì tôi mới đầu phục. Nhưng mà hầu việc Chúa với một vai trò người nữ mục sư cũng khó hơn người nam chứ không phải là dễ, nhưng mà sự kiên định của lòng, tôi vẫn nghĩ đến cái chỗ Chúa gọi mình. Mình biết Chúa và Chúa biết mình và mình cứ bước đi như vậy rồi có người hiểu mình hay có người không hiểu mình thì mình vẫn một lòng với Chúa và Chúa chứng giám lòng mình. Mình làm hết sức của mình là đủ.

Mỹ Dung: Em nghe mục sư kể em cảm động quá, mà em cũng thắc mắc không biết là mục sư có thể kể lại một hai kỷ niệm vui buồn trong quãng đời truyền giáo của Mục sư không?

MS Trịnh Mỹ Hoa: Thực sự hầu việc Chúa cũng không phải là dễ. Tôi ngày trước ở Melbourne thì tôi thành công về business. Lúc đầu tôi cũng không phải là một con chiên ngoan đạo lắm. Từ một đất nước nghèo mà mình qua đây, cái ước mơ của tôi là để làm ra tiền, đem gia đình qua rồi cải thiện kinh tế cho gia đình. Lúc đó thì tôi vẫn đi nhà thờ và vẫn thờ phượng Chúa rất là trung tín nhưng mà cái tâm của mình dâng hết lòng cho Chúa thì tôi chưa có, bởi vì tôi nghĩ rằng tôi sẽ làm ra tiền và có thể dâng cho Chúa về tiền bởi vì tôi là người phụ nữ cho nên việc của tôi làm là có thể quét dọn vệ sinh hoặc những công việc gì nho nhỏ ở trong nhà thờ thôi. Nhưng cái tiếng gọi của Chúa cho tôi nó vẫn tiếp tục và nhắc nhở tôi trong nhiều giấc mơ và cho tôi thấy được rằng Chúa muốn tôi dâng đời tôi cho Chúa như lời tôi hứa. Cho đến khi mà tôi bị tai biến, từ cái tai biến đó thì tôi đã bị một phân nửa người tê liệt. Trong điều đó thì tôi thực sự ăn năn với Chúa và tôi cầu xin Chúa rằng Chúa chữa lành cho con, thì con hứa với Chúa không quay lại và từ đó, Chúa cho một phép mầu cũng đã chữa lành cho tôi, tôi nói lại được, tôi có trí nhớ phục hồi lại và tôi được đi lại được dù một nửa bên vẫn còn yếu. Và chính cái điểm đó thì tôi bắt đầu bỏ hết mọi sự và tôi được đi học lời của Chúa do vị Mục sư quản nhiệm đề nghị tôi đi học ở trường Whitley ở Melbourne. Sau đó tôi tiếp tục học bên Mỹ và cuối cùng, ước mơ của tôi cũng chỉ muốn đóng góp một phần nào cho Chúa thôi, chớ không nghĩ tới chức vụ Mục sư. Bởi vì chức vụ đó rất là cao cả. Đây là một chức vụ không phải ai muốn mà được. Cho nên tôi chỉ nghĩ tôi là một cái gì đó ở trong cái Hội Thánh địa phương thôi. Và trong cái định kiến về người nữ nó khó cho tôi vượt qua. Cho nên vì đó mà tôi cũng chần chờ, cho đến khi mà Ban chấp sự của Hội Thánh họ đề cử tôi để được ra Hội đồng biểu quyết để được làm quản nhiệm. Mà lúc đó thì tôi đang nuôi mẹ tôi bệnh ở Melbourne, tôi không biết ý định của những người lãnh đạo Hội Thánh. Cho đến khi tôi được biết thì tôi đứng một góc cây ở bệnh viện Monash Melbourne, tôi nói với Chúa, “thực sự nếu Chúa gọi con, thì con không dám từ chối bởi vì sinh mạng của con thuộc về Chúa nhưng mà nếu được thì xin Chúa cũng cho con khỏi cái điều đó. Nhưng mà điều quan trọng mà con nghĩ không phải ai đề bạt con, nhưng mà gia đình Chúa đặt thứ tự chồng của con chính là người lãnh đạo gia đình. Nếu mà anh ấy từ miệng mà nói ra đó là một thẩm quyền thì con vâng lời. Thì đúng như vậy, sau khi tôi về thì nhà tôi có một giấc mơ và nói rằng, “em phải làm mục sư quản nhiệm.” Thì tôi thấy đó là một thẩm quyền mà Chúa đã ban ra thì tôi vâng phục.

Hưng Việt: Đó là vào năm nào thưa Mục sư?

MS Trịnh Mỹ Hoa: Dạ tôi bắt đầu chức vụ vào năm 2001
Cầu Ân Điển Kinh Rạch Gỗ do Hội Thánh quyên góp
Cầu Ân Điển Kinh Rạch Gỗ do Hội Thánh quyên góp Source: Supplied
Hưng Việt: Cuối cùng thì thưa Mục sư có điều gì muốn chia sẻ với quý thính giả nữa hay không ạ?

MS Trịnh Mỹ Hoa: Thực sự ra chúng ta đều là người Việt cùng chung bối cảnh là những người tỵ nạn và cảm ơn Chúa cho chúng ta được ở một đất nước rất phồn thịnh và tự do, cũng là đất nước đặt trên nền tảng Cơ đốc giáo và có cái nhân tình. Tôi ao ước rằng mỗi người chúng ta đều có một tấm lòng để chúng ta phấn đấu sống là một công dân tốt để vinh danh dân tộc Việt Nam của mình. Dầu mình xa cách quê hương nhưng không có nghĩa là không có một ngày để mình được trở lại và mình không thẹn với núi sông, không thẹn với dân tộc. Và cố gắng đóng góp vào một cộng đồng mà chúng ta đã và đang sinh sống nhất là xây dựng một tình đoàn kết giữa người Việt chúng ta với nhau. Tôi rất hãnh diện tôi là người Việt Nam. Chính nhờ vậy trong tâm tưởng của tôi trong mỗi giây phút tôi đều nói với Chúa và nói với chính mình chúng ta cố gắng để sống làm sao mà chúng ta được làm sáng danh Chúa. Chúng ta sống làm sao để đức yêu thương của Chúa được bày tỏ qua chính mình và sống làm sao để chúng ta làm được những việc tốt và xứng đáng là một người Việt Nam.

Hưng Việt: Thay mặt cho thính giả và cô Mỹ Dung, chúng tôi xin thành thật cám ơn Mục sư Trịnh Mỹ Hoa rất là nhiều đã dành thời giờ quý báu cho cuộc nói chuyện ngày hôm nay. Mục sư đã chia sẻ những tâm thức, những cái quan điểm hết sức là quý báu và rất đáng để suy ngẫm. Dạ thưa cám ơn Mục sư rất là nhiều.

MS Trịnh Mỹ Hoa: Dạ xin cám ơn anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung rất là nhiều cho tôi được cơ hội lần đầu tiên tôi nói chuyện với quý thính giả đài SBS. Xưa đến nay tôi thường ẩn dấu mình không có muốn có những dịp gì ở trên public nhưng nghĩ đến tâm tình của anh Hưng Việt và cũng như chị Mỹ Dung thì hôm nay là lần đầu tiên nếu tôi có sơ suất gì xin quý vị tha lỗi cho.

Hưng Việt: Dạ không có đâu ạ. Đó là một điều đáng quý mà Mục sư đã dành cho chúng tôi cái hân hạnh này.

Mỹ Dung: Em cảm ơn Mục sư

Hội Thánh Tin Lành Ân Điển Brisbane tọa lạc tại số 12 Rudd Street, Oxley, Qld 4075 và số điện thoại liên lạc là 3297- 0891

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung


Share