Chuyện Queensland: Địa ốc Brisbane thời Covid

Ông Tony Tuấn Trần (bìa phải) cùng nhân viên của Rightway Realty (2017)

Ông Tony Tuấn Trần (bìa phải) cùng nhân viên của Rightway Realty Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Ông bà ta xưa có câu “an cư lạc nghiệp”, nghĩa là có nơi ăn chốn ở tử tế rồi, thì sự nghiệp mới khởi sắc phát triển dễ dàng được. Nhưng làm sao để tiến hành được việc đó cho thuận lợi?


Với bản tính cần cù tiết kiệm của người Việt ta, thì việc mơ ước sở hữu căn nhà để ở hay đầu tư cũng là một suy nghĩ rất đáng khích lệ. 

Hôm nay chúng tôi xin được làm cầu nối cho quý thính giả làm quen với chuyên viên địa ốc uy tín của công ty Rightway Realty – Anh Tony Tuấn Trần.

Với nền tảng là một kỹ sư công chánh, anh từng tham gia rất nhiều dự án lớn như Gateway Bridge Brisbane, Port of Mackay, Air-Rail từ CBD đến Brisbane Airport, Inner Northern Busway Tunnel, Brisbane International Airport, v.v…

Và đó cũng chính là những tiền đề thuận lợi cho anh khi dấn thân vào lãnh vực địa ốc đã đạt được những thành công và uy tín trong nghề. Sau đây, kính mời quý thính giả theo dõi những chia sẻ của anh Tony Tuấn Trần.

Hưng Việt: Dạ xin kính chào anh Tony Tuấn Trần.

Tony:  Xin chào anh Hưng Việt và chào thính giả đài SBS.

Hưng Việt: Dạ thưa anh chúng tôi được biết trước đây là anh đã tốt nghiệp Structural engineer và đã hành nghề kỹ sư trong nhiều năm. Lý do hay động lực nào đã thúc đẩy anh bước sang lãnh vực địa ốc này ạ.

Tony: Dạ lúc trước em có đi làm về bên ngành kỹ sư cũng hơn 12 năm. Về sau sẵn lấy long services leave thì mới đi ra đầu tư. Khi mà thấy đầu tư được em cũng nghĩ nên học một chút gì để hiểu biết trong lãnh vực đầu tư thì mọi chuyện đưa đẩy làm sao mà không quay lại ngành engineer luôn mà dính vô nghề này đến giờ.

Hưng Việt: Bây giờ nói đến giai đoạn hiện tại thì tất cả mọi người chúng ta đều bị đại dịch Covid 19 này tạo ra rất nhiều ảnh hưởng, thì đối với tình trạng mua bán nhà cửa ở Brisbane là đại dịch có ảnh hưởng ra sao?

Tony: Em nhớ là đại dịch bắt đầu cuối năm 2019, đầu năm 2020, khi tụi em trở lại sau mùa holiday thì nhà cửa nó đứng hẳn, bởi vì sau mùa Tết ít ai mua nhà. Rồi đến tháng 3, tháng 4 dịch bắt đầu lan tràn ra, ít ai muốn đi gặp ai, thành ra trong năm 2020 mặc dù bên cho thuê nhà vẫn còn làm việc đều đặn, nhưng bên bán nhà thì rất là chậm.

Hưng Việt: Chúng tôi để ý là giá nhà cửa hiện nay ở Brisbane nói chung là tăng lên, tăng nhiều hay ít là tùy vùng ngoại ô, nhưng mà lý do tại sao nó tăng lên thưa anh?

Tony: Việc đầu tiên, phải nghĩ đến vấn đề là tiền lãi suất quá thấp. Ví dụ căn nhà anh đang thuê ước lượng là $400,000 đi, thì cho thuê ước lượng cũng khoảng $400/tuần, thì khi lãi suất rớt xuống chừng 2% có nghĩa là $100,000 tiền lời nhà băng chỉ là $2000, $400,000 thì tiền lời nhà băng là $8000 cho một năm. Có nghĩa là tiền thuê của anh nó vẫn là $400/tuần. Nhưng nếu như anh không thuê mà anh đi mua căn nhà đó $400,000 thì anh chỉ trả chừng $156/tuần thôi. Thì giữa việc anh trả $400 để anh thuê hoặc anh trả $156 tiền lời để anh làm chủ căn nhà thì dĩ nhiên anh sẽ đi mua nhà.

Hưng Việt: Khi mà giá nhà tăng lên như vậy đó, theo báo chí mà chúng tôi đọc được, có vùng ngoại ô tăng nhiều hơn vùng ngoại ô khác thì riêng những vùng ngoại ô có đông người Việt mình sinh sống thì anh có thể cho biết tình hình giá cả ra sao ạ?

Tony: Trước tiên nói về khu người Việt mình trong thời điểm dịch 2019-2021 không tăng nhiều, chừng 3 tháng đổ lại đây thì giá nhà tăng rất cao vì những người mướn nhà họ đi mua nhà vì lãi suất quá thấp. Rồi còn những vùng nào tăng nhiều hơn hoặc vùng nào tăng ít hơn thì nó nằm ở chỗ vị trí nữa. Rule of thumb là những căn nhà nào gần trong trung tâm CBD thì giá luôn luôn tăng nhiều hơn một chút. Thì giống như mình thả vật gì xuống nước, thì trong trung điểm vòng tròn cái sóng nó lớn hơn, nó ra ngoài thì nó chậm hơn. Nói là như vậy nhưng mà cũng có một số vùng trong năm nay trong báo chí hoặc media họ nói tăng nhiều nhất là ở vùng gần Rockhampton Blackwater. Hiện giờ vùng đó là vùng duy nhất tăng đến 135% trong vòng một năm qua.  Chẳng hạn như năm ngoái căn nhà ở đó đáng giá $100,000 thì năm nay nó sẽ là gần $250,000, nó lên cao tới mức độ như vậy. Cái đó nó theo cái luật cung cầu, tại vì trong vùng đó nó đang có một khu hầm mỏ mới lên. Và người ta rất cần nơi ở cho người thuê ở thì giá nhà lên bất thường. Luật cung cầu chỉ áp dụng cho một số vùng nào mà có cầu nhiều cung thiếu thì giá nhà lên. Còn nói chung xung quanh Brisbane thì nó lên một cách đều đặn từ 15% cho đến 25%. Mức độ 25% không nhiều lắm đâu. Chung chung Brisbane là 18%. Ví dụ như Inala cũng chừng 18%. Trong danh sách 60 vùng tăng trưởng nhiều nhất ở QLD không có vùng Inala, Durack, Darra.

Hưng Việt: Thưa anh,chúngtôi có để ý thấy là ngay cả trên một con đường có một căn nhà đăng bán rồi với giá thí dụ như $500,000 đi, rồi căn nhà kế bên thì lại có giá chỉ khoảng $300,000 mà không ai mua hết, hoặc là vẫn còn kỳ kèo để kéo giá xuống nữa. Lý do tại sao thưa anh?

Tony: Dạ em cũng thích câu hỏi này, vì câu hỏi này là một vấn nạn rất là lớn mà trong cộng đồng người Việt mình không phải ai cũng biết. Thông thường thí dụ như anh thấy căn nhà số 15 họ bán là $400,000, căn nhà số 17 là kế bên, khi người ta bán $350 thì anh nghĩ là anh mua hời, nhưng có thể đó là một cái bẫy rất là lớn, bởi vì mỗi căn nhà có giá trị riêng của nó. Ngoài cái việc căn nhà đó nhìn như thế nào, cấu trúc của nó như thế nào, cái việc lớn của nó vẫn là giá trị của miếng đất. Miếng đất kế bên có thể là được xây lên 4 tầng lầu, 5 tầng lầu, ví dụ như con đường Killarney ở Darra. Số 15, 17 đều xây dựng được 5 tầng lầu. Nhưng lên số 21 chỉ được 2 tầng lầu thôi. Tầng dưới đậu xe, tầng trên nhà ở. Đó là cái Zoning của council quyết định. Cùng một con đường nhưng khu vực nào màu đỏ thì được lên 5 tầng lầu, khu vực nào bình thường vẫn là bình thường.

Ngoài ra giá khác biệt nhiều là cái lỗi của miếng đất. Mình sẽ không nhìn thấy nước ngập ở trên miếng đất đâu nhưng nó là miếng đất thấp nhất trong con đường đó thì nó gọi là natural falling well water hoặc là natural runoff water. Nếu như mình đang có căn nhà ở trên miếng đất đó thì mình tiếp tục mình ở nhưng nếu mình phá căn nhà đi mình sẽ không được quyền xây căn nhà mới trên miếng đất đó. Hoặc nếu như mình xây, mình phải xây trên cột.
Hưng Việt: Có phải chăng trách nhiệm của một agent là khi thân chủ tới mua một miếng đất mà có khó khăn như vậy đó, thì người agent phải giải thích lý do tại sao phải không thưa anh?

Tony: Anh nói đúng. Khi mà mình sống ở nước Úc, người agent có trách nhiệm là phải giải thích tất cả những ưu điểm và yếu điểm của miếng đất. Ưu điểm anh có quyền anh không nói, nhưng mà khi miếng đất có lỗi đó mà agent bán căn nhà hoặc bán miếng đất cho anh không nói cái lỗi đó thì cơ hội người agent bị kiện rất là cao. Chẳng hạn trong căn nhà này có án mạng gần đây, anh phải nói hoặc miếng đất có lỗi quá lớn không được xây nhà anh cũng phải nói cho người ta biết. Thì đất nước này cho người ta luật lệ như vậy để mà có cái licence.

Hưng Việt: Cám ơn anh đã giải thích rõ ràng về điểm đó. Bây giờ trở lại vấn đề mua nhà đó thì cũng vì Covid 19 mà có một số người đã mất việc hay tiền lương của họ cũng bị giảm, nói tới chuyện mua nhà họ rất ngần ngại. Thì thưa anh theo anh thấy số người đi mua nhà có giảm đi nhiều không?

Tony: Người Việt mình có một cái khác với người Úc là có những người mà họ thất nghiệp họ vẫn mua nhà được. Có thể là họ có bạn bè cho mượn, có thể họ chơi hụi hè, hoặc có thể năm bảy anh em trong nhà góp tiền cho một người mua nhà, anh em bạn bè hoặc là họ dồn tiền bên Việt Nam qua, hoặc họ sẽ kiếm một khoản nợ nào để mà đòi và cuối cùng họ cũng mua được nhà. Đối với người Việt thì vấn đề Covid 19 không có ảnh hưởng quá nhiều đến vấn đề mua nhà.

Hưng Việt: Bây giờ nói về một phương diện khác là các business cũng vì Covid mà nhiều thương nghiệp gặp khó khăn bởi vì thu nhập của họ bị sụt giảm cho nên họ cầm cự không nổi họ muốn sang tên. Thì thưa anh, số lượng như vậy, có nhiều hay không? Nhất là trong cộng đồng người Việt của mình.

Tony: Em nghĩ đó là một vấn đề rất là lớn trong cộng đồng người Việt mình gần đây. Trong thời kỳ chống dịch vừa rồi có nhiều thương nghiệp phải đóng cửa nhứt là những thương nghiệp tiếp xúc gần, chẳng hạn như nghề làm nail hoặc là những thương nghiệp ăn uống nó cũng bị giới hạn nhiều, không có người từ bang khác đến, không có người xa lại, không có tập trung được đám đông thì nhà hàng cũng ảnh hưởng. Em cũng có thấy qua một số vấn đề thương tâm. Có một số người không đủ trả tiền shop, một số người bỏ một số tiền rất là lớn mua một cái thương nghiệp trên gần city lên đến gần nửa triệu đồng nhưng mà họ đóng cửa trong thời gian ba bốn tháng, có những thương nghiệp đóng cửa gần một năm. Mà trong khi tiền rent trên đó một năm có thể lên đến gần $500,000, vừa tiền mướn, tiền outgoing, máy móc họ mướn, họ thuê để mà họ run cái business. Thành ra có rất nhiều người bán nhà bởi vì là họ không đương đầu nổi.

Hưng Việt: Đó là quá đau lòng phải không thưa anh. Thì công ty của anh còn có một dịch vụ khác nữa đó là quản lý nhà cửa cho thuê. Thì tin tức cũng cho biết là cái số cung cũng không thỏa mãn nổi nhu cầu thì anh có thể cho biết lý do tại sao không ạ?  

Tony: Hiện giờ nếu mình nhìn lên internet mình thấy số lượng nhà đăng lên cho thuê nó giảm đến chừng 3/4. Nói ví dụ bình thường có 100 nhà cho mướn, hiện giờ anh nhìn lên chỉ có 25 nhà cho mướn thôi. Thì có nhiều người hiểu lầm đó là cầu nhiều hơn cung nhưng mà thực tế là vầy, những căn nhà mà lúc trước cho mướn nhiều người thuê trở thành first home buyer mua nhà không còn đi thuê nữa. Nhưng mà ngoài ra hiện giờ số tiền mà mua căn nhà cũng tăng lên 25% hoặc 20% chẳng hạn, thì nó làm cho giá tiền nhà cho mướn cần phải tăng lên. Thì khi giá tăng lên như vậy làm cho những người mướn nhà còn lại họ lo lắng và họ tranh thủ họ chớp lấy những căn nhà nào có thể mướn được hoặc là họ đang mướn nhà cũ mà không tăng giá tiền họ sẽ không dời đi đâu. Covid làm cho nhiều người mất việc làm nữa thì những người thuê nhà, một là họ dồn lại chung một căn nhà hoặc là về ở với cha mẹ anh chị em hoặc nhiều khi họ kiếm căn nhà nào rẻ hơn dọn vô.   

Hưng Việt: Khi gặp tình trạng người thuê không trả tiền trong vài tuần hay một hai tháng, anh là quản lý của nhà cho thuê đó thì anh giải quyết làm sao?

Tony: Cái đó hiện giờ đang là một vấn nạn rất là lớn. Bằng chứng là cách đây khoảng chừng tám tháng, nếu ai chạy ngang qua Potts Street ngay chỗ East Brisbane sẽ thấy con đường đó có chừng 200 tấm đệm giường để ra ngoài đường vì tenants bị đuổi ra khỏi căn nhà họ đang ở. Tại vì một số người tenants dọc đó liên kết với nhau và họ quyết định không trả tiền nhà, mượn lý do là hồi đó thủ hiến Queensland nói là cho mướn phòng một thời gian nào đó thì họ không cần phải trả tiền nhà và không được đuổi họ ra. Chủ nhà đưa ra tòa và cũng kiếm cách đuổi họ ra, nhưng mà không đặt tenant vô danh sách bad tenant được. Thì hiện giờ trong cộng đồng người Việt mình cũng có cái vấn nạn này rất là lớn ở đây. Không đến nổi vài trăm căn nhà nhưng mà người chủ nhà muốn tiết kiệm một số tiền, thay vì đưa cho dịch vụ họ cho mướn, họ tự đăng lên báo hoặc Facebook. Những người đến mướn nhà họ, thông thường không đủ tiêu chuẩn hay không có lịch sử mướn nhà tốt để mướn nhà qua các văn phòng địa ốc. Thông thường những người mướn như vậy hay có tranh chấp với chủ nhà về vấn đề tiền trả không đúng hẹn, rồi cách trông giữ căn nhà có thể làm tổn hại căn nhà. Rồi có một số người mượn lý do Covid không có tiền trả hoặc có thể họ mất việc làm. Thì người chủ tự mình cho mướn thì họ không biết luật lệ nhiều và họ gọi cảnh sát. Cảnh sát đến nơi thì cảnh sát cũng không làm gì được, trừ khi nào có lệnh tòa. Khi người mướn ở đó không trả tiền rent, thì căn nhà thường trở nên rác rưởi và dơ bẩn, có nhiều khi hư hại. Có những người chủ họ sửa nhà lên đến bốn năm chục ngàn. Có nhiều người bị nặng quá không có tiền để sửa chửa nữa. Cái process để đuổi họ ra thì rất là dài dòng. Có nghĩa là mình phải dùng đúng luật, gửi cho họ từng cái form cảnh cáo, form cảnh cáo thứ hai, rồi form đuổi người rồi cuối cùng thu đủ những giấy tờ đó rồi đưa họ ra QCAT (Queensland Civil and Administrative Tribunal) tức là Tòa án thấp nhứt ở đây. Thường thường tòa án họ xử vấn đề nhà cửa của người mướn thì họ không bênh người chủ nhà mà họ bênh người tenant trước tiên. Trừ khi người chủ nhà làm đúng các trình tự thủ tục đuổi người. Khi mình thắng họ ngoài QCAT Tribunal thì lúc đó mình mới cầm cái giấy lệnh tòa mình đưa cảnh sát thì cảnh sát mới đến đuổi người ra.

Hưng Việt: Dạ cám ơn anh Tony đã giải thích rấtlà đầy đủ chi tiết. Nhưng chắc chắn là còn những điều anh muốn chia sẻ với thính giả  

Tony: Em chỉ nghĩ đơn giản là có rất nhiều người Việt mình hay bị lầm lẫn giữa việc là giá nhà của mình với giá nhà của người kế bên như thế nào, hoặc là mình cho mướn giá bao nhiêu nhà kế bên cho mướn giá bao nhiêu. Mình không có dựa vô căn nhà mình và căn nhà kế bên nhà hàng xóm để bán cùng giá với họ. Có đôi khi mình không hiểu về giá cả căn nhà mình, mình có thể mất cả 50, 100 ngàn. Hoặc mình không hiểu rõ về miếng đất đó có thể mình mua hớ đến 50, 100 ngàn. Mỗi miếng đất, mỗi căn nhà có đặc điểm khác nhau. Đôi khi có những agent họ sẽ giải thích cho mình rõ ràng hơn, có những agent không. Trước khi mình mua nhà nên hỏi agent sự khác biệt giữa các miếng đất như thế nào.

Hưng Việt: Thay mặt cho thính giả,chúng tôi thành thật cảm ơn anh Tony rất là nhiều đã dành thời giờ quý báu của anh cho cuộc mạn đàm này. Xin kính chúc anh và gia quyến được nhiều sức khỏe bình an và thương nghiệp của anh được mọi điều thắng lợi, thành công.

Tony: Dạ cảm ơn anh Việt và cảm ơn thính giả đài SBS. Xin kính chào quý vị thính giả của đài SBS.

Nếu quý vị có điều chi thắc mắc hoặc cần tư vấn về vấn đề nhà cửa địa ốc, có thể liên lạc anh Tony qua số: 0423 600 614

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

 


Share