Chuyện Queensland: Quán Cafe Ô Mai

Nhã Ca, Cafe Ô Mai

Nhã Ca, Cafe Ô Mai Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Kỳ này Hưng Việt và Mỹ Dung mời quý thính giả làm quen với cô Maggie Nhã Ca, chủ nhân trẻ tuổi của Café Ô Mai, người đã kinh doanh ẩm thực bằng chính cái Tâm của mình.


Thoạt đầu khi nghe tới câu “Có thực mới vực được đạo”, thì ta thường chỉ nghĩ chữ THỰC ở đây hàm ý là ăn uống, thực phẩm. Nhưng cũng có những cách hiểu khác hơn về chữ THỰC.

Trước tiên, nếu ta hiểu chữ THỰC ở đây với ý nghĩa là “thực tế, thiết thực”, thì câu nói trên hàm ý trước khi vươn tới đời sống tâm linh, chân lý viễn siêu gì gì đó, thì ta phải nắm vững cái thực tế, cái cốt lõi vấn đề trước đã.

Thứ hai, nếu mình hiểu chữ THỰC theo nghĩa là “chân thực” tức là từ trong TÂM, thì việc mình làm sẽ vươn tới cái ĐẠO.

Khi còn trong lứa tuổi sinh viên, với tấm lòng nhân ái và cảm thông của người con một người tỵ nạn, Nhã Ca đã tạm dừng học một năm để toàn tâm toàn ý làm thiện nguyện giúp đỡ cho những người tỵ nạn Sudanese vì cô nghĩ họ cũng khổ sở như mẹ mình đã từng trải qua. Sau đó cô hoàn tất việc học để thành một chiropractor.

Và giờ đây, trong vai trò người chủ tiệm Café Ô Mai, một lần nữa cô lại thể hiện cái tâm phục vụ cộng đồng. Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc mạn đàm của chúng tôi.

Hưng Việt: Dạ xin chào cô Nhã Ca

Nhã Ca: Xin chào anh Hưng Việt và Mỹ Dung và thính giả đài SBS.

Mỹ Dung: Chào Nhã Ca.

Hưng Việt: Trước hết xin cô có thể vui lòng cho biết xuất phát của sự thành lập quán Ô Mai này được không ạ?

Nhã Ca: Em sanh và lớn lên ở Sydney. Hồi đó em rất là thích nấu ăn. Em thích coi mấy cooking shows. Ở Sydney quá nhiều nhà hàng cho nên em lên Brisbane để mở một quán café. Khoảng 2010, em mở nhà hàng đầu tiên của em chung với em trai của em - tên là Minh - ở Valley China Town Mall. Lúc đó em chưa có nhiều kinh nghiệm. Tiền rent rất là cao và khách hàng ở Valley không có đều đặn, lúc nắng lúc mưa cho nên em không có thành công. Sau đó khoảng 2012, em đi tìm một địa điểm mới ở Annerley, rồi lúc đó em mới mở chung với mẹ em quán Café Ô Mai.

Mỹ Dung: Theo chị biếtthì ô mai tiếng Việt mình còn gọi là trái mơ. Nhưng trong văn chương thì tuổi ô mai còn là tuổi mộng mơ. Vậy tại sao em lại chọn tên quán là Ô Mai vậy?

Nhã Ca: Hồi đó em có rất là nhiều tên để đặt cho shop, nhưng mà cuối cùng em đặt là Ô Mai là tại vì phát âm nó dễ cho người Úc có thể gọi được. Tại em thấy cái tên rất là quan trọng. Thêm một cái là, mình dịch qua tiếng Anh thì giống như lúc khách hàng thấy một món ăn, người ta nói ra “Oh my goodness!” hay “Oh my God!”.

Mỹ Dung: Như vậy là từ chữ “Oh my God!” chứ không phải là từ chữ Ô Mai như theo cái nghĩa tiếng Việt của mình hả?

Nhã Ca: Nhưng mà cái chữ Ô Mai em rất là thích tại nghe nó nhẹ nhàng,

Mỹ Dung: … nó dễ thương

Hưng Việt:  Tôi cũng có cái suy nghĩ và đã nghi ngờ là cô chọn chữ Ô Mai, chắc cũng để người Úc khi gọi một món ăn lên mà họ thấy ngon, họ cũng nói, “Oh my God! This dish is delicious.”

Cô Nhã Ca, theo trang web của BCC (Brisbane City Council) giới thiệu về tuần lễ BrisAsia, nói về sinh hoạt của người Á Châu ở Brisbane thì họ giới thiệu về tiệm ăn của cô, họ có viết như thế này, tôi xin được trích“…  Maggie Nguyen talks about the dream she had of opening a quaint café that went against her mother’s expectations …”

Theo tôi hiểu, chữ “quaint” có nghĩa là “hơi lạ, hơi khác thường”. Thưa cô, Café O-Mai khác thường ở chỗ nào ?

Nhã Ca:  Trong cái cách trang trí, như cái vách tường của cái shop là em giữ cái original của shop. Cái shop này cũng khoảng 100 năm rồi. Rồi ghế bàn không cái nào giống nhau hết. Em không theo fashion hay thời trang. Em có mời một họa sĩ ở Brisbane người Úc, lại vẽ cho em một cái mural một cô gái Việt Nam.

Hưng Việt: Thành ra cô giữ cái tính cách “quaintness” cho cái tiệm ăn của cô?

Nhã Ca:  Giống như trang trí không có giống mấy quán Việt Nam khác. Đèn không chói như mấy nhà hàng Việt Nam kiểu xưa.

Hưng Việt: Theo cô nghĩ thì mấy khách hàng Úc họ thích cái lối trang trí như vầy hơn hả?

Nhã Ca: Tại vì cái nhà hàng em là một nhà hàng ban ngày. Cho nên lúc khách hàng vô cảm thấy như là welcoming, nó sáng sủa, ấm áp.

Hưng Việt: Cô có thể cho biết lý do nào mà cô chọn cái vùng Annerley để mở tiệm ăn này thay vì ở vùng có đông người Việt như Inala, Darra hay là như cô đã từng làm ở dưới Fortitude Valley, là vùng có đông người Hoa?

Nhã Ca: Em có ở vùng này mấy năm nay rồi, em lái xe qua cái shop này một năm luôn, cho nên lúc nào em cũng thấy đường này rất là bận có nhiều người đi qua đi lại. Cái corner position rất là tốt. Rồi thêm nữa vùng này có nhiều người professional rồi young family, cho nên em có rất là nhiều khách trung thành, ủng hộ em mấy năm nay. Khách ở vùng đây người ta rất thích đồ ăn ở đây, cho nên người ta lại mấy lần một tuần luôn.

Mỹ Dung: Chắc là Nhã Ca muốn mang cái không khí Việt, ẩm thực Việt đến khu người Tây, cho nên Nhã Ca không có chọn khu người Việt, đúng không?

Nhã Ca: Dạ.

Hưng Việt: Bây giờ trở lại cái lễ hội BrisAsia của Brisbane City Council (BCC), là lý do mà chúng tôi biết được để đến đây. Thì cô Nhã Ca nghĩ là tại sao BCC biết được về cái quán Café Ô Mai.

Nhã Ca: Trong mấy năm nay em có làm chung với director của BrisAsia Festival, Anthony Garcia. Em có tham gia những project ở BrisAsia, director có mời em để tham gia cái documentary “Mother’s Table”. Lúc mà ảnh nghĩ về cái project này thì ảnh mới nói chuyện với em là em có muốn tham gia về “Mother’s Table” không, thì em đồng ý. Em rất là vui tại vì em đã làm 10 năm rồi và cái này là một kỷ niệm cho shop Café Ô Mai

Hưng Việt: Trong cái khoản thời gian cô hợp tác, cô làm việc với BrisAsia thì cô giúp vào những việc gì?

Nhã Ca: Cái năm đầu tiên mà em có làm là em tham gia cái symposium ở QPAC Southbank, discussion nói chuyện về connection trong cái culture của mình. Em có làm bánh mì chay, mấy đồ ăn chay để mấy người tham gia có thể ăn được.
Hưng Việt: Như vậy quán Ô Mai chuyên về thức ăn Việt Nam hay là Úc lẫn Việt, lẫn sắc tộc khác?

Nhã Ca: Quán Café Ô Mai đồ ăn là Việt Nam nhưng cũng có các món ăn sáng em chế biến theo kiểu Tây cho nên nó hơi khác biệt. Em có đặt tên món ăn sáng gọi là “Aunty Five’s claypot” là “Tộ của Dì Năm”. Mấy người khách Úc hỏi em hoài là tại sao lại đặt Aunty Five’s claypot, thì em giải thích là, trong cái culture của Việt Nam ba mẹ là số Một, rồi đến có chị Hai, người Úc mới hiểu ra là tại sao em đặt như vậy.

Hưng Việt: Dạ thưa cô, mà Aunty Five là ai? Dì Năm là ai?

Nhã Ca: Dì Năm là dì Phụng của em là dì Út, em của mẹ.

Mỹ Dung: Ủa mà cái món đó là dì nghĩ ra hay là tại em yêu mến dì Năm nên em đặt tên hay chỉ là tình cờ?

Nhã Ca: Chỉ có tình cờ em đặt tên như vậy cho nó hay. Cái món này nó có trứng nè, có cà chua, có hành, có sausage mà có sả ở đây tự làm luôn, rồi có cái sauce me. Nhiều người Úc rất là thích cái món này.

Hưng Việt: Cô nghĩ là quán Café Ô Mai còn có thể thêm vô trong menu những món gì khác để lôi cuốn thực khách nữa không?

Nhã Ca: (cười) Em nói thiệt là cái menu em quá nhiều món rồi em không thể nào để add on thêm nữa. Chắc em muốn bớt đi để làm cho nó bớt nhức đầu.

Mỹ Dung: Nói về cái menu thì em có thể cho biết trong cái menu đó có những món nào đặc biệt em muốn giới thiệu với mọi người không?

Nhã Ca: Món mà bán nhiều nhất trong quán Café Ô Mai là món heo quay, bánh mì heo quay. Người Úc người ta thích lắm, người ta mê luôn. Có lúc hết, không còn, người ta không muốn ăn món khác. Nhưng mà theo em thì em không có thích món đó lắm. Nếu mà em bỏ món đó chắc nhiều người giận lắm.  

Hưng Việt: Vậy thôi đừng bỏ.

Nhã Ca: em không có bỏ. Món mà em thấy ngon trong menu là cái món phở chay đặc biệt cho mấy người ăn chay, even mấy người mà ăn mặn cũng thích ăn luôn.

Mỹ Dung: Em cho biết là em đã thích nấu ăn từ hồi nhỏ, em vẫn hay quẩn quanh theo mẹ những lúc học nấu nướng. Vậy theo em, kinh nghiệm nào mà em nghĩ là quan trọng nhứt mà bác gái đã truyền lại cho em?

Nhã Ca: Đồ ăn Việt Nam, mỗi gia đình đều nấu khác nhau. Cách nêm nếm khác nhau. Theo em thấy không có cái nào đúng hay sai hết. Nhưng cái căn bản, cái basic của nấu ăn Việt Nam là quan trọng nhất. Em nhớ hồi đó em rất là thích hầm xương nấu soup. Mẹ chỉ em cách đó là mình phải để xương lúc mà nước sôi rồi mình vớt để nước nó trong. Rồi cách nêm nếm pha nước mắm cho bún. Cái độ đường, mắm, nước và dấm… Thì cái đó là cái gì em học từ mẹ ra.

Mỹ Dung: Chị nghĩ là trong lĩnh vựa ẩm thực hay là nhà hàng, cái cung cách phục vụ rất là quan trọng thì em có thể chia sẻ vài cái bí quyết của em làm sao để mà giữ khách hàng không?

Nhã Ca: Em muốn chia sẻ cái thành công của em là cái cách mà mình đối xử với khách hàng – cái services là từ lúc mà em mở shop em có một trí nhớ rất là hay – em nhớ tên của khách hàng. Lúc mà bận, nhiều khách tha thứ là tại vì em nhớ tên. Rồi em nhớ người ta thích ăn cái gì. Nhiều khách hàng người ta ăn theo thói quen ngày nào cũng vậy. Người ta thấy là mình để ý đến người ta thì hôm sau người ta sẽ lại. Từ lúc em mở shop là em chưa bao giờ quảng cáo hết, khách hàng truyền miệng cho bạn bè, gia đình.

Mỹ Dung: Hữu xạ tự nhiên hương hả anh Việt…

Hưng Việt: Thưa cô Nhã Ca, trong thời gian hai năm vừa qua thì chúng ta bị ảnh hưởng bởi nạn dịch Covid 19, nhiều cơ sở thương mại, đặc biệt là trong ngành hospitality, những quán ăn, những chỗ giải trí bị ảnh hưởng rất là nhiều. Thì thưa cô, quán Café Ô Mai có bị ảnh hưởng nặng nề hay không ạ? Và làm sao cô vượt qua được những trở ngại đó?

Nhã Ca: Trong thời gian Covid đó thì Cafe Ô Mai rất hên là không có phải đóng cửa, vẫn mở cho takeaway. Cái lockdown đầu tiên, để em giữ job cho nhân viên, em nhờ nhân viên làm delivery luôn. Trong cái giai đoạn Covid, em xài social media rất nhiều: Instagram, Facebook để nhắc nhở khách hàng là em vẫn còn làm, vẫn mở cửa để người ta nhớ đến em và rất là nhiều khách hàng thương mến lại ủng hộ em mua takeaway để đem về ăn với gia đình.

Hưng Việt: Bây giờ cuối cùng cô còn có điều chi cô muốn nói thêm về Café Ô Mai hay chia sẻ thêm với thính giả về BrisAsia này kia không?

Nhã Ca: Nhã Ca muốn cảm ơn thính giả rồi khách hàng của em đã ủng hộ em 10 năm nay mới có ngày nay để em có thể chia sẻ những gì em đã trải qua. Em thấy lúc mà mình làm việc làm thật lòng thì người khách người ta sẽ biết mình để tâm trong cái việc làm của mình…nó thật thà. Em không có muốn khách mất lòng. Có lúc mà em đọc mấy cái category review nó làm em rất là buồn lúc mà khách không có vui hay là chê…

Hưng Việt: Nhưng những cái lời phê bình negative như vậy đó, nó giúp cô là nghĩ xem mình có thể cải tiến được thêm đúng không?

Nhã Ca: Nhưng mà mấy cái review đó em học hỏi được nhiều cái, làm sao để mình có thể làm better hơn cho ngày hôm sau. Rồi em có respond mấy cái review nào mà người ta không được vui để người ta biết là mình có nghĩ đến người ta chứ không phải là mình làm lơ

Hưng Việt: Có lẽ cách hay hơn nữa là có những review như vậy đó, cô respond rồi cô nói, “Mời ông hay bà trở lại để xem chúng tôi có improve hay chưa”.

Nhã Ca: Nhiều cái review em đều cho cơ hội để người ta có thể feedback rồi nói chuyện với em trực tiếp.

Hưng Việt: Dạ thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả chúng tôi thành thật cám ơn cô Nhã Ca rất là nhiều dành thì giờ quý báu của cô cho cuộc nói chuyện này và xin kính chúc trước nhất là cô và gia đình luôn được nhiều sức khỏe, bình an và quán Ô Mai thành công trọn vẹn trên đường thương nghiệp. Dạ cám ơn cô.

Nhã Ca: Dạ em cám ơn.

Là một người trẻ tuổi sinh ra và lớn lên ở nước Úc này, mà cô Nhã Ca vẫn có thể nấu được những món ăn Việt thật ngon cũng như nói được tiếng Việt một cách trôi chảy dễ mến như vậy. Chúng tôi thiển nghĩ cô có thể tự hào về sự đóng góp của mình trong việc bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam.

Xin mời quý thính giả Brisbane ghé thăm Café Ô Mai, tọa lạc tại số 15 Cracknell Rd, Annerley QLD 4103, để thưởng thức những món ăn được kết hợp tinh tế sáng tạo giữa ẩm thực Việt – Úc.

Muốn biết thêm chi tiết, xin mời vào

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
Cafe O Mai, Annerley, Queensland
Cafe O Mai, Annerley, Queensland Source: Supplied

Share