Tòa án Hồng Kông bị tràn ngập hồ sơ truy tố những người biểu tình

Hong Kong Chief Executive Carrie Lam attends a press conference in Hong Kong

Hong Kong Chief Executive Carrie Lam attends a press conference in Hong Kong Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Người đứng đầu Hồng Kông cho biết tòa án đang vất vả giải quyết một lượng lớn chưa từng có những vụ bắt giữ liên quan đến biểu tình chống chính phủ.


Hệ thống tư pháp ở Hồng Kông đã phải thành lập một ban đặc biệt để thụ lý những vụ án liên quan đến các cuộc biểu tình trong mấy tháng qua.

Bộ trưởng Tư pháp Geoffrey Ma nhìn nhận cần có nhiều thời gian hơn để giải quyết một lượng lớn hồ sơ chưa từng có.

"Đại đa số các hồ sơ chưa sẵn sàng để ra tòa. Nói vậy có nghĩa là để giải quyết một lượng lớn hồ sơ như vậy, hệ thống tư pháp cần phải lên kế hoạch cho các cấp tòa."

Một ban đặc biệt đã được thành lập để xem xét cách nào tốt nhất và chúng tôi sẽ làm việc với các bên liên quan để chọn những giải pháp phù hợp bao gồm cả việc tòa phải làm việc dài giờ hơn."

Hành chánh Trưởng quan Hồng Kông bà Carrie Lam nhìn nhận đây là công việc rất khó khăn.

"Tôi phải nói rằng chúng tôi đang đối mặt với những thách thức chưa từng có trong việc giải quyết có quá nhiều người bị bắt, và quá nhiều người bị truy tố, vốn sẽ phải ra tòa."

"Vì vậy tôi rất cảm kích việc bộ tư pháp đưa ra nhiều giải pháp ở mọi cấp tòa án, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết một cách hiệu quả nhất như mọi người muốn thấy." 

Với nhân quyền là yêu sách chính của người biểu tình, việc Hồng Kông ngăn không cho giám đốc điều hành của tổ chức tranh đấu cho nhân quyền quốc tế, Human Rights Watch, đã bị tổ chức này lên án là nhà chức trách xem nhẹ nhân quyền. 

Ông Ken Roth dự trù tổ chức họp báo ở Hồng Kông để công bố bản báo cáo hàng năm của Human Rights Watch về tình hình nhân quyền trên thế giới, trong đó một phần lớn được dành để nói về Trung Quốc. 

Ông Roth cho biết trên Twitter là máy bay đã đáp xuống phi trường Hồng Kông nhưng ông không được nhập cảnh.

"Đáng tiếc là khi tôi đến chính quyền Trung Quốc đã quyết định không cho tôi vào. Trước đây tôi đã được vào Hồng Kông, nhưng lần này, lần đầu tiên họ ngăn chặn tôi. Họ không muốn tôi tổ chức họp báo ở Hồng Kông."

"Vì vậy tôi sẽ trở về New York họp báo ở đó. Nhưng thật đáng tiếc đây là bằng chứng mới nhất cho thấy chính phủ Trung Quốc đang làm mọi cách để xem nhẹ việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền."

Giới chức Trung Quốc nói họ có quyền cho hay cấm bất kỳ ai nhập cảnh Hồng Kông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói có nhiều bằng chứng cho thấy tổ chức Human Rights Watch ủng hộ những người chống Trung Quốc và gây rối ở Hồng Kông.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh, ông Cảnh Sảng cáo buộc Human Rights Watch khuyến khích những kẻ quá khích có sử dụng bạo động.

Phó Giám đốc Human Rights Watch phụ trách châu Á, Phil Robertson nói nhà chức trách Trung Quốc đang lúng túng.

"Hồng Kông và Trung Quốc đại lục mà cáo buộc chúng tôi là xúi giục thì tôi nghĩ cho thấy họ đang tuyệt vọng, họ muốn đem phương Tây ra làm vật tế thần."

"Họ không lý giải được tại sao dân chúng ở đại lục và Hồng Kông bất mãn với sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc. Không giải thích được thì họ phải tìm bung xung, và chúng tôi dễ dàng được chọn làm vật tế thần." 

Những người biểu tình tức giận trước điều họ gọi sự can thiệp của Bắc Kinh vào những quyền tự do đã được cam kết khi Anh Quốc trả thuộc địa này lại cho Trung Quốc năm 1997.

Người dân xuống đường cũng nói cảnh sát đã hành xử thái quá. Hiện tại không có dấu hiệu gì là các cuộc xuống đường ở Hồng Kông sẽ chấm dứt.

Ngành bán lẻ và du lịch của thành phố đang hướng đến khoảng thời gian suy giảm sau 6 tháng sụt giảm doanh số nghiêm trọng và một mùa Giáng sinh buôn bán èo uột.


Share