Thuốc trị bệnh tiểu đường có thể giúp giảm bớt sảy thai

Claire Hewer with Mollie and Dexter (AP)

Claire Hewer with Mollie and Dexter (AP) Source: AP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tại Úc, cứ 1 trong 4 ca mang thai bị sảy, và hầu hết đều bị sảy thai trong 12 tuần đầu của thai kỳ. Các bác sĩ ở Anh đã thử áp dụng một loại thuốc trị bệnh tiểu đường để giúp những phụ nữ bị sảy thai nhiều lần.


Mỗi năm, có 103.000 gia đình Úc bị ảnh hưởng bởi việc sảy thai.

Vài gia đình trong số đó phải chứng kiến sự sảy thai nhiều lần.

Cô Claire Hewer, sống ở Anh, có một cô con gái 5 tuổi tên là Mollie.

Cô từng mang song thai, nhưng đứa bé song sinh kia đã bị sảy từ những tuần đầu của thai kỳ.

Cô Hewer đã bị sảy thai nhiều lần rồi. Cô nói:

“Kể từ năm 2007 tới nay, tôi đã mất 5 đứa con và tất cả đều bị sẩy từ sớm, trong ba tháng đầu của thai kỳ, tôi bị chảy máu và mỗi lần như vậy đều phải đi bệnh viện để phẫu thuật. Thật may mắn là cuối cùng tôi đã có bé Mollie hồi năm 2014, nhưng kể cả lần đó cũng là một ca sinh khó”.

Sau khi bé Mollie ra đời, cô Hewer và chồng muốn có thêm con, nhưng cứ bị sảy thai hết lần này đến lần khác.

Cô được chọn tham gia cuộc thí nghiệm lâm sàng, sử dụng một loại thuốc trị bệnh tiểu đường tên là sitagliptin. Các bác sĩ hy vọng thuốc này sẽ giúp cải thiện tình trạng của tử cung, tăng thêm cơ hội mang thai thành công và giảm tỷ lệ sảy thai.

Năm 2017, cô Hewer được làm sinh thiết và uống loại thuốc trị tiểu đường nói trên trong ba tháng.

Vào tháng 7/2019 cô đã sinh hạ thành công bé Dexter.

Cô Hewer nói cô và chồng Martin không thể tưởng tượng nổi niềm vui sướng khi có được một gia đình đông đủ.

“Chuyện đó thật sự khó khăn. Dù tôi vốn là một người kiên cường, luôn muốn tự mình vượt qua mọi thứ, nhưng cứ bị sảy thai liên tiếp thật là quá sức chịu đựng cho tôi và chồng tôi. Nó càng khó khăn hơn khi bé Mollie ra đời. Khi bạn đã có một đứa con, và rồi phải đau đớn vì bị sảy thai sau đó. Tim tôi đau thắt vì đã nghĩ rằng mình không thể mang đến cho Mollie một đứa em nào nữa. Mỗi lần mang thai tôi cũng không biết phải nói sao với bé Mollie, vì bạn biết đấy, tôi sợ cái thai này rồi sẽ mất đi”.

Cô là một trong 38 phụ nữ tuổi từ 18 đến 42, nhận lời tham gia cuộc thí nghiệm, được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc trường đại học Warwick và trường đại học Hospitals Coventry thuộc miền Trung Anh.

Một nửa trong số phụ nữ được ngẫu nhiên cho uống thuốc trị tiểu đường sitagliptin, một nửa còn lại chỉ uống giả dược.

Các bác sĩ nói họ đã chọn những phụ nữ có lịch sử sảy thai tồi tệ nhất tham gia thí nghiệm.

Họ cũng giải thích đã chọn thuốc trị tiểu đường vì tác dụng của loại thuốc này – vốn có thể làm giảm lượng đường trong máu nếu thấy lượng đường này quá cao, tuy nhiên thuốc sẽ không có tác dụng gì cả nếu bệnh nhân có chỉ số đường trong máu bình thường.

Các nhà khoa học nói tác dụng phụ của sitagliptin có thể khiến những tế bào gốc di chuyển từ máu đến các vùng mô bị tổn thương để chữa trị.

Chu kỳ kinh nguyệt thông thường của phụ nữ cũng giống như là một sự gây tổn thương cho niêm mạc tử cung – và người đứng đầu nhóm nghiên cứu, giáo sư Jan Brosens giải thích họ sử dụng sitagliptin để đưa một lượng lớn tế bào gốc đi vào niêm mạc tử cung. Ông nói: 

“Một thời gian trước chúng tôi phát hiện rằng vào thời điểm thụ thai, sẽ xuất hiện những tế bào đặc biệt xung quanh phôi thai, những tế bào đó có nhiệm vụ cảm hiểu phôi thai. Có nghĩa rằng các tế bào đặc biệt này được sinh ra để nếu phôi thai đó khoẻ mạnh thì chúng sẽ giúp đỡ tiếp để phôi phát triển, còn nếu phôi thai đó yếu ớt chúng sẽ góp phần loại bỏ. Chúng tôi phát hiện rằng loại tế bào này đã bị khiếm khuyết trong cơ thể những phụ nữ bị sảy thai nhiều lần, cũng như sự khiếm khuyết này xảy ra là do niêm mạc tử cung bị mất nhiều tế bào gốc. Vì vậy, thí nghiệm lâm sàng này được thành lập để kiểm tra xem liệu chúng tôi có thể dùng một loại thuốc nào đó để tăng số lượng tế bào gốc trong niêm mạc tử cung lên không, và cải thiện chất lượng niêm mạc tử cung vào thời điểm thụ thai”.

Ông nói mục đích của nghiên cứu này là tìm cách tăng số lượng tế bào gốc – tuy nhiên tác dụng phụ của thuốc đã giúp tăng thêm cơ hội mang thai thành công đến lúc sinh nở cho những người mẹ có tiền sử sảy thai.

“Thí nghiệm lâm sàng này không dự định thiết kế để đo lường sự sảy thai đã được giảm bớt như thế nào, mặc dù các bệnh nhân được chữa trị bằng thuốc sitagliptin, đã có kết quả thật khả quan trong lần mang thai tiếp theo của họ. Thí nghiệm chủ yếu được lập ra để xem liệu chúng tôi có thể đạt được hiệu quả mà chúng tôi mong muốn, như đã nói ở trên không. Dĩ nhiên, bước tiếp theo là phải thực hiện thí nghiệm này một cách rộng rãi để kiểm tra hiệu quả của thuốc, liệu có giúp ngăn chặn được những ca sảy thai trong tương lai ở phụ nữ có tiền sử sảy thai không”.      

Mặc dù kết quả đầy hứa hẹn, nhưng bác sĩ sản khoa, giáo sư Siobhan Quenby nói số lượng mẫu thí nghiệm quá nhỏ.

Bà nói bước tiếp theo là thực hiện thí nghiệm trên phạm vi rộng lớn hơn để xem liệu hiệu quả do thuốc sitagliptin mang lại có thật sự ngăn chặn được những ca sảy thai trong tương lai hay không.

“Trong số những bệnh nhân được cho uống sitagliptin, có ba trường hợp sau đó bị sảy thai. Tuy nhiên với những bệnh nhân dùng giả dược, có đến 6 người bị sảy thai. Điều này cho thấy khả năng sitagliptin có thể ngăn chặn sự sảy thai. Nhưng dĩ nhiên con số bệnh nhân tham gia thí nghiệm quá ít, nên chúng tôi không chắc chắn. Phức tạp hơn, trong nhóm được uống thuốc sitagliptin, có 9 trường hợp sinh con thành công, nhưng đối với nhóm chỉ uống giả dược, cũng có kết quả 7 phụ nữ mang thai và sinh con thành công. Vì vậy, chúng tôi chưa thể nói sitagliptin đã tăng thêm cơ hội có con cho bạn được. Để kết luận được như vậy, chúng tôi phải làm thí nghiệm trên hàng trăm phụ nữ, chứ không chỉ có 10 người”.

Tuy nhiên cô Claire Hewer cho rằng cô không thể có một gia đình trọn vẹn nếu không tham gia cuộc thí nghiệm này.

Cô nói điều bất ngờ tuyệt vời khi biết tin mang thai Dexter vẫn còn đọng mãi trong cô.

“Cuối cùng, tôi đã thả lỏng hơn khi vượt qua 30 tuần, và cậu bé chào đời ở tuần thứ 37, khoẻ mạnh và xinh đẹp”.

Vẫn chưa biết liệu thí nghiệm này có nhận được tài trợ thêm nữa để có thể thực hiện trên một phạm vi rộng hơn không.

Share