Thủ hiến NSW tiên đoán tháng 10 rất tệ nhưng đến cuối năm tình hình sẽ khá hơn

News

NSW Premier Gladys Berejiklian during a COVID-19 update in Sydney, Monday, August 30, 2021 Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Công đoàn đại diện cho các y tá ở NSW đang cảnh báo hệ thống bệnh viện có nguy cơ quá tải. Tiểu bang ghi nhận 1,164 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nhưng Thủ hiến tin tưởng có thể mở cửa trước Giáng Sinh. Trong khi đó Thủ hiến Victoria sẽ không cho tựu trường vào ngày mai, còn ACT thì gia hạn phong tỏa cho đến 17/9.


Thủ hiến New South Wales đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là cho phép đoàn tụ gia đình giữa các tiểu bang và quốc tế vào dịp Giáng sinh.

Tiểu bang đã ghi nhận 1.164 ca nhiễm mới tại địa phương trong 24 giờ qua. Có thêm ba trường hợp tử vong - một phụ nữ khoảng 50 tuổi; một người đàn ông ở độ tuổi 80; và một người đàn ông ở tuổi 90.

Sau khi gửi lời chia buồn đến gia đình những người đã mất, Thủ hiến Gladys Berejiklian nói bà hy vọng một môi trường an toàn hơn nhiều vào cuối năm nay.

"Chúng tôi muốn thấy người Úc đoàn tụ với gia đình vào dịp Giáng sinh. Mục tiêu và ước mơ tuyệt đối của tôi là mọi người Úc đều có thể về nhà vào dịp Giáng sinh, cho dù đó là người Úc ở Úc hay người Úc ở nước ngoài trở về nhà. Đó là khi chúng ta đạt được mức tiêm chủng 80% cho hai liều. New South Wales sẽ tiếp tục những gì chúng ta đã làm, chia sẻ gánh nặng nhiều hơn trong việc đoàn tụ các gia đình, có cách tiếp cận nhân ái, chấp nhận chúng ta đều là người Úc."

Bà Berejiklian nói điều quan trọng hơn là số người phải nhập viện, bao gồm cả số người được điều trị trong khu chăm sóc đặc biệt. Bà nói tình trạng khẩn cấp COVID sẽ còn tồi tệ hơn.

"Tháng 10 có thể là tháng tồi tệ nhất của chúng ta khi nói đến áp lực hệ thống y tế phải chịu đựng và đó là lý do tại sao chúng tôi đang chuẩn bị cho điều đó. Chúng tôi đã cầm cự gần hai năm. Tôi có thể nói lại rằng, hệ thống bệnh viện của chúng ta đang chịu nhiều áp lực."

"Chúng ta cần làm mọi thứ khác đi? Tất nhiên, chúng ta sẽ làm. Tất nhiên, chúng ta có cần quản lý mọi thứ theo cách khác khi ở giữa một đại dịch. Chúng ta sẽ tiếp tục đương đầu chứ? Tất nhiên, chúng ta sẽ. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là ngay cả sau khi bạn tiêm hai liều đến 80%, chúng ta sẽ gặp nhiều ca nhiễm hơn, nhưng nếu phần lớn dân số của chúng ta được tiêm phòng, phần lớn các trường hợp đó sẽ không cần phải vào bệnh viện."

Nhưng Hiệp hội Y tá và Hộ sinh New South Wales cho biết các y tá không nhận được đủ sự hỗ trợ, họ mệt mỏi và kiệt sức. Tổng thư ký Brett Holmes nói rằng các y tá đã được tu nghiệp chuyên khoa hồi năm ngoái về chăm sóc đặc biệt bây giờ phải được triển khai.

"Lời kêu gọi của chúng tôi với chính phủ là đưa những người đã được nâng cao tay nghề vào năm ngoái để có thể sử dụng 2,000 máy thở đang họ có sẵn, đưa họ đến các khu vực chăm sóc đặc biệt đang làm việc quá sức của chúng tôi."

Úc hiện đã ghi nhận 1003 ca tử vong do coronavirus kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Trong khi đó tất cả người Úc từ 16 đến 39 tuổi hiện đã chính thức đủ điều kiện làm hẹn để được chích ngừa vắc xin Pfizer. Nhóm tuổi này có 8,6 triệu người.

Nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế tiểu bang Victoria, Martin Foley cho biết việc tìm vắc xin Pfizer là rất khó. SBS News đã sử dụng công cụ của chính phủ để thử đặt hẹn thì sớm nhất cũng phải đến giữa tháng 11. Ông Martin Foley đổ lỗi cho việc thiếu nguồn cung cấp Pfizer.

"Tất cả các nhóm ưu tiên, nếu chúng ta nhớ lại khi 1a, 1b bắt đầu được tiêm chủng vào đầu trong, dự trù sẽ hoàn thành vào tháng 10. Nhưng rõ ràng, điều đó sẽ không xảy ra. Những hạn chế đã và đang tiếp tục xoay quanh nguồn cung không đủ. Bạn không thể phân phối những gì bạn không có."

Bộ trưởng Y tế New South Wales, Brad Hazzard, cũng chỉ ra việc thiếu Pfizer ở Úc.

"Pfizer thực sự không có nguồn cung dồi dào. AstraZeneca thì có. Thủ tướng đã chích nó, tôi cũng đã chích, Dr Chant đã chích. AstraZeneca là một loại vắc-xin hoàn toàn tốt, nó đã được sử dụng trên toàn thế giới và lời khuyên mạnh mẽ của tôi khi chúng ta đang ở trong một đợt bùng phát của vi rút như chúng ta có vào lúc này, là hãy tiêm bất cứ loại vắc xin nào mà bạn có thể tiêm được."

"Cả hai đều là loại vắc xin rất, rất tốt. Nhưng đối với những người vì lý do nào đó thích Pfizer hơn, thì họ sẽ phải đợi, nhưng lời khuyên của tôi và lời khuyên của nhóm y tế là đừng đợi vì bạn có thể là người tiếp theo phải vào khu chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện, và bạn có thể chết. Vì vậy, hãy tiêm bất cứ loại vắc xin nào có sẵn."

Khoảng 34% người Úc trên 16 tuổi hiện đã được tiêm chủng đầy đủ. Con số này vẫn thấp hơn mức 70 và 80% mà liên bang và hầu hết các tiểu bang và vùng lãnh thổ cho là cần thiết để bắt đầu nới lỏng đáng kể các hạn chế, ngoại trừ Tây Úc và Queensland.


Share