Sức khỏe là Vàng: Tiểu đêm nhiều lần là bệnh gì?

pexels-gustavo-fring-4149044.jpg

Source: Pexels/Gustavo Fring

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Không chỉ bệnh tiểu đường, suy thận hoặc viêm đường tiết niệu mới gây đi tiểu nhiều lần, nhất là vào buổi tối. Một số vấn đề sức khỏe thường bắt đầu từ chứng tiểu đêm, làm sao để chẩn đoán và điều trị sớm?


Tiểu đêm là vấn đề rất thường gặp ở người lớn tuổi. Chứng bệnh này hàng năm làm tiêu tốn của nền kinh tế thế giới hơn 5 tỷ đô.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Khoảng 10-15% người trong độ tuổi 60 mắc chứng tiểu đêm, nhưng người trên 70 tuổi thì có gần 60% mắc chứng tiểu đêm. Trên 80 tuổi thì gần 90% nam giới và khoảng 71% nữ giới bị tiểu đêm.

Triệu chứng

Tiểu đêm là tình trạng phải thức giấc nhiều hơn một lần trong đêm để đi tiểu, khiến giấc ngủ bị gián đoạn.

Người càng lớn tuổi mà bị thức giấc giữa đêm thì càng khó ngủ lại. Vì thế người lớn tiểu đêm thường bị mất ngủ kinh niên, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống.

Tiểu đêm gây thiếu ngủ, mệt mỏi, giảm tập trung, thay đổi tâm trạng, giảm chất lượng cuộc sống. Mất ngủ do tiểu đêm nhiều lần cũng là một nguyên nhân gây khó kiểm soát các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường... tăng nguy cơ té ngã, đột quỵ ở người cao tuổi.

Nguyên nhân và điều trị

Không ít người nghĩ rằng tiểu đêm, tiểu nhiều lần là do bệnh thận, hay “thận suy”. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiểu tiện ở mọi lứa tuổi, có thể được chia thành 4 nhóm chính.

Ở nhóm đầu tiên, bệnh phì đại tuyến tiền liệt và các vấn đề tiết niệu có thể làm cho bàng quang suy yếu, giữ nước tiểu kém, từ đó gia tăng tình trạng tiểu đêm.

Phì đại tuyến tiền liệt là nguyên nhân gây tiểu đêm thường gặp. Bệnh ảnh hưởng tới 50% nam giới trong độ tuổi 51 – 60. Tỷ lệ này tăng đến 90% ở người bệnh trên 80 tuổi.

Phụ nữ mãn kinh có thể gặp tắc tình trạng tắc nghẽn lối ra bàng quang hoặc bàng quang bị thòng xuống do các cơ suy yếu, khiến người bệnh mắc đi tiểu nhiều lần. Bệnh có thể được điều trị bằng kem thoa có chứa estrogen.

Những người bị táo bón mãn tính, phân chèn ép bàng quang cũng gây ra tình trạng tiểu nhiều lần.

Nhóm thứ hai là tiểu đêm do cơ thể sản xuất lượng nước tiểu quá nhiều nên phải đi tiểu nhiều lần. Nhóm này bao gồm hai nguyên nhân. Một là do những chứng bệnh như tiểu đường, hội chứng do tuyến yên không tạo ra đủ hormone để làm cô đặc nước tiểu. Hai là do thói quen uống nhiều nước vào buổi tối, nhất là trước khi đi ngủ. Một số người uống nhiều rượu bia, trà, cà phê vào buổi tối thường bị tiểu đêm vì các thức uống này có chất lợi tiểu. Chất caffeine trong thức uống còn gây mất ngủ, do đó người bệnh phải thức giấc đi tiểu nhiều lần. Để khắc phục tình trạng này, người bệnh cần thay đổi lối sống, hạn chế rượu bia và chất kích thích, không uống nhiều nước từ 6 giờ tối.

Tình trạng 'ngưng thở khi ngủ' dẫn đến hàm lượng oxygen trong phổi giảm xuống khiến cơ thể tiết ra hormone làm đào thải nước tiểu, điều này làm tăng số lần đi tiểu đêm. Việc điều trị dùng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) có thể được chỉ định để điều trị, giúp cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ và giảm tình trạng tiểu đêm.

Một nguyên nhân khác là do tim, thận làm việc không hiệu quả, khiến cơ thể giữ nhiều nước. Ban ngày lượng nước này dồn xuống chân khi chúng ta đi đứng và ban đêm khi nằm xuống thì nước từ chân trở về các mạch máu và đi vào thận, làm tăng tiểu đêm. Tình trạng này có thể được khắc phục bằng cách mang vớ bó sát để nước không dồn nhiều về chân, đồng thời gác chân lên cao nằm nghỉ khoảng nửa tiếng vào buổi chiều để giảm lượng nước dồn về chân.

Những người được điều trị bằng một số loại thuốc như thuốc an thần vốn rất lợi tiểu, thì nên uống thuốc vào buổi sáng hoặc trưa để tránh tình trạng tiểu đêm.

Ngoài ra, một số người có thói quen thức giấc vào một giờ nhất định và đi tiểu vào ban đêm, hoặc những người bị hội chứng chân không yên (bệnh Willis-Ekbom, liên quan đến rối loạn thần kinh) thường khó nằm yên, khó ngủ ngon giấc, nhiều lần thức dậy đi tiểu vào ban đêm. Người bệnh cần được điều trị giảm triệu chứng của bệnh lý thần kinh để có giấc ngủ ngon, từ đó khắc phục chứng tiểu đêm.

Để theo dõi điều trị, người bệnh cần lưu ý xem vấn đề bắt đầu từ khi nào, số lượng nước uống trong ngày, số lần đi tiểu trong đêm, lượng nước tiểu mỗi lần... Việc bệnh nhân ghi chép cụ thể các thông tin trên sẽ giúp ích rất nhiều trong việc khám và điều trị bệnh hiệu quả.

Mời quý vị bấm vào phần Audio để nghe Bác sĩ Michael Dũng Cao trình bày chi tiết về các vấn đề gây tiểu đêm và cách điều trị hiệu quả.

Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share