Sự bất bình đẳng giới trong việc trả lương ảnh hưởng đến tương lai lâu dài của nữ giới

Wage Inequality

Two piggybanks, male and female with the male in the foreground symbolising a gap in wages for men and women. Source: Getty

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

"Sự chênh lệch lương theo giới có tác động đáng kể đến sự bảo đảm tài chính của phụ nữ. Không chỉ chênh lệch về lương mà sau đó sẽ thành chênh lệch về hưu bổng, có nghĩa là khi phụ nữ muốn nghỉ hưu, họ sẽ có tiền hưu bổng ít hơn nam giới."


Là nữ CEO đầu tiên của Super Aware, một trong những quỹ hưu bổng lớn nhất của Úc, bà Deanne Stewart cho biết bà nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải giải quyết sự chênh lệnh lương theo giới của Úc.

Bà Stewart cho biết quỹ của bà quản lý 125 tỷ đô la cho 1,1 triệu thành viên chủ yếu là trong khu vực công - trong đó 2/3 là nữ.

“Sự chênh lệch lương theo giới có tác động đáng kể đến sự bảo đảm tài chính của phụ nữ. Nhưng điều đó không chỉ xảy ra hôm nay, mà còn có tác động lớn đến tương lai của họ. Không chỉ chênh lệch về lương mà sau đó sẽ thành chênh lệch về hưu bổng, có nghĩa là khi phụ nữ muốn nghỉ hưu, họ sẽ có tiền hưu bổng ít hơn 50% so với nam giới.”

Sự chênh lệch trong việc trả lương theo giới trên toàn quốc chỉ được cải thiện một chút trong bốn thập kỷ qua.

Cơ quan Bình đẳng giới nơi làm việc cho biết sự chênh lệch 22,8% có nghĩa là phụ nữ thường kiếm được ít hơn nam giới khoảng 25.000 đô la một năm.

Trong bảy năm qua, Úc đã giảm thứ hạng từ 14 xuống hạng 70 xét về mức độ tham gia kinh tế của phụ nữ trong chỉ số chênh lệch giới tính toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, mặc dù nước Úc xếp hạng nhất về trình độ học vấn của phụ nữ.

Và kết quả của một cuộc khảo sát gần đây do Quỹ hưu bổng Super Aware ủy quyền cung cấp giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lý do tại sao.

Hơn 1.500 người đã được khảo sát vào tháng một và tháng hai vừa qua nhằm xác định cách các công ty đang thực hiện chính sách bình đẳng trả lương theo giới.

Một phần ba trong số những người được khảo sát cho biết tổ chức mà họ đang làm việc không có chính sách trả công bằng giới; và 44% tiếp theo không biết liệu tổ chức của họ có chính sách như vậy hay không.

Bà Stewart nói rằng những con số đó thật đáng kinh ngạc.

“Thật lòng mà nói tôi nghĩ rằng nó bắt đầu bằng sự minh bạch. Các nhà tuyển dụng phải công bố chính sách trả lương theo giới và sự chênh lệch trong việc trả lương theo, và họ cũng cần công bố tỷ lệ phụ nữ ở cấp quản lý điều hành. Bởi vì tôi nghĩ rằng sự minh bạch phải bắt đầu từ đó. Từ đó phải cho biết các chính sách của họ là gì và họ đang tìm cách thực sự thu hẹp khoảng cách đó như thế nào? Và cuối cùng, điều mọi người muốn là các nhà tuyển dụng phải thu hẹp khoảng cách và tiến đến việc xoá bỏ khoảng cách.”

Bà Wil Stracke, Thư ký trợ lý tại Tổ chức Thương mại Victoria, cho biết sẽ có những hệ quả khi phụ nữ phải ở trong tình trạng tài chính kém hơn nam giới.

“Chúng tôi đã chứng kiến có đến 60% phụ nữ đi làm đã từng trải qua một số hình thức bạo hành giới tại nơi làm việc. Chúng tôi biết rằng có 1/5 người đã rời bỏ công việc vì họ không cảm thấy an toàn. Chúng tôi biết rằng quấy rối tình dục là một dịch bệnh. Chúng tôi biết rằng các hệ thống và cơ cấu đang có hiện nay không hoạt động theo cách để giải quyết điều đó. Và chúng tôi biết rằng các doanh nghiệp đang không coi trọng những chuyện này. Còn cả một chặng đường dài phía trước, trước khi chúng tôi có thể nói rằng bất kỳ điều nào trong số đó đã được giải quyết.”

Sự thiên vị đối với nam giới trong việc trả lương xảy ra ở mọi lĩnh vực. Cơ quan bình đẳng giới tại nơi làm việc nhận thấy phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch, nguyên nhân là do khoảng 60% nhân viên tuyến đầu - như giáo viên, y tá, nhân viên bán hàng - là nữ giới.

Bà Stracke nói rằng những vai trò này cần được đánh giá lại; và phải có luật được ban hành trên toàn quốc để bắt buộc người sử dụng lao động ban hành các chính sách bình đẳng giới tại nơi làm việc, tương tự như Đạo luật Bình đẳng Giới năm 2020 của Victoria.

Đối với những phụ nữ Afghanistan mới đến Úc, chuyện tìm được một công việc là vô cùng khó khăn.

Đó là tình huống mà Maryam Zahid gặp phải vào năm 15 tuổi khi cô chạy trốn khỏi chiến tranh ở Afghanistan để đến Úc.

Từ trải nghiệm đó, cô thành lập một tổ chức cách đây 4 năm ở Sydney để hỗ trợ phụ nữ và những gia đình đã từng trải qua chiến tranh và bị sang chấn.

“Chiến tranh đã để lại một vết thương lớn trong trái tim và trong ký ức của bạn. Và vết thương đó sẽ nằm đó mãi mãi. Đối với tôi, khi lần đầu tiên đến Úc, điều đầu tiên tôi nhận ra rằng ít nhất là tôi không còn phải phụ thuộc vào người giám hộ là nam giới; tôi có thể là một phụ nữ và là một con người. Nhưng một lần nữa, chúng tôi ở đây cũng có những thách thức riêng trong một xã hội hiện đại. Công việc hàng ngày của tôi là làm việc với các nạn nhân của bạo lực gia đình. Và tôi cũng biết bạo lực gia đình đang diễn ra ở đây nhiều như thế nào, dưới những dạng và hình thức khác nhau.”

Vào tháng 12, nhóm đã bắt đầu hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận SisterWorks của tiểu bang Victoria để giúp phụ nữ tị nạn và di dân tìm việc làm.

Cô Zahid nói rằng cô thật ấm lòng khi nhận được nhiều phản hồi.

“Có nhiều phụ nữ Afghanistan rất có đầu óc kinh doanh. Họ có rất nhiều cách tiếp cận theo tầm nhìn và sứ mệnh của họ. Nhưng hệ thống này không có nhiều cơ hội cho họ. Bởi vì rất nhiều người luôn bị đặt dưới danh nghĩa là người tị nạn; và bị đẩy sang tài trợ Centrelink. Thực sự không có nhiều cách giải quyết nhu cầu của họ theo một cách cụ thể hơn.”

Đối với Ness Gavanzo, người từ Philippines đến Úc vào năm 2012, hiện đang là chủ tịch hội Gabriela Australia. Từ năm 2018, cô đã vận động để thay đổi các điều khoản về bạo lực gia đình để đưa cả những người có visa tạm thời chuyển sang visa thường trú mà không cần người bảo lãnh nếu người đó là người bạo hành.

Trong thời gian xảy ra đại dịch, việc thiếu hỗ trợ đồng nghĩa với việc những phụ nữ di dân nạn nhân của bạo lực gia đình buộc phải sống với người bạn đời bạo hành để có thị thực hợp lệ nếu không muốn bị trục xuất.

“Trong thời gian xảy ra đại dịch, chúng tôi đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ phụ nữ nói rằng họ không biết sẽ phải làm gì. Một số phải quay lại với người bạn đời bạo hành vì họ không thể tiếp cận dịch vụ hỗ trợ nào.”

Sự chênh lệch theo giới trong thu nhập trung bình của nhân viên toàn thời gian ở Úc là 12,3%, thấp hơn mức trung bình của Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế là 11,6%, theo số liệu năm 2020.

Với chủ đề của Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2022 "chất lượng giới hôm nay vì ngày mai bền vững", bà Gavanzo nói rằng bất kỳ cơ hội nào cho sự tiến bộ có nghĩa là mọi người, ở mọi nơi, đều phải sát cánh cùng nhau.

“Tình chị em nghĩa là sự đoàn kết quốc tế. Chúng ta không thể sống hạnh phúc ở Úc mà không nhìn sang những người phụ nữ ở những nơi khác trên thế giới.”


Share