Du học ở Úc (166) Không kinh nghiệm, xin việc bắt đầu từ đâu? (phần 2)

vietnamese

New starter, what qualities would you bring to the company? Source: Pixabay/SBS Vietnamese

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Bạn mới ra trường không có nghĩa là bạn không có kinh nghiệm. Thực ra, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, chỉ khác nhau ở kẻ sớm người muộn. Và kinh nghiệm đó có phù hợp với nhu cầu của bạn đang hướng đến hay không.


Lầm tưởng về kinh nghiệm

Nhắc đến kinh nghiệm, nhiều bạn nghĩ rằng kinh nghiệm là thứ gì đó phải thật to tát, phải từ những công ty danh tiếng, hay ít nhất phải làm văn phòng, 8 tiếng/ngày. Vậy nếu cho rằng bạn chưa từng kinh qua những điều vừa kể thì bạn hoàn toàn không có kinh nghiệm gì là đã không đúng.

Những người đang có công việc tốt, họ đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp của mình như thế nào vào thời điểm họ cũng giống bạn như bây giờ?

Kinh nghiệm nằm cả trong những việc bình thường hằng ngày mà các bạn không để ý tới.

Nói một cách dễ hiểu, những dự án bạn làm nhóm, cách bạn quản lý thời gian các bài tập ở lớp, các ý tưởng sáng tạo bạn đưa ra cho bài tập của mình và được giáo viên đánh giá cao, đó là những kinh nghiệm mà bạn đã đạt được.

Liz Ryan - tác giả quyển sách ‘Reinvention Roadmap’ viết trên trang rằng nhiều sinh viên mới ra trường lầm tưởng về những kinh nghiệm đăng trên mục thông tin bởi nhà tuyển dụng.

Khi được hẹn phỏng vấn, các bạn ấy sẽ vô cùng ngỡ ngàng bởi người phỏng vấn chẳng tìm kiếm ở ứng viên điều gì giống với tiêu chí họ đăng trên quảng cáo cả.

Theo bà, có 12 yếu tố then chốt sẽ quyết định bạn có phải là ứng viên tiềm năng nhà tuyển dụng đang tìm kiếm hay không:

  • Hiểu rõ bản thân
  • Biết mình muốn gì trong sự nghiệp
  • Chỉ ra được khoảnh khắc thành công
  • Biết được điểm mạnh của mình
  • Suy nghĩ độc lập
  • Thích giải quyết vấn đề
  • Có hoài bão
  • Là người chủ động
  • Thích học những thứ mới mẻ
  • Là người có mục đích
  • Làm việc nhóm tốt
  • Có trách nhiệm

Những kỹ năng chuyển đổi

Khi bạn đăng ký ứng tuyển cho một công việc gì đó, cho dù bạn còn hạn chế về kinh nghiệm gì hay chưa siêu về chuyên môn, các bạn hãy cứ tự tin bởi nhiều người trong chúng ta vẫn sở hữu những kỹ năng khác để thay thế. Người ta gọi nó là ‘transferable skills’, hay còn được biết đến như những kỹ năng chuyển đổi bạn có được qua việc học, việc chơi, sinh hoạt, tham gia các hoạt động ngoại khóa. Đây là những loại kỹ năng bạn có thể chuyển đổi trong nhiều ngành nghề khác nhau.

Ví dụ bạn có kỹ năng tổ chức và phát triển kế hoạch khi luôn là người lên mọi lịch trình du lịch của nhóm bạn hay gia đình mình. Bạn chắc chắn có khiếu lãnh đạo khi luôn là trưởng nhóm và đại diện trong các buổi thuyết trình. Bạn có kỹ năng tài chính khi luôn giữ ‘hòm chìa khóa chi tiêu’ cho câu lạc bộ mình tham gia.

Tất cả những vai trò đó đều là những kỹ năng cần thiết ở mọi công ty, tổ chức. Do đó, bạn hãy chú ý và phân tích những thứ mình tham gia và tận dụng làm điểm mạnh cho bản thân trở thành ứng viên tiềm năng.

Điểm số và danh tiếng trường học có là yếu tố quyết định?

Theo , câu trả lời là không.

Mới đây, công ty tư vấn nhân lực Korn Ferry Futurestep đã làm cuộc khảo sát với 1500 nhà tuyển dụng cho biết: chỉ có 1% trong số họ coi trọng yếu tố này và hầu như chỉ nghiêng về các ngành liên quan đến kỹ thuật.

Trong số đó, 61% nhà tuyển dụng nói rằng ‘đam mê’ và ‘sự nỗ lực’ là những yếu tố hàng đầu họ tìm kiếm.

3 cách gây ấn tượng tốt đẹp với nhà tuyển dụng

Đừng bỏ lỡ những hội thảo việc làm

Ở những hội thảo việc làm, bạn có cơ hội được gặp gỡ trực tiếp nhiều nhà tuyển dụng.   

Hãy tìm hiểu trước về các nhà tuyển dụng sẽ tham dự hội thảo. Các thông tin chung như lãnh vực của công ty họ là gì, cũng như các chương trình thực tập và vị trí họ đang tuyển dụng.

Sau đó, bạn chuẩn bị một bài giới thiệu 30 giây về bản thân thật ấn tượng bao gồm thông tin cá nhân, chuyên ngành của bạn và lý do vì sao bạn thấy hứng thú làm việc cho công ty của họ.

Chắc chắn, sự chuẩn bị ‘có đầu tư'này sẽ giúp bạn gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng và tăng cơ hội cho bạn nhận được lời mời phỏng vấn.

Kể chuyện đúng cách

Khi bạn đã được mời đến phỏng vấn, bạn cần phải thể hiện -thay vì kể -cho người tuyển dụng biết rằng bạn có đam mê, sự nỗ lực và kỹ năng lãnh đạo.

Dẫn dụ bằng những câu chuyện mà bạn vượt qua được những khó khăn hay thử thách trong quá khứ. Nhấn mạnh những kinh nghiệm từ các hội nhóm, công việc tình nguyện và kinh nghiệm làm việc bạn đã đạt được.

Hãy kể những câu chuyện thật súc tích và chuẩn bị sẵn những câu hỏi nhà tuyển dụng có thể hỏi sau đó.

Đặt câu hỏi

Cuối buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường sẽ yêu cầu nếu bạn muốn câu hỏi gì cho họ. Vào lúc này, bạn hãy cố gắng đặt càng nhiều câu hỏi càng tốt.

Hãy hỏi về tính chất công việc bạn sẽ làm nếu được nhận, hoặc dự án mà các nhân viên hiện tại đang làm.

Bạn không nhất thiết chỉ đặt câu hỏi xoay quanh về vị trí đó mà còn có thể hỏi về công ty, về môi trường làm việc.

Hãy hỏi nhà tuyển dụng vì sao họ yêu thích công việc của họ và những khó khăn họ gặp phải trong đó là gì.

Trong sự kiện diễn đàn sinh viên Quốc tế Queensland lần đầu được tổ chức bởi bộ Thương mại và đầu tư Queensland được nhắc đến tuần trước, đại sứ sinh viên Quốc tế Brisbane Lê Nguyễn Bảo Khánh có đặt câu hỏi về việc các nhà tuyển dụng ở Úc đánh giá thế nào về kinh nghiệm làm việc Quốc tế và kinh nghiệm làm việc ở môi trường bản đị

Tại đó, bà Sandi Xian, đại diện từ công ty KPMG có chia sẻ về quá trình tìm kiếm công việc thời sinh viên xuất phát điểm từ những hoạt động tình nguyện, tận dụng các cơ hội tham giao hoạt động sinh viên cộng đồng để xây dựng mối quan hệ, củng cố ngôn ngữ và kĩ năng thích ứng với môi trường bản địa.

Một trong những đại diện du học sinh bản địa có chia sẻ rằng không chỉ đối với du học sinh Quốc tế mà du học sinh bản địa cũng gặp những khó khăn trong vấn đề việc làm sau tốt nghiệp,một trong những thế mạnh của sinh viên Quốc tế đó là sự linh động và khả năng thích ứng cao với thay đổi.

Điểm tin du học

Sự kiện âm nhạc miễn phí sắp diễn ra của hội du học sinh IVUSM trường Melbourne Uni mang tên IVSUM MUSIC NIGHT 2017 - LỜI YÊU.

Để tiếp nối truyền thống của IVSUM, chương trình IVSUM Music Night 2017 lấy cảm hứng từ tuổi trẻ và tình yêu. Chủ đề này hy vọng sẽ là bản tình ca mùa xuân đầy thơ mộng, là khúc ngân nga về những cảm xúc chưa dám nói.

IVSUM Music Night 2017 hứa hẹn sẽ kết nối và để lại những cảm xúc lắng đọng nhất trong lòng người nghe

Ngày: Thứ 6 - 17/11/2017 | Thời gian: 17:00 - 21:30

Địa điểm: Members Lounge - Union House Ground Floor

Mỗi tuần 1 điều không thể bỏ lỡ ở Úc

Sự kiện xem phim nằm giường ngoài trời ở Sydney, được xem là một trong năm trải nghiệm xem phim tuyệt nhất thế giới.

Sau hai mùa họat động thành công vào tháng 4/2016 và tháng 3&4/2017 ở Parramatta, được sự hướng ứng tích cực, trải nghiệm xem phim nằm giường ngoài trời tiếp tục quay trở lại Sydney phục vụ nhu cầu của mọi người từ 27/10 đến 10/12 tại công viên Mooree Park ở Sydney. Xem: 

Được biết, 1 chiếc giường ó thể chứa tới 3 người. Đây là lựa chọn thư giãn cho các bạn cùng bạn bè và người thân yêu trải nghiệm bộ phim thú vị trên chiếc giường dưới bầu trời đầy sao cùng những món ăn vặt trong mùa xuân ấm áp này. Chúc quý vị sẽ có những trải nghiệm thật trọn vẹn.

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share