Số ca nhiễm mới ở NSW và Victoria tiếp tục giảm

Australian residents returning from India

Australian residents returning from India Source: AAP Image/David Mariuz

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tốc độ lây nhiễm coronavirus ở Úc tiếp tục chậm lại và một số nước bắt đầu nới lỏng lệnh cấm, nhưng WHO cảnh báo các biện pháp giới hạn chỉ mới là một phần của việc kiểm soát đại dịch.


Tổng số ca tử vong vì coronavirus ở Úc hiện là 72 người, trên 6.600 ca nhiễm, và hơn 4.100 người đã bình phục. Lần đầu tiên trong 2 tháng qua, Queensland không ghi nhận ca nhiễm nào.

Victoria chỉ có 1 ca nhiễm mới, nhưng Thủ hiến Daniel Andrews nhắc nhở người dân đừng lơ là.

"Rất nhiều nước cũng áp dụng các biện pháp như của chúng ta. Nhưng họ nới lỏng, thế là virút chạy mất, cho nên sau đó phải siết chặt các biện pháp đóng cửa thêm nữa. Tôi không bao giờ nói các biện pháp giới hạn là thoải mái. Nhưng các biện pháp đó đang có hiệu quả."

Tại New South Wwales có thêm 6 ca nhiễm mới, nâng tổng số trong tiểu bang này là 2.963 ca nhiễm và 30 ca tử vong.

Thủ hiến Gladys Berejiklian khuyên tất cả những ai có các triệu chứng hãy đi làm xét nghiệm.

"Các con số hôm cuối tuần khả quan vì chỉ ghi nhận có 6 ca nhiễm mới. Chúng tôi muốn khuyến khích mọi người, ai có triệu chứng, nhất là những người có nhiều nguy cơ, hãy cho biết để được xét nghiệm."

Chính phủ liên bang tiếp tục thuyết phục công chúng sử dụng ứng dụng giúp phát hiện các ca nhiễm, nhưng một số nơi lo ngại ứng dụng này có thể truy ra vị trí của người sử dụng, cũng như chính phủ có thể để cho các cơ quan công lực sử dụng.

Chính phủ nói mục đích của ứng dụng là để phát hiện trường hợp người nhiễm coronavirus tiếp xúc với người khác. Một số chính trị gia không chịu tham gia như là cựu Phó Thủ tướng Barnaby Joyce, hay là dân biểi Đảng Quốc gia Llew O'Brien.

Ứng dụng này không bắt buộc nhưng chính phủ cho biết càng nhiều người sử dụng thì nó càng hiệu quả.

Bộ trưởng Dịch vụ Chính phủ Stuart Robert quả quyết ứng dụng này sẽ giúp cuộc sống người dân Úc sớm trở lại bình thường.

"Nó chỉ được sử dụng cho y tế và chỉ để bảo vệ các bạn. Nó sẽ giúp rút ngắn thời gian áp dụng các biện pháp giới hạn vì coronavirus để giúp chúng ta quay lại bình thường sớm hơn."
Các chuyến bay thuê của Lion Air chở công dân Úc kẹt ở Ấn Độ đã hạ cánh xuống Adelaide hôm qua và hôm nay.

Chỉ huy trưởng Cảnh sát Nam Úc Grant Stevens cho biết, tất cả bắt buộc phải cách ly 14 ngày trong khách sạn, để được xét nghiệm và theo dõi.

"Những người cung cấp thức ăn và vật dụng cần thiết khác sẽ mặc quần áo bảo hộ để tránh tiếp xúc và những người mới về sẽ phải ở trong phòng."

Hiệp hội Y khoa Úc (AMA) kiến nghị với liên bang các bước để bắt đầu lại các ca giải phẫu không cấp bách.

Tất cả các ca loại 3 và phần lớn loại 2 đã tạm ngưng từ tháng trước nay sẽ được Nội các Khẩn cấp xem xét.

Chủ tịch AMA Dr Tony Bartone nói các bác sĩ nên được phép quyết định ca mổ nào có thể tiến hành được.

Các nước bắt đầu nới lỏng biện pháp đóng cửa

Trong khi số ca tử vong trên thế giới vì coronavirus đã vượt con số 170,000 nhưng các nước như New Zealand, Đan Mạch và Đức bắt đầu nới lỏng các biện pháp giới hạn.

Tổng thống Donald Trum của Mỹ thúc giục các tiểu bang làm tương tự.

Tuy nhiên Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Dr Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh cáo các biện pháp cách ly xã hội chỉ mới là một phần của việc kiểm soát đại dịch.

"Biện pháp đóng cửa chỉ giúp dịch không bùng phát mạnh nhưng không tiêu diệt được nó. Các nước cần phải có thể phát hiện, xét nghiệm, cách ly và điều trị cho từng bệnh nhân, cũng như truy tìm tất cả những ai đã đến gần. Hãy tin tôi, chúng ta chưa đến hồi xấu nhất đâu."

Chính phủ Đức bắt đầu nới lỏng các biện pháp cho phép một số cửa hàng mở cửa trở lại, nhưng Thủ tướng Angela Merkel nói vẫn chưa đến lúc để có thể mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế.  

"Nếu chúng ta hủy bỏ các giới hạn bây giờ chúng ta không biết hậu quả sẽ như thế nào. Vì vậy chúng ta cần phải làm chậm rãi và cẩn thận."

Với dân số 83 triệu Đức có 150.000 ca nhiễm, nhưng chưa tới 5,000 người chết.

Nặng nhất ở Âu Châu là Ý với hơn 24,000 người chết, chỉ sau có Hoa Kỳ hiện là 40,000 ca tử vong.

Tuy nhiên sau 2 tháng coronavirus bùng phát, lần đầu tiên số ca nhiễm ở Ý đã giảm như trưởng ban y tế Angelo Borelli cho biết.

“Bắt đầu là tổng số ca nhiễm tính đến nay là 181,228 tuy có tăng 2.256 so với ngày hôm qua, nhưng trong số 108.237 người vẫn đang dương tính với coronavirus thì đã bớt đi được 20 người."

Các tiểu bang ở Mỹ, nơi có gần 800,000 ca nhiễm, chỉ trích liên bang không hỗ trợ để làm xét nghiệm cho công chúng.

Thống đốc Maryland của Đảng Cộng Hòa, Larry Hogan cho biết ông phải mua dụng cụ xét nghiệm của Nam Hàn. Nhưng Tổng thống Trump quả quyết liên bang đủ điều kiện để hỗ trợ các tiểu bang.

"Hàng trăm phòng thí nghiệm đã sẵn sàng nhưng một số thống đốc như thống đốc Maryland không hiểu gì cả. Ông ta không biết chuyện gì đang xảy ra. Rất đơn giản là chúng tôi có thể giúp ông ấy. Chúng tôi có khả năng hỗ trợ và sẽ làm việc với các thống đốc khác nữa."

Trong khi đó Thủ tướng Canada Justin Trudeau là người mới nhất góp tiếng yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập về cách thức Trung Quốc kiểm soát đại dịch coronavirus.

"Tôi nghĩ rất quan trọng nếu chúng ta hiểu được chính xác chuyện gì đã xảy ra và chất vấn tất cả các nước, kể cả Trung Quốc. Đây là chuyện chúng ta cần phải làm."

Đã có gần 2 triệu rưỡi người tại trên 185 quốc gia bị nhiễm coronavirus, với hơn 170,000 người thiệt mạng, và gần 650,000 người bình phục.
Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.

Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy gọi cho bác sĩ của bạn (đừng đến phòng mạch) hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.

Nếu bạn đang khó nhọc để thở hoặc trải qua một trường hợp khẩn cấp y tế, hãy gọi 000.

SBS tận lực mang đến tin tức cập nhật giúp bạn nắm bắt thông tin những diễn biến mới nhất của COVID-19 bằng tiếng Việt, xem tại: 

 

 


Share