Sinh thái đông bộ Úc châu có thể sẽ thay đổi vì cháy rừng

Australian Fauna

Chuột chân dài và vẹt lông đen có nguy cơ bị tuyệt chủng sau cháy rừng Source: GETTY/SA GOV/GOFUNDME

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Các chuyên gia cảnh báo tác hại của cháy rừng đối với động thực vật ở Úc có thể kéo dài trong nhiều chục năm trời.


Ban đầu các chuyên gia ước đoán có nửa triệu động vật đã bị chết cháy, nhưng nay người ta tin rằng con số đó trên thực tế có thể gấp đôi.

Các loài thú lớn và di chuyển chậm chạp như gấu koalas bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi các loài có dân số thấp có nguy cơ biến mất khỏi mặt đất luôn.

Ví dụ như chuột chân dài, vẹt lông đen và trăn kim cương có nguy cơ bị tuyệt chủng sau đợt cháy rừng năm nay.

Giáo sư Darryl Jones, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Môi sinh Tương lai thuộc đại học Griffith University, nói tác hại của cháy rừng năm nay chưa từng xảy ra.

"Những người quan tâm đến môi trường sinh thái như tôi cứ tự hỏi rồi chuyện gì sẽ xảy ra? Chúng ta không biết. Tôi nghĩ cũng không quá đáng nếu nói rằng ít ra bộ mặt của miền đông Úc châu có thể sẽ thay đổi."

Vì cháy rừng lan quá nhanh cho nên nhiều con thú không thể chạy thoát. Con nào sống sót thì cũng nhanh chóng bị chết đói, chết vì bị thương, hoặc dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho những con thú khác.

Giáo sư Jones nói chúng ta cần tiếp tế thực phẩm cho thú rừng, ví dụ như ngũ cốc, thức ăn gia súc, hoặc đâu đông lạnh – nhưng ông khuyên đừng cho thú ăn bánh mì, thịt băm, hoặc những thức ăn có muối có đường.

Và mọi người cần kiên nhẫn vì rừng cần có thời gian để hồi phục, Giáo sư Jones nói.

"Những khu rừng rộng lớn cần thời gian để hồi sinh. Sẽ mất rất lâu. Nhưng có lẽ khi đó chúng sẽ rất khác so với trước khi bị cháy."

"Thiên nhiên luôn không ngừng biến hóa. Thiên nhiên đã bắt đầu chuẩn bị cho tương lai. Trời đã bắt đầu mưa, chất dinh dưỡng sẽ quay lại trong đất một khi các đám cháy không còn nữa."

"Ví dụ cây khuynh diệp ở Úc đã quen với cháy rừng từ lâu, chúng sẽ mọc lên trở lại khắp nơi, sẵn sàng cho những con thú sống nhờ vào chúng," Giáo sư Jones giải thích.

Tiến sĩ Andrew Peters giảng dạy môn thú y tại đại học Charles Sturt University, nói chúng ta chưa biết hết mức độ ảnh hưởng cho động vật hoang dã.

Ông nói không chỉ vô số bị chết cháy, mà còn nhiều con bị phỏng và bị ngạt khói, cũng như bị đói. Những áp lực đó làm cho tính nết của chúng thay đổi, Tiến sĩ Peters nói. 

"Rừng ở Úc rất bền bỉ nhưng vào lúc này đang chịu quá nhiều áp lực. Chúng ta cần phải giúp giảm thiểu áp lực để chúng có thể tái sinh. Đặc biệt là động vật hoang dã."

"Động vật có thể hồi phục dân số, nhưng trước những áp lực liên tiếp và nhiều tác động khác nữa, chúng ta có thể mất luôn các hệ sinh thái và một loạt các loài."

Tiến sĩ Stuart Blanch quản lý các dự án phục hồi đất cho Quỹ Bảo Vệ Thú Hoang Dã ở Úc báo động rằng các thú y và nhân viên chăm sóc thú rừng đang chịu rất nhiều áp lực cần được hỗ trợ.

Nhưng theo ông, chúng ta cần phải tìm hiểu thêm những yếu tố môi sinh gây ra cháy rừng.

"Chúng ta cần có chiến lược quốc gia và ngân quỹ để bảo vệ và hồi phục thú hoang, hồi sinh rừng sau các trận cháy rừng, mà để làm vậy chúng ta cần có sự lãnh đạo ở cấp liên bang."

"Có 2 chuyện chính chúng ta cần làm đó là trồng thêm cây. Quỹ Bảo Vệ Thú Hoang Dã có kế hoạch từ nay đến năm 2030 trồng và bảo vệ 2 triệu cây trên khắp nước Úc."

"Thứ đến rất quan trọng là chúng ta phải xúc tiến chuyển từ thời đại của than đá sang thời đại của năng lượng tái tạo."

 


Share