Chích ngừa không phải chuyện đùa ở Úc

No Jab No Pay in Australia

No Jab No Pay in Australia Source: CC0 Public Domain

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Một thực tế khó tin là số người Úc có chích ngừa đầy đủ dưới mức yêu cầu, và chính phủ Úc đang dùng nhiều phương cách khác nhau để nâng mức độ này lên.


Bạn đã cho cả gia đình chủng ngừa đầy đủ chưa?

Khi một người được miễn nhiễm, thì việc này không chỉ mang lại lợi ích cho người đó thôi, mà còn cho tất cả mọi người.

Giới hữu trách y tế hiện đề ra mục tiêu giúp cho cả cộng đồng được miễn nhiễm, vì một khi có đủ số người được miễn nhiễm khỏi một căn bệnh, thì căn bệnh đó sẽ không thể lan truyền đến những người khác.

Tuy nhiên mức độ người Úc có khả năng miễn nhiễm đang ở dưới mức đòi hỏi để cả cộng đồng được miễn nhiễm.

Và nay chính phủ Úc đã cung ứng ngân khoản cho các cơ quan y tế, nhằm đẩy mạnh thêm mức độ bao trùm về miễn nhiễm trên toàn quốc.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho hay các chứng bệnh có thể được loại trừ ở những quốc gia mà mức miễn nhiễm của cộng đồng đạt tới trên 95 phần trăm.

Sở đăng bộ chủng ngừa trẻ con ở Úc cho thấy hiện có 93 phần trăm trẻ con đã được chủng nghừa đầy đủ.

Mức chủng ngừa khác biệt trong các tiểu bang và lãnh thổ, với lãnh thổ ACT là cộng đồng có mức miễn nhiễm cao nhất trên toàn quốc.

Phó Giáo Sư môn Y tế Công ở Đại Học Sydney, Julie Leask, phát họa một số lý do khiến cho mức miễn nhiễm khác biệt.

“Hiện nay những khu vực có mức miễn nhiễm thấp dưới 85 phần trăm.

“Có một số lý do khác nhau dẫn tới điều đó, có thể là do cộng đồng đó thường hay gạt bỏ việc chủng ngừa, vì hiện có những cộng đồng không tin tưởng cho lắm vào việc chủng ngừa.

“Hoặc nữa là do các cha mẹ ở một số cộng đồng lâm tình trạng nghèo khó, rất muốn mong muốn cho con cái được chủng ngừa, nhưng gặp khó khăn trong việc đưa con em đến gặp bác sĩ đúng thời hạn.”

Đối với những người bỏ sót một lần chủng ngừa hay không bao giờ được chủng ngừa, thì Chương trình Chủng ngừa toàn quốc NIP hiện có kế hoạch giúp họ bắt kịp với chương trình chủng ngừa theo quy định.

Bà Julie Leasks nêu rõ tầm mức quan trọng của trong việc ghi nhớ ngày tháng chủng ngừa.

“Điều thực sự quan trọng là kiểm soát xem con em của quý vị cần phải được chủng ngừa loại bệnh gì, khi đến từ một quốc gia khác, vì lắm khi con em của quý vị có thể đã được chủng ngừa theo một lịch trình khác ở đất nước của quý vị.

“Và do đó khi đến Úc, có thể còn cần phải chủng ngừa thêm nữa. Chúng tôi gọi đó là ‘chủng ngừa bắt kịp’. Tất cả những người dưới 20 tuổi tính đến tháng 12 năm 2017 đều được chủng ngừa miễn phí.”

Đối với trẻ em dưới 10 tuổi, không có hạn định thời gian.

“Có một số cách thức để có được những loại thuốc chủng ngừa đó, một là đến gặp bác sĩ gia đình của quý vị, hai là đến dưỡng đường chủng ngừa địa phương.

“Một số khu vực còn có các dưỡng đường của hội đồng thành phố, nhân viên y tế thổ dân, hay dưỡng đường dành cho khách vãng lai mà người sử dụng phải trả một ít chi phí, nên có thể quý vị cần phải gọi điện thoại hỏi xem phí tổn bao nhiêu, nhưng đối với một số loại chủng ngừa thông thuờng đều hoàn toàn miễn phí.

“Cần lưu ý là cả người lớn cũng phải chủng ngừa.”

Chuyện thật ở Úc: Không chủng ngừa, cắt trợ cấp

Bộ Y tế tiểu bang Victoria hiện có một báo động về dịch bệnh sởi, với 9 trường hợp nhiễm bệnh xảy ra ở vùng nội thành miền bắc Melbourne kể từ tháng Hai năm nay.

Julie Leaks cho hay một số căn bệnh lan tràn qua các chuyến đi ngoại quốc.

“Từng xảy ra trường hợp một người không được chủng ngừa bệnh sởi trong thời thơ ấu, người đó trưởng thành và đi ra ngoại quốc, đến một nước mà bệnh sởi rất thường xảy ra và người đó mang căn bệnh này về Úc.

“Hậu quả là một dịch bệnh sởi nhỏ xảy ra khiến cho giới hữu trách Y tế Công cộng phải thông báo cho tất cả mọi người hay biết và đoan chắc là những ai bị chứng phát ban, hay nóng sốt phải báo cho bác sĩ ở địa phương hay sở cứu cấp, trước khi đến phòng cấp cứu của bệnh viện và bệnh sởi có thể lan truyền."

Bà khuyến cáo những người dự tính đi ngoại quốc hãy đi chủng ngừa, trong khoản thời gian từ 6 đến 8 tuần lễ trước khi lên đường.

Các bậc cha mẹ được yêu cầu hãy tuân thủ những điều lệ ghi trong , được đăng trên trang mạng của chính phủ.

Đối với những bậc phụ huynh chọn giải pháp không chủng ngừa cho con cái, có những hình phạt về mặt tài chánh và xã hội.

“Ở Úc, các bậc cha mẹ có thể chọn lựa hoặc là chủng ngừa đầy đủ cho con cái hoặc là không.

“Nhưng nếu các bậc cha mẹ không chủng ngừa đầy đủ cho con cái, thì có một vài hình phạt về mặt tài chánh, như không được hưởng tiền trợ cấp gia đình, tức những thứ tiền trợ cấp của Centrelink, kể cả tiền giảm thuế gia đình được trả hàng năm tức là Family Tax Benefit Part B, cùng với tiền trợ cấp và chiết giảm chi phí giữ trẻ."
portrait-317041_960_720.jpg
Ở Victoria, trẻ con phải được chủng ngừa đầy đủ mới có thể nộp đơn xin vào trung tâm giữ trẻ hay vườn trẻ, ngoại trừ trường hợp có lý do chứng minh về phương diện y khoa.

Nếu các vụ chủng ngừa diễn ra ở một quốc gia khác, thì phải đăng bộ ở Úc.

Hiện nay các cơ quan cung cấp dịch vụ y tế sẽ được khuyến khích trong việc bảo đảm là các bệnh nhân của họ đã được chủng ngừa.

Kể từ tháng 7 năm 2016, các cơ quan y tế, kể cả các bác sĩ sẽ nhận được trả một khoản tiền cho mỗi lần chủng ngừa một đứa bé đã trễ hạn chủng ngừa.

Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu và Giám sát Chủng ngừa , Peter McIntyre, cho rằng đối với các cộng đồng thuộc nguồn gốc không nói tiếng Anh, sự thiệt thòi về mặt xã hội và rào cản ngôn ngữ là những trở ngại chính yếu khiến họ không chủng ngừa đúng mức.

“Một số khu vực trong các thành phố lớn, nơi mà chúng tôi biết được hiện có một số lượng tương đối lớn những người thuộc nguồn gốc khác biệt về văn hoá và ngôn ngữ đang sinh sống, họ ở tình trạng không được miễn nhiễm ở mức cao hơn, và cũng là thành phần bị thiệt thòi về mặt xã hội.

“Cả hai yếu tố đó có thể góp phần vào lý do khiến họ thiếu cơ hội hơn là thiếu ước muốn được chủng ngừa.”

Tăng mức độ dân số chủng ngừa: nhiều việc cần làm hơn trong cộng đồng di dân

Ông McIntyre kêu gọi các dịch vụ y tế hãy đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thái độ đối với vấn đề chủng ngừa trong các cộng đồng đa văn hoá.

"Đã có một số cuộc nghiên cứu về những người đến từ vùng Đông Nam Á nơi có mức nhiễm bệnh viêm gan B cao, hiện đang sinh sống ở Úc. Và khi họ nhìn vào những hiểu biết của họ về căn bệnh viêm gan B tôi nghĩ rằng trong đó còn có những hiểu biết về tầm mức quan trọng của việc chủng ngừa và việc ngăn chặn căn bệnh này.

“Tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất là thông tin liên lạc và tiếp xúc với các dịch vụ y tế.”

Ông nói rằng những cộng đồng Hồi giáo tích cực tham gia vào một cuộc đối thoại chi tiết đã đạt được mức cao hơn về chủng ngừa siêu vi Papilloma gọi tắt là HPV.

“Ngay cả ở những trường học chỉ dành để phục vụ riêng cho các cộng đồng Hồi giáo, chỉ với một cách thức thích đáng trong vấn đề thông tin liên lạc, cũng đã làm tăng lên số người chủng ngừa siêu vi HPV, cũng như làm gia tăng số người nhận ra đây là một việc quan trọng.”

Chính phủ theo dõi diễn tiến chủng ngừa của mỗi đứa trẻ, và chi tiết diễn tiến này có thể trông thấy qua trang mạng trực tuyến của Medicare hay qua ứng dụng lưu động .

Đến cuối năm 2016, các dữ kiện này sẽ bao gồm toàn bộ dân số Úc.

Trong lúc chờ đợi, Julie Leaks gợi ý dân chúng hãy giữ kỹ tất cả những tin tức liên hệ và trong một số trường hợp hãy chủng ngừa thêm một lần.

“Thật là điều đầy thách thức khi chúng tôi không có được hồ sơ về những vụ chủng ngừa đã được thực hiện trong quá khứ. Thế nên nếu quý vị không biết chắc mình đã chủng ngừa hay chưa, thì chủng ngừa thêm một lần nữa cũng chẳng sao cả, không gây vấn đề gì trầm trọng cả.

“Dĩ nhiên chúng ta đều biết rằng chủng ngừa cũng kèm theo những biến chứng trong đó, hiếm hoi lắm mới có một vài trường hợp trầm trọng. Nhưng nói chung là rất an toàn, vì thế nếu không chắc thì cứ chủng ngừa thêm một lần nữa. Không sao cả.”

Quý vị có thể tìm hiểu về Chương trình Chủng ngừa toàn quốc NIP qua trang mạng http://www.immunise.health.gov.au,ở sở y tế địa phương, các bác sĩ gia đình, hay các dưỡng đường chủng ngừa.

Julie Leaks cho rằng đây là một phương cách tốt để khởi đầu, nếu như quý vị chưa quen thuộc với hệ thống y tế của Úc.

“Trên những trang mạng đó thuộc quyền bộ y tế của các tiểu bang, thường đăng những tin tức đã được phiên dịch, liên quan đến những loại bệnh mà người lớn và trẻ con cần phải chủng ngừa.

“Điều đó sẽ giúp cho những người mà Anh ngữ không phải là ngôn ngữ chính và có thể không giỏi tiếng Anh, có thể biết được những gì mà họ và con cái của họ cần phải làm ở Úc.”

Share