Tìm sự giúp đỡ ở đâu khi gặp bạo hành gia đình?

Many Australian women and men are affected by domestic violence.

Many Australian women and men are affected by domestic violence. Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tháng Năm được chọn là "Tháng Ngăn Chặn Nạn Bạo Hành Trong Gia Đình" để nâng cao ý thức trong cộng đồng và cung cấp những tin tức về phương cách để tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ.


Bạo hành trong gia đình là một vấn đề đang diễn ra trong nhiều tổ ấm ở Úc, và nạn nhân không chỉ có phụ nữ, nam giới bị ảnh hưởng bởi nạn bạo hành trong gia đình.

Và thường thì các cộng đồng đa văn hóa phải đối diện với những thách thức lớn nhất trong việc tìm sự giúp đỡ.

Phụ nữ di dân gặp nguy cơ bị bạo hành gia đình cao nhất

Bản phúc trình năm 2012 của Sở Thống Kê Úc tìm thấy cứ năm phụ nữ thì có một người từng trải qua nạn bạo tình dục và cứ ba phụ nữ thì có một người từng bị bạo hành thể xác.

Cuộc điều tra vào năm 2016 của Ủy ban Hoàng gia Victoria về nạn bạo hành trong gia đình, tìm thấy những người thuộc các cộng đồng đa nguyên về văn hoá và ngôn ngữ có nhiều nguy cơ phải đối diện với các rào cản trong việc có được sự giúp đỡ dành cho nạn nhân bị bạo hành trong gia đình.

Ủy ban này cũng tìm thấy những phụ nữ thuộc các nguồn gốc đa nguyên nằm trong số những nhóm người có nguy cơ bị bạo hành trong gia đình cao hơn.

Tình trạng bị cô lập về phương diện xã hội, nỗi lo sợ bị trục xuất và rào cản ngôn ngữ là một số trong những vấn đề then chốt mà các cơ quan cung cấp dịch vụ ở tuyến đầu, như Liverpool Migrant Resource Centre (LMRC) ở miền Tây Sydney, đã nhận diện là những lý do giải thích tại sao các phụ nữ không tìm kiếm sự giúp dỡ.

Quản đốc của LMRC Olivia Nguy, cho hay mặc dù nạn bạo hành trong gia đình không phân biệt đối xử với ai cả, thì các phụ nữ tỵ nạn lại có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân hơn của tệ nạn này.

“Có những tài liệu gợi ý cho thấy các phụ nữ tỵ nạn có thể có nhiều nguy cơ bị bạo hành trong gia đình trong giai đoạn tái định cư, do bởi những kinh nghiệm mà họ đã trải qua trước khi di dân, cũng như từng bị bạo hành về tình dục, thể chất hay bị chấn thương ở đất nước của họ.”

Theo bà Olivia Nguy, một trong những vấn đề quan trọng đối với các phụ nữ tỵ nạn là nhu cầu hiểu biết về những khía cạnh pháp lý liên quan tới nạn bạo hành trong gia đình, như là hệ thống toà và lệnh bảo vệ chống bạo hành gọi tắt là AVO.

“Lắm khi người ta có thể cảm thấy lo ngại trong việc tiết lộ hay tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc là rời bỏ một mối quan hệ, nếu như họ được nhận vào Úc bằng một loại chiếu khán tạm thời.

“Lý do vì họ lo sợ bị trục xuất, vì không nhận ra các quyền hạn pháp lý của mình cũng như không biết đến những điều khoản mà luật pháp quy định đối với vấn đề bạo hành trong gia đình.”

Bị cô lập xã hội và lệ thuộc tài chánh

Một di dân người Ba Lan mới tới Úc tạm gọi tên là Paulina, nhằm bảo vệ danh tính của đương sự, cho hay bà đã bị người cha của đứa con của bà hành hạ thân xác suốt bốn năm. Trong thời gian sống chung, người phối ngẫu của Paulina đã cô lập bà với thế giới bên ngoài.

“Tôi đã bị cô lập không cho tiếp xúc với tất cả bạn bè, không ai đến thăm tôi, tôi không vào được internet, ông ta kiểm soát những người gọi điện thoại đến và thường lấy đi chiếc điện thoại di động của tôi.

“Tôi chỉ được nói chuyện với gia đình tôi ở Ba Lan qua ứng dụng Skype khi có mặt ông ta, ông làm thế để tôi không thể than phiền.”

Paulina bị lệ thuộc tài chánh vào người phối ngẫu.

Bà không thể làm việc vì phải chăm sóc cho đứa con gái.

“Tôi không đi làm, chỉ có ông ta đi làm thôi. Tôi ở nhà. Tôi nấu nướng dọn dẹp, chăm sóc cho đứa con gái, tôi làm vườn ngày này qua ngày khác. Tôi không được phép rời khỏi nhà một mình. Tôi chỉ được đi ra đường cùng với ông ta.

“Tôi hoàn toàn lệ thuộc tài chánh vào ông ta. Tôi không bao giờ có một đồng bạc trong túi. Ngay cả khi cần phải đưa con đến phòng mạch bác sĩ tôi cũng không làm được vì không có tiền để mướn xe taxi.”

Vì không được cấp quy chế thường trú nhân, Paulina lo sợ mất đứa con gái mới ba tuổi.

“Ông ta đe dọa cướp mất đưa con gái của tôi và gởi tôi về lại Ba Lan vì tôi chỉ có chiếu khán tạm thời. Ông nói rằng vấn đề rất là đơn giản, con của tôi sinh ra ở đây và nó sẽ ở Úc vì nó là công dân Úc như ông ta.

“Và vì tôi không phải là người thường trú nên tôi sẽ bị trục xuất và sẽ tôi sẽ không bao giờ thấy mặt con gái tôi nữa. Hoặc là ông ta có thể sẽ đứa bé đến một nơi nào đó, vì Úc là một quốc gia rộng lớn.”
5-05-2016_4-55-31_pm.jpg

Cần nỗ lực vạch trần những hành vi bạo hành trong gia đình

Olivia Nguy thuộc Liverpool Migrant Resouce Centre cho hay những người được cấp chiếu khán có thể tiếp cận các điều khoản luật chống bạo hành trong gia đình, và điều này có nghĩa là họ có thể không bị buộc phải rời khỏi nước Úc.

“Nếu đang nộp đơn xin chiếu khán mà quý vị bị bạo hành trong gia đình, và mối quan hệ của quý vị đã kết thúc, thì quý vị vẫn có thể tiếp tục tiến trình xin chiếu khán.

“Đôi khi cũng có những người đã được cấp chiếu khán thường trú nhưng không biết rằng họ vẫn giữ được chiếu khán ngay cả khi họ rời bỏ mối quan hệ vì bị bạo hành.”

Có nhiều khía cạnh văn hóa có thể ảnh hưởng đến cách thức mà một cá nhân hay một cộng đồng đáp trả với nạn bạo hành trong gia đình.

Olivia Nguy cho rằng hiện có những vấn đề nổi lên liên quan đến nỗ lực vạch trần những hành vi bạo hành trong gia đình.

“Có thể là họ cảm thấy là bản thân đã mang nỗi ô nhục về cho gia đình hay họ lo ngại về những phản ứng của cộng đồng và họ sẽ bị tẩy chay, không còn được cộng đồng hỗ trợ nữa.

“Cũng có thể là họ bị các giá trị văn hoá đề cao cuộc sống gia đình và hôn nhân làm nản lòng trong việc rời bỏ người phối ngẫu, hay có thể là họ không nghĩ tời việc nêu lên hành vị bạo hành với một cơ quan cung cấp dịch vụ trợ giúp, vì họ xem đó là một vấn đề riêng tư trong phạm vi gia đình.”

Các dịch vụ giúp đỡ hiện có sẵn, dành cho quý vị hay một người nào đó mà quý vị quen biết đang bị bạo hành trong gia đình.

Trong trưòng hợp cấp cứu, khi cần được giúp đỡ khẩn cấp hay lo sợ về một tình huống cứu cấp sắp xảy ra - hãy gọi 000 và yêu cầu được gặp cảnh sát.

Người phụ trách sẽ yêu cầu người gọi điện thoại cho biết chi tiết tình hình, kể cả địa điểm, điều gì xảy ra, thủ phạm đang ở đâu, có mặt đứa trẻ nào không và liệu rượu hay ma túy có được sử dụng hay không.

Vượt qua ngần ngại nói chuyện với cảnh sát để được bảo vệ

Cảnh sát NSW cho biết bạo hành gia đình nằm trong số những sự kiện nguy hiểm nhất mà cảnh sát thường chứng kiến.

Nếu vụ bạo hành xảy đến cho một người mà quý vị quen biết, như láng giềng, một người bạn hay thân nhân, quý vị có thể trình báo mà không phải cho biết danh tính của mình.

Theo bà Olivia Nguy, một số người ngần ngại trong việc nói chuyện với cảnh sát và điều đó có thể ảnh hưởng tới những dịch vụ mà họ có thể nhận được.

“Một vấn đề mà chúng tôi gặp phải nhiều nhất là khi một người không có trong tay lệnh bảo vệ chống bạo hành của toà án tức Apprehended Violence Order (AVO), thì đương sự thường không thể tìm kiếm sự hỗ trợ của các chương trình dành cho nạn nhân bạo hành trong gia đình, như chương trình cung cấp chỗ an toàn từc Housing Start Safely Program ở NSW.

“Điều này có nghĩa là những người từng trải qua nạn bạo hành trong gia đình, nhưng không có trác tòa AVO, có thể sẽ bị loại ra khỏi chương trình đó.

“Đặc biệt một số người thuộc các cộng đồng đa văn hóa có thể không cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với cảnh sát và do đó không cảm thấy thoải mái khi tìm kiếm một lệnh toà.

“Vì thế nếu có thể tiếp cận chương trình hỗ trợ nạn nhân bạo hành trong gia đình mà không đòi hỏi phải có lệnh tòa AVO, thì điều đó sẽ giúp ích cho họ rất nhiều.”

Nếu quý vị muốn được tư vấn về vấn đề bạo hành trong gia đình, thì có sẵn dich vụ 1800 RESPECT suốt 24 giờ của chính phủ liên bang, điều này có nghĩa là quý vị có thể gọi điện thoại hay trò chuyện trực tuyến với một cố vấn chuyên nghiệp.

Các chính phủ NSW và Victoria cũng hỗ trợ cho đường giây giúp đỡ bảo mật chuyên cung cấp lời khuyên và chỗ ở khẩn cấp cho những phụ nữ gặp nguy hiểm.

Olivia Nguy cho rằng điều quan trọng là các chị em phái nữ có thể tiếp cận những nơi ở an toàn về phương diện văn hoá.

“Thường có những nơi tạm trú dành riêng cho phái nữ hay phái nam, nhưng nếu không có sẵn, thì những loại chỗ ở khẩn cấp khác có thể được yêu cầu, nhưng loại chỗ ở này thường gây cảm giác thiếu an toàn, đặc biệt là khi loại chỗ ở này nằm trong một toà nhà dành cho cả hai phái.”

Vì thế cần phải xét tới những lề lối giải quyết có tính cách nhạy cảm hơn, dành cho đối tượng thuộc những nền văn hoá đặc biệt, từng là nạn nhân của nạn bạo hành trong gia đình.

Tìm sự giúp đỡ

Muốn nói chuyện với một cố vấn viên vào bất cứ lúc nào, hãy gọi số 1800 737 732 (hay số 1800 R-E-S-P-E-C-T trên bàn phiếm điện thoại) hoặc là vào thăm trang mạng .

Sự trợ giúp cũng được cơ quan Women's Domestic Vilolence Crisis Service of Victoria (WDVCSV) cung cấp, qua số 1800 015 188 và người ở NSW có thể gọi số 1800 65 64 63.

Cơ quan Immigrant Women's Support Service cũng cung cấp tin tức bằng nhiều ngôn ngữ trên trang mạng:



Share