Hạt giống yêu thương (Bài 95) Hành trình tự do

Vợ chồng tác giả Nguyên Khang chụp tháng 01/1979, mới từ trại tạm giam Kho Đen Hong Kong chuyển tới trại tạm cư Shamshuipo để chờ đi định cư

Vợ chồng tác giả Nguyên Khang chụp tháng 01/1979, mới từ trại tạm giam Kho Đen Hong Kong chuyển tới trại tạm cư Shamshuipo để chờ đi định cư Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

30/4/1975 đánh dấu một biến cố trong lịch sử Việt Nam, hàng triệu người Việt đã bỏ quê hương bất chấp sự bắt bớ, tù đầy và hiểm nguy trên lộ trình băng rừng vượt trùng dương. Trải lòng của những nhân chứng lịch sử...


Tổ quốc trong tôi

Ngược dòng thời gian trở về quá khứ với biến cố 30/04/1975, nỗi đau ấy 41 năm trước, ngỡ như ngày hôm qua, vẫn quặn từng khúc ruột của những người Việt phải gạt nước mắt bỏ quê hương.

Với chị Trịnh Ngọc Thu, “hai chữ "Tự Do" đã đánh đổi bằng cả mạng sống, bằng những mất mát về tinh thần lẫn thể xác, trong đó có cha của chị.

“Sau khi Ba tôi mất, mỗi đêm tôi thường hay mở đài VOA để biết tin tức nước ngoài, cứ nghe người ta vượt biển là tôi lại nôn nóng, nhưng không đành xa gia đình, nhất là  người Mẹ hiền kính yêu.

“Mẹ tôi bảo tôi vào học ngành sư phạm, tôi đã đi dạy được 3 năm thì một hôm có người quen rủ đi vượt biên. Thế là tôi ra đi vào một đêm trời đổ cơn mưa lớn như khóc tiễn người rời xa quê hương”.

Biết bao lần có ý định vượt biên, nhưng chị Ngọc Thu vẫn không đủ dũng cảm, phần vì thương mẹ già yếu, phần thì tình yêu quê hương Việt Nam vẫn âm ỉ trong tim.

“Ba mươi ba ngày đêm thả trôi trên biển cả mênh mông đói khát, nguy hiểm, phải chịu biết bao cơn sóng thần dữ dội, tôi đã kiệt sức mặc cho thần chết gần kề, rồi tôi đã tới đảo Pulau Bidong, Malaysia”.

Tuy sống nơi xứ người, chị Thu vẫn tự hào mình là người Việt Nam, các con chị sinh ra và lớn lên tại Úc nhưng vẫn không quên nguồn cội của cha mẹ.
SBS
Trịnh Ngọc Thu nhận giấy ghi nhận những đóng góp cho cộng đồng người Việt ở tiểu bang Victoria, 10 năm trước. Source: Supplied
Còn với ông Nguyên Khang, tình yêu tổ quốc được ông định nghĩa theo một cách khác với những người đương thời lúc bấy giờ.

 “Với tôi, yêu Tổ quốc không đồng nghĩa với yêu Đảng, yêu Xã hội chủ nghĩa. Tôi yêu mẹ Việt Nam, nên khi đi cứ day dứt mãi trong long.".

Câu chuyện vượt biên của ông nguyên Khang có lẽ là câu chuyện hi hữu mà nghe qua ít người tin có thể tin được.

“Tôi thuộc thành phần tư bản sau chiến tranh bị cộng sản chèn ép dữ lắm. Tôi tìm mua một chiếc tàu bị đắm,  người ta chỉ hướng dẫn cho mình chỗ nào tàu đắm thôi, xong rồi tôi phải tự vớt lên, tàu máy đàng hoàng, rồi tôi tự mày mò sửa trong bí mật”.

“Thời bấy giờ ở cả miền Bắc, Hải Phòng chỉ có 1 nhà máy sửa tàu thôi, ai mà chịu sửa cho tôi, tôi tự sửa tàu rồi tổ chức cho 10 gia đình khác đi cùng”.

Dù biến cố 30/4/1975 mang lại cho dân tộc Việt Nam cuộc “bỏ phiếu bằng chân”, hơn một triệu người bỏ nước ra đi đánh động lương tâm nhân loại thế giới, tạo ra một luồng sống mới cho vận nước và vận mạng dân tộc.  

Sống lưu vong gần hết một kiếp người, ông Nguyên Khang chưa bao giờ nghĩ mình là người Úc.

“Tôi là một doanh nhân trong chính mạch Úc, làm ăn với nhiều người Úc rất thành công, tham gia sinh hoạt cộng đồng và sáng lập nhiều tổ chức thể thao, hội doanh nhân, nhưng tôi luôn nhớ về Việt Nam. Các con tôi luôn nhớ về cội nguồn”.
sbs
Vợ chồng tác giả Nguyên Khang chụp tháng 01/1979, mới từ trại tạm giam Kho Đen Hong Kong chuyển tới trại tạm cư Shamshuipo để chờ đi định cư. Source: Supplied
Việt Nam là niềm thương nỗi nhớ

Chiến tranh để lại cho dân tộc Việt Nam quá nhiều bất hạnh.

Hòa bình rồi nhưng sao người Việt lại ào ạt thí mạng bỏ chạy như thế? Đó là câu hỏi của ông Thảo Đinh. Trong bài viết gửi cho chương trình “30/4/1975 và bản sắc của bạn”, ông Thảo Đinh tâm sự

"Họ cũng là những người bỏ nước ra đi tuy với thân phận du học sang trọng hơn thân phận tỵ nạn của tôi trước đây. Đa số họ chỉ biết đến ngày 30 tháng 4 như một kỷ niệm chiến thắng dù trong gượng gạo".

Cho đến tận ngày nay, gần 41 năm sau chiến thắng hoành tráng năm nàoc thì rất rất nhiều người dân Việt vẫn đang tìm đường ra đi một cách hợp pháp bằng những phương tiện di chuyển hiện đại an toàn với sổ thông hành hẳn hoi và một số tài sản không nhỏ.

Ông Thảo Đinh hy vọng một ngày không xa, 30 tháng 4 sẽ  là ngày mọi người nhận ra được sự bất hạnh mà chiến tranh đã gây ra cho quê hương mình, để cảm thông cho nỗi niềm đau chung của dân tộc Việt.

30 tháng 4 cũng là ngày mà những cựu chiến binh như đại úy Thân Đức Nhy nghĩ  về những người đồng đội của mình. Trong thư gửi ban Việt ngữ, ông viết

“Tôi, Đại úy Thân Đức Nhy, là người lính trận đã nghiêng vai cùng đồng đội, đồng bào gánh chung nỗi đau buồn trên trên chiến trường Quân Khu 2, di tản theo Liên Tỉnh Lộ 7B.

Đường số 7 chiều tàn cơn nắng cuối
Xác người phơi hoen mầu nhớ hờn căm
Em lầm đi buồn đôi mắt xa xăm
Gió lạnh đường xa rừng xây núi đá

Dồn dập bước chân loạn cuồng tơi tả
Ầm ỉ rền vang súng vọng rừng sâu
Xuân đã tan trong vận nước cơ cầu
Tan đâu mất những âm thầm hy vọng”

Còn với nhà báo Lưu Dân, từ Sydney anh viết cho ban Việt ngữ: “Tôi đã sống hơn nửa đời ở Úc, nơi đã cho tôi cơ hội và quyền con người. Tôi xúc động mỗi lần nghe bài hát “I Still Call Australia Home” và cảm thấy ấm áp hơn mỗi lần đi xa trở về. Nhưng tôi cũng có nửa đời trước sinh ra và lớn lên, ăn miếng cơm và uống miếng nước ở Việt Nam, nơi tôi được hấp thụ nền văn hóa đẹp đẽ và tình tự quê hương ngọt ngào…”
sbs
Tác giả Lưu Dân (đứng, thứ nhất từ trái) trong một buổi sinh hoạt Hướng Đạo ở Sài Gòn 1975 Source: Supplied
Nhà báo Lưu Dân đặt ra câu hỏi: “Làm một người dân lưu vong, có dễ không, hả bạn?” Và anh chia sẻ đã có một lúc hoang mang về căn cước (identity crisis) của mình. Anh cho biết không chắc rằng mình đã vượt qua cơn khủng hoảng đó hay chưa vì thỉnh thoảng nó vẫn nhói lên như một nhắc nhở về quê hương đã xa và mái ấm đang có.

Share