Brexit: Cơ hội cho nền Cộng Hòa ở Úc?

Ông Peter Fitzsimons tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia

Ông Peter Fitzsimons tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Việc bỏ phiếu của Anh quốc rời khỏi Liên Âu, đã dấy lên nhiều lời kêu gọi nước Úc trở thành thể chế Cộng hòa, với nhiều người Úc dùng trang mạng xã hội thúc giục nên độc lập với nước Anh.


Cuộc trưng cầu dân ý lịch sử tại Anh đã khiến những người ủng hộ nền Cộng hòa trở nên phấn khích hơn, với hy vọng Úc trở thành một nước Cộng hòa, sau cuộc trưng cầu dân ý bị thất bại năm 1999.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh, ông David Cameron đọc bài diễn văn đầu tiên tại Quốc hội, sau cuộc bỏ phiếu lịch sử rời khỏi Liên Âu và đã có phản ứng lẫn lộn về việc nước Anh xúc tiến việc ra khỏi Liên Âu hay không.

Hậu quả cuả cuộc trưng cầu dân ý Brexit, đã mở lại tranh luận Úc trở thành một nước cộng hòa.

Sau vụ bỏ phiếu gây nhiều ảnh hưởng, các ủng hộ viên của phong trào cộng hòa đã tràn ngập những trang mạng xã hội, để kêu gọi thiết lập nền cộng hòa cho nước Úc.

Người dẫn đầu Phong trào Cộng hòa Úc châu là chủ tịch Peter Fitzimons, cho đài phát thanh 2UE biết rằng, vụ bỏ phiếu Brexit nêu bật mối quan hệ giữa nước Úc và Anh quốc đã lỗi thời.

"Quí vị biết, khi chúng ta trở thành một phần của Liên bang Úc, đó là một tuyên bố khẵng định chúng ta là ai, quốc gia chúng ta là nước Úc với quốc kỳ riêng và Hiến Pháp riêng biệt, chúng ta là một phần của đế quốc Anh".

"Hãy nhìn lá cờ của chúng ta rồi xem lại Hiến Pháp Úc, chúng ta là những người Anh nhỏ bé ở vùng biển cực Nam xa xôi và chúng ta quả là những người như vậy".

"Còn Brexit nói những điều gì và nhấn mạnh sự kiện là chúng ta không còn ở trong tình trạng cũ, chúng ta luôn luôn biết rằng sự kiện ngày xưa không còn nữa, đế quốc Anh cũng chẳng còn nữa".

Cuộc trưng cầu dân ý đã dấy lên một làn sóng mạnh mẽ, trên các trang mạng xã hội nhằm kêu gọi nước Úc nên trưởng thành, để cắt bỏ mọi quan hệ với nước Anh.

Chiến dịch được gọi là AusExit, thúc giục người dân Úc thành lập nền cộng hòa và lập lại lời kêu gọi, nên có một lá cờ Úc mới.

Họ cho rằng nên hủy bỏ lá cờ Anh, ở góc trái quốc kỳ Úc.

Một ý kiến trên trang mạng, mô tả một lá cờ với một mũi tên nhắm vào lá cờ Anh, và bên dưới mũi tên có một hàng chữ trắng "Chúng ta có mặt với sự ngu ngốc".

Ý kiến đó được lan truyền, với tốc độ của một con vi rút.

Tuy nhiên, những người ủng hộ thể chế quân chủ cho biết, việc tái lập lời kêu gọi nền cộng hòa là hành động tuyệt vọng.

Chủ tịch Phong trào Quân chủ Úc châu, ông Philip Benwell nói rằng, nền cộng hòa Úc chẳng có dính líu chi đến Brexit.

"Thực sự là chuyện nầy hoàn toàn trái ngược, người dân tại Vương quốc Anh bỏ phiếu rời Liên Âu, để họ có thể lấy lại chủ quyền của họ; còn tại Úc những người ủng hộ quân chủ tranh đấu để giữ lại nền quân chủ trong Hiến Pháp và do đó, chúng ta giữ được chủ quyền".

"Đối với những người cộng hòa nói rằng, điều đó cho họ cơ hội để trở thành cộng hòa, là hoàn toàn không có ý nghĩa. Brexit chẳng có gì thay đổi từ một Hiến Pháp quân chủ, sang thể chế cộng hòa cả".

Thế nhưng ông Fitzimons tranh luận rằng, Brexit không phải là một kiểu mẫu cho phong trào cộng hòa tại Úc.

Ông cho đài phát thanh 702 biết, cuộc bỏ phiếu nói trên là một lời kêu gọi cảnh tỉnh.

"Từ lúc có kết quả cuộc trưng cầu dân ý Brexit, các trang mạng xã hội rất sống động khi mọi người nói rằng, 'Đây là điều kỳ lạ, chúng ta phải là chính con người chúng ta, chúng ta phải ra khỏi cơ chế nầy".

"Đó không phải là việc nhìn vào Brexit như một kiểu mẫu nên theo chút nào, mà chỉ nói rằng, quả là quái dị vào thế kỷ 21, mà lại cho là nước Úc không thể tìm kiếm một vị Quốc trưởng của chúng ta, thay vì một gia đình Hoàng gia vương giả, sống trong cung điện tráng lệ tại Luân đôn, chúng ta sẽ là một dân tộc, tốt đẹp hơn như vậy".

"Chúng ta thấy những lời mắng chửi đối với các cá nhân, bởi vì họ là thành viên của các sắc tộc thiểu số. Xin hãy nhớ rằng, những người nầy đến đây và đóng góp tuyệt vời vào đất nước chúng ta". Thủ tướng Anh David Cameron.


Còn Thủ tướng Malcolm Turnbull, vốn hướng dẫn phong trào cộng hòa đến một kết quả thất bại, trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1999.

Ông cho hãng thông tấn Fairfax hồi đầu năm nay biết rằng, thời điểm cho bất cứ cuộc trưng cầu dân ý nào, cũng rất quan trọng.

Thế nhưng mới tuần rồi ông cho các ký giả biết rằng, mối quan hệ của Úc với Anh quốc vẫn mạnh mẽ, sau vụ Brexit.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh, ông David Cameron đã đọc bài diễn văn đầu tiên trước Quốc hội, sau khi nước Anh bỏ phiếu ra khỏi Liên Âu.

Việc nầy diễn ra khi các nước Pháp, Đức và Ý nhấn mạnh rằng, Liên Âu không cần đàm phán không chính thức với nước Anh, cho đến khi Anh quốc cáo bãi điều khoản 50 trong hiệp ước Lisbon, vốn là điều khoản cho phép một nước thành viên ra khỏi Liên Âu.

Thế nhưng Thủ tướng David Cameron cho biết, nước Anh sẽ không vội vã trong việc thương thuyết để rút ra khỏi Liên Âu.

Trong bài diễn văn đầu tiên trước các dân biểu kể từ khi ông tuyên bố từ chức, theo sau cuộc trưng cầu dân ý ra khỏi khối Âu châu, ông cho biết người kế vị của ông sẽ quyết định, khi nào bắt đầu thủ tục chính thức để ra khỏi Liên Âu.

Anh quốc cần quyết định hình thức quan hệ nào mà nước Anh cần theo đuổi, trước khi xử dụng điều 50 của hiệp ước Lisbon để ra khỏi Liên Âu.

"Trước khi chúng ta làm điều đó, chúng ta cần quyết định về hình thức quan hệ mà chúng ta muốn có với Liên Âu và đó là việc đúng cần phải làm cho vị Thủ tướng sắp tới cũng như nội các quyết định".

"Tôi cũng nêu điểm nầy đến Chủ tịch của Hội đồng Âu châu và Ủy hội Âu châu, rồi sẽ làm rõ một lần nữa trước Hội đồng Âu châu vào ngày mai".

"Thưa ông Chủ tịch Quốc hội, đây là quyết định về chủ quyền của chúng ta và chỉ có Anh quốc thực hiện mà thôi".

Thế nhưng tuyên bố tại cuộc hội đàm do Thủ tướng Đức tổ chức tại Berlin, Tổng Thống Pháp Francois Hollande cho rằng tiến trình cần bắt đầu, không được chậm trễ.

"Tại sao chúng ta lại phí thời gian? Bởi vì chẳng có chi tệ hại, hơn là sự bất định không rõ ràng".

"Sự bất định diễn ra trong các quyết định chính trị và tài chính và có thể dẫn đến kết quả trở nên bất hợp lý".

"Vương quốc Anh đã trải qua chuyện nầy cả về mặt chính trị và tài chính, thế nhưng không nên có hậu quả đối với Âu châu, bởi vì Âu châu là đoàn kết, chắc chắn và mạnh mẽ".

Theo sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý Brexit, cảnh sát trên khắp Anh quốc hiện điều tra các cáo buộc kỳ thị và các tội phạm liên quan đến thù hận.

Một di dân người Romania là bà Oana Gorcea, cho đài Sky News biết rằng, bà nhận được một tin nhắn với lời lẽ đầy kỳ thị, sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được loan báo.

"Quí vị là người Romania và là một du khách đến nước Anh, quả là nhục nhã cho quí vị hãy đến Đức đi và viếng thăm tại đó".

"Tôi chưa bao giờ cảm thấy việc gì hơn là ở tại nhà cho đến thứ sáu và rồi mọi chuyện thay đổi, mọi người thức dậy vào ngày thứ sáu và một thế giới hoàn toàn thay đổi, mà tôi muốn một thế giới khác trở lại".

"Tôi muốn nước Anh mà tôi đã biết, cũng như các bạn bè của tôi như cũ".

Ông Cameron lên án các vụ tấn công do động cơ sắc tộc và cho các dân biểu tại Quốc hội Anh biết rằng, nước Anh phải tranh đấu giữ vững các giá trị của mình.

"Trong những ngày qua, chúng ta chứng kiến những hình vẽ đáng tiếc, tại một trung tâm cộng đồng người Ba Lan".

"Chúng ta thấy những lời mắng chửi đối với các cá nhân, bởi vì họ là thành viên của các sắc tộc thiểu số. Xin hãy nhớ rằng, những người nầy đến đây và đóng góp tuyệt vời vào đất nước chúng ta".

Trong khi đó, các chứng khoán trên khắp Âu châu đã bị mất giá hàng tỷ đô la, sau khi có cuộc trưng cầu dân ý tại Anh.

Và công ty đánh giá thứ hạng tín dụng, là Standard and Poor, đã giảm mức độ tín dụng của Anh, từ mức cao nhất là AAA, xuống còn AA.

Công ty nói rằng, cuộc trưng cầu dân ý sẽ dẫn đến một khuôn mẫu về chính sách ít hữu hiệu, ít vững mạnh và ít tiên đoán được tại Anh quốc.



 


Share