Đoàn vận động viên người tị nạn lần đầu tham gia Thế Vận Hội Rio 2016

Refugee team to debut at Rio Olympics

Biểu tượng Olympic lần đầu gửi đi thông điệp hi vọng cho người tị nạn trên toàn thế giới Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Mười vận động viên Olympic người tị nạn sẽ tham gia tranh tài tại kỳ Olympic Rio 2016 như một biểu tượng hi vọng cho tất cả những người tị nạn trên khắp thế giới


Lần đầu tiên trong lịch sử Olympic, các vận động viên này sẽ tranh tài ở Brazil trong đội vận động viên Thế Vận người tị nạn được tổ chức ở Brazil.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế, ông Thomas Bach, nói rằng những người tị nạn này không có nhà, không có đội, không có cờ và không có cả quốc ca.

Tại buổi lễ khai mạc Olympic tới đây, bài hát Olympic sẽ được trỗi lên vinh danh họ và lá cờ Olympic sẽ được rước đầu dẫn đoàn vận động viên tiến vào vận động trường.

Ông Bach cho biết IOC sẽ có sự hỗ trợ thiết thực cho đoàn vận động viên này.

"12 viên chức của IOC sẽ đồng hành cùng những vận động viên này và tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong tiến trình tham gia Thế Vận Hội Rio 2016."

Đội vận động viên này bao gồm những người đến từ Syria, từ Nam Sudan, Ethiopia, và có người thì đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo.

Vận động viên thiếu niên Yusra Mardini là một kình ngư người Syria, cô đã chạy trốn khỏi cuộc chiến ở quê hương cùng với người chị ruột của mình vào năm 2015.

Trong thời khắc nguy hiểm nhất của cuộc hành trình, trên đường từ Thổ Nhĩ Kỳ tới đảo Lesbos của Hi Lạp, chiếc thuyền của họ đã bị chết máy.

"Bạn biết đó, giờ thì tôi có thể kể lại vui vẻ thế này vì chuyện đã xảy ra lâu rồi, nhưng thực sự lúc đó rất sợ hãi. Tôi và chị gái tôi lúc đó đang ở giữa biển. 

"Chị dặn tôi rằng nếu có chuyện gì xảy ra, đừng cố gắng cứu ai, nhưng rồi chính chị lại nhảy xuống nước để cứu những người khác.

"Và lúc đó thực sự rất đau đớn khi nghĩ đến chuyện mình là vận động viên bơi lội mà cuối cùng lại phải sắp sửa chấm dứt cuộc sống dưới nước sâu nơi mình vốn rất thân thuộc."

Mardini nói rằng cô có thể sẽ có chút hồi hộp do xúc động khi được đại diện cho cả đoàn thể thao người tị nạn tiến vào vận động trường ở Rio de Jainero.

"Tôi đoán rằng lúc đó tôi sẽ nghĩ đến gia đình và huấn luyện viên của tôi, bạn bè và những người đã giúp đỡ tôi. Tôi sẽ nghĩ đến việc tôi tự hào về bản thân như thế nào và những gì tôi đã làm được.

"Có rất nhiều môn thể thao mà nhiều người không chơi được, nhưng đối với tôi, tôi cũng không thực sự biết khả năng mình giỏi đến đâu nhưng tôi đã làm được. Tôi rất mừng vì mình đã trở thành vận động viên và tôi đoán là, có lẽ tôi sẽ khóc mất."
"Dù chúng tôi đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng cuộc thi thế này sẽ mang chúng tôi đến với nhau và kết nối với mọi người trên khắp thế giới."
Tại Kenya, một nhóm vận động viên người Nam Sudan đang được tập huấn để tham gia đội Olympic người tị nạn.

Trong số 10 vận động viên, có 5 người đến từ nơi hiện gọi là Nam Sudan và họ đang sống nhiều năm tại trại tị nạn Kakuma phía tây bắc quốc gia này.

Vận động viên điền kinh Rose Nathike Lokonyen, người đã sống tại Kakuma phần lớn cuộc đời kể từ ngày cô rời bỏ đất nước mình hồi năm 2002.

Vận động viên 23 tuổi này mới đây đã bắt đầu tham gia tranh tài ở môn điền kinh, và sắp tới đây cô sẽ thử sức ở cự ly 800m.

"Tôi thực sự rất hạnh phúc được là người cầm cờ của người tị nạn vì đó là nơi tôi bắt đầu cuộc sống, nơi tôi gặp những người giống tôi và có thể khiến họ xích lại gần nhau, chúng tôi là một đội.

"Dù chúng tôi đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng cuộc thi thế này sẽ mang chúng tôi đến với nhau và kết nối với mọi người trên khắp thế giới."

Một vận động viên khác hiện cũng đang được tập huấn ở Nairobi là Paulo Amotun Lokoro, 24 tuổi, anh cũng đến từ Nam Sudan. Anh sẽ tham gia tranh tài ở cự ly 1,500m và vận động viên này có tham vọng rất lớn.

Anh nói: "Tôi muốn giành huy chương vàng, tôi muốn được nổi tiếng. Nếu tôi giành chiến thắng ở cự ly này, tôi sẽ trở nên nổi tiếng trong tương lai, chắc chắn là vậy."

Chủ tịch Ủy ban Thế Vận Hội Quốc tế, ông Thomas Bach nói rằng, đoàn vận động viên này gửi một tín hiệu đến cộng đồng quốc tế rằng, những người tị nạn là đồng loại của chúng ta và họ làm phong phú thêm cho xã hội.

Ông Bach nói thêm những vận động viên này sẽ cho thế giới thấy rằng, dù cuộc đời họ phải trải qua những bi kịch không thể hình dung nổi, nhưng bất cứ cá nhân nào cũng có thể đóng góp cho xã hội bằng tài năng, kỹ năng và sức mạnh của loài người.

Ủy ban Thế Vận Hội Quốc tế cho hay họ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các vận động viên này ngay cả khi kỳ Thế Vận Hội Rio kết thúc.


Share