Nuôi con ở Úc (22) Bật mí về trường dạy ngủ tại Úc- nơi trẻ sơ sinh học cách TỰ NGỦ

Hai chị em bé Mia và bé Lianna

Hai chị em bé Mia và bé Lianna Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Cả hai mẹ con cùng nhập viện, mỗi người một phòng. Mẹ sẽ được các bác sĩ chăm sóc sức khỏe và nghỉ ngơi; con sẽ được các y tá mẫu nhi dỗ ngủ theo phương pháp “khóc có kiểm soát”. Liệu con bạn có trở thành “một em bé mới toanh”- hạnh phúc, ăn ngoan, ngủ xuyên đêm, không quấy khóc, sau phép lạ của trường ngủ? Một mẹ Việt chia sẻ kinh nghiệm dắt con 5 tháng tuổi đi trường ngủ.


Trường dạy ngủ là gì?

Nếu bé sơ sinh của bạn thức dậy trong đêm liên tục, cần ti mẹ mới có thể ngủ lại, chỉ ngủ giấc rất ngắn trong ngày và cần có người thân bế ẵm dỗ ngủ, hay quay khóc, có lẽ là lúc bạn cần xem lại phương pháp “dạy con ngủ”.

“Sleep-school”, tạm gọi là trường dạy ngủ, một khái niệm có lẽ khá xa lạ với cha mẹ Việt nhưng lại rất phổ biến ở Úc, nơi các bác sĩ dạy trẻ sơ dinh tự đi vào giấc ngủ mà không cần đến cha mẹ.

Khái niệm bé sơ sinh tự ngủ hẳn rất xa xỉ với nhiều người mẹ. Mai Ly, một người mẹ có hai con nhỏ là bé Mia (2 tuổi ruỡi) và Lianna (15 tháng tuổi) chia sẻ với SBS kinh nghiệm đưa hai bé sơ sinh của cô tham gia sleep school, trường dạy ngủ cho trẻ sơ sinh của Masada Private Hospital.

Mai Ly cho biết con gái đầu của cô, bé Mia là một đứa trẻ rất khó ngủ và hay khóc quấy vào ban đêm. Bé Mia có thể thức dậy 15-20 lần trong đêm để ti mẹ. Việc này khiến quãng thời gian làm mẹ lần đầu của Mai Ly vô cùng vất vả.

“Ban ngày nhiều khi mình phải bế con đến 30-40 phút cho con ngủ. Vừa đặt con xuống là con đã thức dậy. Khi con ngủ, mình không dám làm gì, vì sợ tiếng ồn sẽ đánh thức con. Trong nhà phải im bặt. Con chỉ ngủ một giấc ngắn 15 phút là thức dậy, trong khi dỗ con mất đến gần cả tiếng”.

Nếu bạn đang rơi vào hoàn cảnh tương tự, trường dạy ngủ cho trẻ sơ sinh có thể là một giải pháp cho những người mẹ kiệt sức.

Hành trình đầy nước mắt

Hãy chuẩn bị cho điều này, bởi dạy con tự ngủ không phải là việc dễ dàng ngay từ khi bắt đầu, đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhất quán và nguyên tắc.

Con bạn sẽ khóc rất nhiều trong thời gian đầu, và đó là điều đau lòng nhất với người làm mẹ. Do đó, thà vất vả đến kiệt sức trong việc ôm con dỗ ngủ cả đêm, nhiều bà mẹ đành chào tạm biệt “trường ngủ trong ngày đầu tiên nhập viện.
Mai Ly cho SBS biết cô đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con khoa học từ các bác sĩ, y tá và những người mẹ khác tại bệnh viện.
Mai Ly cho SBS biết cô đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con khoa học từ các bác sĩ, y tá và những người mẹ khác tại bệnh viện. Source: Mai Ly cho SBS biết cô đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con khoa học từ các bác sĩ, y tá và những người mẹ khác tại bệnh viện.
Mai Ly cho SBS biết cô đã muốn bỏ về nhà trong ngày thứ nhất khi chứng kiến con khóc quá nhiều. Tuy nhiên, việc bé Mia cải thiện giấc ngủ ngay trong đêm đầu tiên khiến Mai Ly tự tin vào “phương pháp khoa học” đã được các bác sĩ nghiên cứu.

Tại Masada Private Hospital, chương trình dạy ngủ cho bé và trang bị kiến thức về nuôi dạy con cho người mẹ được diễn ra trong vòng 5 ngày, hoàn toàn tại bệnh viện. Mẹ và bé được sắp xếp hai phòng riêng và phục vụ thức ăn, nước uống cũng như các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa.

Mai Ly chia sẻ “khi con ngủ ngon, cả mẹ và bé cũng được hưởng lợi từ giấc ngủ. Con khi thức dậy sẽ vui vẻ hơn, ăn nhiều hơn và người mẹ sẽ được nghỉ ngơi, đồng thời có thể lên kế hoạch cho các hoạt động trong ngày, khi biết con sẽ ngủ và thức vào lúc nào”.

Bé Mia sau khi đi trường ngủ về đã có thể ngủ thẳng một giấc 2 tiếng vào ban ngày và ngủ xuyên đêm.

Chìa khóa cho phương pháp này là tính nhất quán. Các chuyên gia cho biết trẻ sơ sinh cần 21 ngày để có thể bỏ một thói quen cũ và học một thói quen mới. Mẹ đặt bé vào giường/ cũi khi bé có dấu hiệu buồn ngủ, nhưng phải vẫn còn THỨC. Mẹ hôn, nói chúc ngủ ngon với con và ra khỏi phòng. Nếu bé khóc, hãy để bé khóc trong một thời gian nhất định.

Việc thực hiện một nếp sinh hoạt ngủ đúng giờ cho con (bedtime routine) như ăn, tắm, trò chơi/đọc sách và đi ngủ rất quan trọng vì bé sẽ bắt đầu hiểu rằng các hoạt động này diễn ra trước mỗi giấc ngủ ban đêm, và trở nên quen thuộc với điều này. Mọi đứa trẻ đều thích thói quen và những hoạt động quen thuộc hàng ngày.

Chuyện gì xảy ra tại trường dạy ngủ?

Ngày đầu tiên, mẹ và bé sẽ được gặp gỡ bác sĩ và y tá để kiểm tra sức khỏe tổng quát. Việc này rất quan trọng để các bác sĩ hỗ trợ người mẹ về sức khỏe tâm thần. Hầu hết những người mẹ đến sleep school, trường dạy ngủ đều trong trạng thái căng thẳng, lo âu và kiệt sức sau một thời gian dài thức trắng đêm để dỗ giấc ngủ cho con. Đồng thời các vấn đề sức khỏe của bé cũng được đánh giá. Đây có thể là nguyên nhân khiến trẻ bú ít, ăn không ngon và ngủ không đủ giấc. Sau đó, các y tá mẫu nhi sẽ tư vấn và hướng dẫn cho người mẹ nếp sinh hoạt theo từng độ tuổi của các bé. Ở mỗi độ tuổi (3 tháng, 6 tháng, 8 tháng, 1 tuổi…) trẻ cần có nhu cầu ăn-chơi- ngủ (eat- play- sleep) khác nhau.
Trong hai ngày đầu, các y tá mẫu nhi sẽ là người dỗ dành và coi sóc giấc ngủ của các bé để người mẹ được nghỉ ngơi. Đây cũng là lúc các y tá tìm hiểu thói quen và các vấn đề gặp phải đối với từng bé. Một số trẻ cần một số thói quen xấu mới có thể dỗ giấc ngủ lại, sau khi thức dậy vào ban đêm như: ti bình, phải có mẹ bồng bế, ti mẹ hoặc chỉ có thể ngủ được trên xe hơi khi xe đang chạy… Một số trẻ gặp phải vấn đề sức khỏe khiến bé không thể ngủ ngon.

Những thói quen này sẽ được các y tá dần dần loại bỏ, để bé có thể ngủ ngon xuyên đêm mà không cần đến mẹ. Mai Ly cho SBS biết cô đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con khoa học từ các bác sĩ, y tá và những người mẹ “đồng cảnh ngộ” cùng nhập viện với ước mong con có thể học được thói quen ăn ngủ tốt.

Ngày thứ ba, những người mẹ sẽ cùng tham gia dỗ con ngủ với sự hướng dẫn của các y tá. Phương pháp để bé khóc có kiểm soát () được sử dụng để trẻ học được thói quen tự dỗ giấc ngủ. Giấc ngủ của trẻ sẽ liền mạch, sâu và cải thiện dần trong đêm thứ ba và thứ tư. Thời gian khóc ít hơn.

Ngày thứ tư là khoảng thời gian mà người cha hoặc người thân trong gia đình có thể tham gia vào việc dỗ con ngủ. Bởi việc dạy con tự ngủ đòi hỏi sự ủng hộ và hỗ trợ rất lớn từ những người thân.

Ngày thứ năm là lúc các bé đã học được thói quen sau 5 ngày áp dụng phương pháp mới, người mẹ cũng được trang bị nhiều kiến thức hữu ích để duy trì nếp sinh hoạt khoa học cho con tại nhà. Trước khi xuất viện, các y tá sẽ tư vấn và giải đáp thắc mắc cho người mẹ, cũng như giúp người mẹ tự tin khi tự mình áp dụng các phương pháp dạy con ngủ tự lập tại nhà, mà không còn sự hỗ trợ của các y tá.

Chi phí cho một khóa học ngủ cho trẻ sơ sinh tại Úc?

Mai Ly cho biết, cô có bảo hiểm y tế tư nên nhập viện - Masada Private Hospital hoàn toàn miễn phí. Hiện nay có rất nhiều chương trình dạy ngủ cho trẻ sơ sinh được chính phủ Úc bảo trợ miễn phí tại các tiểu bang cho các bà mẹ.

Danh sách chờ đợi cho các chương trình này khá dài (có thể từ 2-3 tháng), và người mẹ cần có giấy giới thiệu của bác sĩ gia đình hoặc y tá mẫu nhi tại địa phương.

Tuy nhiên có khá nhiều lớp hướng dẫn người mẹ dỗ con ngủ diễn ra trong một ngày, dành cho những người mẹ muốn tham gia sớm và không muốn chờ đợi quá lâu.

Có nên dạy con tự ngủ?

Có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc đưa con đến trường ngủ. Nhiều cha mẹ cho rằng việc này là quá hà khắc với một đứa bé sơ sinh, còn quá nhỏ bé, cần được cha mẹ ôm ấp, vỗ về chứ không thể tự ngủ, bản thân nhiều cha mẹ cũng rất đau lòng khi chứng kiến con khóc.

Mai Ly chia sẻ với SBS: “Đây là quyết định riêng của mỗi cha mẹ. Nuôi con có rất nhiều phương pháp khác nhau. Ngay cả việc cho bé ăn dặm, bú sữa mẹ cũng có rất nhiều luồng ý kiến. Mình nghĩ rằng mỗi cha mẹ sẽ nghiên cứu và lựa chọn phương pháp tốt nhất, phù hợp với hoàn cảnh, tính cách và điều kiện gia đình”.

Trường ngủ và trung tâm hỗ trợ cha mẹ nuôi dạy con tại Úc

Australian Capital Territory
  on (02) 6207 9977 (Community Health Intake).

New South Wales
on (02) 9794 2300 or 1300 227 464 (Karitane Careline)

on (02) 9787 0855 (Sydney callers) or 1800 637 357 (regional callers).

Queensland
on (07) 3139 6500.

South Australia
on 1300 733 606 (Child and Family Health Service)

Tasmania
Victoria
on (03) 8416 7600

on (03) 9549 2777

Western Australia
on (08) 9368 9368 (Perth callers) or 1800 111 546 (regional callers). 

Share