Nuôi con ở Úc: Đàn con ở nhà thời phong tỏa, mẹ làm sao xoay xở?

Chị Hương Trần cùng hai con gái 6 tuổi, 2.5 tuổi và bé trai 2 tháng tuổi.

Chị Hương Trần cùng hai con gái 6 tuổi, 2.5 tuổi và bé trai 2 tháng tuổi. Source: Evelyn Huong Tran

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Con gái lớn 6 tuổi bỡ ngỡ bước vào cấp một phải học trực tuyến tại nhà, con gái thứ hai vừa tròn 2 tuổi rưỡi không thể gửi nhà trẻ, con gái út 2 tháng tuổi vẫn còn bú mẹ ngày 7-8 cữ. Làm cách nào để người mẹ ba con có thể "vận hành" ngôi nhà thời phong tỏa?


Đôi nét về khách mời:

Chị Hương Trần hiện là mẹ của ba bé Samantha 6 tuổi, Olivia 2 tuổi rưỡi và bé sơ sinh Lucas 2 tháng tuổi, đang sống tại Melbourne.

Chị áp dụng phương pháp Montessori trong việc nuôi dạy con nhằm khuyến khích sự tự lập, trao quyền và đồng hành cùng con một cách gần gũi nhất trong những năm tháng đầu đời.

Chị Hương Trần hoàn thành khóa học AMI Montessori 3 - 6 ,đào tạo giáo viên dạy kindergarten theo phương pháp Montessori như một đam mê lớn trong quá trình làm mẹ. Trước đó chị tốt nghiệp cử nhân truyền thông tại đại học RMIT và Thạc sĩ Marketing tại Đại học Melbourne.


SBS: Ba đứa con ở trong độ tuổi khác nhau và đều dưới 6 tuổi (8 tuần, 2.5 tuổi và 6 tuổi), độ tuổi cần rất nhiều sự chăm sóc của cha mẹ. Chị cảm thấy việc phong tỏa và không gửi được con đến nhà trẻ, con lớp một phải học online, con nhũ nhi cần phải cho bú, ru ngủ cả ngày ảnh hưởng đến cuộc sống của chị thế nào?

Bé 2.5 tuổi nhà mình trước giờ chưa đi nhà trẻ nên việc nhà trẻ tạm thời phong toả không ảnh hưởng lắm đến nhà mình. Mình may mắn là các bé nhà mình rất hiểu chuyện. Chị lớn biết giúp em, chơi với em và 2 chị cũng rất yêu thương chăm sóc baby khi mẹ bận việc. 

Bé 6 tuổi nhà mình đang học lớp một online learning ở trường tiểu học theo phương pháp Montessori. Bé đã biết đọc, biết viết và làm toán tương đối ổn nên mình không lo lắng gì nhiều. Tuy nhiên mình nghĩ việc học ở nhà cũng có rất nhiều thứ khiến bé xao nhãng, như baby khóc, em nhỏ bày đồ chơi trong khi chị lớn phải làm bài để nộp online. Mình thông cảm cho bé và cố gắng giúp bé lập kế hoạch cho các bài tập ở lớp.

Mình nghĩ quan trọng không phải là hoàn thành được bao nhiêu bài giáo viên giao, mà là rèn luyện thói quen sắp xếp bài vở, đặt ra mục tiêu và lập kế hoạch để hoàn thành mục tiêu. Mình nghĩ bé đã rất cố gắng và mình cũng cố gắng nhiều để hỗ trợ bé. Nhiều bài của bé đòi hỏi chụp hình, quay video lại nên mình cũng cần có mặt để quay video cho bé. Ngoài ra mình cũng gửi email hỏi cô giáo về việc bé học ở trường để hướng dẫn bé ở nhà dễ dàng hơn. Mình cũng gửi góp ý và đề nghị để cô giáo cho bài tập phù hợp hơn với sức của các bé học ở nhà. 

Các bé đều còn nhỏ nên mình rất là bận rộn, đêm thì vẫn phải dậy vài lần cho bé sơ sinh bú. Có lẽ các mẹ khác ở nhà với con đợt dịch cách ly này đều như vậy. Mình may mắn hơn mọi người một chút là còn có ông bà giúp những ngày ông bà không phải đi làm.
Chị lớn phụ mẹ chơi với em trong lúc em tập nằm sấp, chị hai tự chơi một mình để mẹ nấu cơm.
Chị lớn phụ mẹ chơi với em trong lúc em tập nằm sấp, chị hai tự chơi một mình để mẹ nấu cơm. Source: Evelyn Huong Tran
SBS: Chị có thể mô tả một ngày bận rộn của mình với ba đứa con được không? Chị đã thu xếp lịch trình sinh hoạt của các con như thế nào?

Thường thì các bé dậy 8 giờ làm vệ sinh cá nhân, thay quần áo và ăn sáng. Học online nên ít việc phải chuẩn bị buổi sáng hơn và cũng ko cần phải làm lunch box. Nếu phải đi học ở trường thì các bé dậy sớm hơn lúc 7:30. Ông bà ở cùng nhà mình đợt dịch cách ly này nên ông bà đã giúp mình chuẩn bị bữa sáng rồi mới đi làm. Bà thường xay sinh tố rau củ trái cây và yến mạch hạt chia, đơn giản mà bổ dưỡng các bé nhà mình rất thích.

Bé lớn nhà mình 9g sáng là cần lên Zoom gặp cô và các bạn đến 9:30, sau đó bé làm các bài tập cô giao rồi nộp online qua app. Trong khi chị lớn làm bài thì bé nhỏ 2.5 tuổi tự chọn chơi các món trên kệ, chơi xong cất lại vị trí cũ. Mình có thêm một bộ bàn ghế ngoài sân để các bé ra sân chơi và làm bài tập ngoài trời khi bé muốn và trời đẹp. Mình cũng bận rộn với baby các việc thay tã, cho bú, cho tập nằm sấp thể dục, dỗ ngủ. Vậy nên mỗi người một việc mình quan sát và hỗ trợ các bé lớn khi cần. Các bé cũng giúp mình chơi với baby, chú ý em một chút khi mình làm bữa trưa.
Mình nghĩ quan trọng không phải là hoàn thành được bao nhiêu bài giáo viên giao, mà là rèn luyện thói quen sắp xếp bài vở, đặt ra mục tiêu và lập kế hoạch để hoàn thành mục tiêu.
Baby thì có lúc này lúc khác, có khi rất là dễ chịu dễ chiều, có khi rơi vào tuần khủng hoảng (wonder weeks) hay chích ngừa thì cần mẹ nhiều hơn. Mình cố gắng để ý quan sát các tín hiệu và chú ý thời gian ngủ, thời gian thức để đáp ứng nhu cầu của bé.

Buổi trưa nhà mình ăn uống đơn giản gọn nhẹ, thường là món đã làm tối hôm trước. Chồng mình làm việc ở nhà nên buổi trưa cả nhà cũng vẫn được ăn trưa cùng nhau. Hôm nào trời đẹp thì mang luôn bữa trưa ra sân ăn kiểu picnic. À nếu tính ra sân học và chơi thì mình cho baby ra chơi với các chị luôn và tập nằm sấp trên thảm picnic. Đến khi baby mệt muốn ngủ thì mình cho vào xe đẩy có gió mát là bé ngủ có khi còn ngủ ngon hơn trong giường, trong khi đó các chị vẫn được ở sân chơi.
Ba làm việc ở nhà có nghĩa là cả gia đình sẽ được gặp nhau nhiều hơn và có thêm bữa trưa quây quần bên nhau.
Ba làm việc ở nhà có nghĩa là cả gia đình sẽ được gặp nhau nhiều hơn và có thêm bữa trưa quây quần bên nhau. Source: Evelyn Huong Tran
Việc cách ly kéo dài khiến cho trẻ em khắp nơi đều ít nhiều bị hạn chế nhu cầu vận động, vốn là nhu cầu vô cùng quan trọng và thiết yếu của các bé. Thiếu vận động thì việc ăn ngủ cũng phần nào bị ảnh hưởng. Vậy nên mọi người cố gắng một chút cho bé được chạy nhảy ngoài trời một tí nhé, trong sân nhà thôi cũng được.

Sau bữa trưa thì bé nhỏ vô giường đi ngủ. Baby cũng thường ngủ lúc đó. Bé lớn nghỉ ngơi một chút rồi tiếp tục làm bài hoặc online learning các lớp môn phụ trên Zoom. Giờ đó mình thường rảnh một chút vì 2 bé nhỏ ngủ nên mình giúp bé lớn các bài cần mẹ quay video cho, hoặc trả lời các câu hỏi của bé. Mình giúp bé lên kế hoạch, đặt mục tiêu hoàn thành bài tập trong ngày để đến cuối tuần không bị dồn việc.

Tuy nhiên mình cũng lượng sức của bé, không chạy theo chỉ tiêu bài vở hay thành tích gì hết. Quá trình quan trọng hơn thành quả. Việc các bé học online ở nhà không được gặp cô gặp bạn cả mấy tuần đã là sự cố gắng to lớn lắm rồi. Mình cũng trao đổi qua email với cô giáo về việc học của con để cô chuẩn bị bài tập phù hợp hơn với các bé. 

Buổi chiều ông bà làm về, cỡ 4-5g chiều sau khi chồng mình làm việc online xong thì cả nhà đi bộ thể dục, đẩy xe em bé theo, 2 bé lớn có khi chạy scooter. Nếu mưa thì ở nhà tập theo YouTube. Mẹ chồng mình rất là khỏe mạnh năng động ngày nào bà cũng tập yoga và lôi kéo bọn mình vượt lên chính mình để tập thể dục theo bà hihi... 

Có ba mẹ chồng mình giúp nên mình không phải nấu cơm chỉ giúp dọn dẹp sau đó hoặc làm mấy món ăn phụ thêm như yogurt, bánh trái thôi. Nhà đông người nên mỗi người một việc cũng vui. Các bé cũng phụ sắp xếp bát đũa ăn cơm và hay phụ làm bánh chung với bà hay mẹ khi có thời gian. 

Sau đó là tắm rửa và đọc truyện đi ngủ thôi.
Với phương pháp Montessori, mẹ tạo ra môi trường an toàn để con tự độc lập làm mọi thứ, trao quyền để con tham gia vào mọi công việc trong gia đình.
Với phương pháp Montessori, mẹ tạo ra môi trường an toàn để con tự độc lập làm mọi thứ, trao quyền để con tham gia vào mọi công việc trong gia đình. Source: Evelyn Huong Tran
SBS: Nhiều cha mẹ cảm thấy vô cùng khó khăn khi không thể gửi trẻ đến nhà trẻ hoặc đến trường, và phải làm việc tại nhà và chăm sóc, hướng dẫn trẻ học trong một thời gian dài phong tỏa. Chị là một người mẹ áp dụng phương pháp Montessori vào việc nuôi dạy con. Chị đã sử dụng phương pháp này như thế nào trong thời gian cả 3 bé ở nhà để các bé độc lập dù ở tuổi rất nhỏ?

Thật ra mình cũng thấy rất bận, ấy là mình đã có ông bà giúp mình và chồng mình làm việc ở nhà, vậy là mình đã may mắn hơn nhiều bạn lắm rồi. Mình đã cố gắng áp dụng thực hành phương pháp Montessori từ khi các bé còn nhỏ, trao cho các con cơ hội tự quyết và tự lập, làm các việc tự giúp mình như ăn ngủ, mặc quần áo giày vớ, giúp việc chung như quét lau nhà, hút bụi, cất chén bát sạch trong máy, dọn bát đũa ăn cơm.

Muốn con làm được nhiều việc thì mình phải trao quyền cho con, làm mẫu hướng dẫn con từ tốn từng bước một, bình tĩnh và tin tưởng là con làm được. Ví dụ như việc mặc quần áo, mình ko nhớ chính xác mấy tháng nhưng các bé nhà mình đã tự mặc quần áo giày vớ một mình ít cần hỗ trợ từ trước 2 tuổi. Bây giờ khi người lớn bảo các bé thay quần áo ra ngoài đi bộ là bé 2.5 tuổi đã tự biết phải làm những việc gì và tự chuẩn bị một mình rồi mang giày đầy đủ đứng chờ mình chuẩn bị cho baby. Bé 2.5 tuổi nhà mình cũng đã bỏ tã cả ngày và đêm nên mình cũng bớt việc.
Muốn con làm được nhiều việc thì mình phải trao quyền cho con, làm mẫu hướng dẫn con từ tốn từng bước một, bình tĩnh và tin tưởng là con làm được.
Để trả lời câu hỏi áp dụng phương pháp Montessori như thế nào thì thực sự là rất dài, mình chỉ tóm gọn một số điểm cơ bản để mọi người tự tìm hiểu thêm:

1. Luôn quan sát và tìm hiểu nhu cầu của con để đáp ứng đúng thời điểm, đúng giai đoạn nhạy cảm (sensitive periods). Mọi người có thể tìm kiếm 'Montessori sensitive periods' để hiểu thêm các giai đoạn nhạy cảm từ 0-6 tuổi.

2. Nhờ quan sát nên mình sẽ biết con rất muốn tự làm một mình từ khi còn rất nhỏ. Trao cho con cơ hội và làm mẫu cho con từ sớm sẽ giúp con học nhanh hơn và hứng thú thực hành.

Người lớn cũng cần kiên nhẫn một chút và học cách thân thiện với những lỗi sai khi con đang thực tập học làm bất cứ điều gì. Không chỉnh sửa lỗi của con hoài sẽ làm bé chóng nản. Ví dụ như bé tự mặc quần ngược trước ra sau, nếu việc đó ko phiền đến bé thì bạn cũng ko cần bắt bé cởi ra mặc lại. Lần sau khi bé mặc quần, bạn có thể hướng dẫn lại cách đúng sau. 

3. Sự tập trung là vô cùng quan trọng và được hình thành từ rất sớm, từ 0-6 tuổi. Nhiều khi chúng ta vô tình can thiệp vào quá trình tập trung của trẻ mà không hề hay biết. Khi quan sát bé đang rất chú ý làm việc gì đó, chúng ta nên dừng lại việc mình muốn bé làm, tôn trọng sự tập trung của bé và chờ bé qua giai đoạn tập trung rồi mới lại gần nói chuyện với bé. Có khi trẻ em chú ý tỉ mẩn vào những việc rất bé nhỏ vụn vặt mà chúng ta ko để ý, vì vậy hãy cố gắng quan sát và giúp con bằng cách không làm phiền con khi con đang trong quá trình tập trung.

Nuôi dưỡng sự tập trung là vô cùng quan trọng, vì không có giáo viên nào dạy được sự tập trung cả, đó là do tự thân mỗi người luyện tập mà thành. Người lớn chỉ giúp trẻ bằng cách xây dựng môi trường phù hợp và ko bị gián đoạn quá trình tập trung.

4. Môi trường ở nhà và ở trường là quan trọng nhất với trẻ. Ông bà cha mẹ là những người ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành tính cách thói quen của con. Bởi vậy mới có câu: "Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình." Chúng ta cần xây dựng thói quen tốt để trẻ học theo. 

Ở nhà chúng ta nên sắp xếp ít đồ chơi thôi và quy định đúng vị trí trên kệ để bé dễ dàng để lại đúng chỗ sau khi dùng xong. Người lớn cũng cần làm gương cất đồ đúng vị trí nữa. Mình cũng có các vật dụng vừa tay bé để bé dễ sử dụng, như chổi, ki hốt rác, khăn lau. Vì vậy khi lỡ làm rơi vãi đổ nước, bé tự mình biết phải làm gì và tự làm được vì có đồ dùng phù hợp.

5. Chúng ta có thể học cách giao tiếp phù hợp để trẻ vâng lời và vẫn được quyền lựa chọn.

Ví dụ: thay vì nói "Con đi thay quần áo đi mình đi ra ngoài" thì mình có thể nói "Con muốn mặc áo xanh hay áo hồng để mình ra ngoài chơi"

Với bé nhỏ mình cũng ko nên đưa ra quá 2 lựa chọn sẽ khiến bé bị rối.
Ông bà là sợi dây gắn kết mọi thành viên trong gia đình.
Ông bà là sợi dây gắn kết mọi thành viên trong gia đình. Source: Evelyn Huong Tran
SBS: Cha mẹ có nên quá cầu toàn nuôi dạy con trong giai đoạn này để gây áp lực, căng thẳng cho bản thân không? Hay chúng ta có thể xem nhẹ một chút vì đây là khủng hoảng kéo dài?

Đây là giai đoạn khó khăn chung, và nhà nào cũng có những căng thẳng áp lực riêng cả. Chúng ta đã rất may mắn khi đang an toàn, gia đình ở cùng một nơi, mọi người đều khoẻ mạnh. Nếu chúng ta cố gắng suy nghĩ tích cực, rèn luyện thân thể khoẻ mạnh và tâm thái an yên thì việc cách ly thế này thực sự là dịp để gia đình ở gần nhau và có nhiều thời gian với nhau hơn. 

Kinh nghiệm của mình là cố gắng đơn giản hoá mọi việc, bớt cầu kỳ và tận dụng mọi dịch vụ có thể để đỡ tốn thời gian. Chú tâm vào những việc quan trọng với gia đình mình và tập buông bỏ bớt sân si những điều chưa vừa ý. Ai cũng có điểm mạnh điểm yếu cả. Có thể con mình còn chưa chú tâm lắm đến bài vở ở trường, nhưng bé vui vẻ khoẻ mạnh và rất thân thiện nên luôn được thầy cô bạn bè yêu quý. Có thể bé còn chưa đọc tốt nhưng bé rất thích đọc sách, vẽ tranh hay thể thao. Hãy cố gắng nhìn vào điểm tốt của con, của người bạn đời để vui vẻ phấn chấn hơn. 

Đối với mình thì việc nuôi dạy con không cần phải quá cầu toàn nhưng cũng không thể xem nhẹ, bất kể lý do gì. Mình không thể viện lý do rất bận để cho con dùng TV hay iPad hàng giờ. Nói vậy ko có nghĩa là mình cấm cản các bé hoàn toàn việc dùng công nghệ, chỉ là hạn chế thời gian phù hợp thôi.
Có thể bé còn chưa đọc tốt nhưng bé rất thích đọc sách, vẽ tranh hay thể thao. Hãy cố gắng nhìn vào điểm tốt của con, của người bạn đời để vui vẻ phấn chấn hơn.
Chúng ta cũng nên yêu thương trân trọng bản thân một chút, nên chia việc ra cho mọi người thay vì ôm đồm hết việc vô người. Đồng thời mình cũng cố gắng bớt cầu toàn, việc gì làm được như dự tính thì tốt, ko được thì thôi mai làm. Có thời gian nấu nướng cầu kỳ thì tốt, không có thì nấu 1 món thôi hoặc đặt order một hai bữa trong tuần.

Với các bé nhỏ tuổi như con mình, cần chú ý nhu cầu của bé và đáp ứng cho con điều con muốn con cần thì mình sẽ nhận được cái mình mong muốn. Ví dụ: trẻ con cần vận động và vui chơi để giải phóng năng lượng rất nhiều ở trẻ, thiếu vận động thì không thể ăn tốt ngủ ngon được.
Vận động là chìa khóa giúp các con ăn ngoan, ngủ ngon giấc và khỏe mạnh trong suốt thời gian phong tỏa.
Vận động là chìa khóa giúp các con ăn ngoan, ngủ ngon giấc và khỏe mạnh trong suốt thời gian phong tỏa. Source: Evelyn Huong Tran
Mình vẫn còn rất nhiều điều cần sửa và cần học thêm thực hành thêm trong công việc dạy con "trăm năm trồng người" này. Vì vậy, mình nghĩ chúng ta cần học tập như một chiếc ly rỗng, liên tục quan sát con, nhận ra nhu cầu và khó khăn của con, liên tục hành động hỗ trợ con.

Nuôi dạy con quả thật ko đơn giản, vậy nên chỉ có tình yêu và sự cảm thông với con trẻ mới giúp cha mẹ trở thành những người bạn lớn của con, để con tin tưởng, chia sẻ khi con dần lớn lên và bước vào đời.

Chúc các gia đình an toàn, khoẻ mạnh, bình yên qua mùa dịch. Chúc các bé luôn vui khỏe, tự lập, ăn ngoan, ngủ giỏi, tự giác học tập và luôn tràn đầy niềm vui khám phá trải nghiệm. 

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe phỏng vấn với khách mời.

Share