Nhiều nhóm tại Úc bắt tay cùng xoá bỏ định kiến về tình trạng sức khoẻ tâm thần trong thai kỳ và sau sinh

Jami Seale and her family have come out through the other side after her experience with postnatal anxiety and depression.

Jami Seale and her family have come out through the other side after her experience with postnatal anxiety and depression. Source: SBS News

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tuần Lễ Sức khoẻ Tâm thần khi mang thai và sau sinh tại Úc năm nay xảy ra từ ngày 7 đến 13 tháng 11. Năm nay có hơn 40 tổ chức khắp nước Úc đã cùng nhau hợp tác để giúp đỡ những người mới làm cha mẹ. Mục tiêu nhằm xoá bỏ những định kiến, đặc biệt ảnh hưởng đến cha mẹ Thổ dân và di dân, và khiến nhiều gia đình đã không tìm đến các dịch vụ giúp đỡ để vượt qua sự căng thẳng.


Đó là một gia đình nhỏ ba người đang cùng nhau trải qua những thăng trầm của cuộc đời.

Với cô Jami Seale, trở thành một người mẹ ngay giữa lúc dịch bệnh là một thách thức.

Là một phụ nữ Thổ dân, cô định chôn nhau thai sau khi sinh con gái Lily hồi năm ngoái.

Tuy nhiên cô nói nhân viên trong bệnh viện đã không tôn trọng mong ước của cô.

‘Điều thật sự quan trọng trong văn hóa Thổ dân đó là chúng tôi thừa nhận nhau thai như một bộ phận của giống nòi. Tôi muốn chôn nhau thai xuống đất, không cần ở ngay mảnh đất tổ tiên, vì tôi sinh con ở xa quê hương, và tôi cũng không biết rõ tổ tiên của tôi chính xác là ở vùng nào. Vì vậy, kế hoạch của tôi là sẽ chôn nhau thai ở một nơi đặc biệt, có thể kết nối con gái tôi với bà ngoại của cháu, nhưng thật tiếc là điều đó đã không xảy ra. Đúng vậy, nhau thai của con tôi không may đã bị mắc kẹt trong một cái thùng rác, nằm đâu đó ở trong bệnh viện, vì vậy chúng tôi đã không thể thực hiện ước nguyện này.’

Jami nói chính điều này đã góp phần khiến cảm xúc của cô tăng vọt ngoài tầm kiểm soát.

Cô được chẩn đoán mắc chứng lo âu và trầm cảm sau sinh, khi bé Lily được 6 tháng tuổi.

‘Tôi cảm thấy không ai thật sự lắng nghe về những gì mà tôi phải trải qua. Tôi cảm thấy vai trò của mình như là một y tá chứ không phải một người mẹ, và tôi cảm thấy xấu hổ khi biết rằng mình đã mắc chứng lo âu và trầm cảm, vì vậy tôi đoán tôi càng thêm hổ thẹn với mọi thứ.’

Jami nói giờ đây cô đã trở nên tốt hơn sau khi được trị liệu tâm lý và uống thuốc.

Tại Úc, cứ 5 người làm mẹ thì có 1 người bị chứng lo âu và trầm cảm thai kỳ và sau sinh, trong khi tỉ lệ ở những người cha là 1 trên 10.  

Nhiều dịch vụ hỗ trợ đã chứng kiến sự tăng vọt các cuộc gọi nhờ giúp đỡ trong thời gian dịch bệnh.

Tâm lý gia lâm sàng Chris Barnes thuộc tổ chức Gidget Foundation Australia, một tổ chức giúp đỡ về cảm xúc và tinh thần cho cha mẹ mới, nói rằng hai năm vừa qua thật sự khó khăn.

‘Vì vậy tại Gidget Foundation Australia, chúng tôi thấy nhu cầu về dịch vụ này tăng lên tới 127%, và đó là một con số kinh khủng lắm. Chúng tôi biết có rất nhiều cha mẹ trẻ phải trải qua giai đoạn vất vả hơn bình thường.’

Các chuyên gia y tế nói gia đình thổ dân, gia đình đa sắc tộc và gia đình đồng tính

LGBTQI đặc biệt gặp nguy cơ trầm cảm cao hơn.

Đó là lý do tại sao 40 tổ chức đã cùng hợp tác và giúp nâng cao ý thức về chứng lo âu và trầm cảm sau sinh.

Bà Barnes nói sự giúp đỡ luôn có sẵn cho cha mẹ trẻ để họ có thể nhận được sự chăm sóc của chuyên gia, một cách chính xác và đúng lúc.

‘Các cha mẹ trẻ không cô đơn. Có rất nhiều dịch vụ giúp đỡ họ. Tôi nghĩ bước đầu tiên là bạn hãy đến nói chuyện với bác sĩ của bạn, hoặc nhờ người thân hay bạn bè đặt lịch hẹn cho bạn gặp bác sĩ nếu bạn thấy khó làm. Hãy bắt đầu từ đó, sau đó bạn có thể gặp nhân viên hộ sản, và bác sĩ sản khoa nữa. Nếu bạn không làm những bước nói trên thì bạn vẫn có thể ngay lập tức đi đến gặp trực tiếp các chuyên gia về thai kỳ và sau sinh tại những dịch vụ như Gidget Foundation Australia.’

Là một dược sĩ và cũng là người mẹ của hai đứa con, cô Namita Mahanama đã bị chứng trầm cảm sau sinh hai lần khi cô sinh hai đứa con mình.

Cô nói thật là khó để vượt qua nhận thức văn hoá về sự hổ thẹn khi làm một người Úc gốc Ấn Độ, mặc dù cô nhận được sự ủng hộ rất lớn của gia đình.

‘Với nguồn gốc Ấn Độ của tôi, có nhiều tầng nhiều lớp văn hóa chồng chất mà ở đó, bạn biết đấy, chưa bao giờ được nói ra cũng như chưa có ai lên tiếng. Cha mẹ tôi rất ủng hộ tôi, nhà chồng tôi cũng rất tuyệt vời. Nhưng có một quy luật bất thành văn đó là bất kỳ dấu hiệu yếu đuối nào liên quan đến sinh sản xảy ra, thì mọi người sẽ giống như: 'Chẳng có việc gì đâu, con sẽ ổn thôi, chắc chắn là con sẽ vượt qua’. Nhưng làm sao chúng ta có thể kiểm soát tất cả các triệu chứng. Đó là một phản ứng sinh hóa xảy ra do nội tiết tố, và bạn biết đấy, phải lên tiếng và hãy tìm kiếm sự giúp đỡ, đó mới là thật sự có thể giúp bạn vượt qua.’

Namita hiện nay đang viết một cuốn sách về hành trình vượt qua sự trầm cảm khi mang thai và sau sinh, cô mong muốn kinh nghiệm của cô có thể giúp phá vỡ những định kiến mà các cha mẹ trẻ phải đối mặt.

Thính giả cần tìm kiếm sự hỗ trợ về sức khoẻ tâm thần và thông tin có liên quan xin liên hệ

Lifeline tại số điện thoại 13 11 14 hoặc Beyond Blue tại số điện thoại 1300 22 4636.

Share