Nhiều người Rohingya không thể đến Bangladesh vì bị cấp chiếu khán giả

Bangladesh High Commission, Canberra

Bangladesh High Commission, Canberra Source: Wikimedia

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Cảnh sát liên bang đang tiến hành điều tra sau khi nhiều người tị nạn Rohingya bị cấp chiếu khán giả. Một cuộc điều tra độc quyền của đài SBS Bangla đã phát hiện một nhóm những người đàn ông ở Úc gần đây bị nghi ngờ là giữ chiếu khán giả mạo, và vài người đã phải quay trở lại Úc sau khi sử dụng chiếu khán giả đi du lịch đến Bangladesh.


Amanullah là một người tị nạn Rohingya sống ở Sydney.

Tuy nhiên, gia đình anh vẫn đang ở Bangladesh, trong một trại tầm trú tại Cox's Bazar.

Vào tháng 12, anh đã được cấp chiếu khán du lịch tới Bangladesh với chi phí là 350 đô la.

Sau đó, anh phát hiện ra chiếu khán mình nhận được là giả mạo.
Một số người Rohingya ở Úc đã trả từ 300-600 đô la để nhận chiếu khán giả từ nhân vật được cho là viên chức của tòa đại sứ Bangladesh.
"Vào ngày 28 tháng 12, khi tôi tới Tòa đại sứ Bangladesh, một trong những quan chức ở đó nói với tôi đây là chiếu khán giả. Để được cấp chiếu khán hợp lệ, tôi phải đi trình báo với cảnh sát trước."

Đài SBS News đã phát hiện ra rằng một số người Rohingyas từ Úc đã bị hải quan giam giữ khi họ vừa đặt chân đến Dhaka, và sau đó phải quay trở về Úc. Nguyên nhân là các chiếu khán mà họ có đều không hợp lệ.

Mỗi người trong số họ đã trả từ 300 đến 600 đô la để được cấp các chiếu khán này.

SBS đã nhận được một báo cáo của hải quan Bangladesh, trong đó ghi lại tuyên bố của những nạn nhân cho rằng một viên chức ở tòa đại sứ Bangladesh có dính líu đến việc này.

Một người Rohingya khác, Mohammad Idris, nói với đài SBS rằng ông đã khuyên một số người Rohingyas khác gửi tiền và hộ chiếu của họ đến thẳng địa chỉ tòa đại sứ chính thức để tăng tốc quá trình được cấp chiếu khán vì tin rằng những chiếu khán đó đều sẽ hợp lệ.
"Người này là một viên chức của tòa đại sứ, vậy làm sao chúng tôi biết đây là chiếu khán giả hay thật khi họ cấp cho chúng tôi chứ?"
SBS đã có được bản sao của một trong số những chiếu khán giả được cấp vào tháng 12 năm ngoái.

Chiếu khán này được viết bằng tay và đóng dấu thủ công.

Tuy nhiên, mười tháng trước đó, Tòa đại sứ đã thay thế loại chiếu khán yêu cầu điền bằng tay bằng loại chiếu khán mới hơn, có thể đọc bằng máy.

Đại sứ Sufiur Rahman đã từ chối buổi phỏng vấn có ghi hình, nhưng phát biểu với SBS rằng họ đã nhận được một số báo cáo về những chiếu khán viết tay giả mạo trong vài tuần qua.

"Trong khi chúng tôi có những cáo buộc về chuyện cấp chiếu khán giả, chúng tôi không thể kết luận về sự dính líu của bất kỳ nhân viên nào của chúng tôi. Chúng tôi vẫn chưa nhận được một báo cáo chi tiết nào từ cấp chính quyền Bangladesh về chuyện những người giữ chiếu khán giả du lịch đến Banglesh và phát hiện của các nhà chức trách dẫn đến việc trục xuất những người Rohingyas này."

Ít nhất sáu người Rohingyas đã khiếu nại với Cảnh sát Liên bang Úc về việc bị cấp chiếu khán giả.

Cảnh sát liên bang đã đưa ra một tuyên bố cho biết họ đang điều tra "một âm mưu lừa đảo bị nghi ngờ liên quan đến vấn đề chiếu khán du lịch."

Trong khi đó, Amanullah chỉ hy vọng anh có thể sớm được du lịch đến Bangladesh một cách hợp lệ.

"Chúng tôi muốn chấm dứt các chiếu khán giả. Mọi người nên được du lịch đến Bangladesh một cách đàng hoàng."

Nhưng hiện giờ anh vẫn chưa biết khi nào mình sẽ có thể sang Bangladesh để thăm gia đình trong trại tầm trú.

Share