Người dân Orange nghĩ gì về trưng cầu dân ý Tiếng nói Thổ dân?

Left to Right Aunty Alice Williams, Uncle Vic, Uncle Neil Ingram - Senior Wiradjuri Elders (SBS-Francesca de Nuccio).jpg

Từ trái sang phải: Aunty Alice Williams, Uncle Vic, Uncle Neil Ingram - Senior Wiradjuri Elders Source: SBS / Francesca de Nuccio

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

SBS đến thị trấn Orange ở Central Tablelands, NSW để tìm hiểu người dân ở đây nghĩ như thế nào về cuộc trưng cầu dân ý Tiếng nói Thổ dân trước Quốc hội vào ngày 14/10 sắp tới. Trong khi một số người ủng hộ mạnh mẽ Tiếng nói Thổ dân trước Quốc hội thì những người khác lại lo ngại về ý nghĩa thực sự của nó đối với những người sống trong vùng.


Orange là một thị trấn thịnh vượng nổi bật nhờ khai thác mỏ, du lịch, giáo dục và nông nghiệp.

Quan điểm của người dân ở đây khi nhắc đến Tiếng nói Thổ dân trước Quốc hội cũng rất đa dạng.

Họ rất muốn hiểu điều này có ý nghĩa gì đối với các vùng thôn quê của nước Úc.

“Tôi nghĩ điều này tạo ra cơ hội cho hội đồng. Chúng ta có được tiếng nói ngay trong hội đồng này. Tôi đang hướng dẫn cho những người First Nations ở đây thiết lập các mối liên hệ giữa hội đồng thành phố Orange và các địa điểm linh thiêng và các câu chuyện của họ. Để mọi người cảm nhận được lợi ích liên quan đến những người thuộc First Nations ở thị trấn Orange", Phó Thị trưởng Gerald Power, ủy viên hội đồng Thổ dân đầu tiên của Orange, cho hay.

Ông Power giải thích rằng núi Canobolas ở Orange, một ngọn núi lửa cổ xưa, rất thiêng liêng đối với người dân Wiradjuri.

“Đó là một phần câu chuyện tâm linh của người dân Wiradjuri. Vì thế nó được đặt tên là Canobolas. Nhưng câu chuyện tâm linh là Gaahna-bula – kể về ba anh em tranh giành một người phụ nữ.”

Ngoài ra, ông Power cũng đang tổ chức các chuyến đi bộ tìm hiểu văn hóa bản địa - chia sẻ di sản và văn hóa của vùng.

Xuất thân từ Queensland, ông Power được các trưởng lão Wiradjuri ban phước để làm điều này.

Ông cũng đóng góp vào những nỗ lực để hội đồng đưa ra kiến nghị ủng hộ Tiếng nói Thổ dân trước Quốc hội.

“Chúng tôi biết chính xác lý do tại sao chúng tôi đồng ý, chỉ dựa trên hai cơ sở đơn giản, đó là sự công nhận trong hiến pháp và tiếng nói để mang lại kết quả tốt hơn cho người thổ dân."

Đang là giữa tuần ở Orange nhưng hơn 100 cư dân địa phương muốn biết thêm đã tìm đến một diễn đàn cộng đồng, trước thềm sửa đổi hiến pháp lần thứ chín của Úc.

Một số người vẫn chưa quyết định.

“Thành thật mà nói thì tôi không biết nhiều về chuyện này, nên tôi đang cố gắng tìm hiểu thêm. Đây là sự kiện/thông tin đầu tiên chúng tôi có được ở Orange”

Trong khi những người khác quyết định ủng hộ Tiếng nói Thổ dân.

“Đối với tôi thì không cần phải suy nghĩ gì nhiều. Tôi nghĩ bất kỳ quốc gia nào chưa công nhận những người dân đầu tiên của đất nước mình là chưa đủ trưởng thành, họ cần phải tìm hiểu sâu hơn trong ngóc ngách trái tim mình.”

Còn một số khác thì chẳng hề bận tâm.

“Tôi nghĩ đó chỉ là sự lãng phí tiền bạc - có nhiều thứ quan trọng hơn mà chính phủ nên quan tâm. Tôi sẽ bỏ phiếu không vì tôi nghĩ hãy để mọi thứ như hiện tại, đừng can thiệp vào những gì đang diễn ra”

SBS đã nói chuyện với một số người khác, họ nói rằng sẽ bỏ phiếu chống nhưng không muốn bị ghi hình.

Trong số khoảng 40.000 người sống ở Orange - gần 8% là người bản địa.

Trong khi một số người ủng hộ mạnh mẽ Tiếng nói thì những người khác lại lo ngại về ý nghĩa thực sự của nó đối với những người sống trong vùng.

Một số Trưởng lão Thổ dân như Trưởng lão Wiradjuri, ông Neil Ingram, nói rằng việc bày tỏ mối quan ngại xung quanh Tiếng nói cũng là một thách thức.

“Ngay cả khi chúng tôi có ý kiến, họ cũng không tôn trọng ý kiến đó và chỉ trích. Với những người đồng ý, nếu họ biết bạn không ủng hộ, họ sẽ bắt đầu lên án và chỉ trích bạn. Và tôi tin rằng Tiếng nói đã chia rẽ đất nước vĩ đại của chúng ta”

Vị trưởng lão Les Powell của Wiradjuri cho biết ông cũng lo lắng về việc có đại diện trong Tiếng nói trước Quốc hội.

“Điều này có lợi cho ai? Tại sao lại có lợi và liệu chúng ta có đạt được kết quả tốt hơn cho người bản địa, đặc biệt là người dân trong vùng hay không. Làm thế nào họ có thể hành xử công bằng và đại diện cho toàn bộ nước Úc? Họ không thể! Chỉ riêng ở Wiradjuri thôi chúng ta đã có 500 nhóm khác nhau, 500 phương ngữ khác nhau.”

Bà Alice Williams cũng chia sẻ những mối quan tâm này.

“Nếu quý vị đi hỏi một số bạn trẻ, họ sẽ nghĩ quý vị đang nói về một chương trình truyền hình, 'đánh dấu vào ô' nào. Chúng tôi sẽ đánh dấu vào một ô và có rất ít thông tin về những gì chúng tôi sẽ chọn lựa.”

Tại Dịch vụ Y tế Thổ dân Orange, người ta hy vọng Tiếng nói sẽ mang lại những kết quả tích cực như Giám đốc điều hành Jamie Newman giải thích.

“Hệ thống này chưa bao giờ hiệu quả với chúng tôi nên chúng tôi phải thay đổi điều đó. Dù quý vị là người da trắng, da đen hay da màu, mọi người đều cần được chăm sóc sức khỏe. Nhưng chúng tôi sẽ có thể đạt được điều này sớm hơn rất nhiều nếu được chính phủ lắng nghe.”

Và tại thị trấn nhỏ Orange này, các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục, ít nhất là trong 6 tuần nữa.

Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like 

Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 

Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ hay 




Share