Ngày Tết "giằng xé" của một Việt Nam lạ lẫm và mất mát

Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Nhạc sĩ Tuấn Khanh Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, một trí thức yêu nước và luôn trăn trở về thời cuộc chia sẻ với SBS không khí Tết của Sài Gòn ngày nay, những hoài niệm về Tết xưa, nỗi mất mát cùng đau thương không thể nguôi trong cái Tết của những người dân oan Đồng Tâm và ước vọng của anh cho một ngày mai Tự do.


Tết xưa còn đâu…

Cuộc trò chuyện với NS Tuấn Khanh với SBS diễn ra trong những thời khắc cuối cùng của năm Kỷ Hợi

Với những người sống ở hải ngoại đã lâu chưa về Việt Nam, NS Tuấn Khanh cho rằng họ sẽ cảm thấy hụt hẫng khi những nét đẹp của Tết xưa không còn

“ Đời sống Việt Nam giờ đây không còn tết cổ truyền. Khung cảnh rộn rịp của bến Bình Đông những ngày Tết không còn nữa. Khoảng 5-7 năm, kinh tế đắt đỏ, nhà nông không còn cơ hội để trưng bày hoa trên đường phố, buôn bán ế ẩm hơn.

Thuyền vẫn cập bến ở Bình Đông từ Bến Tre, Đồng Tháp, miền Tây, chỉ góp mặt tại một nơi vốn đã quen thuộc nhưng cái hồn đã mất. Người Việt ngày ngay không còn chơi hoa, mua trái cây như trước, họ chỉ đợi những ngày cuối năm khi giá giảm xuống nhiều mới mua. Người bán hoa thì chịu lỗ, quay về trong sự mệt mỏi.

Những vùng xa như Bình Định, Quảng Nam vẫn trồng hoa nhưng bán ở địa phương. Từ nhiều năm nay, Sài Gòn trở thành miền đất di dân, đời sống làm ăn. Đường phố vắng vẻ hơn trong ngày cuối năm. Nhiều gia đình đi du lịch từ 28,29 tết. Đời sống công nghiệp hóa làm mất đi cái Tết xưa”, NS Tuấn Khanh chia sẻ với SBS.

Báo chí trong nước ra sức ca ngợi sự ấm no, sức sống của mùa xuân mới, nhưng theo NS Tuấn Khanh, thực tế cuộc sống tại Việt Nam tồn tại nhiều sự giằng xé, mâu thuẫn và khác biệt.

“Việt Nam tuyên bố GDP tăng trưởng, hàng triệu người vẫn thiếu ăn, nợ công vài ngàn đô trên một đầu người Việt Nam. Tăng trưởng không thể nào vá víu được cho một xã hội Việt Nam khó khăn. Cầm tờ 500.000 VNĐ cách đây vài năm còn có thể đủ  cho cả gia đình ra ngoài ăn uống, chơi Tết cả ngày. Nhưng bây giờ một người cầm 500.000 VNĐ vài tiếng là hết ngay.
Chợ Hoa trong những ngày Tết năm xưa
Chợ Hoa trong những ngày Tết năm xưa Source: Saigonxuavanay
Những người tha phương từ các miền quê Việt Nam lên Sài Gòn bán hàng vặt, cóc ổi, bánh tráng, thu nhập khoảng $300 Úc để gửi về quê nuôi gia đình, biết bao gia đình chia tay, vợ ở quê làm ruộng, chồng lên thành phố buôn bán”. Nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ đó là bộ mặt của xã hội Việt Nam hiện tại trong ngày cuối năm, đầy giằng xé, cơ cực và mâu thuẫn.

Mùa xuân không trọn vẹn

Có một sự mâu thuẫn trong chính nội bộ lãnh đạo. Chính chất xúc tác này là điều tạo ra những thay đổi, dù rất nhỏ, trong xã hội Việt Nam những năm qua, theo quan điểm của nhạc sĩ Tuấn Khanh.

“Một ngày nào đó khi chính những người lãnh đạo cảm thấy thời đại của họ, thế hệ của họ không còn tính chính danh với chế độ nữa, mọi thứ sẽ thay đổi. Do đó người dân vẫn sẽ tiếp tục lên tiếng trước những bất công trong xã hội với hy vọng tạo ra sự đổi thay”.

Những mùa xuân đau lòng diễn ra tại Việt Nam trong những năm gần đây, không chỉ riêng với vụ Đồng Tâm.

“Năm ngoái là vụ vườn rau Lộc Hưng, trước đó là những vụ cướp đất ở Dương Nội, Văn Giang, Hưng Yên. Năm nay là vụ Đồng Tâm.

Nhưng vụ Đồng Tâm quá đột ngột và dã man. Cho tới giờ phút này, nhiều người dân trong nước nhận ra không phải tất cả mọi người trong chính quyền đều chủ trương giết một cụ già, tàn phá cả một vùng làng quê, vào những ngày giáp Tết.
Người dân Đồng Tâm vẫn ra sức kêu gọi công lý cho chính mình, khi nào họ nhận được công lý, khi đó họ mới có mùa xuân.
Có một lực lượng rất kiêu ngạo trong chính quyền tin rằng họ có thể giải quyết tất cả bằng bạo lực. Những phát biểu, tuyên bố bất nhất cho thấy chính nội bộ mâu thuẫn, và nhiều người trong nội bộ cũng cảm thấy không gột rửa được sự thật.

Phe cánh làm sai tiếp tục làm sai để che giấu tội ác. Mùa Tết với chính quyền trong năm vừa qua chẳng có gì vui khi cụ Kình đã chết, cuộc trấn áp đi qua nhưng đầy mâu thuẫn trong lòng người dân. Người Việt bao giờ cũng vậy, bình yên trên bề mặt nhưng đau đến quặn lòng”, NS Tuấn Khanh nói với SBS.

Với nhạc sĩ Tuấn Khanh và những trí thức yêu nước khác, sẽ không bao giờ có một mùa xuân trọn vẹn khi “người dân Đồng Tâm vẫn ra sức kêu gọi công lý cho chính mình, khi nào họ nhận được công lý, khi đó họ mới có mùa xuân.”.

Mời quý vị nghe nguyên văn phần phỏng vấn với NS Tuấn Khanh trong audio

Share