Trang bị tri thức, ứng phó với Luật An ninh mạng

Cover of the handbook of cyber-security Law

Source: Nguyen Vi Yen's Facebook

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Ngày 1/1/2019 tới đây, Luật An ninh mạng của Việt Nam chính thức có hiệu lực. Bên cạnh những tiếng nói phản đối hay những lo lắng rằng, luật này sẽ ảnh hưởng đến đến quyền kinh tế và chính trị của công dân, SaveNet - nhóm thúc đẩy ý thức của cộng đồng về quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam - đã biên soạn cẩm nang "Luật An ninh mạng: Những điều cần biết".


Cuốn cẩm nang này dự kiến sẽ phát hành trên website và fanpage của nhóm vào đúng ngày Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành. Đồng thời, nhóm cũng sẽ  nhờ các nhóm xã hội dân sự tại Việt Nam cộng tác để hỗ trợ phổ biến cuốn cẩm nang này. 

Nói về lý do tại sao nhóm lại biên soạn cuốn cẩm nang này, Nguyễn Vi Yên, Trưởng nhóm SaveNet, hiện làm việc tại nước ngoài, cho hay, ngay sau khi SaveNet ra đời, nhóm đã liên tục có những kiến nghị gửi lên Quốc hội và Chủ tịch nước Việt Nam, đề nghị không thông qua hay hoãn thi hành Luật An ninh mạng và đã thu hút hơn 110 ngàn chữ kỹ. 

Tuy nhiên, kết quả của những kiến nghị đó là… không có gì xảy ra. Quốc hội Việt Nam vẫn nhất quyết thông qua dự luật và Luật An ninh mạng sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 tới đây.

Nhận thức rằng quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư của người dân đang và sẽ bị xâm hại nghiêm trọng hơn, SaveNet đã quyết định sẽ soạn thảo một cẩm nang chi tiết về Luật An ninh mạng; cũng như sẽ phân tích, đối chiếu với các luật về an ninh mạng trên thế giới, để người dân có thể đọc và hiểu rõ họ cần làm gì để đối phó với tình trạng quyền của họ đang bị xâm hại.

Cuốn cẩm nang được bắt đầusoạn thảo từ 4 tháng trước đây với sự hỗ trợ, góp sức của gần 10 chuyên gia luật trong nước, đi sâu phân tích Luật An ninh mạng cũng như góp những góc nhìn đa dạng và khách quan về Luật An ninh mạng.

SaveNet hy vọng, cẩm nang này sẽ thực sự trở thành công cụ hữu ích cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình tìm hiểu Luật An ninh mạng.   

Cẩm nang được viết hướng đến người dân nên ngôn ngữ sẽ được đơn giản hóa, với nội dung gồm 3 phần chính. 

Phần đầu là những thông tin khái quát về an ninh mạng, và những vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật an ninh mạng trên thế giới.

Nguyễn  Vi Yên lý giải, điều này nhằm hóa giải luận điệu tuyên truyền lâu nay của chính quyền Việt Nam, rằng châu Âu, Mỹ, Đức đều có luật an ninh mạngvà Việt Nam cũng nên có. Trong phần này, cuốn sách sẽ phân tích luật an ninh mạng các quốc gia nói trên và chỉ rõ sự khác biệt trong  cách tiếp cận của các luật này so với luật của Việt Nam.

Phần thứ hai của Cẩm nang tập trung phân tích Luật An ninh mạng của Việt Nam. Tiếp đó, se dự báo tác động và đề xuất cách tiếp cận phù hợp với các đối tượng liên quan, mà ở đây chủ yếu là các doanh nghiệp và người dân.
"Một khi đứng trước bất công mà sợ hãi và không dám lên tiếng, thì đó đã là vấn đề thuộc về phẩm giá của con người. Để người ta không còn sợ hãi, thì tri thức là một điều rất cần thiết”- Nguyễn Vi Yên
Bên cạnh cẩm nang "Luật An ninh mạng: Những điều cần biết", SaveNet cũng đang biên soạn các cuốn cẩm nang khác như Kỹ năng tham chính, cũng như cách thức bảo mật trên không gian mạng để mọi người biết cách bảo mật trên không gian mạng, bảo vệ quyền riêng tư ra sao; và từ đó họ sẽ tự tin hơn khi hành động; hay sẽ biết phải làm gì khi bị đe doạ bởi Luật An ninh mạng.

“Luật An ninh mạng sẽ cho phép Bộ Công an nắm bắt sở thích, cũng như quan điểm chính trị của người dân và nó đã không còn là vấn đề can thiệp vào quyền riêng tư mà Bộ Công an đang gieo rắc nỗi sợ là họ có thể xâm nhập vào suy nghĩ của chúng ta và trừng phạt chúng ta. Điều đó khiến người dân sẽ phải tự kiểm duyệt mình. Đó là lý do vì sao chúng tôi biên soạn những cuốn cẩm nang như thế này, để người dân biết được Luật An ninh mạng sẽ ảnh hưởng đến họ như thế nào, họ phải làm gì. Tuy nhiên, điều lớn hơn là câu chuyện về quyền lên tiếng và tự do trong biểu đạt của người dân, bởi một khi đứng trước bất công mà họ sợ hãi và không dám lên tiếng, thì đó đã là vấn đề thuộc về phẩm giá của con người . Để người ta không còn sợ hãi, thì tri thức là một điều rất cần thiết”- Nguyễn Vi Yên khẳng định.

SaveNet ra đời tháng 6/2018 với mục tiêu thúc đẩy ý thức của cộng đồng về quyền tự do ngôn luận, giữa khi quyền này đang bị đe dọa nghiêm trọng ở Việt Nam.

Nhóm hiện có gần 10 thành viên, cùng một mạng lưới rộng rãi các cộng tác viên, hầu hết đang sống ở trong nước. Công tác viên của nhóm còn có 27 nhóm xã hội dân sự khác tại Việt Nam.

Được biết, Nguyễn Vi Yên cũng là chủ nhiệm nhóm Tinh thần Khai minh, một nhóm học thuật được thành lập vào ngày 01/5/2014, hoạt động nghiên cứu thuần túy trong lĩnh vực khoa học chính trị, hướng đến nâng cao nhận thức chính trị của người Việt và thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự.


Share