Mái ấm gia đình: Tình yêu và sự cảm thông thắp sáng 'gia đình đồng giới', họ cũng giống chúng ta...

Dam Cuoi 2018 5.JPG

Đám cưới của Trung Nguyễn (phải) và Việt Trương (trái) diễn ra ở Melbourne vào năm 2018.

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Trung Nguyễn (38 tuổi) và Việt Trương (40 tuổi) đánh dấu mối tình 4 năm bằng một đám cưới tại Melbourne vào năm 2018 với sự chúc phúc của gia đình. Đến nay tổ ấm nhỏ của họ ngày càng gắn kết. Đó là hành trình thành thật với chính mình, chân thành với nhau, vượt qua định kiến của xã hội và tìm thấy sự bao dung từ những người thân yêu trong gia đình.


Trung Nguyễn – ‘Mẹ tôi từng khuyên tôi cưới vợ’

Trung Nguyễn (38 tuổi), một chuyên viên quản trị dịch vụ sinh viên tại một trường Tafe ở phía Bắc Melbourne chia sẻ anh sớm nhận ra sự thiếu thành thật và giả dối trong tình cảm là dấu chấm hết cho cuộc tình của cha mẹ mình khi anh còn là một thiếu niên.

Việc cha mẹ chia tay thúc đẩy anh sống thật với bản thân và công khai mình là một người đồng giới nam. Trung Nguyễn nói với SBS anh muốn thành thật với gia đình.

“Sự không thành thật giữa ba mẹ đã làm mối quan hệ tan vỡ, gia đình tôi không hạnh phúc trong suốt bao năm qua. Tôi không muốn người trong nhà nhìn nhau với sự hoài nghi.

Đêm đó tôi tiết lộ với mẹ 'con là gay, con chỉ thích con trai thôi, con không thích con gái’. Mẹ tôi lặng người. Trước đó mẹ vẫn hối tôi cưới vợ, mẹ nói giờ công ăn việc làm ổn rồi, thôi cưới vợ đi, mẹ thấy đứa bạn gái này, đứa bạn kia trong nhóm của con được nè…”
Tasmania Lavender Farm.jpg
"Hai bên gia đình thương mến nhau, coi nhau như thông gia, dù Trung và Việt chưa thật sự có một đám cưới hay dạm hỏi nào ở Việt Nam."
Câu trả lời của Trung Nguyễn xoáy vào tâm gan người làm mẹ.

“Nếu con cưới một người phụ nữ về, sau hai ba năm, con không thể mang lại hạnh phúc thật sự cho người con gái đó, chắc chắn sẽ đổ vỡ, hậu quả về tinh thần rất khủng khiếp. Ba từng làm những chuyện không hay khiến mẹ phải hứng chịu, mẹ có muốn người con gái khác cũng khổ như mẹ không?"
Con muốn mọi người hạnh phúc và bản thân con hạnh phúc, cho nên con sẽ cưới con trai thôi.
Trung Nguyễn
Từ nhỏ Trung đã bộc là một người chính trực, thẳng thắng, mọi người trong gia đình sớm nhận ra Trung không bình thường như những bé trai khác và hay dùng những từ ngữ không hay để gọi anh.

“Cô dì chú bác, anh chị em họ thường gọi tôi bằng những cái tên không hay, khiến tôi rất ngại khi gặp họ…”

Trung Nguyễn chia sẻ anh sớm nhận ra giới tính thật của mình khi còn trẻ.

“Tôi có may mắn được làm việc trong các tổ chức quốc tế khi còn ở Việt Nam và có nhiều cơ hội thường xuyên ra nước ngoài làm việc. Họ không nghĩ tôi là ai, tôi khác biệt gì với họ, quan trọng là tôi mang tới niềm vui, sự tích cực. Họ chỉ nghĩ đến những điều tôi đóng góp cho cộng đồng, đó là mội môi trường cởi mở giúp tôi là chính mình.

Tôi qua Úc năm 2016 và nhận ra đây đúng là nơi mà tôi có thể xây dựng cuộc sống mà không có sự kỳ thị, không có dèm pha. Đâu đó vẫn còn những ánh mặt nhìn mình không thiện cảm, nhưng nhìn chung đây vẫn là nơi hết sức cởi mở”, Trung Nguyễn chia sẻ với SBS. 
Tet 2023 Cung Gia Dinh Viet.jpg
Việt và Trung ăn Tết cùng gia đình Việt năm 2023.

Việt Trương- ‘Cha tôi không chấp nhận tôi có bạn trai’

Việt Trương (40 tuổi) hiện là một kiến trúc sư tại Melbourne. Việt sinh ra ại Việt Nam và qua Singapore du học từ sớm. Anh có một thời gian làm việc tại Singapore trước khi di cư sang Úc và gọi Melbourne là nhà.

“Tôi về Việt Nam chơi 6 tháng vào cuối năm 2014 sau một thời gian làm việc ở Singapore, lúc đó tôi gặp Trung và lên kế hoạch ‘bắt cóc’ Trung qua Úc.

Khi tôi ở Singapore, em gái của tôi biết tôi là người đồng tính nam vì tôi chia sẻ với em lúc quen người bạn trai trước. Em gái của tôi rất buồn, em buồn không phải vì anh mình là người đồng tính, mà em tôi sợ anh sẽ buồn khi xã hội Châu Á lúc đó không được thoáng cho lắm.

Tôi động viên em mọi thứ vẫn bình thường, vẫn yên ổn và vui vẻ, không có gì xảy ra cả. Tôi không muốn nói với cha mẹ mình, vì lúc đó cha mẹ vẫn ở xa.

Nhưng đến khi tôi về Việt Nam năm 2014 và quen Trung, tôi mong muốn mời Trung về nhà chơi, đưa đón, ra ngoài chơi với Trung dễ dàng hơn, nên tôi quyết định chia sẻ với ba.
tv 4.jpg
Gia đình đồng giới cũng hạnh phúc như bao gia đình khác.
“Ba tôi không chấp nhận Trung là bạn trai của tôi. Ông nói ‘ba coi đó là bạn, con muốn đi chơi, về nhà ăn uống thì cứ bình thường, nhưng ba không chấp nhận đó là bạn trai con’.”

‘Cháu rể của bà’ và trái tim nhân hậu của hai gia đình

Trung và Việt chia sẻ với SBS bà nội của Việt là món quà ngọt ngào và bất ngờ trong tình yêu của cả hai. Bà nội đã ngoài 80 tuổi, nhưng lại là người đầu tiên chấp thuận và gọi Trung là ‘cháu rể’ ngay từ những ngày đầu cả hai quen nhau.

“Bà rất khác biệt, 10 năm về trước, xã hội còn rất bảo thủ, tôi thường đến nhà anh Việt chơi, ăn cơm, nấu ăn, trò chuyện với bà. Có một lần, tôi và anh Việt đi chơi ở miền Bắc về, vừa bước vào nhà, lúc đó bà nhớ hai đứa tôi lắm. Bà chạy lại nắm hai cái má của tôi lắc lắc và nói ‘ôi cháu rể của bà về nhà rồi’. Lúc đó chúng tôi còn chưa là gì của nhau, chưa công khai bạn trai bạn gái”.

Trung cho biết anh ‘sững lại và không biết mình có nghe lộn không’, tình cảm của anh và Việt cũng đơm hoa kết trái từ đó.

Việt tâm sự khi bắt đầu có sự ủng hộ của bà nội, với sự động viên của mẹ và bạn bè xung quanh, ba của Việt bắt đầu thay đổi suy nghĩ và dần dần dành tình cảm thương mến cho Trung.

“Bây giờ thì ba đã coi Trung là con rể rồi, với bà nội thì Trung bây giờ là số một”, Việt vừa cười vừa nói.

Trung Nguyễn cho SBS biết mẹ chồng của anh là chất xúc tác cho tình yêu của anh và Việt.

“Mẹ Nhị là một người tiến bộ. Mẹ luôn nghĩ rằng sự công bằng trên thế giới này dành cho tất cả mọi người, bất kể giới tính của họ, họ là ai hay làm gì. Mẹ yêu mọi người, mẹ vui và hạnh phúc khi người khác hạnh phúc, nhất là con của mình.

Khi lần đầu tiên Trung gặp mẹ Nhị, mẹ ủng hộ ngay, mẹ nghĩ rằng đây đúng là người của Việt rồi.

Sự nhìn nhận của mẹ về cuộc sống, thế giới quan của mẹ đã giúp cho tình cảm của Trung và Việt rất nhiều, để cả hai hòa nhập với gia đình.

Mẹ nói chuyện với ba, tâm sự với bà nội, không phải đùng một cái mà mọi người đều chấp nhận đâu.

Khi mới gặp tôi, ba của anh Việt khá là khó chịu, tôi cảm nhận vẫn còn đó khoảng cách ở đó. Nhưng rồi bằng sự chân thành của mình, những điều tốt đẹp và thành thật mình mang tới cho nhau, làm cho cuộc sống hai đứa trở nên tốt hơn. Ba mẹ nhận ra Trung với Việt xây dựng gia đình, có mái ấm riêng”.
tv 2.jpg
Trung và Việt chụp hình cùng bà nội và cha mẹ trong dịp Tết.
Tình thương mến trở thành cầu nối, sự chân thành cảm hóa tấm lòng của người cha.

“Có những việc trong nhà đàn ông hay làm với nhau, khi có Trung, cha và con rể cùng sửa xe, xây thềm cửa, trang trí nhà ngày Tết, mua mai về, sơn nhà cùng nhau.

Từ đó, ba hay rủ Trung làm cùng việc trong nhà. Ba muốn làm cái này, con nghĩ thế nào. Còn bà nội thì rủ Trung nấu ăn cùng, chia sẻ với Trung con thích ăn gì, nấu làm sao…”, Trung Nguyễn nói với SBS

Đám cưới cầu vồng

Là một kiến trúc sư, Việt Nguyễn cho rằng tác phẩm thành công nhất của anh là kiến tác mái ấm với Trung Nguyễn.

Năm 2018 đánh dấu một thời điểm đặc biệt khi Úc chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, Trung và Việt đã có một đám cưới nhỏ ấm áp với bạn bè, với sự tham gia của ‘mẹ Nhị - ba Thanh’ bên nhà Việt.
tv 1.jpg
Gia đình "cầu vồng" cho biết để có được hạnh phúc, không thể chỉ dựa vào may mắn, bạn còn phải biết đấu tranh.
Vẫn còn đó nỗi buồn không thể tả bằng lời với Trung Nguyễn khi mẹ Hoa của anh “không muốn tham dự đám cưới”.

“Mẹ của tôi còn hơi ngại và sốc, dù đã quen với việc chúng tôi yêu lâu rồi. Đó là nỗi đau không thể nào chôn dấu được. Nhưng tôi hiểu có nhiều rào cản để người khác chấp nhận điều đó.
Tôi không muốn ép buộc mẹ, mẹ không ép buộc tôi phải làm cái này cái kia, vậy sao tôi lại ép buộc mẹ. Mọi người sẽ chấp nhận khi thấy mình hạnh phúc.
Trung Nguyễn
Sau đám cưới, mọi thứ thay đổi hoàn toàn, không còn ai hoài nghi về tình cảm hay giới tính của Trung và Việt nữa, mẹ tôi cũng không còn ép cưới vợ nữa.

Trung và Việt dẫn ba mẹ cùng đi du lịch, cả hai bên đều quý mến nhau, xem nhau như là thông gia vậy đó, dù chưa bao giờ dạm hỏi, hay có đám cưới mâm cao cỗ đầy. Mình đưa mẹ Hoa qua bên này, cùng đi chơi với mẹ Nhị - ba Thanh ở Úc cùng nhau”.
Gia đình đồng giới có gì khác?

Cả hai chuẩn bị dọn vào căn nhà mới xây và vô cùng háo hức về chương mới trong cuộc sống của mình.

Trung chia sẻ có được hạnh phúc ngày hôm nay với Việt không chỉ cần may mắn, mà đó là con đường đấu tranh cho chính mình.
tv 3.jpg
Sự chấp thuận của gia đình là sợi dây gắn kết cho gia đình của Trung-Việt.
“Tôi có sự may mắn được sự ủng hộ từ gia đình. Nhưng tôi nhìn việc này ở khía cạnh khác. Tại sao bạn không đứng lên vì người mình cưới, đứng lên vì chính mình.

Chúng ta không sinh ra để làm hài lòng tất cả mọi người, tôi sinh ra để làm mọi người hạnh phúc. Hãy đứng lên bằng nghị lực, sự phán đán, suy xét của mình, nếu bạn chấp nhận mình là người đồng giới nam.

 Trung và Việt cho biết cuộc sống của họ, một gia đình cầu vồng cũng giản dị và hạnh phúc như bao gia đình bình thường khác. Cả hai cùng dành thời gian cuối tuần để ra ngoài chơi, cùng nhau nấu những bữa ăn ngon, nương tựa vào nhau những lúc khó khăn trong cuộc sống, tham gia những sự kiện xã hội và gặp mặt đồng nghiệp tại công ty như hai người phối ngẫu.
Viet and Trung vao nha moi o Melbourne.jpg
Trung và Việt chuẩn bị dọn vào tổ ấm mới, nơi cả hai dành nhiều tâm huyết trong suốt hai năm qua.
“Mình về nhà sớm, nấu đồ ăn nóng tươi mới, rồi chờ anh Việt đi xe lửa về, đón anh Việt ở ga rồi cùng ăn cơm.

Cả hai cùng thiết kế và lên kế hoạch cho ngôi nhà tương lai của mình, từ việc sơn màu gì, chọn gỗ nào, nhà bếp ra sao, phòng tập yoga, giải trí, dựng phim thế nào”, Trung nói.

Việt hạnh phúc khi được thoải mái cùng Trung tham gia các sự kiện của công ty, ‘không ai tò mò đến mối quan hệ của cả hai và đối xử với chúng tôi như những cặp yêu nhau bình thường’.
Khi đi ra ngoài, tụi mình vẫn có những cử chỉ yêu thương với nhau như nắm tay lúc đi chợ, ôm nhau. Có những cặp mắt tò mò, hiếu kỳ, nhưng điều đó không quan trọng, không ngăn cản tụi mình yêu nhau và thể hiện tình cảm, sự gắn kết với nhau nơi công cộng.
Thông điệp của Trung và Việt tới những người thuộc nhóm LGTBQI+ còn đang ‘đứng giữa hai dòng nước’.

“Hãy là chính mình, hãy sống hạnh phúc và mang lại niềm vui, điều tích cực cho xã hội”, Trung nói.

“Bạn hãy chọn lọc cho các mối quan hệ của mình, hãy tránh xa những người làm bạn buồn, khiến bạn có suy nghĩ tiêu cực về mình và chỉ tập trung vào những mối quan hệ tốt đẹp thôi”, Việt chia sẻ.
Tháng Sáu được coi là Pride Month – Tháng Tự hào LGBTQI+, là thời điểm mà cộng đồng LGBT trên khắp thế giới cùng tôn vinh sự tự do khi họ được làm chính mình. Họ đã phải đấu tranh trong nhiều thập kỷ để vượt qua định kiến và được chấp nhận bởi xã hội.
Nhấn vào audio để nghe toàn bộ bài phỏng vấn.

Share