Mái ấm gia đình: Nguyên tắc 'ba chiếc giỏ' trong việc chia sẻ trách nhiệm và trao quyền cho các con

IMG_7218.JPG

Cha mẹ cần xác định ranh giới trong các yêu cầu của con, và phân loại vào ba chiếc giỏ.

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

'Dù con cái ở độ tuổi nào thì nhận thức của cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng. Nói cách khác, cha mẹ chỉ có thể nuôi dạy con ở tầng nhận thức của chính mình. Chính vì thế nâng cao nhận thức là chìa khóa để cha mẹ thấu hiểu, gắn kết và nuôi dạy con một cách thông thái.'


Tiếp theo bàivới chuyên gia khai vấn Hưng Vũ vào tuần trước, tuần này mời quý vị tìm hiểu một công cụ thú vị giúp cha mẹ chuyển giao trách nhiệm cho con.

Tại sao giai đoạn trẻ bước vào tuổi niên thiếu thường có nhiều khó khăn với cha mẹ?

Giai đoạn này các con có sự thay đổi lớn về mặt thể chất, cảm xúc, và xã hội. Thể chất thay đổi cả bên ngoài và bên trong. Những thay đổi về bên ngoài có thể nhận biết khá rõ ràng như chiều cao tăng, thay đổi giọng nói, các bộ phận trên cơ thể phát triển… Ngoài ra não bộ, các tuyến nội tiết và các cơ quan bên trong cơ thể cũng có sự thay đổi mạnh mẽ về mặt chức năng, chính điều này dẫn đến sự thay đổi về cảm xúc và hành vi. 

Sự thay đổi này ảnh hưởng đến cách các con nhìn nhận thế giới, đến cách nhìn nhận bản thân, đến sự tương tác của các con với xã hội và những người trong gia đình.

Các con muốn thể hiện bản thân mình nhiều hơn, muốn được cảm thấy quan trọng, có sự quan tâm đến các mối quan hệ bạn bè nhiều hơn là gia đình, đôi khi là quan tâm đến ý kiến của bạn bè hơn là cha mẹ…. 

Cha mẹ có thể ngạc nhiên với sự thay đổi của các con và chính các con cũng ngạc nhiên và bối rối với những sự thay đổi này chính vì thế dẫn đến việc khó kiểm soát cảm xúc và hành vi.

Trước khi muốn con thay đổi, cha mẹ phải soi lại mình

Khi hiểu được điều này cha mẹ nên thay đổi các giao tiếp với con. Thay vì đưa ra những chỉ định để con làm theo, mình có thể đặt câu hỏi để con đưa gia ý kiến, lắng nghe các ý kiến của con mà không có sự phán xét, bàn bạc cùng con về những quyết định này. Tôn trọng ý kiến của các con và sẵn lòng ủng hộ những quyết định của con. Cha mẹ nên nhìn nhận và hiểu ý kiến của con với góc nhìn ở độ tuổi thanh thiếu niên mặc dù những ý kiến đó khác biệt với ý kiến của cha mẹ.  

Điều dễ xảy ra mâu thuẫn trong quá trình giao tiếp giữa con cái và cha mẹ có thể là do cái tôi cá nhân của cha mẹ cao, coi con mình là nhỏ bé và phải nghe theo ý kiến của mình.

Đây là giai đoạn các con khám phá, phát triển, và nhận ra cá tính riêng biệt của chính mình. Các bậc cha mẹ nên lắng nghe ý kiến của con và tôn trọng, sẵn lòng cho con trải nghiệm và mắc khuyết điểm để từ đó tự rút ra bài học từ những sai lầm của mình. 

Các con dễ bị cảm xúc chi phối nên trong quá trình nói chuyện với cha mẹ thường mất bình tĩnh, cha mẹ cần vững vàng về mặt tâm lý và cảm xúc, chọn thời điểm thích hợp để trao đổi cùng con. Cha mẹ nên nhìn nhận bức tranh toàn cảnh của vấn đề thay vì vướng mắc vào những chi tiết nhỏ là hành vi hay câu nói của con.
Cha mẹ nên hiểu rằng những câu nói và hành vi chưa phù hợp của con phần lớn là do cảm xúc chi phối và mang tính tạm thời, các con không có chủ đích gây ra sự phiền lòng cho cha mẹ.
Điều quan trọng cha mẹ cần nhớ đó là kiến thức thì có thể học và hiểu được nhanh nhưng kỹ năng giao tiếp cần thực hành và hoàn thiện mỗi ngày. Trong quá trình này cha mẹ cũng có thể mắc lỗi lầm và cần hoàn thiện chứ không chỉ con cái. Chính vì vậy cha mẹ cũng cần dễ dàng chấp nhận tha thứ cho chính những lỗi lầm của mình.
IMG_2248.jpg
'Không có một công thức nuôi con dập khuôn nào để áp dụng cho mọi đứa trẻ vì mỗi đứa trẻ là một cá thể có bản sắc độc đáo và duy nhất', chuyên gia khai vấn Hưng Vũ (giữa).

Nhận thức là chìa khóa để cha mẹ thấu hiểu và gắn kết với con

Dù con cái ở độ tuổi nào thì nhận thức của cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng. Nói cách khác, cha mẹ chỉ có thể nuôi dạy con ở tầng nhận thức của chính mình. Chính vì thế nâng cao nhận thức là chìa khóa để cha mẹ thấu hiểu, gắn kết và nuôi dạy con một cách thông thái.

Vậy làm thế nào để nâng cao nhận thức?

Nhận thức là quá trình tiếp nhận kiến thức/thông tin thu nhận được thông qua việc học từ đọc sách báo, tham gia các lớp học hay buổi hội thảo… suy nghĩ thấu đáo về những thông tin thu thập được, lựa chọn những thông tin phù hợp, thực hành những kiến thức này và tự rút kinh nghiệm cho cá nhân.

Quá trình này đòi hỏi sự kết với nối nội tâm, không chỉ vận dụng trí óc mà cần cả trái tim, không chỉ là trí tuệ mà cần cả cảm xúc và tâm hồn của cha mẹ. Sự nâng cao nhận thức sẽ giúp cha mẹ giữ vững được tâm thế, nhìn được bức tranh toàn cảnh và đưa ra những quyết định tốt nhất trong mọi tình huống, không bị vướng mắc, khó chịu vào những hành vi và thái độ chưa đúng đắn của con.

Điều quan trọng cha mẹ cần lưu ý: không có cha mẹ hoàn hảo và những đứa con hoàn hảo. Không có một công thức nuôi con dập khuôn nào để áp dụng cho mọi đứa trẻ vì mỗi đứa trẻ là một cá thể có bản sắc độc đáo và duy nhất.

Nuôi dạy con cũng là một quá trình để cha mẹ học hỏi, hoàn thiện bản thân mình để đồng hành dẫn dắt con trở thành phiên bản tốt nhất của chính con. Quá trình đó đòi hỏi sự kiên trì và lòng bao dung trắc ẩn, không chỉ dành cho con mà còn dành cho chính cha mẹ.

Hung VU.jpg
Ngoài công việc khai vấn cho các gia đình, chuyên gia Hưng Vũ còn là Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu khoa học môi trường tại RMIT. Credit: HEO IN

Nguyên tắc ba chiếc giỏ

Chuyên gia khai vấn Hưng Vũ chia sẻ với các bậc cha mẹ một công cụ có thể áp dụng trong quá trình đồng hành cùng con cái trong độ tuổi thanh thiếu niên có tên là “Ba Chiếc Giỏ”. Công cụ này hỗ trợ tra mẹ rất hữu ích trong việc bắt đầu chuyển giao trách nhiệm cho con.

Chuyển giao trách nhiệm cho con là một quá trình dần dần. Nó bắt đầu bằng việc để con tự lựa chọn trong một số lĩnh vực hoặc yêu cầu con chịu trách nhiệm về một số việc nhất định.

Cha mẹ có thể không thích tất cả các lựa chọn của con mình, nhưng học cách chịu trách nhiệm sẽ giúp con phát triển các kỹ năng sống, dần dần xây dựng cho con khả năng ra quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định và hành động của mình.
LISTEN TO
tuoi nien thieu image

Mái ấm gia đình: Đồng hành cùng con tuổi thiếu niên - Thay vì nhổ cỏ thì hãy trồng hoa

SBS Vietnamese

25/05/202318:47
Chiếc giỏ thứ nhất có tên là “Có”: Trong chiếc giỏ này cha mẹ sẽ đặt vào các vấn đề hoặc hoạt động mà cha mẹ cảm thấy con mình:
  • Sẵn sàng đảm nhận:  – ví dụ như đi bộ hoặc đi xe đến trường một mình.
  • Phải đảm nhận – ví dụ như nấu một bữa ăn cho gia đình mỗi tuần.
  • Nên tự quyết định – ví dụ, chọn kiểu tóc hoặc quần áo của riêng con.
Khi cha mẹ đặt thứ gì đó vào giỏ 'Có', cha mẹ cần xác định rằng sẽ chấp nhận quyết định của con mình ngay cả khi đó không phải là điều cha mẹ muốn hoặc cha mẹ mong muốn con đảm nhận nhiệm vụ đó.

Nếu con thực hiện các trách nhiệm theo cách cha mẹ mong muốn, cha mẹ có thể biểu hiện sự ghi nhận và tán thành con. Nếu cha mẹ không thích quyết định con, hãy lùi lại và cố gắng không xen vào, trừ cha mẹ nghĩ rằng con sẽ gặp nguy hiểm.

Đây là những cơ hội để con học hỏi kinh nghiệm. Nếu mọi thứ không diễn ra theo cách con muốn, cha mẹ có thể nói chuyện với con về những gì con có thể làm khác đi vào lần tới.

Chiếc giỏ thứ hai có tên “Không”: Cha mẹ có thể nói 'không' với các quyết định liên quan đến các hoạt động mà có tiềm ẩn nguy hiểm.

Ví dụ: những điều có thể liên quan đến những thứ mà thanh thiếu niên chưa được phép tự quyết định về mặt pháp lý, chẳng hạn như uống rượu. Hoặc là những thứ có thể có tác động tiêu cực đến các thành viên khác trong gia đình – ví dụ, nếu quyết định của con sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền như mua sắm những trang thiết bị cá nhân rất đắt tiền.

Để Chiếc giỏ 'Không' này hoạt động một cách hiệu quả cha mẹ cần có phương thức giao tiếp tốt và rõ ràng về việc giới hạn hành vi.

Cách mà cha mẹ nói “không” ở đây rất là quan trọng. Thay vì cấm đoán điều gì đó, sẽ tốt hơn nếu cha mẹ nói: “Cha mẹ không đồng ý với điều này vào lúc này bởi vì…”.

Ngoài ra, nếu cha mẹ giữ bình tĩnh và giải thích lý do tại sao có điều gì đó không ổn ngay bây giờ sẽ giúp con chấp nhận quyết định một cách dễ dàng hơn.

Chiếc giỏ thứ 3 có tên 'Có thể': Đây là chiếc giỏ chứa những hoạt động mà cha mẹ và con có thể trao đổi, bàn bạc để biến từ 'Không' thành 'Có', tùy thuộc vào hoàn cảnh.

Điều này có thể liên quan đến việc để con muốn thử một điều gì đó mới để xem nó diễn ra như thế nào – ví dụ, để con đi phương tiện công cộng đi xem phim với bạn vào ngày cuối tuần.

Việc cùng thảo luận để có câu trả lời 'có' sẽ giúp cho con học cách nhìn nhận vấn đề, đưa ra giải pháp, và thể hiện cho cha mẹ thấy rằng con đã sẵn sàng đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn.
Đôi dòng về khách mời:
Chuyên gia Khai vấn là mẹ của hai con đang ở tuổi thiếu niên. Chị cũng là giáo viên hướng dẫn Kundalini Yoga.

Chị đến với công việc khai vấn với mong muốn giúp các cá nhân, cặp đôi và các bậc cha mẹ đạt được sự thấu hiểu bản thân, cân bằng cuộc sống và xây dựng mối quan hệ hòa hợp, tràn ngập yêu thương với những người thân yêu.

Bên cạnh công việc khai vấn, chị hiện là Tiến sĩ, nhà nghiên cứu khoa học môi trường tại đại học RMIT Melbourne.

Share