Mái ấm gia đình: Mua nhà và chọn trường cho con

1.jpg

Bích Ngọc SBS (phải) cùng phó giáo sư Khánh Trần và chuyên gia tham vấn Jerry Lê (trái)

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Để chọn ngôi trường công tại Úc như nguyện vọng của mình, nhiều cha mẹ phải mượn địa chỉ, mua nhà mới hoặc thuê một căn nhà ở vùng có trường tốt để con đi học. Tại sao nhiều phụ huynh lại vất vả đổi địa chỉ để ‘chạy trường’ như vậy, trong khi giáo dục của Úc được cho là thuộc hàng top thế giới và khá đồng đều?


Đôi dòng về khách mời

Phó giáo sư Khánh Trần hiện là phó hiệu trưởng về giáo dục và đào tạo của trường đại học Polytechnic Institute Australia.

Chị là một trong những người sáng lập trung tâm toán và tiếng Anh tại Sunshine.

Là mẹ của hai cô con gái tuổi teen và chuẩn bị bước vào đại học, chị quan niệm học hỏi là một hành trình không ngưng nghỉ cho đến cuối đời.

Với gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam và Úc, thường xuyên tham vấn với các phụ huynh gốc Việt, phó giáo sư Khánh Trần tin rằng cần trao cho trẻ em chìa khóa tự tin và phương pháp học tập đúng đắn để trẻ có thể lĩnh hội kiến thức ở mức tối đa.

Chuyên gia khai vấn Jerry Dung Lê là tác giả sách Time out for time in, cuốn sách về làm cha mẹ lần đầu, nằm trong nhóm sách được yêu thích trên Amazon.

Bên cạnh việc làm mẹ toàn thời gian với hai cô con cái, chị đang điều hành và giảng dạy trực tiếp tại trung tâm gia sư . Chị Jerry Lê còn là chuyên gia khai vấn về việc nuôi dạy con cái, chị quan niệm trẻ cần một môi trường phát triển toàn diện, nâng đỡ để trưởng thành và cha mẹ cần nuôi con trong “tỉnh thức và chánh niệm”. 

Hai khách mời sẽ cùng với biên tập viên Bích Ngọc SBS trao đổi về việc lựa chọn ngôi trường đầu tiên cho con trong một loạt bài mới của "Mái ấm gia đình'.

Kết hợp mua nhà và ‘để mắt’ đến ngôi trường phù hợp

Những cha mẹ di dân gốc Việt, không có kinh nghiệm học ở Úc từ nhỏ, thường cảm thấy xa lạ trong việc lựa chọn trường cho con. Chị Jerry Le chia sẻ với SBS về kinh nghiệm mua ngôi nhà mới vào đúng thời điểm con chuẩn bị vào cấp một.

“Khi con 3 tuổi thì vợ chồng mình quyết định chuyển sang một ngôi nhà lớn hơn để nâng cao chất lượng cuộc sống. Chọn trường là một trong những yếu tố, không phải quan trọng nhất hay duy nhất, để mình mua nhà mới. Các cụ hay nói mua nhà phải để ý đến điện, đường, trường, trạm.

Khi chọn trường cấp một, mình cũng đọc các bài về trường tư, trường công, vùng nào trường tốt, và tham khảo các trang mạng xếp hạng các trường nào top về điểm số. Lúc đó mình chỉ mới 30 tuổi, chưa trải nghiệm nhiều, cả hai vợ chồng ở Việt Nam cũng đều lớn lên trong môi trường ‘nhồi’ học, trường chuyên lớp chọn, nên vẫn trong quan trọng xếp hạng, điểm số.

Rồi hai vợ chồng chọn khu vực có căn nhà mình ưng, trong khoản tiền mình định ra, thuận tiện đi làm, gần gia đình, bạn bè, nhiều shop Châu Á, và có cả trường công lập trong top. Tức là một mũi tên trúng nhiều đích.

Đi thăm trường, phỏng vấn, mình thấy rất thích cách bác hiệu trưởng nói chuyện với mình, với các giáo viên và các em học sinh khác. Hồi đấy mình còn trẻ, là sinh viên quốc tế, mới lập nghiệp, nên lựa chọn trường tư cũng không nằm trong khả năng kinh tế nên không nghĩ tới. 
3.jpg
Chuyên gia khai vấn nuôi dạy con cái Jerry Dung Lê
Thuê nhà để chọn trường, không hợp thì mạnh dạn thay đổi

Bà mẹ hai con Khánh Trần thì có một giải pháp khác, thuê nhà nằm trong vùng tốt, có ngôi trường mà mình nhắm cho con.

 “Thời điểm đó, mình chưa cần mua nhà vội, vì đang thuê nhà nên mình có nhiều lựa chọn hơn. Mình chọn một vùng tốt, ưu tiên trong ‘zone’ có trường tốt.

Khi con đã ốn định và học một thời gian rồi, mình quyết định mua nhà. Lúc này mình lựa chọn một ngôi nhà gần trường, thuận tiện với việc đưa đón con đi lại.

Đây cũng là điều mà mình rất muốn chia sẻ với các phụ huynh khác, nếu nhà và trường học quá xa, trở thành một áp lực cho cả gia đình trong việc đưa đón suốt bảy năm học cấp 1 thì đó là điều không nên", chị Khánh cho biết.
Cha mẹ nên tính chuyện lâu dài, vì con còn có lớp học ngoại khóa, sinh hoạt cuối tuần, tự đạp xe hay bắt bus đi học. Khoảng cách trường và nhà nên là một trong những yếu tố quan trọng mà cha mẹ nên cân nhắc khi chọn trường.
Tại Úc thì các trường công ‘public school’ đều có ‘zone’ nhất định và thường chỉ nhận các em nằm trong khu vực này, các trường ‘catholic school’, hay còn gọi là trường đạo cũng như vậy, nhưng kèm theo một số điều kiện khác về tôn giáo.

Sau hành trình nuôi con gần 16 năm, chuyên gia giáo dục Khánh Trần chia sẻ chị nhận thấy quyết định chọn trường cấp một ngày xưa cho con không còn quá rập khuôn nữa mà đã thay đổi. 

“Đối với trường tiểu học, mình cảm thấy rất hài lòng với cả hai con cái của mình. Tuy nhiên, sau khi rời cấp một và lên cấp hai ở ngôi trường được cho là tốt nhất ở khu vực đó theo lẽ bình thường, con gái của mình lại có những trải nghiệm không vui.

Ngôi trường không phù hợp với con, sau đó mình quyết định đổi trường cho con, lúc con học lớp 9.

Đó không phải một quyết định nhỏ nhưng là một quyết định đúng đắn và hợp thời điểm. Cả nhà đã cùng ngồi xuống với nhau để xem làm cách nào có thể giúp con khắc phục những vấn đề gặp phải, sau đó đi đến quyết định chuyển trường.
Từ đó mình thấy nếu phụ huynh có những tiêu chí để chọn trường, nhưng trong quá trình lớn lên, con của mình thay đổi, bản thân xã hội cũng thay đổi, môi trường và ngôi trường cũng thay đổi, thì việc đổi trường là cần thiết, không quá đáng sợ.
Với các con ở cấp 2, khi đủ lớn và có thể ra quyết định thì cha mẹ nên cho các con tham gia vào việc chọn trường.”
2.jpg
Phó giáo sư Khánh Kate Trần.
Tại sao phải lựa chọn trường?

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi tại sao nhiều cha mẹ lại vất vả mua nhà, đổi địa chỉ để con đi học, trong khi người ta vẫn khen giáo dục của Úc thuộc nhóm đầu thế giới.

Trả lời cho câu hỏi này, chuyên gia khai vấn Jerry Lê cho rằng mặc dù giáo dục đại học ở Úc có nhiều trường và ngành trong top thế giới, nhưng theo kinh nghiệm thực tế làm việc với các em ở các trường tiểu học khác nhau, chương trình dạy và trình độ các em không được đồng đều.

“Các trường có những bộ môn cần dạy, những chủ đề cần dạy trong năm nhưng truyền tải được hết và tốt hay không lại phụ thuộc nhiều yếu tố.

Điều này phụ thuộc vào tầm nhìn và sự tập trung của lãnh đạo, họ nghĩ điều gì là quan trong nhất để học sinh được giáo dục và phát triển, phát huy hết khả năng. Có trường rất quan trọng học thuật, có trường muốn phát triển toàn diện.

Tiếp theo là phụ thuộc và học sinh. Ví dụ một lớp các em đều hiểu hết một trình độ này thì giáo viên có thể chuyển sang dạy nâng cao rất nhanh. Nhưng nếu các em đều chậm, thì làm lại mấy lần, hoặc có em hiểu, không hiểu thì điều chỉnh ra sao.

Liệu trường có hỗ trợ, cho bạn yếu, hoặc có lớp nâng cao để cho bạn làm nhanh được học cái mới hay không. Do đó, nhiều khi không phải trường dở, hay thầy cô dở, mà phụ thuộc và việc tiếp thu của học sinh.

Mình may mắn làm việc với hai vùng rất khác nhau, một vùng toàn học sinh Châu Á, có bố mẹ là dân nhập cư, và một vùng chủ yếu học sinh Úc, bố mẹ người Úc. Việc chuyển khu để chọn trường giỏi thường gặp ở nhóm Châu Á mình.

Điều đó dễ hiểu, vì thứ nhất mình đã được dạy từ nhỏ là không học giỏi thì chẳng làm ăn được gì, khi chúc các con, các cháu bao giờ cũng chúc các con ngoan, học giỏi. Thứ hai là mình ít thông tin, không rành ngôn ngữ, văn hóa nên chỉ nhìn được vào con số. Thứ ba là ít mối quan hệ, thế hệ đầu tiên tạo dựng nền móng nên mình phải cố ganh đua với dân bản địa, ở đây rất lâu. Mà làm sao hơn họ được ngôn ngữ, mối quan hệ, các kĩ năng mềm khác nên dễ nhất là tập trung học.

Tiếp theo là mình cũng ít có sự ràng buộc về gia đình, bạn bè nên di chuyển không quá khó. Bố mẹ Úc thường chỉ chuyển trường khi vào trường nhưng lại không có những dịch vụ phục vụ cho sự khác biệt của con mình, hoặc là con không hòa nhập với bạn bè, vấn đề thường tập trung ở các mối quan hệ.
LISTEN TO
Nuôi con ở Úc: Nên gửi con vào trường công hay trường tư? image

Nuôi con ở Úc: Nên gửi con vào trường công hay trường tư?

SBS Vietnamese

18/02/202125:13
Hãy để con quyết định chọn ngôi trường của chính mình

Nền giáo dục của Úc khá đồng đều, thuộc nhóm đầu thế giới vì những tiêu chuẩn về chương trình, lớp học, trình độ giáo viên, ban lãnh đạo nhà trường, hoạt động ngoại khóa… đều đã được quy định, các trường cứ theo đó mà làm.
Sự chênh lệch và khác biệt ở đây là sự tập trung của các trường, có trường tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất, phát triển trình độ chuyên môn của giáo viên, thể thao, hay hoạt động ngoại khóa.
New rule will enforce to Victorian state schools.
Các trường tiểu học và trung học tại Úc chia thành ba nhóm: trường công, trường đạo và trường tư. Source: AAP
Sẽ không có ngôi trường nào hoàn hảo hay tuyệt vời 100%, chỉ là có phù hợp với các con của mình ở thời điểm đó hay không, tùy thuộc và hoàn cảnh và mục tiêu của gia đình. Có rất nhiều thông tin mà phụ huynh có thể thu thập được từ các nguồn khác nhau”, phó giáo sư Khánh Trần cho biết.

Trước khi đi tham quan trường, cần tìm hiểu các thông tin từ website của nhà trường, diễn đàn của cha mẹ tại địa phương và các nhóm lớn khác nói chung.

Chị Khánh Trần cho rằng cha mẹ nên sắp xếp đưa con của mình đi tham quan trường cùng. Cảm giác của con rất quan trọng. con có thể quan sát các bạn đang học ở đó, các anh chị trong trường dẫn đi tham quan, trò chuyện với thầy cô.

“Con chính là người sau này sẽ học ở đó, con dành rất nhiều thời gian ở trường. Cho nên đó phải là môi trường con thấy thật thoải mái. Bạn nhỏ nhà mình khi đi tham quan trường cấp một đã nói là con không thích nhà vệ sinh, vì nó tối quá, không được sạch.

Mình khuyến khích con hỏi thăm cô dẫn đoàn xem thế nào. Sau đó cô nói nhà vệ sinh đang được sửa chữa, sắp tới sẽ có nhà vệ sinh mới hơn. Bây giờ bạn đã học ở ngôi trường đó.” 

Tham quan trường và tìm hiểu thông tin như thế nào?

Nhiều cha mẹ nói rằng chọn trường cho con rất khó. Khó là vì đó là ngôi trường đầu tiên, mình chưa có ai quen ở đó để hỏi kinh nghiệm, mình chưa có đứa con lớn nào từng đi học trước đó để so sánh, mình không rành về giáo dục Úc. Chưa kể là trường có ‘open day, school tour’ nhưng chỉ 30 phút để phụ huynh đến thăm trường, thì làm sao mà biết trường đó có tốt hay không, có hợp với con mình hay không? 
A child at a WA primary school with a flag (AAP)
Cấp một là nơi nuôi dưỡng tình yêu học vấn và sự độc lập, chủ động trong việc học. Source: SBS
“Nếu cha mẹ quyết định nhắm một ngôi trường nào đó cho con rồi, khi mình đi tham quan trường, mình chú ý đến cách các em có hứng thú với bài, giờ chơi với các bạn, môi trường ra sao.

Cha mẹ cũng nên hỏi trường tập trung vào điều gì, quá trình giải quyết bắt nạt học đường ra sao, hệ thống hỗ trợ cho phụ huynh và học sinh thế nào, trường liên lạc với gia đình, phụ huynh bằng cách nào và thường xuyên ra sao”, chị Jerry Lê chia sẻ với SBS.
Đừng chỉ vì trường học của con mà phải hy sinh hết tất cả chất lượng sống của gia đình.
Ngoài ra cha mẹ có thể tham gia các hội nhóm cha mẹ địa phương để tham khảo ý kiến, đồng thời hỏi thăm phụ huynh của các bạn học cùng lớp mẫu giáo của con ở trong vùng.

Tác giả Jerry Lê nhấn mạnh tiểu học là nền tảng quan trọng để hình thành tính cách, sở thích và khơi dạy trí tò mà và tự tin, đam mê học hành của trẻ.

“Nếu mình có điều kiện kinh tế dư giả, thì việc đầu tư giáo dục cho con là việc nên làm.

Không phải chọn trường tư là đảm bảo tất cả, nhưng phần nào yên tâm hơn để làm chuyên môn của mình. Còn chuyên môn giảng dạy thì đã đưa cho con một sự lựa chọn tốt.

Còn nếu kinh tế mình vừa đủ, hoặc muốn dành tiền đó cho việc khác thì chọn trường công cũng không có vấn đề gì. Thường khi chọn thì cái này tùy vào bố mẹ, quan niệm điều gì quan trọng cho sự phát triển của con mình, đừng chỉ vì trường học của con mà phải hy sinh hết tất cả chất lượng sống của gia đình.”
Trường tư, trường đạo, có nhiều lợi thế cho nhiều bố mẹ có kinh tế tốt. Mình được chọn địa điểm thuận tiện cho cuộc sống của mình. Trong trường có các lớp học ngoại khóa, có các dịch vụ xe bus, trường có thể nhỏ hơn, con mình được sự chú ý hơn.
Nhà giáo dục Khánh Trần chia sẻ việc học không phải một hai năm, việc học là cả đời. Con nên thấy thích học, phát triển được khả năng tự học, môi trường sẽ giúp đứa trẻ hình thành điều đó.

"Trường có thể rất tốt, nhưng nếu không may năm đó thầy cô không tốt, ngẫu nhiên có một bạn trong lớp hay bắt nạt thì sao, nên cha mẹ đừng quá áp lực.

Tuy nhiên cha mẹ cần có những thông tin căn bản để quyết định, cả gia đình cùng bàn bạc, nhưng nếu sau này không phù hợp thì mình thay đổi cũng không sao. Đừng coi đó là quyết định sống còn thì sẽ rất áp lực cho cả con và cha mẹ", chị Khánh Trần nói với SBS. 

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn.

Đón nghe Mái ấm gia đình mỗi tối thứ Ba hàng tuần trên SBS Radio lúc 8.30.

Tuần sau, các khách mời sẽ giải thích về những khái niệm, thông số căn bản như NAPLAN – kỳ thi đánh gia kỹ năng đọc viết và làm toán, school ranking - điểm số của trường và SES - chỉ số kinh tế xã hội để giúp phụ huynh có một bức tranh toàn cảnh về việc chọn trường.

Share